Nổi tiếng cơ trí toàn tài nhất Tam Quốc, “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, Gia Cát Lượng vẫn thua đau trong tay Tư Mã Ý chỉ vì 2 chữ quyết định này

Chỉ 2 chữ quyết định thành bại, đây chính là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn thành công, ai cũng cần nắm bắt.

Gia Cát Lượng được người đời biết đến là nhà quân sự, chính trị kiệt xuất và cũng là một nhà phát minh tài ba. Trên thông thiên văn, dưới hiểu địa lý, hô phong hoán vũ, không gì làm không được đã trở thành danh hiệu mà đời sau dành tặng ông. Trong thời đại chiến loạn, ông bộc lộ tài năng xuất sắc của mình để phò tá Lưu Bị giành thắng lợi trong rất nhiều cuộc đấu trí đấu dũng.

Để có được bản lĩnh như vậy, không thể không kể đến công lao dạy dỗ to lớn của hai người thầy, bước ngoặt quan trọng tạo nên một Gia Cát Lượng anh tài kiệt xuất trong lịch sử.

Vị thầy đầu tiên của Gia Cát Lượng chính là Thủy Kính tiên sinh Tư Mã Huy. Ông là một ẩn sĩ nổi tiếng, tài học rộng khắp biển trời, từng nhận xét về Gia Cát Lượng với Lưu Bị như sau: "Người này chính là Ngọa Long, nhất định có thể an thiên hạ."

Tuy vậy, sau khi Lưu Bị nhiều lần tỏ lòng muốn mời Khổng Minh rời núi để làm quân sư cho mình, Thủy Kính tiên sinh lại than thở: "Ngọa Long tuy gặp chủ, nhưng không gặp thời, tiếc lắm thay!"

Nổi tiếng cơ trí toàn tài nhất Tam Quốc, “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, Gia Cát Lượng vẫn thua đau trong tay Tư Mã Ý chỉ vì 2 chữ quyết định này - Ảnh 1.

Gia Cát Lượng được xưng tụng là Ngọa Long của thời đại.

Có thể thấy, mặc dù Tư Mã Huy đánh giá tài Khổng Minh không thể nào lường được nhưng ông cũng dự báo sự thất bại trong việc giúp Lưu Bị khôi phục Hán thất của đại đệ tử nhà mình. Chỉ qua hai câu nói, người ta nhận ra Thủy Kính tiên sinh là người thấu đáo và tinh tường đến thế nào. Bản lĩnh thiên văn địa lý của Gia Cát Lượng rõ ràng đã kế thừa tuyệt học của tiên sinh.

Bấy giờ, Bàng Đức Công cũng là danh sĩ quy ẩn có quan hệ rất tốt với Thủy Kính tiên sinh. Do coi trọng tài hoa của Gia Cát Lượng sau nhiều lần gặp mặt, ông đã chỉ bảo về 4 chữ: Thiên hạ khai thế. Những lời ông nói với Khổng Minh là về đại thế thiên hạ để giúp người học trò mở mang tầm mắt, nhìn xa trông rộng mà đưa ra những quyết sách to lớn ảnh hưởng tới hùng đồ bá nghiệp sau này.

Nhận được sự chỉ dạy của những kỳ tài nổi danh thiên hạ, tư chất lại thông minh, không khó hiểu tại sao Gia Cát Lượng trở thành một trong những vị quân sư tài giỏi nhất thời bấy giờ, ai ai cũng phải nể phục. Tuy nhiên, đến cuối cùng, Gia Cát Lượng vẫn thất bại trong tay Tư Mã Ý. Tất cả đều là vì 2 chữ "Ẩn nhẫn", ý chỉ thái độ giấu kín lòng riêng mà nhẫn nhịn. Nhờ ẩn nhẫn, Tư Mã Ý đã chiến thắng Gia Cát Lượng trong lần Bắc phạt cuối cùng, khiến vị quân sư hùng tài lâm bệnh nặng mà qua đời ngay trong doanh trướng. Cũng nhờ ẩn nhẫn, Tư Mã Ý đã chờ đến ngày Tào Tháo và Tào Phi lần lượt qua đời để một tay thâu tóm giang sơn.

Nổi tiếng cơ trí toàn tài nhất Tam Quốc, “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”, Gia Cát Lượng vẫn thua đau trong tay Tư Mã Ý chỉ vì 2 chữ quyết định này - Ảnh 2.

Giỏi về ẩn nhẫn, Tư Mã Ý giành chiến thắng sau cùng.

Nghe thì thấy đơn giản nhưng để làm được 2 chữ "ẩn nhẫn" ấy quả là cực kỳ khó khăn. Trong trận đánh cuối cùng với Khổng Minh ấy, hai bên dàn quân đối chọi hơn 100 ngày. Gia Cát Lượng mấy lần khiêu chiến, mong muốn đánh nhanh diệt gọn trong khi lương thảo đang dần cạn kiệt thì Tư Mã Ý kiên trì cố thủ trong thành, quyết định dùng kế tiêu hao và giằng co. Gia Cát Lượng không ngừng cho người tới mắng chửi, chế giễu thậm tệ, thậm chí còn gửi cho Tư Mã Ý chiếc váy phụ nữ để khích tướng cùng bức thư vô cùng khiếm nhã:

"Trọng Đạt đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám mặc giáp cầm gươm, để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang, để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy; nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai, thì phải phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến".

Tức giận trong thoáng chốc nhưng Tư Mã Ý nhanh chóng bình tĩnh lại, suy nghĩ thấu đáo mọi việc. Sau đó, ông vừa lấy váy ra mặc, vừa tỏ ra thích thú và cảm ơn sự quan tâm của Thừa tướng.

Tháng 8 cùng năm, do vất vả mệt nhọc lâu ngày mà sinh bệnh, Gia Cát Lượng không may qua đời trong doanh trại Ngũ Trượng Nguyên, chỉ thọ được 54 tuổi, quân Thục như rắn mất đầu, đành phải lẳng lặng rút lui. Kết quả cuối cùng, Tư Mã Ý không cần đánh mà vẫn giành chiến thắng.

Nếu Tư Mã Ý không kìm nén được cơn tức giận, xông ra ngoài thành nghênh chiến, thì kết cục chưa thể nói trước ra sao và lịch sử có thể diễn biến khác đi rồi. Qua đó cho thấy Tư Mã Ý được coi là mẫu người điển hình biết kiềm chế thịnh nộ, có tâm đại nhẫn thật phi thường, xứng đáng là đối thủ lớn nhất trong đời Gia Cát Lượng.