1. Hàn Tín - Bị giết vì tội danh mưu phản
Hàn Tín (230 TCN - 196 TCN), nhà quân sự thời kỳ đầu của nhà Hán, người Hoài Âm (thuộc Giang Tô ngày nay). Từ nhỏ ông đã đọc thuộc binh thư, ôm hoài bão an dân trị quốc.
Vì gia cảnh bần hàn, Hàn Tín thường chịu cảnh cơm không đủ no. Ông từng bị kẻ lưu manh ở quê nhà ức hiếp, chịu nỗi nhục chui háng.
Sau khi Trần Thắng, Ngô Quảng dựng cờ khởi nghĩa, ban đầu Hàn Tín tham gia quân của Hạng Lương, sau đó là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, nhưng không được Hạng Vũ trọng dụng. Về sau ông bỏ theo Hán Vương Lưu Bang.
Thời gian đầu, Lưu Bang xem thường Hàn Tín có tướng mạo tầm thường, từng chịu nỗi nhục chui háng. Nhờ có thừa tướng Tiêu Hà hết lòng tiến cử, Lưu Bang mới tấn phong Hàn Tín làm đại tướng.
Hàn Tín được lên làm tướng chưa lâu đã dẫn quân men theo lối Trần Thương đi qua huyện Cố Đạo, giành được luôn khu vực Quan Trung, giúp Lưu Bang có được Tam Tần trong tay. Năm thứ hai, Hàn Tín rời đèo Hàm Cốc, tiến sát kinh đô Bành Thành của nước Sở.
Về sau, Hàn Tín dẫn theo hàng vạn quân mở đường chiến đấu vòng ngoài. Trận đánh Nguỵ, nhắm vào bố trí lực lượng của quân Nguỵ, giả vờ qua sông ở chính diện, âm thầm qua sông ở sau hông, tập kích bất ngờ, bắt được Nguỵ Vương Báo.
Trận Tỉnh Hình, đánh một trận sinh tử, tướng sĩ giành sự sống trong cái chết, ai nấy đều hăng hái chiến đấu, lấy một vạn quân đại phá hai mươi vạn quân Triệu.
Trận Hoài Thuỷ, nhờ vào nước sông, phân tách quân Sở, chia ra tiêu diệt liên quân Tề - Sở. Sau khi công chiếm đất Tề, Hàn Tín được phong là Tề Vương.
Mùa xuân năm 202 trước Công nguyên, hai quân Sở - Hán quyết chiến ở Cai Hạ (Nam Linh Bích, An Huy ngày nay), Hàn Tín một mình làm trung quân (quân chủ lực).
Ảnh minh họa.
Đầu tiên ông lệnh cho hai cánh quân đánh tạt sườn quân Sở, rồi lệnh trung quân tiến lên, nhanh chóng hoàn thiện vòng vây.
Đêm đến, Hàn Tín lệnh cho quân Hán hát dân ca nước Sở, cuối cùng đã khiến quân Sở mất đi ý chí chiến đấu, bị quân Hán bao vây tiêu diệt ngay tại Cai Hạ.
Hạng Vũ thấy không thể cứu vãn, hiên ngang tự sát bên bờ sông Ô Giang. Chiến tranh Sở - Hán kết thúc bằng việc Hán Vương Lưu Bang giành được thiên hạ.
Hàn Tín am hiểu binh pháp, chiến công lớn lao, đóng góp nhiều cống hiến quan trọng cho sự thành lập vương triều Hán. Đạo dùng binh của ông được nhà quân sự đời sau tôn sùng.
Lưu Bang tuy dùng Hàn Tín nhưng đem lòng ngờ vực, nên sau khi Hạng Vũ bại vong đã tước binh quyền của Hàn Tín, cho làm Sở Vương, về sau lại giáng làm Hoài Âm hầu, quản thúc ở bên mình.
Trong những ngày tháng sa sút ấy, Hàn Tín và Trương Lương cùng biên soạn binh thư từ thời nhà Tần đến thời điểm họ sống. Đây cũng là lần biên soạn binh thư quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, đặt nền móng khoa học cho nghiên cứu học thuật quân sự của Trung Quốc.
Năm 196 TCN, Lã Hậu dụ Hàn Tín vào tháp chuông của cung Trường Lạc, giết với tội danh mưu phản. Danh tướng một thời lại có cái chết ngang trái, thật là bi ai.
2. Lý Mục - Bị truy binh giết, cái chết đầy ngang trái
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Lý Mục là một nhân vật không thể xem nhẹ.
Lý Mục (khoảng 290 – 228 TCN) là một danh tướng của nước Triệu trong thời Chiến Quốc. Ông chính là tướng quân lập được nhiều chiến công nhất của nước Triệu khi đánh Tần. Liêm Pha, Triệu Xa đều không bì kịp ông.
