Past Lives (tên tiếng Việt: Muôn Kiếp Nhân Duyên) - bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Celine Song diễn tả điều mà tất cả chúng ta đều trải qua, đó là những nhánh rẽ trên con đường đời. Xuyên suốt tác phẩm tưởng chừng như được khoác lên mình lớp áo lãng mạn về câu chuyện tình tay ba giữa Nora, Hae Sung và Arthur, Past Lives thì ra chất chứa vô vàn câu hỏi về hiện thực cuộc sống được bắt đầu bằng "cú pháp" nếu như. Gần cuối bộ phim, trong cuộc trò chuyện tại quán bar, Hae Sung thừa nhận anh đã có những câu hỏi kỳ lạ khi gặp lại tri kỷ sau 24 năm: "Điều gì sẽ xảy ra nếu như anh đến New York mười hai năm trước? Điều gì sẽ xảy ra nếu như em chưa bao giờ rời Seoul? Nếu như chúng mình cứ cùng nhau lớn lên, liệu anh vẫn kiếm tìm em không?".
Người rời quê hương để đi học, lập nghiệp thường tự hỏi nếu họ ở gần nhà thì cuộc sống như thế nào? Người đang sống tại vùng đất họ lớn lên lại mơ tưởng nếu như mình ở ngoại tỉnh sẽ ra sao? Không chỉ trong tình yêu mà cuộc sống cũng đầy rẫy những cụm từ "nếu như", và Past Lives chỉ đang mượn câu hỏi "nếu như" trong chuyện tình giữa Hae Sung và Nora để nhắc nhở: Nếu chúng ta cứ quan tâm đến tất cả câu hỏi "nếu như" thì nó có thể trở thành một gánh nặng. Dù gánh nặng ấy chứa đựng sự đẹp đẽ, mộng mơ và đáng được trân trọng, đó vẫn là một gánh nặng.
Cho đến khi bộ phim khép lại, Hae Sung bước lên uber ra sân bay trở về Hàn Quốc, anh vẫn cố dành cho Nora thêm một câu hỏi "nếu như": "Nếu như đây cũng là kiếp trước, và hai ta sẽ trở thành cái gì đó khác của nhau ở kiếp sau? Lúc đó, em nghĩ chúng mình sẽ là ai?". Past Lives đã mượn quan niệm về "in-yun" (nhân duyên) của người Hàn Quốc để tạo nên kết nối cho tổng thể tác phẩm: mối quan hệ của Hae Sung và Na Young là duyên số, Nora kết hôn với Arthur cũng phải trải qua 8000 lớp nhân duyên, và ngay cả cuộc gặp ngượng ngùng giữa hai người đàn ông yêu chung một người phụ nữ còn được Hae Sung và Arthur định nghĩa là nhân duyên.
Nhưng đến cảnh cuối cùng - Nora tiễn Hae Sung, bắt đầu bật khóc khi quay trở về nhà và oà lên nức nở trên vai Arthur, Past Lives nhắc nhở người xem một điều thẳng, thật hơn về nhân duyên, bên cạnh những yếu tố lãng mạn được gắn lên nó từ lâu: Số phận, đầu thai và gặp gỡ là có thật, biết đâu chúng ta rồi sẽ có một kiếp sau, nơi một lần nữa, mọi điều đều có thể xảy ra. Việc con người nên làm chỉ là gác lại câu hỏi "nếu như" - đóng lại quá khứ để chấp nhận cuộc sống mà ta đang sống, và để phần còn lại cho nhân duyên.
Bước về tương lai từ quá khứ: Là Na Young hay Nora đang bật khóc?
