Lưu Thiện (207 - 271), tự Công Tự, thường được gọi với cái tên A Đẩu, là con ruột của Lưu Bị thời Tam Quốc và cũng là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Thục Hán.
Ông ở ngôi 41 năm, tới năm 263 thì quân Thục đánh vào Thành Đô, Lưu Thiện mở cổng thành đầu hàng, nước Thục cũng mất từ đó.
Sau khi đầu hàng Tào Ngụy, Lưu Bị buộc phải tới Lạc Dương và sống dưới trướng của kẻ thù diệt quốc.
Thế nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, ngay cả khi cùng kẻ thù chung sống, Lưu Thiện vẫn có thể yên ổn chết già mà không bị bất cứ kẻ nào nắm thóp trừ khử.
Liệu rằng đâu là lý do khiến một vị Hoàng đế bị cho là nhu nhược lại có được kết cục có thể xem là may mắn như vậy?
Đỉnh cao của bậc "đại trí giả ngu" Lưu Thiện: Dùng 1 câu nói đổi lấy lòng tin của kẻ địch
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sau chính biến Cao Bình Lăng, Hoàng đế nhà Ngụy mặc dù họ Tào, nhưng quốc gia thực chất đã rơi vào tay nhà Tư Mã. Năm 263 khi chiến tranh Thục – Ngụy xảy ra, trên danh nghĩa là Tào Ngụy diệt Thục nhưng thực chất lại là Tư Mã diệt Thục.
Bấy giờ, Lưu Thiện vốn đã từ bỏ ý định chống cự để đầu hàng trước Đặng Ngải. Thế nhưng không ngờ rằng sau đó lại xảy ra sự biến của Chung Hội và Khương Duy, khiến cho không ít đại thần Thục Hán gặp cảnh tai ương, ngay tới Thái tử Lưu Tuyền hay Hán Thọ Đình hầu Quan Di cũng bị loạn quân giết chết.
Trải qua sự kiện lần này, Lưu Thiện chỉ còn lại một số ít đại thần cùng theo về Lạc Dương như Phàn Kiến, Trương Thiệu, Tiêu Châu, Khước Chính... Ông cùng nhóm người này sau khi tới Lạc Dương, trước bị Tư Mã Chiêu nắn gân, sau lại được phong làm An Lạc Công, được hưởng tước vị cha truyền con nối.
Ở Trung Hoa vào thời cổ đại, tước vị chia làm 5 đẳng cấp, lần lượt là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Trong đó An Lạc Công được xếp vào hàng tước Công, là tước vị cao nhất trong chế độ này và chỉ đứng sau tước Vương.
Phải biết rằng lúc ấy Tư Mã Chiêu nhờ vào có công lao diệt Thục nên mới được tấn thăng lên chức Tấn vương. Do đó tước vị của Lưu Thiện cũng có thể xem là hết mực hậu đãi.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sau khi được phong làm An Lạc công, Lưu Thiện dù ngoài mặt được Tư Mã Chiêu khoản đãi thịnh tình nhưng vẫn bị nhân vật này âm thầm theo dõi.
Có lần, Tư Mã Chiêu mở tiệc rượu rồi mời ông cùng các đại thần Thục Hán tới. Hôm ấy, Chiêu cố tình sai cung nữ múa vũ điệu truyền thống của đất Thục. Nhiều đại thần Thục Hán bấy giờ đều rưng rưng nước mắt, duy chỉ có Lưu Thiện lại tỏ ra rất vui vẻ.
Bấy giờ, Tư Mã Chiêu liền hỏi ông rằng còn nhớ Thục Hán hay không, Lưu Thiện liền trả lời:
"Ở đây rất vui, tôi không còn nhớ gì đến đất Thục nữa".
Đại thần Khước Chính nghe vậy thì cảm thấy bất bình, liền khuyên Hậu chủ nếu bị hỏi lại thì nên nói rằng:
"Mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Lũng Thục, không có ngày nào là không nhớ".
Một lúc sau, Tư Mã Chiêu lại hỏi câu ban nãy. Lần này, Lưu Thiện lặp lại y nguyên lời nói của Khước Chính đã dặn.
Chiêu nghe xong liền đáp:
"Sau giống lời của Khước Chính thế".
Lưu Thiện chỉ còn cách thú nhận đầu đuôi, Tư Mã Chiêu liền cười to, cho rằng ông quả thực là hạng nhu nhược, ngốc nghếch, chẳng ôm chí lớn, từ đó không còn đem lòng đề phòng nữa.
Thực tế, đây chính là chỗ cao minh của Lưu Thiện. Bởi Thục Hán đã trở thành dĩ vãng, nếu còn tỏ thái độ không phục hay không cam lòng thì tất sẽ dẫn tới nghi kỵ, hậu quả có khi còn rất nghiêm trọng.
