Tiểu thuyết "Tây du ký" xuất hiện một nhân vật dù là người trần không có tài phép, ma thuật nhưng lại "to gan" không thua kém yêu quái. Người này chính là Kim Trì trưởng lão.
Trên đường đi lấy kinh, Đường Tăng từng gặp phải không ít yêu ma quỷ quái nhưng thứ đáng sợ hơn cả yêu quái chính là sự tham lam của con người. Tuy yêu quái đều thích ăn thịt Đường Tăng nhưng ít nhất thì chúng quang minh chính đại. Tôn Ngộ Không đều hiểu rõ mong muốn của chúng, thêm vào đó là sự trợ giúp đắc lực của thổ địa, Tôn Ngộ Không trăm trận trăm thắng trong việc diệt trừ yêu quái.
Tuy nhiên, Tôn Ngộ Không có thể phòng được những tên yêu ma đó nhưng lại không hiểu hết được lòng tham của con người. Cụ thể, khi Ngộ Không mới nhận lời lên đường phò tá Đường Tăng thỉnh kinh, hai thầy trò đã gặp Kim Trì trưởng lão, một sư trụ trì Quan Âm Thiện Viện. Khi ấy, Tôn Ngộ Không vốn mới được thả tự do sau 500 năm giam cầm nên không hiểu được thế sự cũng như lòng người nơi nhân gian. Còn Đường Tăng cũng dành 18 năm trời tu luyện trong chùa, ít ra ngoài trải nghiệm, cộng thêm tấm lòng hướng thiện, từ bi nên không đề phòng kẻ gian.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của hai thầy trò, Kim Trì trưởng lão đã dụ Đường Tăng đem chiếc áo cà sa Kim Lan từ trong hành lý ra. Dù có không ít áo cà sa quý hiếm nhưng trưởng lão tự biết chiếc áo cà sa này đặc biệt hơn hẳn và ngay lập tức nổi lòng tham. Tuy nhiên, hắn vẫn nở nụ cười giả tạo, thương lượng với thầy trò Đường Tăng để mượn áo cà sa này một đêm. Đường Tăng không phản ứng, Ngộ Không đã thay sư phụ quyết định, đem áo cà sa cho trưởng lão mượn.
Kim Trì trưởng lão nổi lòng tham muốn chiếm lấy áo cà sa Kim Lan cho riêng mình.
Đêm đó, Kim Trì trưởng lão vừa cầm áo cà sa Kim Lan vừa khóc. Lão đã sống hơn 270 năm mà chưa từng thấy được một báu vật trân quý như thế này. Tiếc thay, bảo bối này lại không thuộc về lão. Khi trụ trì có chuyện, các tiểu hòa thượng trong chùa lại có cơ hội thể hiện bản thân, trong đó có một tên đã đề nghị thiêu chết Đường Tăng trong phòng thiền. Kim Trì trưởng lão cho rằng hành động này có thể "diệt cỏ tận gốc", mới có thể giữ lại áo cà sa quý nên đã đồng ý.
Khi ấy, Đường Tăng trong phòng ngủ không hề hay biết tới âm mưu hiểm độc nhằm vào mình bên ngoài. Trong lúc đó, tên hoà thượng bên ngoài đã chất củi, châm lửa muốn thiêu sống Đường Tăng. May mắn thay, Tôn Ngộ Không còn thức nên đã chạy lên thiên đình mượn chướng chống lửa, cứu mạng của sư phụ.
Video: Cảnh Kim Tri trưởng lão và các tiểu hoà thượng bày mưu giết hại Đường Tăng.
Trái lại Quan Âm Viện của lão hòa thượng Kim Trì bị cháy rụi. Kim Trì sau đó đập đầu vào cột nhà tự tử. Hắc Hùng Tinh ở xa thấy Quan Âm viện bốc cháy bèn đến xem, vô tình bắt gặp áo cà sa trong biển lửa, Hắn biết đây là bảo vật vô giá nên lập tức mang về động, chuẩn bị mở hội áo Phật để khoe khoang với yêu ma các nơi.
