Chiếc nhẫn của Rudolph Valentino
Truyền thuyết cho rằng, ngôi sao phim câm Rudolph Valentino vô cùng xanh xao khi đeo chiếc nhẫn mua từ một người bán trang sức vào năm 1920. Cũng từ khi mua chiếc nhẫn đó, mọi phim ông tham gia đều ế ẩm bất thường. 6 năm sau đó, ông qua đời. Hơn thế, người yêu của ông cũng trở nên ốm yếu khi đeo chiếc nhẫn này và nó cũng được cho là nguyên nhân khiến sự nghiệp của bà xuống dốc không phanh.
Búp bê Robert
Robert là tên của một con búp bê cao chỉ hơn 91cm và thuộc quyền sở hữu của họa sĩ Robert Eugene Otto. Robert Eugene Otto, con trai của vị bác sĩ giàu có Thomas Osgood Otto và vợ mình, bà Minnie Elizabeth, được một người giúp việc tặng cho con búp bê này vào đầu những năm 1990, khi ông còn là một cậu bé.
Lời đồn đại cho rằng có vẻ như người giúp việc này đã ám một lời nguyền vào con búp bê vì không hài lòng với gia đình Otto. Hàng xóm của họ cho biết đã nhìn thấy nhiều điều rất kinh dị từ con búp bê này như nó di chuyển từ cửa sổ này sang cửa sổ khác, thậm chí còn cười khúc khích.
Búp bê Robert gây ra nhiều câu chuyện dị thường vào ban ngày, nhưng vào ban đêm nó chỉ tập trung "chơi" với cậu bé Eugene Robert. Những vật dụng trong nhà tự động bị vỡ hoặc biến mất; đồ thủy tinh và vàng bạc trong phòng ăn tự rơi, vỡ; quần áo tự bị xé rách; những bộ chăn đệm tự động co rúm lại, nhàu nát.
Eugene Robert bỗng nhiên yếu dần đi, cậu bé trở nên kỳ lạ. Dần dần, những câu truyện kỳ lạ cứ liên tiếp xảy ra, người nhà của Eugene Robert lần lượt ra đi trong nghi vấn. Sau khi cưới, vợ Eugene tự nhiên hóa dại và ra đi không rõ nguyên nhân. Khi Eugene qua đời, Robert được chuyển tới tay người chủ mới. Người chủ mới này cũng không thoát khỏi sự ám ảnh, phá rối của búp bê Robert. Quá sợ hãi, người chủ mới nhanh chóng bỏ đi còn Robert được trao lại cho Viện Bảo tàng Martello, Key West.
Chiếc giường tầng của gia đình Tallman
Sau khi mua chiếc giường tầng, Alan và Debby Tallman đã cất nó ở dưới tầng hầm 9 tháng trước khi mang lên tầng cho các con dùng. Tuy nhiên, ngay khi chiếc giường được đưa lên tầng, các con của họ liền lăn ra ốm. Chúng nói đã nhìn thấy phù thủy và chiếc radio trong phòng đột ngột thay đổi vị trí.
Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện vẫn tiếp tục tái diễn khi Alan cho rằng nghe có tiếng người gọi ông "tới đây". Theo tiếng gọi, ông chạy đến nhà để xe và nhìn thấy ngọn lửa đang cháy. Alan vội tìm bình cứu hỏa, nhưng khi quay lại ngọn lửa đã biến mất. Sau đó, gia đình Alan phải đốt chiếc giường tầng này thì mọi chuyện mới chấm dứt.
Chiếc gương ma ám tại điền trang Myrtles
Điền trang Myrtles được mệnh danh là một trong những nơi đáng sợ nhất thế giới. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những cái chết oan khiên, là những hồn ma vất vưởng mà còn gây ám ảnh với câu chuyện về chiếc gương bị ám này.
Ban đầu, đây chỉ là một chiếc gương bình thường, nhưng từ sau thảm kịch của một gia đình, nó được cho là đã bị nguyền rủa. Nữ chủ nhân của điền trang này là Sara Woodruff và hai đứa con nhỏ của cô đã bị một nô lệ tên Chloe sát hại. Theo một phong tục cổ thì khi gia đình có người mất, họ phải che kín tất cả các tấm gương trong nhà. Người ta tin rằng, điều này sẽ khiến linh hồn không bị mắc kẹt trong thế giới phản chiếu của gương.
Tuy nhiên, lúc Sara Woodruff và hai đứa con bị hạ độc chết, có một chiếc gương đã không bị che kín. Bởi vậy, người ta cho rằng chiếc gương này đã bị quỷ ám. Linh hồn của họ đã bị mắc kẹt trong chiếc gương này và ám ảnh những người nhìn vào nó. Nhiều người cho rằng trên mặt gương thường xuất hiện những cặn bẩn không rõ nguyên nhân, mặc dù phần kính trong gương đã được thay mới hai lần. Một số du khách còn cho rằng đã nhìn thấy các dấu vân tay của trẻ con ở trong gương. Ngoài ra, khi họ chụp ảnh thì bên trong gương còn xuất hiện những khuôn mặt lạ.
