Lão Hạc và chú chó trong phim Cậu Vàng - Ảnh: ĐPCC
Trong nguyên tác, cái chết của Lão Hạc hiện lên đầy chua xót và bi thương dưới ngòi bút tả thực xuất sắc của Nam Cao:
"Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội... Lão Hạc ơi!".
Thế nhưng ở Cậu Vàng, thước phim quằn quại ấy lại được tái hiện một cách mờ nhạt và thiếu sâu sắc.
Lão Hạc (do Kim Lân đóng) trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy - Ảnh: ĐPCC
Khi phim gắn với tác phẩm nổi tiếng
Tác phẩm Lão Hạc nổi tiếng với cảnh đời cơ cực và đầy xót xa của những con người dưới đáy của xã hội. Thế nhưng tất cả cái chết trong phim đều được phỏng lại một cách đại khái và cái chết của Binh Tư cũng như thế. Ta thấy Binh Tư hòa vào dòng máu đỏ trên mặt sông loang loáng. Hình có vẻ tàn khốc ấy nhưng khán giả khó lòng cảm được.
Có thể thấy, phim đã cố tình lược bỏ gần hết những hình ảnh nặng nề, ám ảnh để bộ phim trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhưng họ lại không biết rằng, đó chính là những hình ảnh đắt giá nhất của tác phẩm, Nam Cao miêu tả một cách đầy dụng tâm để lột tả về cái xã hội nghèo đói, về một thời đại cùng cực của lịch sử Việt Nam.
Bá Kiến và con trai Lý Cường do Hữu Châu và Will thủ vai - Ảnh: ĐPCC
Đạo diễn Trần Vũ Thủy làm bộ phim để tưởng nhớ nhà văn Nam Cao, muốn “hướng đến một tác phẩm về luật nhân - quả, bài học đối nhân xử thế" nhưng những gì khán giả thấy được chỉ là một xã hội thực dân nửa phong kiến mờ nhạt. Phim cũng không hề có ngôn ngữ điện ảnh rõ nét, không hình tượng đắt giá, không góc máy ấn tượng, màu sắc lòe loẹt, lời thoại bê nguyên từ văn học, Cậu Vàng khiến nhiều khán giả thất vọng.
Có lẽ trước khi đặt mục tiêu, đoàn làm phim nên tự vấn rằng: Vì sao Lão Hạc nhận được sự ủng hộ của nhiều người, tại sao tác phẩm lại trở thành tác phẩm văn học kinh điển? Chẳng phải là ông đã khắc họa thành công cuộc đời cùng khổ của hệ thống nhân vật trong bối cảnh nghèo đói của Việt Nam lúc bấy giờ sao? Muốn phóng tác Lão Hạc thành phim nhưng lại “không tái hiện cuộc sống nghèo khổ trước năm 1945”, nhà làm phim đang muốn làm gì vậy?
Đánh mất trọng tâm
Nhìn vào bộ phim, ta thấy hệ thống 12 nhân vật đã bị Cậu Vàng làm cho mất trọng tâm. Nếu như nhân vật chính Lão Hạc vắng mặt trong gần nửa thời lượng phim thì bà vợ ba Bá Kiến lại chiếm sóng với màn “gia đấu” đầy kịch tính. Nếu xét theo sự phát triển của nhân vật thì bà Ba và Lý Cường đều mang dáng dấp nhân vật chính - điều mà đạo diễn không nên làm ở Cậu Vàng.
Bà Ba Bá Kiến (do Băng Di đóng) như được đẩy lên làm vai chính trong phim - Ảnh: ĐPCC
Lão Hạc (do Viết Liên đóng) và chú chó trong phim Cậu Vàng - Ảnh: ĐPCC
Ngay từ khi thai nghén, cậu Vàng được cho là nhân vật chứng kiến mọi cảnh đời trong thế giới tàn khốc ấy. Nhưng đạo diễn lại thể hiện ý đồ đó bằng cách dựng đan xen một cảnh có cậu Vàng, một cảnh có con người. Đó không phải là góc nhìn của con chó mà vẫn là của con người.
Rõ ràng, Cậu Vàng chưa toát lên được cái hồn và tinh thần của nguyên tác. Cái gốc càng sâu sắc, hiện thực bao nhiêu thì bộ phim lại nhạt nhòa, hời hợt bấy nhiêu.