Theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Trung Quốc Qulishi, nhìn lại tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", không khó để nhận thấy danh tác kinh điển này từng khắc họa thành công 5 trận giao đấu đặc sắc hơn cả.
Đó là trận tam anh chiến Lữ Bố, Thái Sử Từ một mình đấu với Tiểu bá vương Tôn Sách, Hoàng Trung đại chiến cùng Quan Vũ, Hứa Chử một mình đánh Mã Siêu và cuối cùng là cuộc so tài giữa Trương Dực Đức cùng Mã Mạnh Khởi.
Trong số đó, trận giao đấu giữa Trương Phi và Mã Siêu ở ải Hà Manh chính là cuộc chiến tay đôi có thời gian dài nhất, kéo dài từ ban ngày cho tới đêm tối. Đây có thể xem là trận "đại chiến ba trăm hiệp" chân chính hơn cả.
Và tại cuộc chiến diễn ra tại Hà Manh, dù cho đây là trận so tài giữa hai hổ tướng, thế nhưng may mắn là kết cục bi thảm một mất một còn đã không xảy ra. Bởi lúc này Gia Cát Lượng đã nghĩ ra kế sách khiến Mã Siêu phải bỏ giáp đầu hàng.
Tuy nhiên cũng bởi vậy mà nhiều độc giả không khỏi băn khoăn: Giả sử Trương Phi và Mã Siêu có cơ hội giao đấu tới cùng, liệu rằng ai sẽ là người chiến thắng trong trận chiến khốc liệt giữa hai hổ tướng ấy?
Cũng theo phân tích của Qulishi trong phạm vi "Tam Quốc diễn nghĩa", đáp án cho câu hỏi nói trên của độc giả có thể được giải đáp thông quan 3 phương diện dưới đây.
Phương diện thứ nhất: Lợi thế về hậu phương
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Đánh giá trên phương diện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", không khó để nhận thấy Mã Siêu là người ở vào thế hạ phong trong trận so tài tại ải Hà Manh.
Bởi Trương Phi lúc này chính là người tác chiến trên "sân nhà". Sau lưng ông chẳng những có thành trì kiên cố mà còn có đại ca Lưu Bị cùng hộ vệ Triệu Tử Long kề cận túc trực.
Vì vậy bất kể vị tướng này có chiến đấu ra sao thì ông cũng không phải lo lắng về vấn đề hậu phương. Do đó, Trương Phi hoàn toàn có thể dốc toàn lực để liều mạng tới cùng với Mã Siêu.
Trong trường hợp Trương Phi đuối sức, ông vẫn có thể trở lại thành Hà Manh nghỉ ngơi. Trong thành trì này, ông chẳng những có thịt rượu để thưởng thức, có đại ca Lưu Huyền Đức làm công tác về tư tưởng, tâm lý, lại càng có thể an tâm kê cao gối mà ngủ.
Trong khi đó, Mã Siêu cùng đội quân của mình vốn là quân viễn chinh, hậu phương chắc chắn không thể so bì cùng đối thủ, đó là còn chưa kể tới việc quân lương phải dùng tiết kiệm, ăn bữa trước lại lo bữa sau.
Chẳng những vậy, vị tướng họ Mã khi đó còn luôn trong trạng thái lo lắng về việc Trương Lỗ có thể nghe kẻ gian xúi giục mà đánh lén mình.
Cho nên sẽ không quá lời khi nói rằng, Mã Siêu ở tại Hà Manh, ngay tới ngủ cũng phải mở một con mắt. Bởi vậy nên ông càng đánh sẽ sàng dễ mệt mỏi, mà Trương Dực Đức thì hoàn toàn ngược lại.
Phương diện thứ hai: Kinh nghiệm giao đấu lâu dài
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo nhận xét của Qulishi, Trương Phi chính là người trưởng thành từ những cuộc giao đấu. Từ sau lần giao thủ với đệ nhất cao thủ một thời là Lữ Bố, nhân vật này giống như được giác ngộ, sức chiến đấu cũng tăng lên vượt bậc một cách nhanh chóng.
Năm xưa, Trương Phi ở Hổ Lao quan từng đấu tay đối với Lữ Phụng Tiên tới "hơn năm mươi hiệp vẫn bất phân thắng bại".
Kể từ lần ấy, ông dường như đã đột phá giới hạn của chính mình, để rồi đạt tới trình độ thượng thừa "trong vạn quân lấy thủ cấp thượng tướng như lấy vật từ trong túi".
