Những hiểu nhầm nghiêm trọng về Bát Giới trong 'Tây du ký'

Nhân vật Trư Bát Giới được nhiều thế hệ bình phẩm nhưng phần nhiều bài viết trên mạng, thậm chí là sách, nhận định không chuẩn xác về nhân vật này do xa rời nguyên tác “Tây du ký”.

Tây Du Ký” là một trong “Tứ đại danh tác” của Trung Quốc, là tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ lấy kinh của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) và 4 đồ đệ.

Trong số đó, Trư Bát Giới là nhân vật được bình phẩm qua nhiều thế hệ người đọc. Tuy nhiên, vì xa rời nguyên tác của Ngô Thừa Ân mà phần nhiều bài viết trên mạng dẫn ra những thông tin không chính xác.

1. Pháp danh Bát Giới không có nghĩa là “Tám ranh giới bị kiềm chế”

Phần lớn bài viết trên mạng sao chép thông tin về pháp danh của Trư Bát Giới từ trang Wikipedia nên đều cho rằng: “Tam Tạng đặt tên là Bát Giới với ý nghĩa là "Tám ranh giới bị kiềm chế" (gồm không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng và ăn chay) để nhắc nhở Bát Giới phải luôn biết tu sửa mình”.

Tuy nhiên, hồi 19 tiểu thuyết “Tây Du Ký” (NXB Văn Học), Trư Bát Giới ban đầu được Quán Thế Âm đặt tên là Trư Ngộ Năng.

Vừa gặp Tam Tạng, Ngộ Năng liền đòi “ngã mặn”: “Tôi thọ phép Quan Âm bấy lâu cữ ngũ huân tam yếm, chịu cực như vậy mà đợi thầy, nay đã gặp rồi, xin cho trở đũa”. Tam Tạng liền nói: “Không nên! Lẽ nào gặp thầy lại thôi ăn chay, ta cho hiệu riêng là Bát Giới nhé”.

Những hiểu nhầm nghiêm trọng về Bát Giới trong Tây du ký - Ảnh 1.

Pháp danh Bát Giới theo triết giải của chính Ngô Thừa Ân là phép cộng của ngũ huân và tam yếm.

Trong đó, “ngũ huân” là năm loài cây theo giới điều Phật giáo phải kiêng gồm: hành, tỏi, ớt, hạt tiêu và rau thơm. “Tam yếm” là ba loài động vật mà Đạo giáo cấm ăn thịt gồm: chim nhạn (trên trời – tượng trưng cho đạo vợ chồng), chó (mặt đất – loài giữ nhà, tượng trưng cho gia đình) và cá chim (dưới nước – tượng trưng cho sự trung kính).

Như vậy, do Ngộ Năng trót kiêng “ngũ huân, tam yếm” theo giới hạnh của Quán Thế Âm nên Tam Tạng cộng gộp lại, đặt là Bát Giới.

Nói thêm, cái tên Bát Giới còn có ý nghĩa dung hòa triết lý Phật giáo và Đạo giáo. Tiểu thuyết “Tây du ký” là hành trình sư Huyền Trang đến Ấn Độ lấy kinh nhưng tư tưởng bao trùm không chỉ có Phật giáo mà còn có Đạo giáo.

Điều này thể hiện rõ trong nhiều phương diện của tác phẩm như hệ thống thần tiên nhà Trời, các phép thuật tiêu biểu, quan điểm đạo đức, quan điểm triết học…

2. Thầy trò Tam Tạng đều thành Phật, chỉ Bát Giới chưa thành chính quả?

Các bài viết đặt vấn đề: “Sa Tăng được phong làm Kim Cương La Hán, Bạch Long Mã là Thiên Long Bát bộ hộ pháp. Thế nhưng Trư Bát Giới danh phận sư đồ chỉ sau Tôn Ngộ Không lại chỉ được phong sứ giả?” để khẳng định rằng chỉ Bát Giới không tu thành chính quả.

Sự thật, nội dung trên là “tam sao thất bản” từ phát ngôn của Mã Đức Hoa – diễn viên thủ vai Trư Bát Giới trong “Tây du ký” bản 1986, trong show truyền hình “Vương bài đối vương bài” phát sóng dịp đầu năm 2018.

Mã Đức Hoa đặt vấn đề: “Tôi đã rất ngạc nhiên tại sao bốn thầy trò thỉnh kinh, chỉ Trư Bát Giới không thể thành Phật, chỉ là sứ giả?”. Ông cho rằng, vì Bát Giới đại diện cho dục vọng, mà dục vọng là thứ mãi mãi không thể thay đổi, chỉ có thể cố gắng nỗ lực kìm nén.

Những hiểu nhầm nghiêm trọng về Bát Giới trong Tây du ký - Ảnh 2.

Bát Giới được giao việc phù hợp với tính cách nhưng quả vị vẫn là Bồ tát.

Tuy nhiên, tra cứu hồi 100, khi Tam Tạng tâu với Lý Thế Dân đã nêu rõ chức phẩm được phong của từng đồ đệ. Ngộ Không công to nhất nên được phong Ðấu Chiến Thắng Phật.

Ba đồ đệ còn lại đều có quả vị Bồ Tát, cụ thể là: Tịnh Đàn Sứ Giả Bồ Tát (Bát Giới), Bát Bộ Thiên Long Quảng Lực Bồ Tát (Bạch Long) và Bát Bảo Kim Thân La Hán Bồ Tát (Sa Tăng). Đây mới là chức phẩm chính xác của từng nhân vật.

Như vậy, Bát Giới được phong Tịnh Đàn Sứ Giả Bồ Tát là đã tu thành chính quả.

Trích lời của Đức Như Lai trả lời Bát Giới: “Nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?”.

