Nhìn lại hành trình của Spider-Man tại "ngôi nhà" Sony - Liệu có sống tốt nếu rời MCU?

Trước khi gia nhập vũ trụ điện ảnh Marvel, siêu anh hùng Người Nhện (Spider-Man) đã có một thập kỉ thành công tại ngôi nhà cũ Sony.

Trong suốt một ngày vừa qua, cộng đồng yêu phim siêu anh hùng đã sôi sục với thông tin Người Nhện/Spider-Man rời khỏi vũ trụ điện ảnh Marvel. Nguyên nhân của cuộc chia ly đột ngột này là do phía Marvel Studios/Disney muốn nâng mức lợi nhuận lên 50/50 cho mỗi bộ phim liên quan đến Spider-Man, tuy nhiên, phía Sony từ chối vì vốn họ đã phải chịu kinh phí sản xuất và phát hành các bộ phim này (thay vì chỉ đơn giản là viết và làm phim như phía Marvel). Nếu chấp nhận yêu cầu mới của Marvel Studios, Sony có thể sẽ không thu được lợi lớn và chịu rủi ro cao đối với các dự án Spider-Man trong tương lai.

Nhiều người hâm mộ đang hết sức giận dữ Sony, vì hành động dứt áo ra đi của hãng này mà Người Nhện Peter Parker sẽ không còn xuất hiện bên những siêu anh hùng khác trong vũ trụ MCU. Có fan còn cho rằng, không có bàn tay sản xuất từ chủ tịch Marvel Studios - Kevin Feige, những bộ phim Spider-Man sắp tới do Sony sản xuất sẽ vô cùng xuống dốc, không thể bằng được các tác phẩm trong thời kỳ vừa qua. Vậy nhưng điều này có thật hay không? Hãy cùng nhìn lại hành trình của Người Nhện tại Sony trước khi gia nhập MCU để hiểu được tại sao Sony lại “dứt áo” quyết liệt như thế.

1. Khởi đầu ấn tượng với Tobey Maguire

Hãng truyện tranh Marvel Comics lần đầu bán bản quyền chuyển thể nhân vật Spider-Man cho công ty phim Cannon vào năm 1985. Vào thời điểm đó, những bộ phim siêu anh hùng đang ngày càng thất thu, và khả năng một bộ phim về Người Nhện có thể thành công là vô cùng ít ỏi. Trong những năm sau đó, dù trải qua nhiều lần đổi kịch bản và chiêu mộ đạo diễn, thậm chí từng qua tay những tên tuổi nổi tiếng như James Cameron, nhưng một bộ phim về siêu anh hùng trong tranh phục đỏ-xanh vẫn khó lòng thành hiện thực.

Mãi đến năm 1999, khi hãng phim Columbia - trực thuộc công ty Sony mua lại toàn bộ bản quyền sản xuất, một dự án Spider-Man mới chính thức được bấm máy. Với sự chỉ đạo của Sam Raimi và nam diễn viên trẻ Tobey Maguire trong vai chính Peter Parker, Spider-Man đã ra mắt năm 2002 và thành công rực rỡ sau hơn 25 năm trì trệ.

Nhờ sự trung thành với bản gốc, cùng diễn xuất và nhạc phim được đánh giá cao, Spider-Man đã trở thành tác phẩm “hồi sinh” dòng phim siêu anh hùng đầu thập niên 2000. Đây là bom tấn đầu tiên cán mốc doanh thu 100 triệu USD chỉ sau tuần đầu công chiếu, và trở thành phim ăn khách thứ 6 trong lịch sử tại thời điểm đó. Hình tượng Spider-Man do Tobey Maguire thủ vai đã trở thành khuôn mẫu cho mọi tác phẩm về Người Nhện sau này. Tiếp nối thành công của Spider-Man, bộ đôi Sam Raimi và Tobey Maguire tiếp tục hợp tác cho ra mắt Spider-Man 2 (2004) và Spider-Man 3 (2007), cả hai đều thành công về mặt thương mại.

