Thể loại Shonen từ lâu đã luôn khẳng định được vị thế của mình trong làng manga/anime với một lịch sử lâu đời. Hầu hết mỗi ấn phẩm Shonen, các mangaka (tác giả manga) lại đem tới cốt truyện, nhân vật đa dạng và quan trọng nhất vẫn là về sức mạnh thứ làm nên những trận đánh hoành tráng.
Thông thường thì hệ thống sức mạnh là chi tiết đóng vai trò quan trọng để giữ tính ổn định cho dàn nhân vật trong một manga/anime Shonen. Chính vì vậy mà các tác giả thường sẽ thêm thắt một số chi tiết liên quan đến nguồn gốc, cách vận hành của một loại sức mạnh nào đó. Sau đây thì hãy cùng nhau điểm lại 10 điểm tương đồng mà ta hay gặp trong các tác phẩm Shonen nhé!
10. Dùng thức ăn để hồi phục thể trạng
Mở đầu sẽ là một điều thường hay được nhìn thấy trong manga/anime Shonen. Nhân vật chính hay có khả năng tiêu thụ được rất nhiều loại đồ ăn khác nhau, với số lượng rất lớn và đa phần đều có niềm đam mê vô hạn dành cho thịt nhằm hồi phục lại năng lượng, thể lực đã tiêu hao trong một trận đánh. Ví dụ như nhân vật Luffy trong One Piece, Goku trong Dragon Ball hay Toriko trong tác phẩm cùng tên thậm chí là còn dùng đồ ăn để quên đi vết thương kể cả khi bị đánh bầm dập.
9. Bài kiểm tra năng lực trong Naruto và Hunter x Hunter
Trong Hunter x Hunter, thì Nen (niệm) chính là khái niệm về khả năng kiểm soát nguồn năng lượng phát ra từ cơ thể. Và mỗi người đều có một hệ Nen bẩm sinh khác nhau như cường hóa, phóng xạ, biến hóa,… Các thợ săn trong truyện đều phải trải qua một bài sát hạch để đủ tư cách học Nen.
Còn trong Naruto cũng phân chia một loại khái niệm khá tương tự với tên gọi là hệ nguyên tố tự nhiên. Cụ thể các nhẫn giả cũng sẽ thực hiện một loại "kiểm tra" nho nhỏ để nhận biết hệ nguyên tố cơ bản của mình là gì thông qua việc truyền lượng chakra mang đặc tính đó vào một tờ giấy. Ví dụ như hệ phong của Naruto sẽ cắt đôi tờ giấy.
8. Sức mạnh luôn có giới hạn của nó
Các manga/anime Shonen thường hay thêm vào các chi tiết như cội nguồn cũng như điểm giới hạn của từng loại sức mạnh khác nhau mà có thể liên quan tới thể lực, năng lượng hay bất kỳ yếu tố gì khác. Trong Shonen sẽ có sự khác nhau giữa một tác phẩm xoay quanh đặc điểm này còn tác phẩm còn lại thì không. Ví dụ như hệ thống các điểm chakra trong Naruto là nguồn gốc giúp thi triển các loại nhẫn thuật, hay tình trạng quá nhiệt ở Enen no Shouboutai. Hay các yếu tố ma pháp như trong Fairy Tail, Black Clover. Đặc điểm chung của chúng là có giới hạn nhất định và người sử dụng sẽ cảm thấy mệt mỏi nếu dùng cạn năng lượng bên trong cơ thể.
7. Cường hóa cơ thể
Việc cường hóa ở đây là muốn ám chỉ tới dàn nhân vật trong Shonen thường hay có cơ thể cứng cáp hơn người bình thường. Đặc biệt là khi phải chịu đựng nhiều đòn đánh có sức nặng cao hay bị ném văng vào tường, xuyên qua một tòa nhà. Trong tường hợp của một người bình thường, thì đã đi "ngắm gà khỏa thân" từ lâu rồi. Khái niệm này được các tác giả tạo ra nhằm giúp cho nhân vật chịu được nhiều tổn thương, tác động gây ra từ các đòn tấn công vật lý.
6. Sức mạnh như tấm gương phản ánh lại hình ảnh của chính nhân vật đó
Đôi lúc thì chính nguồn sức mạnh của một nhân vật nào đó lại như tấm gương phản chiếu đúng với bản chất, tích cách của họ. Stands trong loạt Jojo chính là một ví dụ điển hình khi nó phản ánh đúng hình ảnh của Stand Users khi được tạo ra từ ý chí của người sử dụng. Jotaro là một người thiên về sức mạnh cơ bắp, nên Stand của anh, Star Platinum cũng phản ánh đúng với phong cách đó. Hay như Hatsu (Phát) trong Nen của Hunter x Hunter cũng thể hiện tính cách của người đó, tạo ra sức mạnh độc nhất vô nhị. Hỏa long sát thuật của Natsu trong Fairy Tail cũng đại diện cho tính cách đầy nhiệt huyết mà cậu thể hiện trong chiến đấu.