Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản "pha ke" đáng thất vọng của "ác nữ" Tomie xứ Nhật?

Tomie chính là hình tượng nhân vật truyền cảm hứng cho nữ chính Kitty thể hiện Nanno trong Girl From Nowhere.

Sau 1 năm kể từ thành công của phần đầu, dự án Girl From Nowhere đã chính thức trở lại với phần 2 kéo dài 8 tập, nối tiếp cuộc hành trình "bóc phốt thiên hạ" của cô gái đến từ hư vô Nanno (Kitty Chicha). Bên cạnh những fan vốn rất mong chờ sự trở lại của Nanno, cũng có không ít khán giả cảm thấy thất vọng với nội dung và cách phát triển phần 2 hoặc cả dự án nói chung. Một số ý kiến còn cho rằng Girl From Nowhere vốn lấy cảm hứng từ thương hiệu Tomie đình đám của Nhật Bản nhưng lại không thể đạt được đến như kỳ vọng.

Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 1.

Đầu tiên, cần nhìn nhận Tomie và Nanno có thể giống nhau ở ngoại hình, nhưng mục đích tồn tại trên cõi đời lại khác nhau. Nạn nhân của cả hai thông thường có chung một kết cục: bị khơi gợi những ý nghĩ, tính cách xấu xa ra bên ngoài, dẫn đến hàng loạt hành động khó dung thứ. Tuy nhiên sau cùng, Nanno vẫn là kẻ đến sau, kẻ học theo, kẻ bị truyền cảm hứng từ "ác nữ" xứ mặt trời mọc. Tomie đã thu phục loài người, phô trương sự bành trướng của mình và mang đến thông điệp xã hội theo khuynh hướng vô cùng ám ảnh. So với những điểm đó, Nanno đã làm được đến đâu và còn thiếu sót những gì?

Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 2.

Tomie không đến từ hư vô hóa ra lại là điều tốt!

Nếu so sánh về dòng thời gian của cả hai nhân vật, Tomie và Nanno đều không có điểm xuất phát cụ thể. Tomie vốn tồn tại từ rất lâu trước khi vụ án thảm sát phanh thây tại trường trung học diễn ra (cột mốc hay bị lầm tưởng là khởi nguồn của ả), trong khi Girl From Nowhere chưa một lần lý giải về nguồn gốc của Nanno, ngoại trừ nhan đề "đến từ hư vô". Nhưng chính điều này khiến cho Nanno có điểm yếu thế hơn Tomie.

Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 3.

Yếu thế cụ thể ở chỗ nào? Tomie có thể không phải là con người nhưng Tomie có thật, có tầm ảnh hưởng thật đến xã hội loài người, và người ta nhận thức được mọi việc do Tomie gây nên. Tomie là nữ sinh bị giết chết khiến bạn học u buồn, giáo viên sốc nặng. Cô có ảnh thờ, được hàng ngàn người khóc thương và lên cả báo chí. Sự hiện diện của Tomie chính là một trong những nguồn cơn để ả ta thực hiện nhiệm vụ của mình: thao túng người khác. Vì chỉ khi mọi người chú ý vào ả, nhận thức ả tồn tại thì Tomie mới thành công "nhân bản" mình lên được. Đồng thời, vì Tomie tồn tại nên quy luật "nhân - quả" tồn tại. Ả khiến người ta nảy sinh tội lỗi, thì ngược lại ả bị giết chết. Nhưng sau đó Tomie lại sinh sôi nảy nở, rồi vòng tuần hoàn ấy tiếp tục.

Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 4.
Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 5.

Tomie không ít lần "làm khùng làm điên" trước mắt thiên hạ

Đó là cách mà Junji Ito thể hiện nỗi ám ảnh của tội lỗi trong cuộc sống con người qua từng trang truyện của mình. Cũng giống như hình xoắn ốc Uzumaki (một tuyệt tác khác của Ito), mọi thứ đều nằm trong một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Tomie vừa là nạn nhân, và cũng là kẻ gây nghiệp. Sự tồn tại của ả vừa là "nhân", vừa là "quả", vừa diệt trừ tội lỗi và cũng vừa tạo ra tội lỗi.