2. Diện mạo mới với Andrew Garfield

Dù ba phần phim Spider-Man 3 đều nhận được phản hồi tích cực, nhưng đạo diễn Sam Raimi lại gặp khó khăn khi sản xuất phần 4, do không hài lòng với kịch bản mà phía Sony đề ra. Rốt cuộc, sau khi xác nhận mình không thể cho ra mắt phần 4 vào năm 2011 như kế hoạch của Sony, Sam Raimi quyết đình rời ghế đạo diễn. Thay vì tìm một đạo diễn khác, Sony triển khai kế hoạch tái khởi động (reboot) một loạt phim mới về Người Nhện, do nam diễn viên Andrew Garfield thủ vai chính và Marc Webb làm đạo diễn.

Ra mắt chỉ 5 năm sau Spider-Man 3, tưởng như The Amazing Spider-Man - phiên bản Người Nhện mới sẽ khó lòng thoát khỏi cái bóng quá lớn của tiền bối. Tuy nhiên, sự thật lại chứng minh điều ngược lại. The Amazing Spider-Man không chỉ nhận về nhiều lời khen về các pha hành động mãn nhãn, diễn xuất và đạo diễn như loạt phim trước, mà thậm chí phiên bản của Andrew Garfield còn được đánh giá là “thực tế hơn” Tobey Maguire.

Tiếp nối thành công của phần đầu, The Amazing Spider-Man 2 nhanh chóng được sản xuất và ra mắt năm 2014. Tuy nhiên, cũng giống như Spider-Man 3 của Sam Raimi trước đó, bom tấn này nhận về nhiều phản hồi tiêu cực do có quá nhiều vai phản diện, làm rối loạn mạch phim. Bên cạnh đó, doanh số củaThe Amazing Spider-Man 2 cũng đạt mức thấp nhất so với tất cả các phim về Người Nhện trước đó, khiên Sony dần từ bỏ kế hoạch sản xuất phần 3.

3. Thành công bất ngờ với Spider-Man: Into the Spider-Verse

Sau màn ra mắt không như mong đợi của The Amazing Spider-Man 2, Sony bắt đầu cân nhắc các lựa chọn kế tiếp cho nhân vật Người Nhện. Một trong số đó là đưa đạo diễn Sam Raimi trở lại để chèo lái một phiên bản Spider-Man mới. Vậy nhưng, kế hoạch này đã bị hủy bỏ vì thỏa thuận giữa Sony với Disney - công ty chủ quản hãng phim Marvel Studios. Kể từ năm 2016, Sony bắt tay với Marvel Studios để cho ra đời phiên bản Người Nhện do Tom Holland thủ vai. Phiên bản này vẫn thuộc sở hữu của Sony, nhưng có chân trong vũ trụ chung MCU của Disney, và xuất hiện trong 5 bộ phim rất thành công gồm Captain America: Civil War (2016), Spider-Man: Homecoming (2017), Avengers: Infinity War (2018), Avengers: Endgame (2019) và Spider-Man: Far From Home (2019).

Nhưng phiên bản “dùng chung” với Disney không phải con đường duy nhất để Sony khai thác thế giới Người Nhện. Vào nửa cuối năm ngoái, hãng này tung ra Venom - bộ phim xoay quanh kẻ thù lớn của Spider-Man, do nam diễn viên Tom Hardy thủ vai. Không lâu sau đó, Sony tiếp tục cho ra mắt bộ phim hoạt hình Spider-Man: Into the Spider-Verse xoay quanh một phiên bản Người Nhện khác là Miles Morales. Venom thu được doanh thu cao vút, còn Into the Spider-Verse nhận được phản hồi vô cùng tích cực, thậm chí còn thắng giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất.

Sau gần 2 thập kỷ đồng hành cùng Spider-Man, Sony đã phát triển thương hiệu Người Nhện thành siêu anh hùng hàng đầu thế giới, ngang ngửa những cái tên lừng danh như Superman, Batman. Dù không có sự can thiệp của Disney, không ai có thể phủ nhận Spider-Man là cái tên rất đỗi giá trị dù đứng chung hay độc lập. Việc chấp nhận chia sẻ mức lợi nhuật quá lớn với Disney dường như là không cần thiết, khi mà Sony vẫn có rất nhiều tài nguyên để khai thác nhân vật kinh điển này.