Hắc Hùng Tinh chính là yêu tinh gấu đen sống ở núi Hắc Phong gần Quan Âm Viện của Kim Trì trưởng lão. Yêu quái này và Kim Trì vốn là bạn thân. Hắn thường lui tới chùa lễ Phật niệm Kinh, còn chỉ điểm một số đạo thuật dưỡng sinh cho Kim Trì, nhờ vậy mà lão hòa thượng này có thể sống đến hơn hai trăm tuổi.
Tôn Ngộ Không sau khi biết chuyện, vì muốn đòi lại cà sa nên nhiều phen giao tranh với hắn, đánh suốt một ngày nhưng vẫn không có kết quả. Khi Đường Tăng hối thúc Tôn Ngộ Không đi lấy cà sa về, Hầu Vương đã nói rằng: “Bản lĩnh của yêu quái không kém lão Tôn bao nhiêu.”
Hắc Hùng Tinh là bạn thân thiết của Kim Trì trưởng lão.
Về sau Tôn Ngộ Không phải mời Quan Âm Bồ Tát đến giúp đỡ, Ngộ Không hóa thành viên đan dược chui vào bụng Hắc Hùng Tinh quậy phá, khiến hắn đau quá chịu không nổi phải đầu hàng và hứa trả lại cà sa. Sau đó Bồ Tát dùng vòng kim cô chụp lên đầu Hắc Hùng Tinh, niệm chú làm y đau đầu không thoát được, đành chịu theo Bồ Tát quy y Phật Pháp. Sau khi trả lại cà sa cho thầy trò Đường Tăng, Hắc Hùng Tinh đi theo Bồ Tát về núi Phổ Đà làm Sơn Thần, cuối cùng cũng tu thành chính quả.
Trong "Tây du ký" bản 1986, người đóng vai Kim Trì trưởng lão là nghệ sĩ gạo cội Trình Chi. Diễn xuất của ông được đánh giá vô cùng chân thực. Theo Sohu, đạo diễn Dương Khiết từng chia sẻ bà vẫn luôn nhớ mãi về quá trình hoá trang cho nam nghệ sĩ. Theo nguyên tác, Kim Trì trưởng lão là một hòa thượng khoảng trên vài trăm tuổi. Mặc dù trên mặt nghệ sĩ Trình Chi cũng đã xuất hiện nếp nhăn nhưng không nhiều. Vì vậy, các nhân viên hóa trang đã phải phủ lớp cao su lên mặt và dùng máy sấy để tạo nếp nhăn. Để có kết quả như mong muốn, quá trình hóa trang phải mất tới 4 giờ đồng hồ khiến cả đoàn phải ngồi chờ. Lúc đó, nghệ sĩ Trình Chi cũng nóng lòng không kém.
Tạo hình Kim Trì trưởng lão của nghệ sĩ Trình Chi.
Đến tối, sau khi đóng máy sau một ngày quay, ông còn không dám tẩy trang. Sang ngày thứ hai, cả đoàn đều hết sức ngạc nhiên khi lớp hóa trang trên mặt của Trình Chi lại rất tự nhiên. Lớp dán hóa trang tương đối có hại cho da mặt nhưng nghệ sĩ lão thành vẫn quả quyết: "Để như vậy tốt hơn nhiều, đỡ được thời gian hóa trang, mọi người cũng khỏi nhọc công chờ đợi tôi làm gì".
Tinh thần làm việc hăng say vì mọi người của nghệ sĩ Trình Chi khiến đạo diễn Dương Khiết vô cùng cảm động. Ngoài đời, tính cách của ông cực kỳ hài hước và vui nhộn, hễ đi đến đâu đều pha trò cười. Ông còn nổi tiếng là người tinh thông thơ từ, tranh họa và điêu khắc. Ông mất năm 1995 do đau tim đột ngột trên sân khấu, hưởng thọ 69 tuổi.