Ngày 24/9, Cù Lao Xác Sống đã rời rạp sau 3 tuần công chiếu. So với Vô Diện Sát Nhân, phim kinh dị Việt, ra mắt gần thời điểm, Cù Lao Xác Sống bị chê, phản ứng nhiều hơn vì nội dung vô lý, ngô nghê. Dù vậy, doanh thu của Vô Diện Sát Nhân chỉ đạt chưa đầy 5 tỷ đồng, trong khi bộ phim của nhà sản xuất Nhất Trung thu 12 tỷ đồng.
Nhà sản xuất Nhất Trung đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về bộ phim sau khi bị khán giả chỉ trích, đánh giá là thảm họa.
Tôi không nghĩ phim bị phản ứng gay gắt đến thế
Trước khi rời rạp ngày 24/9, Cù Lao Xác Sống đạt doanh thu 12 tỷ đồng cùng rất nhiều bình luận tiêu cực. Anh đón nhận điều này thế nào?
Tôi nghĩ mình cứ nhìn mọi thứ ở góc nhìn tích cực. Một nhà sản xuất tham gia dự án, chuyện doanh thu chỉ là phần nhỏ thôi. Cù Lao Xác Sống là bộ phim đầu tay của một đạo diễn trẻ, với chủ đề mới. Hãng phim của tôi khi tiếp nhận chủ đề mới từ đạo diễn trẻ cũng cảm thấy thú vị nên quyết định đầu tư. Tôi vẫn ghi nhận sự cố gắng của đạo diễn và ê-kíp khi tìm ra câu chuyện mới. Nhưng rõ ràng cách thực hiện chưa đủ hay.
Trong thời gian làm phim, có một câu tôi thường nói là: "Khán giả luôn luôn đúng". Khi bạn làm sản phẩm phù hợp với sở thích của khán giả, sẽ được chọn. Còn nếu bạn nghĩ tốt nhưng không phù hợp với khán giả cũng sẽ thua. Với tinh thần cầu thị, tôi hay đạo diễn và ê-kíp đều thấy mình thấy đúng sai ở đâu, tự rút ra những bài học cho hành trình sắp tới.
Khi đầu tư vào dự án này chúng tôi xác định đây là hành trình dài, xây dựng series phim về zombie gồm nhiều phần. Hành trình này sẽ khó khăn, thách thức, cần sự quyết tâm rất lớn, là những yếu tố bên trong, chứ không hẳn kinh phí đầu tư. Chúng tôi muốn theo đuổi làm phim về zombie Việt.
Đối với tôi, Cù Lao Xác Sống có ý tưởng làm phim zombie Việt là tốt nhưng còn nhiều hạn chế. Kịch bản phim xây dựng nhân vật đa tuyến nhưng điều này phù hợp với phim tập hơn. Điện ảnh thường sử dụng đơn tuyến, là hành trình của nhân vật chính, đi từ sai lầm, mất tất cả, nhận ra thông điệp của cuộc sống và thay đổi.
Chưa kể thể loại phim zombie là thách thức lớn với ê-kíp. Trước đó, khán giả đã quá quen với hình ảnh zombie nhanh, mạnh ở phim Hàn, Hollywood nên không thể chấp nhận chậm như trong Cù Lao Xác Sống. Và đương nhiên phim còn nhiều hạn chế. Khán giả phản ứng là đúng và ê-kíp phải im lặng và lắng nghe.
Anh có lường trước được việc phim bị khán giả phản ứng gay gắt như vậy?
Nếu nói không là không đúng. Tôi và nhà phát hành đã có những nhận định về hạn chế của phim trước khi phim công chiếu. Nhưng việc bị khán giả phản hồi nhiều như vậy, tôi không tính được. Tuy nhiên gặp nhiều bạn trong nghề, tôi lại nhận được sự động viên vì họ thấy được sự cố gắng của nhà sản xuất, dám đột phá với thể loại mới. Tôi nghĩ ê-kíp đã làm nghiêm túc và cố gắng rất nhiều. Đương nhiên, phim còn hạn chế không ít. Đây còn là sản phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ nên khó tránh sai sót.
Tôi cảm thấy tiếc nuối, chợt nhận ra đáng lẽ phim sử dụng kịch bản đơn tuyến thì tốt hơn. Nhưng nếu đơn tuyến lại khó đi được hành trình dài. Tôi cũng muốn học theo cách làm của các series quốc tế như Kingdom, Resident Evil ….