Thành tựu nổi bật của Lý Mục là chiến tích trước Hung Nô, trước đó nước Triệu vẫn luôn bị Hung Nô uy hiếp.
Quân Triệu nhiều lần thua Hung Nô, đến mức Triệu Vũ Linh vương đề xướng mặc trang phục gọn gàng, dạy dân chúng cưỡi ngựa bắn tên, biết nhục mà sửa đổi.
Quân Triệu đã học hỏi rất nhiều từ trang bị và phương thức tác chiến của Hung Nô, tạo dựng quân đội kỵ binh khiến sáu nước kinh ngạc.
Nhưng chung quy cưỡi ngựa bắn cung vẫn không phải sở trường của người Hán.
Cho dù kỵ binh nước Triệu có tung hoành ngang dọc ở Trung Nguyên như thế nào, vẫn cứ thất bại hết lần này tới lần khác khi giao tranh với Hung Nô.
Suy cho cùng, dùng kỵ binh chống lại Hung Nô, với người Hán vẫn đang khá bỡ ngỡ. Nếu nói về phương pháp tác chiến kỵ binh, sự đối đầu giữa nước Triệu với kẻ địch quả thật chẳng khác gì lấy trứng chọi đá.
Tình thế ấy kéo dài mãi cho tới sau khi Lý Mục đóng giữ Trường Thành mới có thay đổi.
Lý Mục vốn bị đày đi sung quân ở Bắc Cương, đây là hậu quả của việc Triệu Vương trúng kế ly gián của nước Tần.
Nhưng cũng cần cảm ơn kế ly gián của nước Tần, bởi nhờ sự xuất hiện của Lý Mục, từ đó Trung Quốc có được trận thắng điển hình đầu tiên của dân tộc nông nghiệp trước dân tộc du mục.
Lý Mục thật sự giao chiến với Hung Nô chỉ có một lần, nhưng chỉ bằng một lần đó đã đánh cho Hung Nô gần như mười năm không dám đánh xuống phía Nam.
Trong trận này, Lý Mục phát huy hết trí tuệ của binh pháp Tôn Tử, đầu tiên bại năm trận liên tiếp, nhiều lần bỏ lại dê bò và đồ quân nhu, dẫn dụ lực lượng chính của Hung Nô rời khỏi vùng thảo nguyên quen thuộc của họ, đến ngoại vi Trường Thành sở trường của người Hán để quyết chiến, đồng thời dùng mánh khoé tỏ ra yếu thế trước địch để đối phương mất cảnh giác.
Tiếp đến, ông cho gấp rút xuất kích, tập hợp người ngựa vào đêm khuya, đột kích doanh trại của Hung Nô, giết chết những kỵ sĩ Hung Nô tung hoành trên lưng ngựa khi họ còn đang say giấc.
Đồng thời, vị tướng này cũng cho xe chiến bao vây lối ra nơi đóng quân của Hung Nô, bắn tên dày đặc như châu chấu giết chết những lính Hung Nô bỏ chạy.
Trận chiến này khiến quân chủ lực của Hung Nô gần như bị tiêu diệt toàn bộ, khó khôi phục lại lực lượng trong vài năm.
Ảnh minh họa.
Quan trọng hơn, trận chiến này là trận mẫu kinh điển hiệp đồng tác chiến giữa bộ - kỵ - xa binh của Hán tộc, đưa ra tấm gương có thể học hỏi cho chính quyền người Hán sau này khi đánh với Hung Nô.
Đáng tiếc, kết cục của Lý Mục không được tốt đẹp.
Trước đó, ông đã biết Triệu Vương muốn giết mình. Ông một mình cưỡi ngựa bỏ trốn, kết quả là chạy đến nửa đường thì bị truy binh của Triệu Vương phái tới đuổi kịp và giết chết, một cái chết đầy ngang trái.
Nếu như Lý Mục trốn được, chắc chắn chẳng cam lòng mai danh ẩn tích, không biết quốc gia nào sẽ được lợi.
3. Tiết Nhân Quý - Chết vì bị con trai của mình bắn nhầm
Tiết Nhân Quý là một danh tướng thời nhà Đường, phục vụ qua 2 triều vua Đường Thái Tông và Đường Cao Tông.
Bản thân ông là người phóng khoáng, từ nhỏ sống nghèo khổ. Ông ôn văn luyện võ, lực cánh tay mạnh, khéo làm nghề nông, võ nghệ cao cường, giỏi cưỡi ngựa bắn cung.
