Nữ chính “Cô dâu 8 tuổi: "Tôi từng muốn trở thành Hoa hậu hoàn vũ"

Theo Avika Gor, quá khứ cô từng chuẩn bị mọi thứ để tham gia "Hoa hậu hoàn vũ". Song mọi thứ không như ý nguyện của nữ diễn viên.

Tối 15/8, diễn viên Ấn Độ Avika Gor (sinh năm 1997) đã đến tham dự chương trình kỷ niệm 15 năm phát sóng của kênh TodayTV – đơn vị phát sóng độc quyền phim “Cô dâu 8 tuổi” tại Việt Nam.

Trong “Cô dâu 8 tuổi”, Avika Gor thể hiện vai diễn Anandi (lúc nhỏ) - một trong những nạn nhân của nạn tảo hôn ở nhiều vùng quê nghèo Ấn Độ. Bộ phim giúp Avika Gor nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nhiều quốc gia châu Á và mang về cho cô nhiều giải thưởng danh giá.

Xuất hiện trên thảm đỏ, Avika Gor diện trang phục Ấn Độ, khoe nhan sắc rạng rỡ và được truyền thông Việt săn đón. Dịp này, cô có cuộc trò chuyện cùng chúng tôi.

Avika Gor lúc đóng "Cô dâu 8 tuổi" và hình ảnh hiện tại

- Cảm xúc của chị khi trở lại Việt Nam lần này?

- Tôi đến TP.HCM để tham dự lễ hội “Namaste Việt Nam - Xin chào Việt Nam” do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức. Tôi rất vinh dự khi được đại diện cho Ấn Độ tại lễ hội tôn vinh mối quan hệ giữa hai nước Ấn Độ - Việt Nam.

Đây là lần thứ tư tôi đến Việt Nam. Tôi thích cách khán giả Việt Nam bày tỏ tình cảm với mình, họ đến ôm, trao hoa… một không khí rất tuyệt vời.

Khi tôi đi dạo đường phố thì có nhiều người nhận ra, quan tâm, họ cảm thấy thích thú về hình ảnh của tôi như một cô dâu Ấn Độ.

Thời gian qua, tôi bắt đầu có những hoạt động, quảng bá ở Việt Nam. Tôi rất thích điều đó và muốn làm nhiều hoạt động hơn nữa.

- Chị vào vai nạn nhân của nạn tảo hôn trong “Cô dâu 8 tuổi”. Hiện tình trạng này ở quê chị ra sao?

- Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, không có ai hoạt động nghệ thuật. Hiện tôi ở Việt Nam và nhắc về bộ phim tôi từng quay 15 năm trước, tôi thấy rất thích và thú vị.

Tôi thấy mình may mắn vì gia đình có nền tảng giáo dục tốt, tiến bộ nên không phải chịu những áp bức, hủ tục như trong phim “Cô dâu 8 tuổi”. Ở Ấn Độ đang có nhiều bộ phim giúp truyền thông, giáo dục phụ nữ mạnh mẽ, tự lực vượt qua những hủ tục, định kiến xã hội đã ăn sâu trong tâm trí người dân từ lâu.

Tôi thực hiện bộ phim khi 11 tuổi. Lúc đó, tôi không có quá nhiều suy nghĩ mà chỉ biết diễn xuất thật tốt. Khi ngày càng lớn, tôi mới nhận ra tảo hôn là vấn nạn diễn ra ở khắp thế giới, không riêng gì Ấn Độ.

Sau bộ phim, tôi có đến nhiều vùng quê ở nước nhà thực hiện những hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về vấn nạn tảo hôn. Trong đó, có một người đàn ông 65 tuổi từng đến nói với tôi rằng, ông sẽ không để con cháu kết hôn ở dưới độ tuổi vị thành niên.

Bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” phần nào đã thay đổi nhận thức của nhiều người lớn tuổi, tôi nghĩ đó là sự thành công vượt ngoài sự mong đợi.

- Chị gặp áp lực gì khi đóng phim năm 11 tuổi và nổi đình đám sau đó?

- Nhiều người thắc mắc tôi sẽ cân đối việc học ra sao. Thường thì tôi đến trường vào buổi sáng và bắt đầu quay phim vào buổi chiều. Khi có các kỳ nghỉ thì tôi sẽ quay phim từ sáng.

Tôi cũng đăng ký học online khá nhiều, kể cả việc học điện ảnh ở Hollywood. Ở Ấn Độ, một diễn viên ngoài diễn xuất thì cần phải biết nhiều thứ như bối cảnh, âm nhạc, vũ đạo... Tôi còn học những khóa về biên kịch, sản xuất phim và tự làm đạo diễn một số bộ phim ngắn với bạn bè. Tôi học nhiều thứ vì muốn mình không chỉ là một diễn viên mà sau này có thể làm đạo diễn hay nhà sản xuất…

Tôi cảm nhận hành trình đóng phim của mình là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi may mắn học được nhiều kinh nghiệm từ đàn anh, đàn chị trong nghề. Tôi được trau dồi kỹ năng, cũng như có cơ hội thể hiện bản thân.

Khi vào vai nhân vật Anandi, tôi hiểu những chi tiết nhỏ mà khán giả chú ý khi diễn xuất, điều quan trọng hơn là tôi phải hiểu nhân vật của mình đang có tình trạng, cảm xúc ra sao.

Tôi yêu thích công việc diễn xuất và cảm thấy hạnh phúc với những điều mình làm. Vì vậy, tôi không gặp bất cứ áp lực hay sợ sự so sánh nào.

Tôi cũng không quan tâm việc người khác nghĩ vì về mình mà tôi chú ý mình đã làm được những gì. Ngoài “Cô dâu 8 tuổi”, bây giờ ra đường người ta còn gọi tôi là Roli – nhân vật trong phim “Cuộc chiến những nàng dâu”.

- Tại sao chị không thi “Hoa hậu Hoàn Vũ” dù được nhiều fan ủng hộ?

- Trước đây, tôi từng muốn trở thành “Hoa hậu Hoàn vũ”. Tôi đã chuẩn bị rất nhiều thứ từ tinh thần đến thể chất. Song có lẽ mọi thứ không có duyên.

Hiện tại, tôi thích ngồi ghế ban giám khảo, đánh giá thí sinh và nhường cơ hội cho những người trẻ hơn.

- Từ cô bé có gương mặt bầu bĩnh đáng yêu, đến hiện tại là cô gái sở hữu thân hình quyến rũ, gương mặt góc cạnh. Hành trình giảm cân của chị ra sao?

Tôi từng gặp nhiều áp lực từ dư luận và những bình luận chê bai về ngoại hình của mình.

Theo tôi, việc giảm cân rất khó. Song tình cảm của khán giả đã cho tôi động lực. Giảm cân không chỉ là việc có thân hình đẹp mà cũng là cách người diễn viên lan toả thông điệp về nâng cao, rèn luyện sức khoẻ đến công chúng.