Tôi nói với ê-kíp nếu xác định là hành trình dài thì mọi người phải vượt qua khó khăn. Có câu rất hay: "Khi mình nghĩ khó khăn đến mức tưởng như phải bỏ cuộc đến nơi thì hãy nhớ đến lý do bắt đầu". Chúng tôi bắt đầu vì muốn có một bộ phim zombie Việt. Không thể đòi hỏi hành trình ấy phải trơn tru được. Cuộc đời này không có gì thuận lợi cả, nhưng ở đó ta luôn có quyền lựa chọn cách nhìn tích cực hay tiêu cực. Vì vậy, chúng tôi xác định sai ở đâu thì sửa ở đó. Ê-kíp, đạo diễn đều cầu thị và cố gắng.
Nhiều khán giả cho biết họ không chịu nổi sự vô lý của phim, chẳng hạn khi xem đến phân đoạn nhân vật gần chết vẫn ca cải lương, họ đã rời khỏi rạp. Anh nghĩ sao về phản ứng của khán giả?
Tôi nghĩ khán giả phản ứng vậy cũng đúng. Không phải bạn có ý tưởng tốt sẽ làm được phim tốt. Điều đó thuộc về tay nghề của đạo diễn. Đạo diễn mới làm phim đầu tay nên còn phải học hỏi nhiều. Tôi tin đạo diễn bây giờ đang tiếc nuối, nếu được chỉnh sửa, sẽ làm khác đi. Nhưng đây rõ ràng là sự thú vị của nghề này, không biết trước điều gì sẽ xảy ra. Bạn mới thành công nhưng sau đó có thể thất bại ngay.
Tôi và ê-kíp không thể bào chữa gì về những hạn chế của phim
Anh từng chia sẻ thức đến 5h sáng để đọc bình luận của khán giả khi trailer, poster ra mắt. Khi phim công chiếu, lượng bình luận nhiều và gay gắt hơn. Cảm xúc của anh thế nào?
Tôi nghĩ quan trọng là cách mình đối diện với vấn đề. Nếu nói tôi không đọc bình luận chê của khán giả là không đúng. Bất cứ nhà làm phim nào cũng đọc bình luận của khán giả về phim do mình sản xuất.
Trong vai trò nhà sản xuất, tôi nghĩ mình đã cố gắng làm những điều tốt nhất. Nhưng để có được sản phẩm tốt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nếu nói về sự phản ứng của khán giả thì Cù Lao Xác Sống vẫn chưa nặng nề bằng bộ phim thứ hai tôi thực hiện đâu, đó là Tây Du Ký hậu truyện. Thời điểm đó phim bị đập tới mức ba mẹ tôi không dám đi đến nhà thờ. Lúc đó, tay nghề tôi quá yếu nhưng muốn làm phim có chủ đề lạ, nhiều kỹ xảo. Áp lực mà tôi phải chịu khủng khiếp nhưng cuối cùng tôi cũng vượt qua bằng sự cố gắng, nghiêm túc của mình. Nhờ vậy sau đó tôi có Nắng, Bệnh Viện Ma, 49 Ngày, Cua Lại Vợ Bầu.
Tây Du Ký hậu truyện, Hoán Đổi Thân Xác là hai dự án đầu tay của tôi và đều là phim thảm họa. Tôi vẫn không bỏ cuộc vì nghề chọn mình thì chắc chắn bản thân có điểm đúng. Tôi đã chia sẻ điều đó với các đạo diễn trẻ. Tôi đi lên từ thất bại nên các bạn thất bại, tôi vẫn ở bên cạnh. Tôi tin rằng đạo diễn không muốn phim thất bại đâu. Chẳng qua, ở thời điểm đó, họ chưa hội tụ đủ các yếu tố để thành công mà thôi. Tôi tin khi mỗi người khi giữ được lửa nghề, tiếp tục phấn đấu với sự nghiêm túc thì sẽ có ngày thành công.
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nhất Trung thừa nhận phim còn nhiều hạn chế. Anh lắng nghe nhận xét của khán giả với thái độ cầu thị.
Anh tự nhận bản thân đi lên từ phim thảm họa. Với Cù Lao Xác Sống anh có nghĩ đây là phim thảm họa?
