Nhặt sạn phim Đất Rừng Phương Nam: Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo "giả trân" như phim hoạt hình

Những thay đổi theo hướng hành động giải trí của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khiến Đất Rừng Phương Nam có không ít tình tiết phi lý.

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Đất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có khá nhiều cải biên so với phiên bản truyền hình năm 1997 và tiểu thuyết gốc. Bộ phim cũng chuyển hướng sang thể loại hành động để có thể tiếp cận nhiều khán giả trẻ hơn. Song, đa phần các chi tiết này lại không mang đến hiệu quả bởi quá mâu thuẫn, phi lý.

Nhặt sạn phim Đất Rừng Phương Nam: Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo giả trân như phim hoạt hình - Ảnh 1.

Đất Rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới ra mắt đã tạo ra không ít tranh cãi.

Hình ảnh tạo cảm giác không thuần Việt, lạm dụng ngôn ngữ Gen Z

Ngay sau khi Đất Rừng Phương Nam ra rạp, tác phẩm gây nên nhiều tranh cãi xoay quanh một số tình tiết trong phim. Nhiều khán giả nhận xét khâu bối cảnh và phục trang trong phim gợi liên tưởng đến phim Trung Quốc, Hàn Quốc... chứ không tạo không khí vùng quê Nam bộ. Đặc biệt là chi tiết quần áo của Bác Ba Phi (Trấn Thành đóng) và cách đeo khăn rằn của các diễn viên.

Nhặt sạn phim Đất Rừng Phương Nam: Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo giả trân như phim hoạt hình - Ảnh 2.

Đất Rừng Phương Nam có nhiều tình tiết bị nhận xét không tạo cảm giác thuần Việt.

Xoay quanh những tranh cãi này, ekip phản hồi rằng tác phẩm không phải sách giáo khoa, không mang nhiệm vụ là tư liệu lịch sử. Trước đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có giải thích: "Các bạn sẽ thấy phim có yếu tố người Hoa. Miền Tây, với tôi là vùng đất du nhập nhiều người, có cộng đồng người Hoa, người Tiều. Đó là đặc trưng của miền đất, nơi chào đón nhiều vùng miền".

Nhặt sạn phim Đất Rừng Phương Nam: Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo giả trân như phim hoạt hình - Ảnh 3.
Nhặt sạn phim Đất Rừng Phương Nam: Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo giả trân như phim hoạt hình - Ảnh 4.

Khâu trang phục, bối cảnh trong phim bị nhận xét chịu ảnh hưởng nhiều từ phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng ekip không chú trọng trong việc yêu cầu diễn viên sử dụng giọng điệu, từ ngữ thuần địa phương của miền Tây Nam Bộ. Không những thế, nhiều cuộc hội thoại trong phim đậm chất gen Z. Khi An lần đầu ăn cơm rượu trong Tết Đoan Ngọ, Út Lục Lâm dùng từ “dính” thay từ “thích” để hỏi đứa em về món ăn. Dù rằng một bộ phim thương mại cần sự tươi mới nhưng việc lạm dụng quá nhiều từ ngữ trẻ trung cũng phần nào làm giảm tính chân thực của phim.

Út Lục Lâm như hóa siêu điệp viên, bé An say cơm rượu vẫn trộm được lựu đạn

Nhiều tình tiết, nhân vật phát triển chưa hợp lý. Út Lục Lâm trong phiên bản điện ảnh Đất Rừng Phương Nam được nâng thành nhân vật chính, thậm chí còn lấn át cả An. Từ một tay trộm vặt láu cá, anh nay còn như một siêu điệp viên có tài cải trang, biết cách thao túng tâm lý người khác và không ngại dấn thân vào những nơi nguy hiểm. Trong một phân cảnh, nhân vật có thể giả làm phu nhân của tên chỉ huy người Pháp để đi giải cứu cha con ông Tiều (Tiến Luật) đang bị giam trong doanh trại được canh giữ nghiêm ngặt.

Sự thay đổi nhanh chóng trong tính cách của Út Lục Lâm trong bản điện ảnh cũng khiến nhiều người khá khó hiểu. Ban đầu, nhân vật nghĩ đến việc trộm cắp kiếm tiền, thậm chí lấy đồ từ những người vô tội thiệt mạng xung quanh. Tuy nhiên, khi biết bé An có cha là người làm cách mạng, anh lại xả thân để chăm sóc cậu bé. Bộ phim khép lại mà xuất thân đích thực của Út Lục Lâm vẫn chưa được tiết lộ hoàn toàn. Tuy nhiên, tính riêng trong bộ phim, những nét sáng tạo mới về nhân vật này được tạo nên khá khiên cưỡng và chưa thực sự hợp lý.

