Iron Man có thể xem là một trong những siêu anh hùng được yêu thích bậc nhất trong vũ trụ điện ảnh Marvel. Không chỉ vui tính, hài hước, anh còn liên tục tạo ra những bộ giáp siêu ngầu trong mỗi lần xuất hiện trên màn ảnh lớn. Dù là phim riêng, phim “đóng ké”, vai phụ, vai cameo, Iron Man đều chinh phục toàn bộ khán giả với những bộ trang phục vừa đẹp lại vừa bá đạo của mình.
Tuy nhiên, vì thời lượng có hạn nên phiên bản điện ảnh đã buộc phải bỏ qua rất nhiều chi tiết, nhiều sản phẩm hay ho do gã tỉ phú lắm tài nhiều tật này tạo ra trong bản truyện tranh gốc của Marvel. Bên cạnh những mẫu áo ấn tượng như Mark 85, Mark 50, Tony Stark cũng từng không ít lần cho ra mắt loạt giáp kì lạ đến xấu hổ mà có lẽ chính anh cũng không bao giờ muốn nhìn lại nữa.
Bộ giáp đầu tiên, nhưng có màu vàng
Đây là bộ giáp đầu tiên mà Iron Man từng thiết kế và nó không thực sự quá tệ so với những sản phẩm sau này. Ngoài ra, nó cũng là nguồn cảm hứng đầu tiên, có sức ảnh hưởng cực lớn đến những thiết kế sau này. Tuy nhiên, lý do sâu xa mà Tony Stark lại lựa chọn nâng cấp lên màu vàng hóa ra lại khá “bựa”: Anh cho rằng màu sắc này sẽ khiến mình ra dáng siêu anh hùng hơn là màu đỏ mận.
Bộ giáp YT1
Khi phát hiện ra Tony Stark đã bị Kang the Conqueror thao túng trong nhiều năm bằng cỗ máy thời gian đặc biệt của hắn, Avengers đã quyết định trở về quá khứ để chiêu mộ phiên bản teen của gã tỉ phú này. Nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng phần truyện này lại bị đánh giá là khá tệ trong các nội dung liên quan đến Iron Man. Cứ nhìn vào bộ giáp mà Tony Stark tuổi teen thiết kế là biết.
Bộ giáp Hydro
Các bộ giáp của Tony Stark không chỉ cơ động trên không, mà cũng đặc biệt hữu dụng khi phải chiến đấu dưới nước. Vậy mục đích để anh tạo ra bộ giáp Hydro này là gì? Nó có gì khác biệt không? Câu trả lời là không, có lẽ Tony chỉ làm cho vui và cho tốn tiền mà thôi.
Bộ giáp xe scooter
Không hài lòng với những ý tưởng bộ giáp biến hình từ ô tô, va-li hay hàng tỉ thứ cool ngầu khác, Tony lại lựa chọn chiếc xe scooter để phục vụ cho thiết kế của mình. Trên thực tế thì bộ giáp này cũng không đến nỗi nào, nhưng khi nó biến hình trở lại thành chiếc mô tô 2 bánh như xe đồ chơi thì gần như khí chất bá đạo ngút ngàn lập tức biến mất, hình tượng Iron Man oai hùng cũng sụp đổ. Và hãy thừa nhận đi, mấy khi gã tỉ phú kiêu ngạo này lại chịu đi xe scooter ra phố cơ chứ.
Bộ giáp Galactus Buster
Trước đây, Tony đã từng nhiều lần chế tạo ra những bộ giáp Buster để chiến đấu với những đối tượng cụ thể. Thế nhưng, với bộ Galactus Buster này thì dường như anh đã cạn ý tưởng rồi thì phải, bởi thiết kế bên ngoài của nó chẳng có gì khác biệt với phản diện Galactus. Và ngoài kích thước quá khổ ra thì nó cũng không thực sự có nhiều ưu điểm so với các mẫu giáp khác.
