Sau vài chapter One Piece gần đây, hình ảnh của Oden, phụ thân của Momonosuke, đã dần được hé lộ và hoàn thiện. Ông là một vị lãnh chúa được toàn thể nhân dân yêu mến, đã mang lại bình an và thịnh vượng cho vùng đất Kuri mà ông cai trị và đặc biệt luôn luôn mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho dân tộc mình.
Gia tộc Kozuki của Oden đã mang lại bình an và thịnh vượng cho vùng đất Kuri
Qua từng hình ảnh và câu chữ, tôi ngờ rằng cuộc đời Oden cùng những biến chuyển của Wano quốc đã được Oda lấy cảm hứng dựa trên lịch sử đất nước mình trong 300 năm từ thời chiến quốc cho tới những năm tháng của cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân.
Hôm nay, bài viết sẽ xoay quanh Oda Nobunaga, vị lãnh chúa/đại tướng nổi tiếng thuộc hàng bậc nhất lịch sử Nhật Bản, ông là người có công rất lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ chiến loạn kéo dài trên khắp đất nước và có thể cũng là hình tượng trực tiếp của lãnh chúa Oden.
1. Thuở niên thiếu
Hình ảnh thực tế của Oda Nobunaga
Sinh ra trong gia đình lãnh chúa và là người thừa kế cho cha mình nhưng Nobunaga hồi trẻ nổi tiếng vì sự ất ơ, vô tâm vô tính khi luôn ăn mặc bỗ bã, cưỡi ngựa lêu lổng cùng nhiều hành vi kì quặc khác chứ không quan tâm đến đại sự. Trong mắt gia đình, người dân và cả thuộc hạ, cậu thanh niên Nobunaga bị coi như một thằng khùng của gia tộc, và của cả xứ Owari.
Đi sâu hơn cả thì trong thời đại này, sammurai vô cùng được coi trọng, những điều luật, quy tắc và cách ứng xử của họ được coi là chuẩn mực cho xã hội và những sammurai nào không tuân thủ chúng đều sẽ bị đánh giá, khinh thường, đặc biệt là lãnh chúa tương lai của cả một vùng như Nobunaga. Ngay đến cha của ông cũng không tin tưởng hay tín nhiệm cậu con trai này.
Oden cũng có một xuất thân tương tự, nhưng cơ cấu hơn khi là con trai của Shogun (tướng quân) - vị trí nắm giữ thực quyền và cai trị cả đất nước. Thời trẻ ông cũng bị mọi người cho là một kẻ kì quặc chả giống ai, vì những tư tưởng ngược đời và những lần đi gây sự, đánh tay đôi nhiều không kể hết. Vì lí do này và có lẽ là thêm một biến cố lớn nữa, ông đã bị cha mình trục xuất khỏi kinh đô và phải đến một vùng đất bạo loạn để sinh sống.
2. Thời thế tạo anh hùng
Sau cái chết đột ngột của cha mình, số phận của Oda Nobunaga khá là bấp bênh khi rất nhiều gia thần quay sang ủng hộ em trai ông lên kế vị. Lúc này đây cậu thanh niên Nobunaga đã có những đột phá vượt bậc cả về suy nghĩ lẫn tài năng. Vài năm sau đó, ông thống nhất được gia tộc và lãnh địa Owari.
Trận chiến đầu tiên thực sự làm nên tên tuổi cho Nobunaga là trận đánh với Imagawa Mitsumoto, trong trận chiến này bên ông chỉ có 2.000 binh sĩ để đối đầu lại là 30.000 quân của kẻ thù!! (một việc gần như không tưởng nhưng trở thành sự thật nhờ tài năng, bản lĩnh và trí tuệ của Nobunaga). Trước trận đánh, nhiều cựu thần từ thời cha ông còn khuyên Nobunaga nên đầu hàng vì chênh lệch lực lượng quá khủng khiếp, nhưng sau đấy thì sao? Chiến thắng này đưa ông lên tầm đẳng cấp của các danh tướng huyền thoại thời đó và thực sự mang tới cho thời đại ấy một quỷ vương bất bại: Oda Nobunaga. Năm ấy, ông tròn 25 tuổi.
