Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng

Với Muôn Vị Nhân Gian, đạo diễn Trần Anh Hùng cho thấy sự lão luyện trong tay nghề làm phim qua dự án mang đậm phong cách cá nhân.

Pot-au-Feu là một món thịt hầm quen thuộc của người Pháp, thường sử dụng nguyên liệu chính là bò và rau củ nhưng đôi khi cũng được kết hợp với các loại thực phẩm khác như bê, gà, chim bồ câu, thỏ, xúc xích… Khi phục vụ, đầu bếp thường chia món này làm 2 course, mở đầu bằng việc thưởng thức nước hầm trước, sau đó mới đến phần thịt và rau củ. Đầu bếp nổi tiếng Raymond Blanc từng ví đây như “tinh hoa của ẩm thực gia đình Pháp” vì độ thông dụng của nó, xuất hiện trên bàn ăn của giới quý tộc giàu sang cho tới tầng lớp dân lao động nghèo khó.

Tên món ăn này ban đầu được đặt cho bộ phim điện ảnh mới nhất của đạo diễn Trần Anh Hùng, trước khi được đổi thành La Passion de Dodin Bouffant (tạm dịch: Niềm đam mê của Dodin Bouffant) và chuyển ngữ thành Muôn Vị Nhân Gian khi phát hành tại Việt Nam từ ngày 23/3.

Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng - Ảnh 1.

Bữa tiệc thị giác thịnh soạn với món chính là tình yêu

Tổng thể Muôn Vị Nhân Gian cũng giống như một thực đơn được Trần Anh Hùng trực tiếp lên ý tưởng với món chính gửi đến các thực khách của mình là chủ đề tình yêu. Phim lấy bối cảnh Pháp cuối thế kỷ 19, kể về Dodin Bouffant - một gourmand (chuyên gia về đồ ăn) với danh tiếng lẫy lừng đến mức được ví như “Napoleon của ngành ẩm thực”. Ông tận hưởng cuộc sống tại vùng quê yên bình cùng tri kỷ Eugénie, người vừa là người tình và đảm nhận vai trò nấu các món ăn ông yêu cầu để tiếp đãi những thực khách giàu có.

Một ngày nọ, một vị hoàng tử mời Dodin tới dùng bữa tối như để khoe khoang về gu ẩm thực của mình. Tuy nhiên, nam chính cảm thấy thực đơn mà đầu bếp đưa ra chỉ mang tính khoa trương nhưng thiếu tinh tế. Sau 8 tiếng ăn uống liên tục, ông vẫn phải về nhà yêu cầu Eugénie nấu riêng cho mình để “thanh lọc” vị giác rồi mới có thể ngủ ngon. Đáp lại, Dodin hứa mời vị hoàng tử tới nhà mình để chiêu đãi lại một thực đơn do ông tự chuẩn bị.

Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng - Ảnh 2.

Dodin quyết định sẽ chọn Pot-au-Feu làm món chủ đạo trong bữa tiệc này, vì cho rằng nó là tinh hoa của ẩm thực Pháp. Ông dành nhiều thời gian để biến tấu công thức để gây ấn tượng với vị hoàng tử. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, Eugénie - lúc này đã là vợ của Dodin - bất ngờ qua đời vì một căn bệnh bí hiểm. Nam chính chìm trong đau khổ vì vừa mất đi người bạn đời mình yêu quý nhất, cũng như không còn nữ đầu bếp đắc lực bên cạnh để chuẩn bị cho bữa tiệc chiêu đãi vị hoàng tử phương xa.

Thực chất, câu chuyện về hành trình tạo ra món Pot-au-Feu ngon nhất của Dodin chỉ như tấm vải bạt để đạo diễn Trần Anh Hùng vẽ nên một bức tranh đầy thi vị về tình yêu. Ban đầu, tâm trí của Dodin trọn vẹn dành cho ẩm thực. Cuộc sống hàng ngày của ông chỉ gắn liền với việc bếp núc và ăn uống. Nhưng tình yêu đó cũng chỉ giống như thứ nước hầm của Pot-au-Feu, được đưa đến cho khán giả như một món khai vị trước khi thưởng thức phần thịt chín kỹ đang chờ đợi ở phía sau.