Nhà Đường vào những năm Trinh Quán cuối muốn viễn chinh Cao Ly. Năm 644, Tiết Nhân Quý tham gia đội quân của Trương Sĩ Quý (một người tốt bị tiểu thuyết làm oan).
Khi quân Trương Sĩ Quý đến An Địa, Lang tướng Lưu Quân Ấn bị bao vây bởi lực lượng địa phương.
Sau khi Tiết Nhân Quý nghe tin, đã đơn thương độc mã đến ứng cứu, chém được tướng địch, buộc đầu kẻ kia vào yên ngựa, buộc lính địch đầu hàng, cứu Quân Ấn về doanh trại. Lần đầu thể hiện bản lĩnh đã vô cùng dũng mãnh.
Hình ảnh nhân vật Tiết Nhân Quý trên phim.
Tháng 4/645, đội tiên phong của quân Đường đã tiến đến Cao Ly, liên tục đánh bại quân phòng vệ Cao Ly.
Đến tháng 6, đội quân đến được An Thị, Khiển tướng Mạc ly chi Cao Duyên Thọ của Cao Ly dẫn 20 vạn quân đóng quân gần núi, chống lại quân Đường. Sau khi Đường Thái Tông xem xét địa hình, lệnh cho các tướng lĩnh chia ra dẫn quân tấn công.
Lúc này, Tiết Nhân Quý cậy mình dũng mãnh gan dạ, muốn lập công lớn, nên đã mặc giáp trắng áo trắng khác với mọi người, tay cầm phương thiên kích, eo giắt hai chiếc cung, hò hét xông vào trận địa, hạ tướng sĩ Cao Ly chết như ngả rạ, mở ra được một con đường máu.
Quân Đường theo đó tiến lên, quân Cao Ly bị đánh cho thất bại thảm hại. Trận chiến này khiến Lý Thế Dân vô cùng vui mừng, khi điều quân trở về đã nói rằng: "Trẫm không vui vì có được Liên Đông, mà vui vì có mãnh tướng."
Khi Cao Tông trị vì, Tiết Nhân Quý nhiều lần đánh bại Cao Ly, Khiết Đan. Năm 661, thủ lĩnh cũ của Hồi Hột là Bà Nhuận qua đời, Bỉ Lật kế vị chuyển sang đối địch với nhà Đường.
Tiết Nhân Quý dẫn quân đến Thiên Sơn, Cửu Tính Hồi Hội có hơn mười vạn quân, lệnh cho vài chục kỵ sĩ dũng mãnh tiến lên khiêu chiến, ông giương cung bắn liên tiếp ba tên, bắn chết ba tướng. Những người khác khiếp sợ trước sức mạnh thần kỳ, tất cả cả đều xin hàng.
Tiết Nhân Quý thừa thế chỉ huy quân tập kích, Cửu Tính Hồi Hội đại bại, những kẻ đầu hàng đều bị chôn sống. Sau đó, Tiết Nhân Quý lại vượt qua Thích Bắc truy kích quân bại trận, bắt được ba anh em thủ lĩnh.
Về sau, Tiết Nhân Quý thua trước người Thổ Phồn và làm trái pháp luật khi tại nhiệm, nên đã bị cách chức vài lần. Cuối cùng, ông lại được triều đình bổ nhiệm.
Năm 682, A Sử Na Nguyên Chân của Đột Quyết phản Đường, Tiết Nhân Quý dẫn quân ra trận, gặp địch ở Vân Châu. Phe địch hỏi: "Tướng Đường là ai?" "Tiết Nhân Quý".
Quân Đột Quyết kinh ngạc hỏi: "Bọn ta nghe tin Tiết tướng quân bị đi đày ở Tượng Châu đã chết rồi, sao có thể sống lại được?" Nhân Quý tháo mũ sắt xuống, quân Đột Quyết hoảng sợ, xuống ngựa vái lạy rồi bỏ chạy. Nhân Quý truy kích, chém được hàng vạn thủ cấp, bắt làm tù binh hơn 2 vạn người.
Tiết Nhân Quý đánh trận dũng mãnh, còn giỏi dùng quân tập kích, nhiều lần đánh bại các bộ tộc phương Bắc, còn từng giữ chức An Đông đô hộ nhiều năm trông coi khu vực Triều Tiên, năng lực chính trị cũng không tệ, nhưng giết chóc quá nhiều, làm quan lại lơ là trách nhiệm, dung túng thuộc hạ.
So với các nhân vật trong tiểu thuyết diễn nghĩa, võ công của ông không được khen ngợi quá nhiều. Thế nhưng, cái chết của ông lại vô cùng tức tưởi.
Tiết Nhân Quý chết vì bị chính con trai của mình bắn nhầm, không những chết không được yên ổn mà còn khiến con trai ông bị bêu danh cả đời.