Những cảnh quay dưới nước của "Aquaman" diễn ra như thế nào?

Đạo diễn James Wan ví công nghệ mới giúp họ như “hổ mọc thêm cánh”.

Aquaman và vương quốc thất lạc vẫn đang là phim có doanh thu cao nhất phòng vé Việt hiện tại. Theo số liệu từ Box Office Việt Nam, phim đạt doanh thu hơn 70 tỷ đồng tính đến ngày 2/1/2024.

Những cảnh quay dưới nước của
Những cảnh quay dưới nước của

Được đánh giá là phần phim xuất sắc nhất của nhà DC trong năm 2023, tác phẩm có kinh phí hơn 205 triệu USD đã mang tới một thế giới dưới đại dương mãn nhãn cho người xem. Không ít khán giả tò mò về những cảnh quay dưới nước được thực hiện ra sao để tạo hiệu ứng chân thật đến vậy?

Để làm được điều này, đạo diễn James Wan và đội ngũ ê-kíp đã không ngại tiếp cận những kỹ thuật, công nghệ mới, đồng thời có sự đột phá đáng kể về gu thẩm mỹ và màu sắc được sử dụng xuyên suốt phim. Vương quốc Atlantis dưới lòng đại dương là bối cảnh chủ đạo của phim, mọi diễn biến chủ yếu xoay quanh siêu anh hùng Aquaman (Jason Momoa) với các cảnh chiến đấu đều diễn ra dưới nước.

Những cảnh quay dưới nước của

Aquaman And The Lost Kingdom sử dụng công nghệ quay phim dưới nước mới. Công nghệ quay phim này giúp những cảnh quay dưới nước chân thực hơn. Sau khi thêm các hiệu ứng CGI khác, hình ảnh trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.

Những cảnh quay dưới nước của

Việc kết hợp công nghệ quay phim dưới nước mới và các hiệu ứng CGI tạo nên hình ảnh mãn nhãn

Xuất hiện trong buổi giới thiệu sản phẩm của hãng Warner Bros. Discovery trong khuôn khổ sự kiện CinemaCon tổ chức tại Las Vegas, Mỹ, đạo diễn James Wan đã chia sẻ về công nghệ mới được sử dụng quay các cảnh hành động dưới nước.

Để tạo nên những phân đoạn mượt mà, uyển chuyển như dưới đại dương thật 100%, ê-kíp đã trải qua quá trình khá gian nan. Phần lớn các cảnh quay chuyển động như đang dưới nước thực chất có sự hỗ trợ của phông xanh, cũng như cho các diễn viên chuyển động nhờ dây cáp. Các cảnh quay này khiến diễn viên không thoải mái, thậm chí gây đau đớn, đồng thời giới hạn góc quay của đạo diễn.

Khi thực hiện Aquaman (2018), các diễn viên đã phải “chịu đựng nhiều đau đớn thể xác” vì phải treo người trên hệ thống dây cáp và trụ đỡ. Nam diễn viên chính Jason Momoa từng phải phàn nàn về hệ thống khung đỡ dùng trong các cảnh bơi lội trên phim trường Aquaman. Với một người có hình thể vạm vỡ như tài tử này, đó không phải hệ thống hỗ trợ thoải mái nhất. Đạo diễn James Wan từng chia sẻ Jason đã nói với ông: “Quay phim này xong chắc phải lâu lắm nữa mới có con lại được”.

Những cảnh quay dưới nước của
Những cảnh quay dưới nước của

Công nghệ mới giúp Jason Momoa ít bị thương hơn trong khi quay Aquaman

Tuy nhiên tình hình đã được cải thiện đáng kể trên phim trường của phần phim mới.

“Nó giúp các diễn viên chịu ít đau đớn hơn, điều này sau cùng cũng tốt cho tôi, bởi họ sẽ không còn la hét thét gào vào mặt tôi nữa”, James Wan chia sẻ. Nam đạo diễn ví công nghệ mới giúp họ như “hổ mọc thêm cánh”.

“Chúng tôi có thể làm được những điều mà trước đó vẫn còn bất khả thi, và điều này thực sự tuyệt vời”, James Wan nói.

Ê-kíp đã áp dụng công nghệ quay Eyeline Studio với 136 máy quay phụ trợ, giúp diễn viên có thể thoải mái diễn xuất trong những cảnh quay dưới nước. Các máy quay hướng vào diễn viên để ghi lại từng cử chỉ, diễn xuất, sau đó dữ liệu được tổng hợp và đắp vào mô hình 3D của chính diễn viên.

Clip hậu trường "Aquaman và vương quốc thất lạc"

Công nghệ mới không chỉ giúp ê-kíp dễ dàng hơn trong việc thực hiện những phân cảnh này, mà còn mang đến hiệu quả tối đa giúp các cảnh quay tự nhiên hơn.

Kết quả sau cùng thật sự mang đến bữa tiệc thị giác mãn nhãn cho người xem, mang đến những pha rượt đuổi, giao chiến bùng nổ dưới mặt biển.