Tây du ký là một bộ phim truyền hình dựa trên tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân kể về hành trình thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng cùng Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng. Trong quá trình này, họ gặp phải nhiều gian nan, trắc trở, chiến đấu với nhiều yêu quái.
Với nội dung phong phú, mở rộng khi mỗi lần chiến đấu với yêu quái là một kiếp nạn thì đây là niềm cảm hứng bất tận để các nhà sản xuất phim sáng tạo ra các phiên bản của riêng mình. Tuy nhiên, không phải phiên bản Tây du ký nào cũng làm hài lòng khán giả. Nhiều bản làm biến chất tác phẩm, nội dung cẩu thả, thay đổi nhân vật đến không nhận ra khiến nhiều người phải ngao ngán.
1. Tây du ký hậu truyện (2000)
Tây du ký hậu truyện (2000) có nội dung bắt đầu từ sau khi thầy trò Đường Tăng đã đắc đạo thành tiên, lấy được chân kinh. Tuy nhiên, trên tiên giới xảy ra những cuộc chiến giữa các vị thần.
Kịch bản phim bị biến tấu rất nhiều chi tiết mới khiến cho khán giả khó chấp nhận ví dụ như Phật Tổ cũng biết yêu, có mối quan hệ tình cảm với Bích Du Tiên Tử và Bạch Liên Hoa. Phật Tổ Như Lai viên tịch, phần đông các vị tiên phật vào địa ngục, đại ma đầu Vô Thiên lợi dụng cơ hội thống trị tam giới. Lúc này, thầy trò Đường Tăng một lần nữa tập hợp với nhiệm vụ giải cứu thế giới.
2. Tề Thiên Đại Thánh (2002)
Tề Thiên Đại Thánh (2002) kể về việc Tôn Ngộ Không lúc này không còn là một chú khỉ tinh nghịch, thông minh cương trực mà trở nên đào hoa, có 3 mối tình cùng Bạch Cốt Tinh, Tử Lan Tiên Tử và yêu tinh nhện.
Ngoài ra, phim còn có chi tiết Na Tra sinh ra cùng Tôn Ngộ Không, trở thành bạn "nối khố", sư phụ chiến đấu với robot vũ trụ... Những tình tiết cải biên khiến khán giả thất vọng.
Cho dù trong bản này có sự góp mặt của diễn viên nổi tiếng Trương Vệ Kiện đóng vai Tôn Ngộ Không từng gây dấu ấn mạnh trong vai vua khỉ năm 1996, nhưng sang đến tác phẩm này những sự thay đổi quá lố về nội dung khiến bộ phim trở thành thất phẩm.
3. Tây du ký phiên bản đài Chiết Giang (2009)
Đây có thể coi là phiên bản nhận nhiều lời phê bình nhất của khán giả từ tạo hình nhân vật, nội dung đến diễn xuất của dàn diễn viên.
Trong phim Tôn Ngộ Không có mối tình với Bạch Cốt Tinh, Sa Tăng phải lòng yêu tinh nhện, Đường Tăng và nữ vương Nữ Nhi quốc hẹn hò trên thuyền rồng, nắm tay nhau, Trư Bát Giới thì gặp đâu yêu đó.
Thêm một điều khiến nhiều khán giả không thể chấp nhận được là việc đưa các ngôn ngữ hiện đại vào một bộ phim cổ trang thần thoại khiến bộ phim trở nên nhàm chán và biến chất.
4. Tây Du Ký: Đại náo thiên cung (2014)
Tác phẩm này kể lại hồi truyện kinh điển trong nguyên tác với nhiều tình tiết sửa đổi. Cụ thể, nhân vật Ngưu Ma Vương là kẻ lãnh đạo Ma giới, luôn đối chọi với Ngọc Hoàng. Sau đó, Tôn Ngộ Không mới ra đời và đại náo thiên cung do bị Ngưu Ma Vương giật dây.
Việc dùng nhiều kỹ xảo và cốt truyện hiện đại khiến Đại náo thiên cung mang dáng dấp của một bom tấn siêu anh hùng lạ lẫm với khán giả.
5. Tây Du Ký lạ truyện: Kiếp nạn thứ 82 (2016)
Tây Du Ký lạ truyện được đạo diễn Khiếu Thú Dịch Tiểu Tinh chuyển thể từ series hài Vạn vạn không ngờ tới. Thuộc dòng hài nhảm, kịch bản không ngại xây dựng các nhân vật đi ngược với nguyên tác. Đường Tăng ăn mặc xuề xòa, dễ bỏ đường tu và ham ăn hơn cả Trư Bát Giới. Tôn Ngộ Không chải chuốt và lắm lời, Trư Bát Giới thư sinh còn Sa Tăng béo và hay khóc nhè khi gặp nạn.
6. Ba bản Tây du ký của Châu Tinh Trì
Châu Tinh Trì cũng là người rất tâm huyết với chủ đề Tây du ký, ông từng thực hiện Đại thoại Tây Du (1995), Tây du ký mối tình ngoại truyện 1: Hàng ma thiên (2013), Tây du ký mối tình ngoại truyện 2 (2017). Các tác phẩm này có doanh thu cao lên tới hàng tỷ NDT tuy nhiên nội dung vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trong Đại thoại Tây Du, Tôn Ngộ Không có mối tình khắc cốt ghi tâm với Tử Hà tiên tử. Trong Tây du ký mối tình ngoại truyện 1, Tôn Ngộ Không đóng nhân vật phản diện, gian ác cùng cực. Sang phần 2, sư phụ có võ và thường xuyên tấu hài.
Những sự thay đổi về nội dung và tính cách nhân vật của Châu Tinh Trì không được khán giả ủng hộ. Nhiều người đi xem vì yêu thích cách gây cười của vua hài Hong Kong, nhưng sau đó lại thất vọng vì những mảng miếng nhạt, thiếu điểm nhấn.
7. Tây du ký: Đại chiến động bàn tơ (2020)
Đây là bộ phim điện ảnh mới nhất lấy cảm hứng từ Tây du ký nhưng cũng đang bị ném đá tơi tả với nội dung khá lố bịch.
Nội dung của bộ phim xoay quanh cuộc chiến của thầy trò Đường Tăng với dàn Yêu Tinh Nhện. Mở đầu là cảnh Tề Thiên Đại Thánh bị giam dưới núi Ngũ Hành Sơn 500 năm, có 4 con yêu quái đến quấy nhiễu và giao chiến. Tiếp đến là việc Đường Tăng xuất hiện và cứu Tôn Ngộ Không ra khỏi giam cầm. Sau quá trình thu nhận thêm 2 đồ đề là Bát Giới và Sa Tăng thì bốn thầy trò gặp kiếp nạn tại Động Bàn Tơ.
Tuy nhiên khác hoàn toàn với nguyên bản gốc thì trong bộ phim lần này Tôn Ngộ Không lại không thể hiện được nhiều sức mạnh, thậm chí còn bị Yêu Tinh Nhện ăn thịt. Điều khiến mọi người hoang mang hơn cả là lúc này Đường Tăng với sức mạnh vô địch đã giải quyết các yêu quái, và thậm chí Trư Bát Giới cũng có nhiều phép thuật hơn cả Tôn Ngộ Không.