Những bản phim chuyển thể bị tác giả nguyên tác quay lưng

Từ lâu, phim chuyển thể từ tiểu thuyết đã trở nên quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng khiến cho tác giả nguyên tác cảm thấy hài lòng.

Breakfast at Tiffany's (1961): Truman Capote đã tạo ra nhân vật Holly Golightly trên trang sách với một nàng thơ màn ảnh có thực trong tâm tưởng, và đó rất tiếc không phải Audrey Hepburn. Ông muốn mời Marilyn Monroe vào vai, và coi quyết định chọn Hepburn của hãng phim là sự công kích tới cá nhân. Công bằng mà nói, bộ phim đã tô hồng những góc đen tối và mơ hồ trong nguyên tác của Capote, biến Breakfast at Tiffany's trở thành tác phẩm tươi sáng và thân thiện. Cái kết hạnh phúc khi Holly có được tình yêu trọn vẹn trên màn ảnh càng khiến Truman Capote thêm bất bình.

The Birds (1963): Tác phẩm giật gân của Alfred Hitchcock chỉ đưa lên màn ảnh rất ít những gì được kể trong truyện ngắn cùng tên của Daphne Du Maurier. Hitchcock đã yêu cầu biên kịch Evan Hunter phát triển một kịch bản phức tạp, với những nhân vật có chiều sâu hơn dựa trên ý tưởng ban đầu của Du Maurier về vụ tấn công bí ẩn do đàn chim dữ gây ra. Bối cảnh bộ phim cũng được thay đổi từ Cornwall tới California. Tất nhiên, nữ văn sĩ người Anh không cảm thấy hài lòng với quyết định này.

Mary Poppins (1964): Mâu thuẫn giữa tác giả P.L. Travers với Disney xung quanh sự ra đời của Mary Poppins đã trở thành kinh điển, tới độ chính "nhà chuột" sau đó sản xuất bộ phim Saving Mr. Banks (2013) nhằm kể lại câu chuyện này. Travers vô cùng hối tiếc việc đặt bút ký vào bản hợp đồng cho phép Disney sản xuất phim về nhân vật Mary Poppins và ghét bỏ mọi ý tưởng được sử dụng trong bản phim năm 1964, từ nhạc phim, cho tới phần hoạt hình được lồng ghép trong tác phẩm. Tuy nhiên, P.L. Travers đã tới dự buổi công chiếu Mary Poppins. Truyền thông thời ấy đưa tin bà phát khóc vì bộ phim trong nỗi kinh hoàng.

Willy Wonka and the Chocolate Factory (1971): Roald Dahl vô cùng giận dữ khi phiên bản chuyển thể năm 1971 đã chỉnh sửa mạnh tay nguyên tác của ông, dù chính nhà văn đã tự tay viết kịch bản. Để đề phòng sai lầm tiếp diễn, Dahl viết vào di chúc của mình yêu cầu không được phép chuyển thể phần tiếp theo của bộ sách. Quyết định của nhà văn là lý do mà người xem không bao giờ được thấy Charlie and the Great Glass Elevator xuất hiện trên màn ảnh.

One Flew Over the Cuckoo’s Nest (1975): Tiểu thuyết gia Ken Kesey đã tham gia vào quá trình xây dựng kịch bản cho bộ phim Bay trên tổ chim cúc cu khi dự án mới là ý tưởng sơ khai. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bị loại vì “khác biệt trong quan điểm sáng tạo” với đạo diễn Milos Foreman. Kesey bất bình với kịch bản chính thức do Lawrence Hauben và Bo Goldman chấp bút, bởi phiên bản đã thay đổi góc nhìn từ Chief Bromden (tình trạng tỉnh táo trong tâm trí của nhân vật là trọng tâm cuốn sách) sang Randle McMurphy của Jack Nicholson.

The Shining (1980): Bộ phim chuyển thể của Stanley Kubrick khác xa nội dung cuốn tiểu thuyết ra đời năm 1977 của Stephen King. Vị đạo diễn đã thay đổi rất nhiều yếu tố trong cốt truyện, bao gồm cả cái kết, và lý giải hành vi bạo lực điên loạn của Jack Torrance. Tất nhiên, việc này khiến King cảm thấy bất bình. Ông gọi bản phim năm 1980 là “bộ phim của một kẻ nghĩ quá nhiều, nhưng cảm quá ít”. Stephen King thậm chí còn tự viết kịch bản và sản xuất một phiên bản chuyển thể của riêng mình với tựa đề Stephen King’s The Shining vào năm 1997. Tất nhiên, tác phẩm mang tính “cố đấm ăn xôi” nhanh chóng bị quên lãng.

American Psycho (2000): Bret Easton Ellis gặp phải vô vàn vấn đề với phiên bản điện ảnh chuyển thể có sự tham gia của Christian Bale. Đầu tiên, ông cho rằng nguyên tác của mình là không thể chuyển thể vì nội dung tiểu thuyết kể về ý thức của con người - điểu không thể ghi lại trên khung hình. Thứ hai, đạo diễn của bộ phim, Mary Harron, là một phụ nữ.

Watchmen (2009): Alan Moore ghét bỏ mọi phiên bản chuyển thể từ các tác phẩm của mình. Nhà văn vùng Northampton luôn yêu cầu được xóa tên khỏi danh sách đoàn phim, bởi tin rằng tác phẩm của mình không thể làm thành phim điện ảnh. Danh sách các tác phẩm bao gồm V for Vendetta (2005), The League of Extraordinary Gentlemen (2003), và From Hell (2001). Nhưng Moore chưa ghét bỏ tác phẩm nào trong số đó bằng Watchmen (2009) của Zack Snyder. Bộ phim bom tấn của Snyder trung thành tuyệt đối với nguyên tác. Nhưng Moore đặc biệt bất bình khi DC lén cho sản xuất nhiều vật phẩm ăn theo bộ phim mà không thông qua mình. Rốt cuộc, ông “muốn nguyền rủa bộ phim chết giẫm và mọi thứ liên quan đến nó”.

Percy Jackson and the Lightning Thief (2010): Khi người hâm mộ nhận ra một số cảnh trong bản phim Percy Jackson and the Lightning Thief phát trên Disney+ đã bị kiểm duyệt, Rick Riordan - cha đẻ của nguyên tác tiểu thuyết - đã đùa rằng “nhà chuột” nên kiểm duyệt cả bộ phim, và tất cả những gì của bản chuyển thể nên xuất hiện trên màn ảnh chỉ là “hai tiếng đồng hồ màn hình trắng bóc”. Ông cũng cho rằng bản chuyển thể năm 2010 đã nghiền nát tác phẩm của mình, dù nhà văn đã hết lời can ngăn. May mắn cho nhà văn, trong lần Percy Jackson được chuyển thể thành phiên bản truyền hình sắp tới, Riordan đã có nhiều tiếng nói hơn trong quá trình sản xuất.

(Theo Anh Phan - zingnews.vn)