Hộp Dybbuk
Trong thần thoại Do Thái, hộp Dybbuk là một chiếc hộp có thể nhốt linh hồn của ma quỷ. Chuyện kể rằng một người sống sót sau vụ thảm sát đã vô tình triệu tập một linh hồn thông qua chiếc bảng cầu cơ Ouija tự chế. Sau đó, bà ta đã nhốt linh hồn bên trong một chiếc hộp gỗ có tên là Dybbuk.
Người ta tin rằng, chiếc hộp ma quỷ này sẽ ám vào cơ thể vật chủ rồi tàn phá tinh thần, thể chất của nạn nhân. Mà cụ thể là những người sở hữu nó đều không có kết cục may mắn. Vào năm 2001, một người đàn ông tên là Kevin Mannis đã mua chiếc hộp Dybbuk từ một buổi đấu giá. Từ khi sở hữu chiếc hộp quỷ ám này, ông luôn bị các cơn ác mộng ám ảnh. Cuối cùng, ông đưa chiếc hộp cho mẹ mình, và bà đã bị đột quỵ ngay trong ngày nhận nó.
Chủ sở hữu cuối cùng của chiếc hộp này là Jason Haxton, giám đốc của một bảo tàng. Jason đã trưng bày chiếc hộp tại bảo tàng của mình, tuy nhiên, kể từ đó, nhân viên và các khách du lịch đã bị rách quần áo, cơ thể bị bầm tím, và khắp nơi trong bảo tàng lúc nào cũng nồng nặc mùi nước tiểu mèo. Sau đó, ông đã mang chiếc hộp về nhà của mình. Và ngay lập tức có chuyện xảy ra với ông, ngoài các cơn ác mộng kinh khủng, Jason Haxton còn mắc một căn bệnh lạ về da và bắt đầu ho ra máu. Vì quá sợ hãi, ông đã phải cầu cứu một giáo sĩ Do Thái tại địa phương. Để chiếc hộp không thể gây hại cho bất kỳ ai nữa, có lời đồn rằng vị giáo sĩ Do Thái ấy đã giấu nó ở một nơi đặc biệt trong nhà thờ.
Chiếc ghế của Busby
Năm 1702, tên sát nhân Thomas Busby bị kết án tử hình đã yêu cầu có một bữa ăn cuối cùng ở quán rượu tại Thirsk. Sau đó, hắn đã có một lời nguyền rằng, ai dám ngồi trên chiếc ghế của hắn thì sẽ phải chết.
Và thật ám ảnh là trong hơn 200 năm qua, đã có 63 người ngồi trên chiếc ghế bị nguyền rủa này phải nhận lấy cái chết bi thảm. Nạn nhân cuối cùng được biết đến là một người giao hàng đã vô tình ngồi trên chiếc ghế, vài giờ sau, anh ta qua đời vì bị tai nạn giao thông.
Chiếc ghế ma ám này hiện nay đang nằm trong bảo tàng Thirsk nhưng nó đã được treo lên cao để tránh trường hợp ai đó vô tình ngồi lên.
Chiếc váy cưới bị nguyền rủa của Anna Baker
Anna Baker là tiểu thư giàu có nhưng lại đem lòng yêu một anh thợ rèn nghèo khổ. Vì gia cảnh hai người quá khác biệt nên chuyện tình của họ đã bị cha mẹ ngăn cấm. Vì quá uất hận, cô đã quyết định sống cô đơn đến già.
Anna Baker thậm chí đã tự chuẩn bị váy cưới, nhưng tiếc rằng, cô không bao giờ có cơ hội mặc nó trong hôn lễ của mình. Vì vậy mà sau khi cô mất vào năm 1941, chiếc váy được trưng bày trong dinh thự Baker đã tự động nhảy múa. Nhiều nhân viên bảo vệ kể rằng, họ đã chứng kiến tay áo rung rinh và tà váy thì thoáng phấp phới. Điều kỳ lạ là chiếc váy được treo trong lồng kính, vì vậy, không thể nói rằng những làn gió đã khiến bộ váy di chuyển.
Người ta tin rằng, Anna Baker đã luôn mong muốn được mặc chiếc váy cưới nhảy múa trong hôn lễ của mình, nên sau khi qua đời, linh hồn của cô đã ở lại trong chiếc váy cưới đáng sợ này.
Mặt nạ của chiến binh Maori
Các chiến binh người Maori ở New Zealand có một tập tục là họ sẽ đeo mặt nạ lúc đi chiến đấu. Người ta tin rằng, nếu một chiến binh chết trận trong lúc đang đeo mặt nạ, linh hồn của anh ta sẽ bị mắc kẹt trong chiếc mặt nạ đó.
Mặc dù trong thần thoại của tộc người Maori không chỉ ra bất kỳ tác hại nào của việc linh hồn mắc kẹt trong mặt nạ, nhưng sự hiện diện của nó lại vô tình gây tử vong cho những phụ nữ mang thai.
Những người phụ nữ mang thai thường gặp phải các biến chứng xấu khi tiếp xúc với các mặt nạ kì quặc này. Cho đến tận ngày nay vẫn không ai có thể giải thích điều kỳ lạ trên, nhưng các nhân viên ở bảo tàng vẫn thường khuyên phụ nữ mang thai nên tránh xa chúng.
(Theo Bestie.vn)