Tôi vẫn giữ quan điểm là khán giả luôn đúng. Còn chúng ta mỗi người sẽ có quan điểm của riêng mình. Nếu khán giả nói Cù Lao Xác Sống là phim thảm họa, tức nó là thảm họa. Trong ngành này, chúng ta sẽ tự hiểu phim của mình được và yếu gì. Tôi và ê-kíp không bào chữa, giải thích gì về những hạn chế của phim. Nếu phim không thuyết phục được khán giả nghĩa là mình dở rồi.
Dù vậy tôi vẫn ước ao đến thời điểm nào đó làm được bộ phim khiến khán giả xuýt xoa rằng phim Việt cũng làm được phim zombie như nước ngoài. Do đó, ê-kíp chọn cách đương đầu, không bỏ cuộc.
Nhưng phần một bị chê, phần hai khán giả sẽ khó có lòng tin với sản phẩm zombie Việt của anh?
Bị ảnh hưởng là chắc chắn rồi. Nhưng trên thế giới, một số series cũng không phải đều thành công ngay ban đầu đâu. Chẳng hạn, 2 phần đầu của Fast & Furious không được chú ý, từ phần 3 trở đi mới được khán giả yêu thích.
Sang phần hai, chắc chắn ê-kíp Cù Lao Xác Sống phải thay đổi. Tất cả những ngành khác, dù lớn thế nào nếu không thay đổi kịp với thời đại còn bị chết. Cuộc đời này không thay đổi nghĩa là khó tồn tại. Nhưng phần hai thay đổi cụ thể như thế nào, tôi không thể nói trước.
Điện ảnh Việt có quá nhiều thứ khó nhưng vẫn đang phát triển
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn từng cho rằng: một bộ phim thất bại trách nhiệm lớn nhất thuộc về đạo diễn, nhà sản xuất. Nhìn lại, trách nhiệm của anh với việc bộ phim bị phản ứng là thế nào?
Làm phim là công việc tập thể đòi hỏi sự cố gắng của mọi người. Sự thất bại của phim là sự thất bại của nhiều con người. Đã là một đội, cũng như đội bóng đâu thể vì một bàn thua mà đổi tội cho thủ môn không cản được bóng. Đương nhiên mỗi người sẽ gánh trách nhiệm ở phần của mình. Không có lý do gì tôi phải chối bỏ thất bại, trách nhiệm của mình. Nếu có làm như vậy, người khác cũng sẽ không đồng tình đâu.
Từ thất bại của Cù Lao Xác Sống có thể nói điểm yếu chí mạng của phim Việt vẫn là kịch bản?
Việt Nam không có những trường dạy viết kịch bản, quy trình hóa các công đoạn sản xuất phim. Hiện tại, chúng tôi đang học hỏi và làm quy trình cho team biên kịch. Đương nhiên để có được kịch bản xuất sắc rất khó nhưng sẽ có kịch bản tốt nếu xây dựng quy trình đúng.
Kịch bản yếu là hạn chế của phim Việt nhiều năm nay. Chắc chắn điều này sẽ phải được khắc phục trong những năm tới bởi theo quy luật cung cầu, thị trường sẽ loại bỏ những gì không thay đổi. Ai tồn tại thì sẽ phải thay đổi.
2022 được cho là năm thất thu của điện ảnh Việt. Anh nhìn nhận tương lai của điện ảnh Việt thế nào?
Nói chung, nhà sản xuất Việt còn có quá nhiều thứ khó phải đối diện như kinh phí, kỹ thuật, năng lực, kịch bản, cơ chế. Khó nhất là hiểu khán giả muốn gì, thích gì. Đó là câu hỏi tôi đau đầu mỗi khi bắt đầu một dự án. Không có đạo diễn, nhà sản xuất nào dám vỗ ngực, xưng tên làm phim luôn ăn khách cả.
Dù thế nào, tôi tin phim Việt vẫn đang phát triển. Năm 2022, doanh thu phim Việt giảm vì có ít phim, chủ yếu chiếu phim cũ, tồn đọng lại do dịch, chưa thể phát hành, nay mới mang ra công chiếu.
Ở Việt Nam, có 12 đạo diễn làm phim trăm tỷ nhưng đa số họ chưa trở lại. Năm nay, chỉ có 2 đạo diễn trăm tỷ ra mắt phim gồm Võ Thanh Hòa (Chìa Khóa Trăm Tỷ), Phan Gia Nhật Linh (Em và Trịnh) và phim của họ đều có doanh thu tốt. Sắp tới, có đạo diễn Bảo Nhân – Namcito với Cô Gái Từ Quá Khứ, dịp Tết là có phim của Trấn Thành và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng – Chị Chị Em Em.