Xét về ý tưởng này, tuyến câu chuyện của Nanno gặp hạn chế hơn hẳn do chỉ đi theo một chiều. Nanno đến từ "hư vô", nghĩa là ekip ngay từ đầu đã cho nữ chính một "kim bài miễn tử", rằng có làm gì thì Nanno cũng sẽ không bị ô uế hay bại hoại thanh danh. Nanno đến mọi nơi, gây náo loạn rồi rời đi như một cơn gió. Chỉ có hậu quả để lại là thật khi phần lớn những nạn nhân bị chính tội lỗi của mình "triệt đường sống". Thế nhưng "kẻ gây nghiệp" Nanno vẫn ung dung như thế, chẳng ai ý thức bên cạnh mình từng có một Nanno (ngoại trừ một kẻ mới như Yuri), hay chẳng cơ quan ban ngành nào từng đề cập đến một con người này tồn tại.

Sự tự tin thái quá của Nanno bắt nguồn và được dung túng một cách hão huyền từ hai chữ "hư vô"

Nanno vẫn còn hiền lắm, non lắm so với độ "bạo liệt" của Tomie

Girl From Nowhere có cách tiếp cận vấn đề xã hội theo hướng giật gân, viễn tưởng và thậm chí máu me. Là bộ phim được cho là lấy cảm hứng từ Tomie, thế nhưng độ mạnh bạo của Nanno lại chưa thật sự "đủ đô". Điều này có thể vì Nanno thật sự không phải phản diện, theo như phần 2 cho thấy.

Nanno vốn chỉ tác động đến tinh thần, khiến nạn nhân nảy sinh mong muốn làm chuyện xấu, cho đến khi cô làm Nanai (James Teeradon) có bầu ở tập đầu Girl From Nowhere 2. Năng lực "cấy ghép" sinh linh vào cơ thể người khác, Tomie đã làm nó từ 20 năm trước, và ghê gớm hơn rất nhiều! Để chui ra khỏi cơ thể nạn nhân, Tomie "con" đã làm nổ tung xác họ ra, hay trở thành cục bướu đáng kinh tởm trên vai ai đó. Tomie là hình hài của ác quỷ, ả ta dùng sắc đẹp để chiêu dụ người khác giết mình, và sẵn sàng phô bày những tạo hình ghê rợn nhất.

Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 8.

Tomie mới sinh ra từ quả thận của Tomie cũ, và ra đời nhờ xé xác cơ thể vật chủ

Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 9.
Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 10.

Những hình ảnh ghê tởm của Tomie để dụ dỗ nạn nhân giết ả

Tomie hoàn toàn ác và bẩn tính, nhưng Nanno thì không. Nanno "hại người" có chọn lọc, và sau cùng mục đích của Nanno là để con người nhận ra tội lỗi của mình, và phải trả giá cho chúng. Còn Tomie chẳng quan tâm anh tốt hay xấu, chỉ cần anh giết tôi là được. Điều đó khiến hành trình của Tomie đơn giản hơn hẳn, còn những yếu tố xã hội, con người xung quanh không trở thành áp lực như Girl From Nowhere. Việc quá tập trung vào cách khai thác thông điệp đã "cắn lại" bộ phim bằng tập 2 của phần 2 - một trong những tập có nội dung tệ nhất, "sống sượng" nhất và lạc quẻ nhất, cũng là khi hình tượng Nanno sụp đổ một phần.

Có thể bạn không tin nhưng sự xuất hiện của Yuri chính là yếu tố khiến phim hấp dẫn trở lại. Yuri là đòn cảnh tỉnh dành cho Nanno, Yuri là phiên bản tàn bạo hơn của Nanno, Yuri sẵn sàng "nặng đô" hơn và mong muốn ai ai cũng có năng lực như Nanno. Yuri, gần với Tomie hơn Nanno gấp bội lần.

Nữ chính Girl From Where tự nhận học Tomie để diễn Nanno, nhưng liệu quyết định đó có đúng đắn?

Nói đến đây rồi thì ai cũng thấy được bản chất của Tomie và Nanno khác nhau. Nanno ác hay hiền không rõ, nhưng Tomie chưa bao giờ tốt đẹp. Tomie cười phớ lớ khi sắp bị nạn nhân giết hoặc khi nạn nhân phát điên. Tomie phát ra tiếng tru ai oán khi bị khóa chặt trong tảng xi măng đến mức già nua, nhăn nhúm. Tomie vô cùng tự tin vì 100% anh ta sẽ yêu ả và giết ả, còn cô ta sẽ ghen tị và cũng... giết ả luôn.

