Sina đưa tin bộ phim điện ảnh Thẩm Phán Trên Mây sau 1 tháng công chiếu chỉ bán được 1 vé và thu về khoảng 37 NDT. Do đó, phim trở thành tác phẩm có doanh thu thấp nhất năm 2025, đồng thời còn lập một kỷ lục không ai mong muốn là "Phim có doanh thu thấp nhất lịch sử nền điện ảnh Trung Quốc", trước đó vị trí này thuộc về phim Tôi Là Sinh Viên Nghệ Thuật (2024) được 70 NDT.
Theo Sina, chi phí sản xuất của phim Thẩm Phán Trên Mây là 3 triệu NDT, đạo diễn của phim còn tự bỏ tiền túi ra sản xuất hậu kỳ. Ông đã cầm cố căn nhà của mình vì ước mơ nghệ thuật, vì vậy bộ phim đã khiến đạo diễn phá sản.

Bộ phim lấy cảm hứng từ nhân vật thẩm phán có thật ngoài đời, người hết mình trong công tác phổ biến pháp luật
Theo QQ, Thẩm Phán Trên Mây có nội dung kể về vị thẩm phán Hoàng Đăng Lâm tại Quảng Tây, Trung Quốc, người chuyên đi xét xử các vụ án của người dân tộc thiểu số. Tác phẩm được thực hiện với mong muốn phổ biến pháp luật, cố gắng cho thấy cách các thẩm phán cơ sở thúc đẩy tiến bộ xã hội bằng cách kết hợp luật pháp và phong tục quốc gia. Tuy nhiên, hiệu ứng trình bày thực tế lại trái ngược với ý định ban đầu.
Phim bị đánh giá có nhiều lời lẽ thuyết giáo, thiếu cảm xúc, mạch phim rời rạc "giống như mì sống, vừa cứng vừa khó nuốt". Việc xây dựng nhân vật bị nhận xét hời hợt, vai nam chính giống như siêu nhân không gì không giải quyết được, không có điểm yếu, không có sự mâu thuẫn khi phải vượt qua những khó khăn để đến với người dân bản. Điều này hoàn toàn phi lý, khác biệt với thực tế.

Phim bị đánh giá có nội dung kém hấp dẫn, diễn xuất của dàn diễn viên cực tệ
Nhân vật gây hứng thú nhất là chú ngựa giúp các nhân viên pháp luật di chuyển
Hình ảnh trong phim bị chỉ trích là "đơn sơ như những bộ phim về pháp luật 20 năm trước". Người dân tộc thiểu số xuất hiện chỉ để khoe những bộ đồ là mắt, nhảy múa mà không thể hiện rõ sự xung đột ở việc không hiểu biết với pháp luật. Cách xử lý tình tiết hời hợt khiến khán giả khó chịu, cảm thấy bộ phim "không nghệ thuật cũng không thực tế".
Trong phim, các diễn viên đều thiếu tự nhiên. Họ không có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, cũng không thể giao tiếp tốt với các diễn viên quần chúng. Thậm chí, có người còn mỉa mai "diễn tốt nhất là chú ngựa".
Theo QQ, các bộ phim như Thẩm Phán Trên Mây là sự đầu tư sai lầm của các nhà sản xuất. Nhà sản xuất, các ban ngành muốn thực hiện một bộ phim để phổ biến kiến thức, nhưng lại không có kế hoạch PR cho phim rõ ràng, nội dung không được đầu tư nên không thu hút được người xem.

Bộ phim được sản xuất với mục đích nhân văn ý nghĩa nhưng kết quả gây thất vọng
Một trong những tác phẩm đề tài pháp luật gần nhất thu hút được khán giả là Điều Thứ 20 do Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn, thu về 2,4 tỷ NDT năm 2024. Bộ phim xây dựng mâu thuẫn để khán giả hiểu được tình huống dẫn đến luật Phòng vệ chính đáng, giúp khán giả dễ hình dung ra điều luật đó áp dụng trong trường hợp nào. Chính việc lấy rõ vụ án cụ thể đã khiến người xem dễ tiếp thu và nhớ điều luật hơn.