Oden quyết đấu Ashura Doji
Về phần Oden, sau khi bị cha mình trục xuất khỏi kinh đô, ông đã tới Kuri - vùng đất vô pháp hỗn loạn nơi tập trung của các phần tử cực đoan, tội phạm, ronin bị trục xuất,...chúng tụ họp với nhau rồi lập ra những băng nhóm trộm cướp, giết người cướp của khắp vùng này, nơi đây đã chứng kiến những tội ác kinh hoàng, ghê tởm tới mức ngay cả tướng quân cũng phải ngó lơ.
Nhưng Oden đã tới Kuri, đã có một cuộc đại chiến với Ashura Doji, tên tội phạm nguy hiểm nhất vùng đất này, và rồi đánh bại hắn. Sau đó, ông tập trung tất cả đám vô lại rác rưởi, cặn bã đó lại và dẫn dắt họ đi theo con đường đúng đắn, rồi cùng nhau họ đã biến Kuri thành vùng đất tự do, đầy ắp tiếng cười. Khi mọi chuyện đến tai của tướng quân, Oden được ban cho danh hiệu lãnh chúa và thực sự có quyền cai quản vùng đất Kuri. Thời điểm ấy, ông mới chỉ 20.
3. Cách dùng người
Hình ảnh Oda Nobunaga trong Nioh
Vào thời đó, tài năng và nhân cách của con người lại không được coi trọng bằng hai chữ '' xuất thân ''. Vô số nhân tài, dũng tướng không thể có chốn dụng võ, hành văn chỉ bởi họ đến từ những gia đình nông dân hèn kém. Những lãnh chúa, hoàng tộc vốn ưa thích trọng dụng những kẻ có dòng dõi cao sang hay xuất thân danh giá, và tư cách của một sammurai được xét đến qua gia thế chứ không phải nhờ tài năng của họ.
Nobunaga thì ngược lại, ông trọng dụng gia thần qua tài năng chứ không xét đến xuất thân hay chỉ tin dùng người nhà. (điển hình là Toyotomi Hideyoshi, thuộc hạ thân tín của Nobunaga, kẻ vốn xuất thân từ dòng dõi nông dân nhưng sau này lại là người thống nhất Nhật Bản và nắm thực quyền cai trị cả đất nước). Hơn thế nữa, thay vì sử dụng binh lực là các sammurai danh giá, Nobunaga lại tin dùng những tên lính đánh thuê, những kẻ đầy tai tiếng với việc có thể phản lại người thuê chúng bất cứ lúc nào, sẵn sàng làm tất cả những viêc ghê tởm vì tiền... nhưng bù lại thì chỉ cần có tiền thì muốn bao nhiêu tên cũng có.
2 vị vua chó mèo Inuarashi và Nekomamushi hồi còn nhỏ đã được Oden cứu khi bị dân làng đánh đập bởi vẻ ngoài kì dị của mình
Oden cũng tương tự, thuộc hạ bề tôi dưới trướng ông đa phần là những kẻ có lai lịch bất minh, đầu trộm đuôi cướp, nhưng đều đã cảm phục và đi theo con người tài năng này. Ngay đến 2 vị vua chó mèo Inuarashi và Nekomamushi hồi còn nhỏ cũng đã được Oden cứu khi bị dân làng đánh đập bởi vẻ ngoài kì dị của mình, và chính ông cũng lên tiếng chỉ trích sự ngu dốt, hẹp hòi của những người đó.
Và giờ ta đã hiểu vì sao, dù cả vương quốc và tộc Minks có đứng trước nguy cơ bị hủy diệt, tất cả mọi người có thể đều phải chết, nhưng họ vẫn nhất quyết bảo vệ cho Raizo cùng gia tộc Kouzuki.
4. Tầm nhìn về kinh tế chiến lược
Nobunaga là người có tầm nhìn xa trộng rộng hơn là một kẻ chỉ sân si dăm ba cái lợi trước mắt, bởi vậy trong thời chiến tranh loạn lạc với mức phí khổng lồ để duy trì quân đội, ông lại là người tạo nên các thương hội nơi không phải đóng sưu thuế khi lưu thông, tạo tiền đề cho việc buôn bán phát triển.