Nói về cảnh phim cuối của Past Lives, đạo diễn Celine Song từng chia sẻ: "Khi bạn vẽ một đường thời gian, nó luôn luôn đi từ trái sang phải. Nora đưa Hae Sung đến điểm chờ Uber, bằng cách đi từ phải sang trái, tức là cả hai đang đi vào quá khứ. Sau đó, Hae Sung lên xe, chiếc Uber tiếp tục chạy sang trái khung hình, thì nó vẫn được lái về quá khứ. Tiếp đến, Nora quay trở lại nhà theo hướng mà cô ấy đã đến điểm chờ xe. Nora đi từ trái sang phải và mỗi bước đi ấy sẽ là một bước đi vào tương lai từ quá khứ".
Quãng đường trở về nhà của Nora chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, không ai biết chính xác rốt cuộc cô ấy đã nghĩ những gì để rồi bật khóc nức nở ngay khi bắt gặp Arthur đang chờ mình trước cửa. Không một câu thoại, nhưng chắc chắn, điều Nora đã bỏ lại phía sau không đơn giản là Hae Sung - chàng trai mà cô dành những tình cảm đặc biệt. Nỗi đau buồn, cảm xúc lẫn lộn đủ sức làm những giọt nước mắt của một người phụ nữ mạnh mẽ, tham vọng đã trải qua 2 lần nhập cư như Nora phải rơi xuống hàm chứa những sâu sắc hơn thế.
Đó là giọt nước mắt tiếc nuối cho một cuộc đời mà từ lâu, cô chấp nhận rời bỏ và không cho phép bản thân chủ động nhớ đến: cô bé năm 12 tuổi, cái tên Na Young, ngôn ngữ mẹ đẻ, những người bạn thời thơ ấu và cả gốc rễ Hàn Quốc vẫn tồn tại bên trong mình. Sự hiện diện của Hae Sung tại New York giúp cô được làm Na Young một lần nữa sau nhiều năm, bởi như Nora từng nói với Hae Sung: "Đến mẹ của em cũng không còn gọi em là Na Young nữa". Từ đầu đến cuối, chỉ có duy nhất Hae Sung "trung thành" gọi cô là Na Young ngay tại thời điểm tìm thấy nhau trên mạng xã hội sau 12 năm và cho đến khi gặp mặt trực tiếp vào 12 năm tiếp theo. Hae Sung rời đi, rất có thể sẽ không còn ai gọi cô 2 tiếng "Na Young" nữa. Chuyến xe uber đi về bên trái tựa như Hae Sung đem theo "Na Young" về Hàn Quốc - một quá khứ xa xăm, mờ ảo trong tâm trí Nora.
Ở mọi khoảnh khắc Hae Sung và Nora bên nhau, quá khứ dường như giao thoa với hiện tại, để cô có cơ hội hồi tưởng lại "cuộc đời cũ" của chính mình, đúng như tựa đề phim Past Lives theo nghĩa đen. Nhưng song song với đó, Nora còn có cả một hiện tại và tương lai - cuộc sống hạnh phúc với người chồng Arthur, công việc biên kịch cô đam mê tới mức chưa từng bỏ lỡ bất kỳ buổi diễn tập nào và những ước mơ tầm vóc hơn nơi đất khách như đoạt giải Tony (Giải thưởng vinh danh các tác phẩm và thành tựu xuất sắc nhất của sân khấu kịch tại Mỹ - PV). Khi nhìn thấy Arthur, từ trái qua phải, Nora chậm rãi tiến đến "hiện tại và tương lai" của mình, bật khóc như một đứa trẻ. Biết đâu giọt nước mắt này cũng chứa đựng niềm hạnh phúc nghẹn ngào, vì cô nhận ra mình thực sự có một người đồng hành và không còn đơn độc trước những thử thách trong đời sống nhập cư.
Và rất có thể, những giọt nước mắt của Nora còn là sự day dứt, thương cảm cô dành cho Arthur vì chợt nhận ra nỗi bất an, lo lắng trong anh. Xuyên suốt bộ phim, Arthur được xây dựng là một người đàn ông điềm tĩnh, ít nói và thậm chí còn giúp Nora hiểu hơn về Hae Sung: "Anh ta không đến đây để du lịch, anh ta đến để gặp em". Nhưng sẽ chẳng ai hoàn toàn yên lòng trước cuộc gặp giữa vợ mình và "thanh mai trúc mã" của cô ấy, mọi thứ nên thơ đến mức vô tình biến anh trở thành "kẻ xấu xa ngáng đường nhân duyên tiền định".