Cũng bởi vậy mà bản thân Lữ Bố sau này càng thêm đau đầu mỗi khi đối mặt với Trương Phi. Đây cũng có thể là một trong những lý do khiến nhân vật sở hữu võ công được mệnh danh "đệ nhất thiên hạ" ấy mới phải chọn phương thức đánh lén Từ Châu nhằm tranh thủ lúc Trương Phi say rượu chưa tỉnh, không có năng lực tác chiến.
Như vậy xét trên phương diện kinh nghiệm giao chiến lâu dài, một khi Trương Phi nắm bắt được những chiêu thức ra đòn của Mã Siêu, vị tướng họ Mã ấy rất có thể sẽ bị đẩy vào thế hạ phong.
Phương diện thứ ba: Sự mưu trí trên chiến trường
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Qulishi cho rằng, trong trận doanh của Lưu Bị, nếu xét về độ mưu trí trên chiến trường, Triệu Tử Long chỉ có thể xếp hàng thứ hai, bởi người đứng đầu không ai khác ngoài Trương Dực Đức.
Miêu tả về cuộc chiến ở ải Hà Manh giữa Trương – Mã, "Tam Quốc diễn nghĩa" có viết:
"Nguyên là Mã Siêu thấy đánh không lại được Trương Phi, mới giả vờ thua chạy, lừa cho Phi đuổi tới. Siêu cầm giấu một cái trùy đồng trong tay, quay mình nhằm vào giữa mặt Trương Phi mà quật sang".
Từ đó có thể thấy, Mã Siêu đã phải dùng tới ám khí, luận về khí thế thì đã thua Trương Phi một nước.
Ngay lúc này, Trương Phi đã né mình sang một bên, thành công tránh được một đòn hung hiểm từ đối thủ.
Sau đó, vị hổ tướng này quay ngựa trở về, Mã Siêu liền đuổi tới. Trương Phi liền nhanh chí thốc ngựa đi lấy cung tên, xoay người lại bắn một mũi.
Mặc dù Mã Siêu sau đó cũng tránh được mũi tên kia, thế nhưng việc lựa chọn vũ khí này lại thể hiện trọn vẹn sự khác biệt về mưu trí của hai nhân vật này trong lúc giao đấu.
Bởi lẽ, trùy đồng của Mã Siêu khi sử dụng sẽ bị giới hạn về tốc độ và số lượng, hiệu suất sử dụng và lực sát thương ắt sẽ không bằng những mũi tên do Trương Phi bắn ra.
Nói về khí thế, Trương Phi một khi đã tránh được đòn hiểm sẽ nghĩ Mã Siêu yếu thế hơn mình, từ đó khí thế lại càng tăng cao. Bởi vậy, vị tướng họ Mã rất có thể sẽ rơi vào thế hạ phong, thậm chí là trọng thương hay bỏ mạng nếu đánh tới cùng.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Nếu không xét tới chính sử mà chỉ bình luận trong phạm vi của "Tam Quốc diễn nghĩa", không khó để nhận thấy Mã Siêu là một hổ tướng không thể coi thường. Ông thậm chí từng khiến gian hùng khét tiếng như Tào Tháo phải cắt râu, vứt áo để tháo chạy.
Chẳng những sở hữu cả danh tiếng lẫn thực lực, vị tướng họ Mã này còn mang trong mình xuất thân nhiều đời làm công hầu. Vì vậy mà Mã Mạnh Khởi từng có lúc không khỏi coi thường một kẻ "thất phu thôn dã" như Trương Phi.
Tuy nhiên nếu tổng hợp phân tích từ ba phương diện nói trên, trang Qulishi đã đưa ra một kết luận: Tại trận chiến trước ải Hà Manh, kết cục bắt tay giảng hòa vốn là xuất phát từ lòng yêu mến nhân tài của Khổng Minh, Lưu Bị, còn một khi đánh tới cùng, việc Mã Siêu phải nhận thất bại có khả năng rất cao sẽ xảy ra.
Tất nhiên, nhận định này vĩnh viễn chỉ có thể coi là một giả thiết, bởi thực tế lịch sử cũng như diễn biến tình tiết của "Tam Quốc diễn nghĩa" sau đó không cho Mã Siêu và Trương Phi cơ hội được giao đấu tới cùng để so tài cao thấp.
Vì vậy việc ai mới là người "trên cơ" trong trận chiến tại ải Hà Manh ít nhiều còn phụ thuộc vào cảm quan cũng như cảm tình của độc giả dành cho mỗi nhân vật.
*Theo quan điểm của Qulishi