Xem đến nửa tác phẩm, khán giả dễ dàng nhận ra nội dung chính xoay quanh mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nhân vật chính Dodin và Eugénie. Ban đầu, nữ đầu bếp liên tục chối từ lời cầu hôn của nửa kia, cho rằng họ chỉ nên dừng lại ở mức đồng nghiệp và vẫn có thể ngủ với nhau vào những đêm bà cố tình không khóa trái cửa phòng riêng của mình. Để chinh phục người đẹp, Dodin dốc sức để nấu cho bà một bữa thịnh soạn kèm chiếc nhẫn được giấu đầy cầu kỳ bên trong. Đó cũng là lúc ông chứng minh được với Eugénie rằng bà mới là tình yêu lớn nhất của cuộc đời mình.

Nhưng cũng giống như lời của Dodin, họ đến với nhau khi đã ở “mùa thu của cuộc đời”. Chuyện tình giữa 2 người được hợp thức hóa chưa lâu thì Eugénie đã vĩnh viễn rời xa khỏi nhân thế. Từ một người say mê ẩm thực đến mức có thể dâng hiến cả cuộc đời mình cho nó, Dodin rơi vào hố sâu tuyệt vọng đến mức không buồn nghĩ đến việc ăn uống của bản thân.

Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng - Ảnh 3.
Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng - Ảnh 4.

Tất nhiên, đạo diễn Trần Anh Hùng không để thực khách của mình phải rời bàn tiệc với vị đắng chát của câu chuyện tình dở dang đó. Phần kết của phim là phân đoạn Dodin dần nhìn ra ánh sáng nơi cuối đường hầm tăm tối. Ông tự vượt qua nỗi đau, đứng dậy để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và sứ mệnh của bản thân. Bộ phim kết thúc với dòng suy tưởng trong đầu Dodin về cuộc hội thoại với Eugénie trong quá khứ, rằng bà sẽ mãi mãi sống trong mùa hè của nhiệt huyết tuổi trẻ chứ không bao giờ chấp nhận để cuộc đời ngả sang màu sự tàn úa của mùa thu.

Suốt bộ phim, tình yêu, niềm đam mê của Dodin dần được chuyển từ ẩm thực, qua Eugénie và cuối cùng là chính cuộc sống tươi đẹp xung quanh. Trải qua đủ vị ngọt bùi cay đắng của nhân gian, chuyên gia ẩm thực vẫn chọn tiến về phía trước, hướng về nơi có ánh sáng đang chờ đón. Đây cũng có thể là thông điệp chính mà Trần Anh Hùng muốn truyền tải qua một tác phẩm mang đậm tính cá nhân bậc nhất trong sự nghiệp hơn 30 năm làm phim của mình.

Tay nghề bậc thầy của đạo diễn Trần Anh Hùng

Một điểm khác tạo nên sự hấp dẫn của Muôn Vị Nhân Gian là tay nghề bậc thầy của nhà làm phim gốc Việt Trần Anh Hùng. Tác phẩm cũng giúp ông đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023. Dự án cũng nhận về cơn mưa lời khen từ giới phê bình quốc tế, đạt điểm tươi 97% trên trang Rotten Tomatoes.

Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng - Ảnh 5.
Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng - Ảnh 6.

Trần Anh Hùng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023.

Phần hình ảnh là một điểm cộng lớn của dự án. Tương tự sự tỉ mỉ của nhân vật Dodin trong ẩm thực, đạo diễn Trần Anh Hùng cùng quay phim Jonathan Ricquebourg mang đến hàng loạt phân đoạn được sắp đặt cực kỳ cầu kỳ và mang nhiều dụng ý nghệ thuật. Suốt bộ phim, hai người sử dụng nhiều cú máy dài để tập trung mô tả quá trình làm ra các món ăn, cũng như những cuộc hội thoại quan trọng của các nhân vật chính.