Kể từ khi Hae Sung xuất hiện, Arthur dần băn khoăn và cũng đặt ra những câu hỏi "nếu như": "Điều gì sẽ xảy ra nếu như em gặp người khác tại trại sáng tác? Điều gì sẽ xảy ra nếu như có một nhà văn khác từ New York, cũng đã đọc hết những cuốn sách em đã đọc, và xem hết những bộ phim em đã xem?". Thậm chí, Arthur đã thấy ngột ngạt đến mức phải ra khỏi nhà, tự mình ngồi bên bậc thềm ngóng Nora tiễn Hae Sung trở về. Sau tất cả, Arthur kéo Nora vào lòng, trao một cái ôm và nhẹ nhàng vỗ về, khiến Nora rơi nước mắt vì xúc động nhận ra, anh đã bao dung và tin tưởng cô đến nhường nào suốt hành trình khó khăn này.
Giữa vô vàn lựa chọn, Nora không thể nói "nếu như"
Nếu ở nửa đầu của cuộc hội ngộ, Hae Sung là người liên tục rưng rưng nước mắt, chỉ chực chờ tuôn trào, thì càng về cuối, anh càng bình tĩnh và chấp nhận mọi chuyện, còn Nora hoàn toàn ngược lại. Từ hờ hững "Em không biết nữa, anh ấy chỉ đến đây để du lịch", đến tận hưởng niềm vui khi gặp lại tri kỷ và sự tự tin với hiện tại đã thể hiện bằng lời khẳng định "Đây là đích đến của em rồi. Đây là nơi vốn dĩ em thuộc về", Nora dần hoang mang trước những ký ức cứ ùa về như cơn bão chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Cuối cùng, cô mới òa khóc, mượn cuộc chia tay như "giọt nước tràn ly" để thả trôi mọi điều chất chứa trong lòng.
Có thể thấy, Nora là nhân vật duy nhất trong ba người không nói "nếu như". Ngay cả khoảnh khắc Hae Sung đặt câu hỏi về kiếp sau hai ta sẽ trở thành gì của nhau, Nora có thể nói "nếu như", nhưng thay vào đó, cô chỉ kìm nén và trả lời ngắn gọn: "Em không biết". Cuộc đời vất vả của một người nhập cư, sự hy sinh lớn lao từ gia đình cho tương lai phía trước đã không cho phép Nora được mơ mộng hay đặt ra bất cứ giả thuyết nào. Cô đã sống thực tế đến mức trần trụi, như lời kể của Arthur về tình yêu giữa hai người: "Câu chuyện của chúng ta thật nhàm chán. Chúng ta gặp nhau tại một trại sáng tác, ngủ với nhau vì cả hai đều độc thân. Chúng ta chuyển vào sống chung để tiết kiệm tiền thuê nhà. Chúng ta kết hôn để em có được thẻ xanh".
Bên cạnh người đại diện cho quá khứ hay gốc rễ Hàn Quốc, Hae Sung còn là điều lãng mạn, mộng mơ hiếm hoi trong cuộc đời của Nora. Sẽ thật hoài phí nếu đạo diễn Celine Song không để nhân vật của mình rơi nước mắt ở cuối phim, bởi giọt nước mắt ấy cũng cho thấy, Nora trân trọng Hae Sung - người đàn ông đã vượt hàng chục ngàn dặm đến tìm mình sau 2 thập kỷ đến nhường nào. Hình ảnh Nora òa khóc nức nở càng tô điểm thêm cho bức tranh lãng mạn của Past Lives, để người xem chợt nhận ra, không nhất thiết ta phải đối diện với nỗi buồn bằng sự gồng mình, mà có thể đi qua chúng với nước mắt.