Bộ giáp High Gravity
Bộ giáp này được thiết kế để gia tăng trọng lực, bảo vệ cơ thể cho Tony khi anh phải du hành vũ trụ để phá hủy 1 tiểu hành tinh, ngăn nó va chạm với Trái Đất. Tuy nhiên, anh vẫn gặp phải tình trạng G-Loc (rơi vào trạng thái vô thức), hôn mê cũng như nhiều vấn đề khác. Bộ giáp High Gravity hoàn toàn bất lực trước những vấn đề đó, không thể làm được gì ngoài việc tự dọn dẹp và làm sạch không gian bên trong nếu chẳng may Tony “không kiểm soát được chất thải”. Ngoài ra, phần truyện này cũng không đề cập đến việc nó có thể bay lượn như những bộ giáp khác hay không.
Bộ giáp Skin
Dường như Tony Stark đặc biệt hứng thú với những bộ giáp siêu to khổng lồ, phải thiết kế càng lớn càng tốt. Một trong những thí nghiệm đầu tiên mà anh từng tiến hành chính là bộ giáp SKIN này - được làm từ 1 loại hợp kim lỏng có thể trở nên cứng cáp như adamantium, nhưng vẫn có độ dẻo để uốn cong thoải mái. Nghe thì có vẻ bá đạo đấy chứ, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì đời đúng không như là mơ: Những phần giáp màu vàng (đặc biệt là ở phần bụng trở xuống) sẽ chỉ hình thành xung quanh những phần giáp màu đỏ theo lệnh của Tony. Nếu anh lơ đãng mà quên không kích hoạt thì coi như nửa dưới của anh đã “phơi bày” hết ra cho thiên hạ ngắm nhìn.
Bộ giáp Phoenix Killer
Đây là sản phẩm hợp tác giữa Tony Stark và Hank Pym, được sử dụng để, đúng như cái tên của nó, tiêu diệt Phoenix Force. Tuy nhiên, thiết kế quá vuông cạnh khiến nó bỗng trở nên lạc loài so với những mẫu giáp uyển chuyện mà Iron Man thường diện khi ra trận. Chưa hết, trong Avengers vs. X-Men, Phoenix Killer không thể tiêu diệt được thế lực vũ trụ Phoenix Force mà lại chia nó ra thành 5 đội quân khác nhau, khiến vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa.
Bộ giáp Ablative
Về mặt ý tưởng thì bộ giáp này khá hữu ích khi nó gia tăng khả năng phòng ngự cho Tony. Các mảnh giáp của Ablative có thể được điều khiển bởi 1 trường lực để có thể linh hoạt hình thành những lớp lá chắn hiệu quả, đồng thời dễ dàng biến đổi thành những món vũ khí tầm xa lợi hại. Nhưng lý do nó lại có mặt trong danh sách này là bởi: Thiết kế bên ngoài không có 1 chút thẩm mĩ nào hết, đặc biệt là phần mặt nạ trông không hề thân thiện chút nào.
Bộ giáp Deep Space
Bộ giáp này cũng tương tự như bộ Ablative: Tính năng ổn, nhưng thiết kế thì không. Khi là 1 thành viên bất đắc dĩ của Guardians of the Galaxy, Tony buộc phải nâng cấp lớp áo giáp của mình để có thể chiến đấu trong vũ trụ dễ dàng hơn, chịu áp lực tốt hơn. Và bộ Deep Space đã đáp ứng toàn bộ những nhu cầu đó. Thế nhưng, phần mặt nạ 1 lần nữa lại khiến nó mất điểm, và có fan thậm chí còn nhận định bộ phận nhô ra ở phần miệng trông khá giống 1 chiếc “rọ mõm”.
Chiếc ô tô hóa giáp Hulkbuster Car
Đây là lần đầu tiên Marvel Comics bê nguyên mẫu thiết kế lấy từ trong phim: Model 52 thực chất chính là Mark 44 Hulkbuster đã từng xuất hiện trong MCU. Tuy nhiên, thay vì sử dụng đúng nguyên bản, Tony Stark trong truyện tranh lại chế cháo nó thành 1 chiếc xe hơi biến hình, nhưng để làm gì thì không ai biết. Ở thời điểm này trong vũ trụ Marvel, Tony đã bán tòa tháp Stark Tower, và anh thừa sức có thể vừa mua vài chục chiếc xế hộp mới, lại vừa thoải mái thiết kế 1 bộ Hulkbuster riêng biệt.
Bonus: Khi mặt nạ Iron Man có phần mũi, không những không đẹp mà lại còn đáng sợ đến ám ảnh!
Theo Gizmodo