Điều này đồng nghĩa với việc mức sưu thuế cao vốn là nguồn thu nhập chính của các lãnh chúa lại là nơi Nobunaga mất cả đống tiền vào khiến ông bị các chư hầu khác chê cười, các gia thần của mình nghi ngờ, thắc mắc. Dù vậy xét về lâu dài, nguồn thu nhập và kinh tế khu vực phát triển thì ai là người có lợi chúng ta đều biết.
Quan trọng nhất, thời chiến quốc lãnh địa nào cũng sử dụng quân đội nông dân làm nguồn binh lực chính, mỗi khi có chiến tranh lại phát lệnh nhập ngũ và tất cả già trẻ trai tráng đều phải tham gia. Trong khi đó, Nobunaga lại dấn thân vào việc sử dụng lính đánh thuê, thứ tốn kém và đắt đỏ gấp trăm lần dân quân của lãnh địa.
Và rồi khi mà các bên giao chiến, dù kinh khủng thiệt hại đến mức nào thì thứ Oda thiệt hại cũng chỉ là tiền của, còn những lãnh địa khác thì còn thua thiệt nhiều hơn thế, và đến mùa thu hoạch hay trồng trọt thì lãnh chúa nào cũng phải rút quân để nông dân có thể trở về làm đồng (tài nguyên mà nếu bỏ qua thì dù thắng cũng phá sản), quân đội của Oda thì lại vẫn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu bởi đa số đều là lính đánh thuê, còn nông dân vùng Owari thì thoải mái thu hoạch một mùa màng bội thu.
Sau khi thu phục đám trộm cướp vô lại về dưới trướng mình, Oden bắt chúng phải học cách lao động
Sau khi thu phục đám trộm cướp vô lại về dưới trướng mình, Oden bắt chúng phải học cách lao động, thứ tiên quyết dẫn tới sự phát triển của lãnh địa, ông còn cho xây dựng trang trại thiên đường dành cho tất cả mọi người, và tạo ra một ngôi làng tự do nơi con người ai cũng bình đẳng như nhau. Ông cũng xây dựng các con đường và bến tàu để liên kết thông thương, mở rộng ngoại giao và kết nối con người...
5. Tư tưởng và lối suy nghĩ vượt lên trên thời đại
Sống trong thời kì phong kiến bảo thủ cực đoan, nhưng Nobunaga lại luôn mở cửa ngoại giao với các thương nhân, nhà truyền giáo đến từ phương Tây, ông cũng sẵn sàng tiếp nhận cách suy nghĩ và tư tưởng văn hóa phương Tây để đánh giá, so sánh với đất nước mình.
Đặc biệt, sau nhiều lần quan sát và suy nghĩ, Nobunaga là người đầu tiên thay đổi cả một thể chế, quy mô chiến tranh trong lịch sử Nhật Bản khi sử dụng súng ống làm vũ khí chủ lực cho quân đội của mình. Vài năm sau đó, nhận thấy những lợi ích khổng lồ của loại vũ khí này, các lãnh chúa khác cũng bắt đầu đầu tư , chạy đua vũ trang để đối trọng lại với Nobunaga nhưng lúc này có lẽ đã quá muộn, vì xạ thủ phe ông đều đã Go Pro cả rồi.
Oden thì lại có câu cửa miệng thế này: ''Nơi đây quá ư chật chội!'' ví như một Wano bảo thủ cứng đầu không chịu trông ra thế giới hệt như một con ếch ngồi nhìn lên bầu trời qua đáy giếng vậy. Cả cuộc đời ông gắn liền với nỗ lực mở cửa Wano nhưng đến cuối vẫn còn dang dở.
Đặc biệt, ông đã thể hiện mình là một con người với tư tưởng thông thoáng đến độ đã có thời từng theo lên cả tàu hải tặc của Roger và Râu Trắng để cùng phiêu lưu với họ, cùng với bí ẩn gia tộc khi liên quan trực tiếp đến 100 năm lịch sử bỏ trống.