Bản thân nếu vong mạng cũng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng liên lụy tới gia quyến và con dân Thục Hán xưa thì lại trở thành đại sự. Vì vậy Lưu Thiện mới tận dụng kỹ năng diễn xuất cao minh để an toàn vượt qua bài kiểm tra thử lòng này, từ đó tiêu trừ đi nghi kỵ của Tư Mã Chiêu.
Cũng trong hoàn cảnh là Hoàng đế vong quốc, nhưng vua Đông Ngô là Mạt Đế Tôn Hạo sau này dù đã buộc phải quy hàng trước Tư Mã Viêm nhưng vẫn tỏ vẻ không cam lòng, vì vậy mà chỉ được phong làm Quy Mệnh Hầu, bất luận là tước vị hay đãi ngộ đều kém hơn rất nhiều so với Lưu Thiện.
Vị Hoàng đế vong quốc hiếm hoi trong lịch sử may mắn được an ổn sống tới cuối đời
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Năm 265, Tư Mã Chiêu qua đời, thế tử Tư Mã Viêm kế thừa vương vị Tấn vương. Không lâu sau, Viêm bức Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán nhường ngôi, lập ra nhà Tấn.
Lưu Thiện năm xưa từng rất sợ Tư Mã Chiêu nghi kỵ nên mới phải giả ngốc để tránh họa sát thân. Thế nhưng Tư Mã Viêm so với người cha của mình lại càng là một nhân vật thâm sâu, độc ác.
Năm xưa Trần Lưu Vương từng là tước hiệu của Hán Hiến Đế Lưu Hiệp trước khi lên ngôi. Sau này khi ép vua Ngụy thoái vị, ông lại đem tước hiệu này phong ban cho Tào Hoán, ngụ ý giễu cợt Tào Hoán là kẻ vô dụng khiến cho vương triều của mình suy vong.
Tư Mã Viêm đối đãi với Hoàng đế Tào Ngụy từng là chủ nhân của gia tộc Tư Mã đã như vậy, hiển nhiên sẽ càng không khách khí đối với những kẻ từng là địch nhân như Lưu Thiện hay Tôn Hạo.
Lấy Hoàng đế cuối cùng của Đông Ngô là Tôn Hạo làm ví dụ, sau khi nước Ngô bị diệt và buộc phải hàng Tấn, ông vẫn tỏ vẻ không cam lòng. Chỉ vẻn vẹn 4 năm sau, Tôn Hạo liền qua đời ở tuổi 42 khi vẫn còn đương độ tráng niên.
Cái chết của ông mặc dù được công bố với bên ngoài là do bạo bệnh, nhưng không ít người tin rằng bên trong đó vẫn còn tồn tại nhiều bí mật khuất tất chưa được tiết lộ.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Nếu so sánh với vị Hoàng đế cuối cùng của Đông Ngô, kết cục của Lưu Thiện có thể xem là hoàn toàn trái ngược.
Mặc dù qua đời trước lúc Tôn Hạo quy thuận, thế nhưng dưới thời Tư Mã Viêm, Lưu Thiện lại càng thêm cẩn thận trên phương diện ăn nói, hành xử, nhờ vậy mà không bị kẻ nào nắm thóp.
Ông đem "đại trí giả ngu" tu luyện tới cảnh giới tối cao, coi đó là đạo lý sinh tồn khi sống dưới trướng quân giặc, vì thế mà có thể trải qua quãng đời còn lại một cách thoải mái trong tay của gia tộc Tư Mã.
Sau cùng, Lưu Thiện qua đời ở tuổi 64. Vào thời cổ đại, độ tuổi này đã được xem là thọ. Do đó nhiều người vẫn thường nói Lưu Thiện là một trong số những hoàng đế mất nước hiếm hoi có may mắn được an ổn chết già.
Sau khi ông qua đời, con trai thứ sáu Lưu Tuân kế thừa tước An Lạc Công. Khi Tây Tấn xảy ra loạn Vĩnh Gia, Lưu Tuân và gần như toàn bộ con cháu của Lưu Thiện đều bị giết, duy chỉ còn cháu họ là Lưu Huyền may mắn trốn tới Thành Hán.
Tại đây, Lưu Huyền tiếp tục được phong làm An Lạc Công. Cho tới năm 347, Hoàn Ôn Công nhà Đông Tấn diệt Thành Hán, An Lạc Công cũng bị giết. Như vậy, tước vị này tính từ đời Lưu Thiện đã truyền qua 3 thế hệ, tổng cộng kéo dài 84 năm.
*Theo quan điểm của Qulishi.