Đặc biệt, phải kể đến phân đoạn mở đầu dài hơn 30 phút mô tả cảnh Eugénie và Dodin cùng các phụ bếp chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn cho nhóm bạn. Tất cả hành động của diễn viên diễn ra nhịp nhàng và uyển chuyển chỉ trong không gian căn bếp chứa đầy dụng cụ nấu nướng. Cảnh kết phim cũng được triển khai một cách cực kỳ tinh tế với cú máy xoay tròn xung quanh căn bếp. Bằng hiệu ứng ánh sáng và việc lựa chọn góc quay, đạo diễn Trần Anh Hùng như đưa người xem bước từ thế giới thực sang ảo để diễn tả sự thay đổi tâm lý phức tạp của nhân vật Dodin chỉ trong trọn vẹn một cảnh quay.

Là một tác gia điện ảnh (auteur), Trần Anh Hùng không bám vào các cách kể chuyện quen thuộc đã trở thành lối mòn. Muôn Vị Nhân Gian đem đến rất nhiều điều mới mẻ cho người xem. Các câu chuyện nhỏ trong phim như được cố tình sắp xếp một cách lộn xộn có chủ đích. Các tình tiết xoay quanh nhóm nhân vật chính vô cùng dễ đoán nhưng vẫn mang đến nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả khi xem.

Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng - Ảnh 7.

Trần Anh Hùng mời đầu bếp 14 sao Michelin cố vấn cho phim.

Phong cách làm phim của Trần Anh Hùng có thể gói trọn trong từ “ý nhị”. Ông hiếm khi làm quá các tình tiết trong tác phẩm của mình để đạt hiệu ứng về cảm xúc hay kể chuyện. Lựa chọn triệt tiêu sự khoa trương còn có thể thấy rõ ở những phân đoạn mô tả đồ ăn trong phim. Trần Anh Hùng chỉ tập trung thuật lại quá trình chuẩn bị của đầu bếp để nêu bật sự tinh tế và kỳ công trong nghệ thuật ẩm thực Pháp. Trong khi đó, đạo diễn đoạn tuyệt hoàn toàn những cú “beauty shot” để đặc tả vẻ đẹp của từng món ăn.

Sự ý nhị đó cũng được thể hiện qua tiết tấu phim rất chậm, không quá nhiều nút thắt. Thay vào đó, đạo diễn luôn tạo ra những khoảng trống nhất định để người xem có thể tự suy ngẫm và tưởng tượng. Câu chuyện của Muôn Vị Nhân Gian cũng như món Pot-au-Feu, được đạo diễn Trần Anh Hùng nêm nếm và đem hầm chín kỹ rồi mới đưa đến phục vụ khán giả.

Diễn xuất của dàn cast thực lực cũng là một điểm sáng của Muôn Vị Nhân Gian. Juliette Binoche và Benoît Magimel đều có màn hóa thân xuất sắc trong dự án lần này. Cả hai đều như trở thành những đầu bếp lão luyện mà không cần sử dụng đến đóng thế. Đặc biệt, những phân đoạn one-shot trong phim đòi hỏi sự chính xác đến từng giây để thực hiện.

Chấm điểm: 4/5

Có thể nói, Muôn Vị Nhân Gian là một tác phẩm theo dạng lát cắt cuộc sống với một kịch bản không quá ấn tượng. Bằng tay nghề lão luyện, đạo diễn Trần Anh Hùng đã biến câu chuyện này trở thành một bộ phim đầy chất thơ và vẫn mang đậm phong cách làm phim của mình.

Muôn Vị Nhân Gian: “Món hầm” nhỏ lửa đậm vị tình yêu từ bậc thầy điện ảnh Trần Anh Hùng - Ảnh 8.