6. Biệt hiệu của Nobunaga và dự đoán tương lai của Oden
Dẫu cho có là một vị lãnh chúa tài năng và đóng góp vô số công lao cho nước Nhật cả thời đấy cho tới tận ngày nay, Oda Nobunaga cũng hiện lên với hình ảnh của một bạo chúa khi đã có vô số quyết định tàn nhẫn dẫn tới cái chết của vô số người vô tội: vì bao che cho kẻ thù của ông, Oda đã ra lệnh tàn sát cả một ngôi chùa 4000 người bao gồm cả nhà sư, phụ nữ và trẻ em. Một lần khác, ông cũng cho nổi lửa thiêu chết 20.000 tín đồ trong ngôi chùa đối địch.
Dù trong thời đại phong kiến khi mà mạng người vô cùng mong manh và giết người được coi là chuyện cơm bữa thường ngày, những hành động ấy của Nobunaga vẫn bị coi là quá ư vô nhân đạo, để rồi cái danh hiệu "Quỷ Vương" vẫn theo ông đến tận bây giờ. Dù sao thì chúng ta cũng không thể đánh giá điều này theo hướng phiến diện, bởi Nobunaga cũng như Tần Thủy Hoàng của Trung Quốc, đều là những người tạo nên thời đại mới, thống nhất đất nước từ binh đao và xương máu mọi người, ở thời này họ có thể bị coi là bạo chúa nhưng thời sau và sau nữa, họ lại là những anh hùng dân tộc.
Phải chăng Oden đã bị vu oan cho một tội ác gì đó khủng khiếp, ví như việc tàn sát của Nobunaga vậy?
Oden, dù được kể rằng ai ai cũng yêu mến ông, lại bị kết tội gì đó và bị đưa đến tận kinh đô để hành quyết, chứng tỏ rằng có một uẩn khúc rất lớn trong câu chuyện này. Phải chăng Oden đã bị vu oan cho một tội ác gì đó khủng khiếp, ví như việc tàn sát của Nobunaga vậy? (Kể đến đây, những câu chuyện đau thương của Alabasta, Dressrosa lại hiện lên đầy bi thương, và bởi chúng đều được thao túng và gây ra bởi hải tặc)
7. Kết thúc cuộc đời trong dang dở và tiếc nuối
Ở đỉnh cao của quyền lực và danh vọng, bất chợt huyền thoại về Oda Nobunaga lại vụt tắt vì một pha 'đâm lén' từ chính thuộc hạ của mình. Với những ai biết về lịch sử Nhật Bản hay có chơi game, đọc truyện thì hẳn đều biết về biến cố chùa Honno, nơi mà Nobunaga ghé thăm thì bị Akechi Mitsuhide phản bội và bao vây để rồi phải tự vẫn trong biển lửa cùng vợ con mình.
Giấc mơ thống nhất đất nước đã gần hoàn thiện thì lại phải tạm ngưng, và để cho những người kế cận ông hoàn thành nốt, đầu tiên là Toyotomi Hideyoshi và sau đó là Tokugawa Ieyasu (2 thuộc hạ/ đồng minh của Oda Nobunaga và cả 2 đều từng cai trị cả Nhật Bản)
Với Oden thì giấc mơ mở cửa Wano của ông bị khép lại dang dở ngay từ những bước đầu, khi theo phe của Tướng quân đương nhiệm Orochi còn có Kaido trợ lực, bản thân bị ''nấu sôi trong chảo lửa'' (theo như được kể) còn vợ con, thành trì lẫn toàn bộ gia nhân đều bị thiêu cháy (cũng như lời kể nốt).
Đáng tiếc cho Oden ở điểm ông vốn là một con người tài hoa với tư tưởng đi trước thời đại nhưng lại sống trong thời kì loạn lạc, nhưng có lẽ ước mơ của ông sẽ được thực hiện bởi con trai ông là Momonosuke, cùng những gia thần từng kề vai sát cánh bên mình và cả những hải tặc đầy phóng khoáng như Luffy, kẻ mà giống với băng Roger khi xưa, những hải tặc huyền thoại đã khiến Oden đem lòng quý mến và cùng nhau phiêu lưu khắp biển cả.