Nora dù mạnh mẽ tới đâu, chạm đến "giấc mơ nhập cư cỡ nào" thì cuộc đời cô vẫn có những điều không trọn vẹn. Cho phép mình được khóc sau 24 năm "chiến đấu", những giọt nước mắt của Nora không nhuốm màu ảm đạm mà thật đẹp đẽ, chân thực. Khi Nora rơi nước mắt, cũng là lúc cô chấp nhận cảm xúc thật bên trong mình và đối diện với nỗi buồn một cách trực diện, không còn bỏ qua chúng như cô từng làm trước đây và không cả che giấu nỗi cô đơn bên trong mình trước Arthur.
Ở bộ phim khoa học viễn tưởng Mr. Nobody, xoay quanh một người đàn ông tên Nemo Nobody, đã đề cập đến chuyện con người có khả năng nhìn thấy những ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời mình. Mỗi một ngã rẽ đưa Nemo đến một cái đích khác nhau, nhưng trước mỗi lần đưa ra lựa chọn, Nemo lại đắn đo bởi: "Khi đã chọn, chúng ta rất khó để quay lại, vì thế việc lựa chọn thật khó khăn. Bạn phải đưa ra lựa chọn đúng". Nhưng diễn biến bộ phim đã cho thấy, dù lần lượt thấy được tương lai của mình khi cuộc đời rẽ theo 3 hướng khác nhau - chọn bố hoặc chọn mẹ khi họ ly hôn, hoặc không chọn ai cả, thì cũng không có lựa chọn nào là đúng tuyệt đối với Nemo. Nemo cứ cân nhắc về mỗi lựa chọn và loay hoay để đưa ra một lựa chọn có ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
Trở lại với Past Lives, Nora không có khả năng nhìn trước tương lai như Nemo, nhưng có lẽ, bên cạnh sự kiên định chỉ biết lao về phía trước để "nhận được một điều gì đó khi ta chọn hy sinh một điều khác", thì Nora cũng có lúc bối rối đi tìm ý nghĩa cho những lựa chọn trong đời. Sự bối rối của Nora không nằm ở câu hỏi "nếu như" lưng chừng giống Hae Sung và Arthur, mà nằm ở cơn òa khóc nức nở cuối phim. Khi lần lượt lướt qua những cột mốc trong cuộc đời Nora: năm 12 tuổi di cư đến Canada và chia tay Hae Sung lần đầu tiên, năm 24 tuổi di cư đến Mỹ và chia tay Hae Sung lần thứ hai, năm 36 tuổi đã kết hôn và chia tay Hae Sung lần thứ ba, cô đã luôn dứt khoát đưa ra lựa chọn và chỉ chính cô mới biết, lựa chọn của mình có thực sự ý nghĩa hay không. Nora đã khóc, có thể là cho những điều cũng ý nghĩa mà cô đã không chọn và buộc phải chấp nhận chúng như một phần mất mát trong đời.
"Liệu con đường ta đã chọn có là con đường đúng đắn? Nhưng nếu không lựa chọn, thì bạn sẽ mãi mãi không là ai cả" (Mr. Nobody). Na Young đã trở thành Nora, và Nora trở thành nhà biên kịch, rồi trở thành vợ của Arthur… Mọi thứ như một vòng tuần hoàn. Chúng ta sẽ tiếp tục đạt được và mất đi, trở thành một ai đó và cũng đồng thời không thể trở thành một ai đó, khi ta đã lựa chọn. Giống như bất kỳ con người bình thường nào, Nora ở hiện tại từng bước một rời bỏ quá khứ, tiến đến tương lai sau mỗi lựa chọn, và giọt nước mắt của cô ấy, chỉ là những "nếu như" muộn màng khó nói, đang đọng lại trong thời khắc Nora tiếp tục đi về phía trước.