Nhặt sạn phim Đất Rừng Phương Nam: Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo giả trân như phim hoạt hình - Ảnh 5.
Nhặt sạn phim Đất Rừng Phương Nam: Lạm dụng ngôn ngữ Gen Z, kỹ xảo giả trân như phim hoạt hình - Ảnh 6.

Tuấn Trần trong vai Út Lục Lâm.

Một chi tiết cũng bị nhận xét khá khiên cưỡng là đoạn bé An say cơm rượu và trộm được cả lựu đạn của giặc, gây nên náo loạn cả pháp trường nơi xử tử Võ Tòng. Trước đó, lính Pháp đã bàn với nhau sẽ rất cẩn trọng vì đây là cái bẫy để bắt Hai Thành. Song, họ lại dễ dàng để một đứa trẻ đang say xỉn và một tên trộm như Út Lục Lâm gây rối một cách dễ dàng. Việc pha trộn yếu tố hài hước một cách quá lố như vậy phần nào khiến phân đoạn này tạo cảm giác nhảm nhí, thiếu nghiêm túc.

Các cảnh hành động “điêu” như phim kiếm hiệp

Trong bản điện ảnh, ekip thêm rất nhiều yếu tố hành động để tăng sự hấp dẫn. Tuy nhiên, các phân đoạn này trong phim bị nhận xét không thuyết phục, chưa kể chịu ảnh hưởng nặng nề từ các tác phẩm kiếm hiệp. Phim có nhiều cảnh rượt đuổi, chiến đấu nhưng rất hời hợt, lạc quẻ. Như đoạn người dân đuổi theo Út Lục Lâm trong chợ diễn trông vô cùng giả trân, như đang chơi đùa chứ không phải bắt cướp. Hay Võ Tòng biết khinh công, bay nhảy đánh võ không khác gì phim của Kim Dung.

Một phân cảnh trông không thể “kiếm hiệp” hơn là khi các bang hội giải cứu tù nhân, dùng đao kiếm để phục kích và đánh xáp lá cà với một đội quân trang bị đầy đủ súng đạn. Tình tiết này có thể khiến người xem hiểu ngầm là những hội nhóm này hoạt động rất bộc phát, chỉ liều lĩnh nhưng không tính toán thông minh. Tuy nhiên, màn đối đầu giữa hai phe diễn ra khá thiếu thuyết phục, kệch cỡm.

Một phân đoạn hành động như phim kiếm hiệp.

Kỹ xảo tệ hại

Một yếu tố cực tệ của Đất Rừng Phương Nam chính là phần kỹ xảo. Ngay từ đầu phim, người xem sẽ được chiêu đãi một màn “cò bay thẳng cánh” dọc theo vùng sống nước, một hình ảnh khá đặc trưng của miền Nam. Điều đáng nói ở đây là phần kỹ xảo trong cảnh này trông không khác gì phim hoạt hình, không thể “giả trân” hơn.

Phần kỹ xảo gây khó hiểu tiếp theo là đoạn những con đom đóm xếp thành hình mẹ An trong phân cảnh cậu bé ngồi ngắm trăng cùng bé Xinh. Thay vì cho nhân vật hồi tưởng lại như bản truyền hình, ekip cố gắng tạo dựng một phân đoạn đậm chất thơ hơn với khung cảnh sông nước hữu tình trong đêm rằm. Tuy nhiên, phần kỹ xảo không đến nơi đến chốn khiến toàn bộ phân đoạn này trông rất giả tạo và sến súa.

Cảnh nhóm An - Cò - Xinh bắn tổ ong cũng tệ hại không kém khi trông như xé giấy dán lên phim. Khi phim sắp kết thúc, khán giả một lần nữa thất vọng trước hình ảnh con cá sấu giả trân bằng CGI. Nhiều khán giả tự hỏi Việt Nam không thiếu những ekip đi làm kỹ xảo cho các bom tấn thế giới mà khi tự làm phim lại để ra nông nỗi này?