Thế nhưng Tomie không diễn. Tomie không giả vờ, không cần "kịch" trước mặt nạn nhân, không cần giả dạng làm con gái của chú này, người thầm yêu anh kia,... để dẫn dụ con mồi. Tomie chỉ đơn giản là Tomie, là bố, là mẹ, là chị gái, là người yêu của bạn. Tomie cần bạn để Tomie tạo ra nhiều Tomie hơn. Càng nhiều Tomie trên đời thì chứng tỏ xã hội càng thối nát, càng cần được sửa chữa nhưng rồi cũng càng trở nên vô vọng. Ngược lại, Nanno chưa bao giờ có thứ gọi là "bản chất thật". Nanno tiếp cận người này với một bộ mặt khác, kẻ kia với bộ mặt khác, rồi trở qua tráo lại với hi vọng kẻ có dã tâm sẽ sa lưới. Nói tóm lại, đơn giản là Nanno luôn cố gắng, còn Tomie thì không cần.

Tomie khiến nạn nhân thấy thấp kém, thù hận và tìm đến sự giết chóc

Tomie cũng không hay "phá bức tường thứ 4" như Nanno. Nhiều khán giả sau khi xem bản live action có thể nghĩ rằng Tomie có chứ, cũng hay có ánh nhìn ghê rợn xoáy sâu vào tâm can. Tuy nhiên đó là ánh nhìn hả hê dành cho nạn nhân, như kiểu "lếu lều lêu người yêu của mày giờ là của tao". Đó là sự tự tin tuyệt đối vì lời nguyền Tomie không chừa một ai, không kẻ nào thoát nổi cả. Tuy nhiên Nanno lại rất hay "phá bức tường thứ 4", thích nhìn khán giả không vì gì cả. Ừ thì ai chả thích khi nhân vật "phá bức tường thứ 4", nhưng Nanno đã lạm dụng rất nhiều lần đến mức tưởng như cô đang cố trở nên nguy hiểm. Và chỉ có kẻ bán chuyên, nửa vời mới làm thế.

Nanno "phá vỡ bức tường thứ 4" vô số lần trong phim không vì mục đích gì

Nhưng vì sao Kitty Chicha - nữ chính Girl From Nowhere lại phải học hỏi Tomie để diễn Nanno? Nanno chỉ giống Tomie ở nốt ruồi và có sắc đẹp. Sắc đẹp của Nanno không phải vũ khí chính để cô dẫn dụ "con mồi", chỉ có tác dụng ở một số tập phim (nhất là khi có con trai). Nanno còn phải xài app, dùng điện thoại, đặt bẫy, tung file ghi âm,... để ít nhất khiến kẻ ác lộ mặt. Nanno không phải là Tomie, không có kẻ hầu người hạ để làm thay cho mình, còn mình chỉ cần ngồi đó đợi... bị giết. Vì vậy việc thể hiện Nanno theo kiểu "Tomie 2.0" một phần khẳng định Nanno chỉ là bản "học đòi" của Tomie, và học không đến nơi đến chốn.

"Đúng vậy, tôi đọc rất nhiều manga của Junji Ito. Nên khi nhận được vai, tôi đã học hỏi từ Tomie"

Tạm kết

Girl From Nowhere không thể phủ nhận là một dự án phim đặc sắc, độc đáo đến từ châu Á trong thời gian gần đây. Thế nhưng, Nanno là nhân vật đặc biệt, gây thương nhớ chỉ riêng với những ai chưa biết Tomie. Với nền văn hóa đại chúng của phương Đông nói chung, sự bành trướng của Tomie đã lớn rộng giống như cách ả ta "phân thân" thành hàng triệu phiên bản trong truyện hay phim. Không có so sánh thì không có đau thương, nhưng nếu nữ chính đã tự nhận cô học hỏi từ Tomie để tạo nên Nanno trên màn ảnh, thì sự so sánh không thể không có. Tomie vẫn mãi là cơn ác mộng xinh đẹp và tàn bạo bậc nhất màn ảnh trong nhiều năm trở lại đây. Nếu bạn đồng ý thì chào mừng bạn đến hội tôn sùng nhan sắc của Tomie, còn nếu bạn trề môi phản đối, thì do bạn đang đố kỵ mà thôi...

Nanno (Girl From Nowhere 2) chỉ là bản pha ke đáng thất vọng của ác nữ Tomie xứ Nhật? - Ảnh 14.

Nguồn ảnh: Tổng hợp