Có nghĩa rằng, Như Lai đã luận rõ công tội (trong hành trình thỉnh kinh, Bát Giới phạm nhiều lỗi) cũng như tùy người mà giao việc nên mới phong chức phẩm tịnh đàn; nhưng không thể nói là không công nhận thành quả của Bát Giới.

3. Bát Giới không quá kém cỏi với tư cách thành viên của nhóm thỉnh kinh

Trên phim ảnh, nhân vật Bát Giới trong hầu hết phiên bản “Tây du ký”, gồm bản 1986 gần như không có đóng góp gì trong việc thu phục yêu quái. Tuy nhiên, trong nguyên tác, Bát Giới không hề quá kém còn nhân vật Tôn Ngộ Không lại được tô vẽ quá tay trên phim ảnh.

Xét quan phẩm, không kể chân thân của Tam Tạng là Kim Thiền tử - đồ đệ của Như Lai, thì các thành viên còn lại trong nhóm thỉnh kinh đều có quan phẩm thiên đình thấp hơn Bát Giới.

Ngộ Không là quan chăn ngựa, Sa Tăng là Quyển Liêm đại tướng, Bạch Long là Tam thái tử của Tây Hải Long Cung thì Bát Giới là Thiên Bồng nguyên soái – người thống lĩnh hơn 8 vạn thủy binh ở Thiên Đình. Đây là vị trí tối cao trong quân đội nhà trời.

Những hiểu nhầm nghiêm trọng về Bát Giới trong Tây du ký - Ảnh 3.

Tạo hình Thiên Bồng Nguyên Soái trong "Tây du ký" bản 1986.

Chính vì tính cách cao ngạo, không xem ai ra gì cộng thêm tửu sắc, Bát Giới mới mạo phạm Hằng Nga và bị đày xuống hạ giới. Khi đầu thai kiếp lợn, Quán thế âm đặt tên là Ngộ Năng (hiểu rõ khả năng của mình) để nhắc nhở việc Bát Giới quá cao ngạo mà phạm lỗi.

Về phép thuật, Bát Giới học được 36 phép thiên cang (còn Ngộ Không học được 72 phép địa sát) trong 108 phép thiên cang địa sát của Đạo giáo. Về uy lực, 36 phép thiên cang chỉ hơn không kém 72 phép địa sát.

Nếu sử dụng thành thục 36 phép này, Bát Giới có thể tác động đến cả âm dương, ngũ hành. Tuy nhiên, vì năng lực bẩm sinh có hạn, bản tính tham tửu sắc, không cầu tiến cộng thêm việc bị đày thành lợn nên Bát Giới đã không phát huy được khả năng của mình.

Trong nguyên tác, Bát Giới nhiều lần tham chiến, kề vai sát cánh cùng Ngộ Không. Khi Ngộ Không thất thế, đương nhiên Bát Giới cũng không chống nổi nhưng không có nghĩa rằng nhân vật này kém đến mức không thể chiến đấu.

Trong nhóm thỉnh kinh, ngoài Ngộ Không thì Bát Giới là người mạnh thứ hai. Bát Giới không ít lần tỏ ra hữu dụng khi thông thạo thủy chiến (vì từng là nguyên soái thống lĩnh thủy binh) trong khi Ngộ Không rất kém khoản này.

Trên phim ảnh, hình ảnh Bát Giới bị “dìm” thê thảm, gần như chưa đánh đã thua còn Ngộ Không được tô vẽ thêm rất nhiều, vô hình trung khiến khán giả tưởng rằng thực lực của cả hai chênh lệch quá lớn.

4. Ngoại hình Bát Giới nửa người nửa lợn không tượng trưng cho “con” và “người”.

Bên cạnh đó, có những bài viết bình phẩm ngoại hình Trư Bát Giới để minh họa cho quan điểm về “nhân vô thập toàn”.

Cụ thể, một bài viết cho rằng: “Việc xây dựng hình ảnh Trư Bát Giới nửa người nửa thú, với bên trên là một khuôn mặt heo và bên dưới là thân thể con người cũng là một ý vị sâu xa. Hãy nhớ cho, trong con người chúng ta luôn có phần “con” và phần “người”.

Đây cũng là một quan điểm sai điển hình. Không chỉ ngoại hình Bát Giới nửa người nửa lợn mà Ngộ Không cũng là người đội lốt khỉ còn Sa Tăng là nửa người nửa quỷ.

Những hiểu nhầm nghiêm trọng về Bát Giới trong Tây du ký - Ảnh 4.

Ngoại hình dị biệt biểu thị cho tính cách của từng nhân vật, tương ứng với "Ngũ vị nhất thể" mà tác giả hướng tới.

Nhóm 5 thầy trò Tam Tạng gồm đủ chủng loài, xuất thân, chức phẩm, tính cách… mà trong đó, ngoại hình đảm nhận vai trò phản ánh tính cách theo quan niệm “tâm sinh tướng”. Chẳng hạn, Ngộ Không tính tình tai quái, hay phá phách nên mang lốt khỉ; Bát Giới tham ăn, lười làm nên mang lốt lợn còn Ngộ Tịnh ăn thịt người nên mang lốt quỷ dữ tợn.

Ngoại hình dị biệt vừa là thử thách nhưng cũng làm nổi bật thành quả thỉnh kinh, khi hành trình thỉnh kinh đồng thời là quá trình thay đổi tâm tính các thành viên lẫn mối quan hệ giữa “Ngũ vị nhất thể”, duy chỉ ngoại hình là không thay đổi được. Có nghĩa rằng, ngoại hình nửa người nửa thú không liên quan gì đến phần “con” và phần “người” trong con người.

Link báo gốc: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/phim/nhung-hieu-nham-nghiem-trong-ve-bat-gioi-trong-tay-du-ky-586769.html