Blackhat (2015): Bộ phim hành động - giật gân ra đời đầu năm 2015 gây chú ý bởi do đạo diễn Michael Mann thực hiện, cũng như có Chris Hemsworth đóng chính. Tuy nhiên, tại Bắc Mỹ, Blackhat bị lu mờ bởi American Sniper (2015) và báo chí chê bai tệ hại. Tiêu tốn 70 triệu USD để sản xuất, phim chỉ thu 3,9 triệu USD nội địa sau ba ngày, dù được phủ khắp 2.500 rạp. Con số rơi xuống mức 1,7 triệu USD trong tuần thứ hai, và Universal quyết định rút Blackhat khỏi 2.200 rạp. Vòng đời chiếu rạp của bộ phim cũng chỉ kéo dài thêm đúng một tuần nữa, trước khi hoàn toàn khép lại với thành tích ê chề 7,9 triệu USD nội địa.
Seeking Justice và Stolen (2012): Chỉ trong vòng 6 tháng, Nicolas Cage hứng chịu hai thất bại thê thảm. Đầu tiên, phim giật gân Seeking Justice ra trận ở 231 rạp Bắc Mỹ, nhưng rồi bị rút khỏi toàn bộ các hệ thống chiếu phim sau chưa đầy một tháng vì chỉ thu hơn 400.000 USD. Doanh thu quốc tế tốt hơn với 11,9 triệu USD, nhưng vẫn không đủ để thu hồi vốn. Sau đó, Stolen còn khủng khiếp hơn. Ra quân ở 141 rạp Bắc Mỹ, bộ phim hành động sớm rời khỏi các phòng chiếu chỉ sau đúng hai tuần với hơn 300.000 USD. Doanh thu quốc tế của Stolen là 13,6 triệu USD, nhưng cũng vẫn chưa đủ để hồi vốn.
Delgo (2008): Bộ phim hoạt hình phiêu lưu - giả tưởng trị giá 40 triệu USD mất 6 năm để sản xuất, và hai ngôi sao Anne Bancroft cùng John Vernon thậm chí còn qua đời trước khi được chứng kiến thành phẩm. Trên thực tế, Delgo còn quy tụ rất nhiều ngôi sao khác như Jennifer Love Hewitt, Val Kilmer hay Freddie Prinze Jr. Nhưng ngay cả nỗ lực đưa tác phẩm tới các liên hoan phim của hãng Freestyle Releasing để gây tiếng vang cũng không thể giúp ích cho bộ phim có tạo hình nhân vật thiếu thân thiện, nội dung tẻ nhạt. Sau ba ngày phát hành tại 2.160 rạp Bắc Mỹ, Delgo chỉ đem lại gần 695.000 USD. Phim lập tức bị rút khỏi rạp, và hủy luôn cả việc phát hành quốc tế.
Swept Away (2002): Khi đang đứng trên đỉnh cao danh vọng nhờ Snatch (2001), đạo diễn Guy Ritchie kết hôn với Madonna, và cả hai sớm thực hiện Swept Away - phiên bản làm lại từ bộ phim lãng mạn hồi 1974 của Italy. Báo chí đồng loạt chĩa mũi dùi về phía tác phẩm, thậm chí gọi đây là phiên bản giễu nhại của nguyên tác. Hãng Screen Gems gặp khó khăn trong việc chào mời Swept Away, và phim chỉ có mặt tại 196 rạp. Dẫu thành tích ra mắt 354.000 USD không tệ, Screen Gems vẫn quyết định rút phim sau hai tuần. Tính cả doanh thu quốc tế, Swept Away chỉ mang về gần 1,6 triệu USD. Đó là con số kém xa khoản kinh phí 10 triệu USD ban đầu.
It's Pat (1994): Từ một nhân vật của chương trình Saturday Night Live, Pat của Julia Sweeney được phát triển một bộ phim điện ảnh. Nhưng ngay cả khi có sự tham gia viết kịch bản của anh em nhà Farrelly hay Quentin Tarantino, It’s Pat vẫn thất bại thảm hại. Nhận thấy vấn đề ở thành phẩm, hãng Touchstone chỉ phát hành phim ở 33 rạp Bắc Mỹ. Trong ba ngày ra mắt, tác phẩm hài thu vỏn vẹn 30.000 USD. Cộng thêm sự ghẻ lạnh từ báo chí, It’s Pat bị rút khỏi rạp ngay lập tức. Đến nay, đây là phim hiếm hoi nhận điểm 0% trên Rotten Tomatoes.
Inchon (1982): Inchon là một trong những tác phẩm kỳ lạ nhất lịch sử điện ảnh. Kinh phí sản xuất 46 triệu USD đến từ Sun Myung Moon - một nhân vật tôn giáo gây tranh cãi ở Hàn Quốc. Người này muốn thực hiện Inchon nhằm tôn vinh vai trò của tướng Douglas MacArthur trong Chiến tranh Triều Tiên. Từ ngôi sao Laurence Olivier đến đạo diễn Terrence Young sau này thừa nhận họ gật đầu tham gia dự án chỉ vì tiền bạc. Mất ba năm để thực hiện, Inchon ra đời và sớm bị báo chí trù dập bởi các cảnh hành động, bối cảnh trông quá giả tạo. Quá trình ra rạp của bộ phim tại Bắc Mỹ kéo dài đúng hai tuần và đem lại 5,2 triệu USD. Toàn bộ kế hoạch phát hành quốc tế và dưới định dạng băng đĩa của Inchon sau đó bị hủy bỏ.
Honky Tonk Freeway (1981): Bộ phim hài kỳ quặc kể câu chuyện nhóm cư dân tại một thị trấn Florida yêu cầu thống đốc xây dựng lối ra cho đường cao tốc nhằm thu hút khách tới tham quan khu safari của họ. Song, ngay cả đạo diễn John Schlesinger - người thắng giải Oscar hơn một thập kỷ trước đó với Midnight Cowboy (1969) - cũng không thể thành công. Không ai quan tâm đến Honky Tonk Freeway và phim rời rạp Bắc Mỹ chỉ sau đúng một tuần với doanh thu 2 triệu USD. Đó là thương vụ thê thảm, bởi dự án ban đầu tiêu tốn tới 24 triệu USD để sản xuất.
The Swarm (1978): Ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, Michael Caine bỗng nhiên vấp ngã. Sau sự lên ngôi của Jaws (1975), các hãng phim đua nhau thực hiện các dự án kinh dị lấy chủ đề con người đối đầu thiên nhiên. Câu chuyện về cuộc tấn công của hàng triệu con ong năm 1978 ra đời khi trào lưu đã dần đi xuống. Theo báo chí thời đó, The Swarm bị rút khỏi các rạp chiếu phim Mỹ chỉ sau đúng hai tuần vì hứng chịu quá nhiều lời chê bai. Kinh phí sản xuất phim là 10-20 triệu USD, mức rất cao tại thời điểm thập niên 1970. Năm 2010, một số nhà sản xuất từng muốn remake tác phẩm, nhưng sau đó đã bỏ cuộc.
10 dấu hiệu đáng ngờ của một bộ phim khả năng cao sẽ cực kỳ dở
(Theo Nam Lương - zing.vn)