Kỹ xảo là một yếu tố quan trọng giúp bộ phim tạo ra cảm giác thần kỳ và hấp dẫn cho bộ phim. Một số tác phẩm lạm dụng yếu tố kỹ xảo quá “lố” khiến cảnh quay vừa không chân thực, vừa gây cảm giác khó chịu cho người xem. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bộ phim bị khán giả chê dùng kỹ xảo “ba xu” thô sơ, rẻ tiền vì thiếu kinh phí.
Mới đây, bộ phim “Công tử độc sủng vợ thợ ngói” bất ngờ “gây bão” mạng khi ghi tên vào danh sách những đoàn phim nghèo nhất làng giải trí. Cụ thể, trong phân đoạn dùng thuật tàng hình để ẩn thân tránh bị phát hiện, nhân vật lẽ ra phải được sử dụng công nghệ đồ họa để “biến mất” trên màn ảnh. Tuy nhiên, đoàn phim lại tô sáng diễn viên và đề dòng chú thích hẳn hoi: “Chúng tôi không có tiền làm kỹ xảo tàng hình. Khán giả vui lòng tưởng tượng một chút. Xin lỗi”.
Trên mạng xã hội đã nảy ra nhiều ý kiến trái chiều về cảnh phim này. Nhiều người bật cười thích thú, song đa số bình luận cho rằng đoàn phim đang thiếu tôn trọng khán giả. “Có tiền làm kỹ xảo phát sáng mà không có tiền làm kỹ xảo tàng hình?”, “Lần đầu thấy đoàn phim nghèo thế này”, “0 điểm kỹ xảo nhưng 10 điểm chân thành”, “Xem video trên TikTok còn chuyên nghiệp hơn”, “Không có tiền thì đừng quay, nhìn khó chịu thật”... là một số bình luận của dân mạng.
Trong “Nhân duyên đại nhân xin dừng bước”, nam chính Sở Diệp gây ngỡ ngàng với khả năng “lợp ngói” có một không hai. Cụ thể, anh dùng tay hất ngói lên nóc nhà, và kỳ diệu làm sao khi các viên ngói đều “ngay hàng thẳng lối”. Đặc biệt, vẻ mặt tự hào của nhân vật sau khi “lợp ngói” bằng tay càng khiến cảnh phim thêm “giả trân”. Khán giả nhận thấy rõ các viên ngói là sản phẩm kỹ xảo đồ họa và bàn tay của nam diễn viên không hề động vào đạo cụ. “Không thể tin được năm 2022 rồi mà vẫn có cảnh phim kỳ quái như thế này”, một dân mạng ngán ngẩm.
Trong “Một mảnh băng tâm tại ngọc hồ”, Ngô Hi Trạch vào vai Triển Chiêu. Tuy nhiên, không giống các đàn anh đi trước, nam diễn viên trẻ không thể tự xoay kiếm mà phải sử dụng kỹ xảo. Nhiều người xem lắc đầu và “ném đá” vì một ngự tiền tứ phẩm đới đao hộ vệ lại... không biết võ công mà hoàn toàn dựa vào công nghệ. Khán giả gọi anh là “Triển Chiêu thảm họa”.
“Thượng cổ mật ước” thuộc thể loại phim kỳ ảo, giả tưởng nhưng lại không tạo được sức hấp dẫn do kỹ xảo quá kém. Cảnh Ngô Lỗi giết chết kẻ địch, khiến hắn hóa thành bãi cát rồi tan ra khiến người xem bức xúc vì sự phi lý. “Kỹ xảo không đáng một xu” là ý kiến được nhiều dân mạng đồng tình.
Một cảnh khác trong phim, khi bị Tống Tổ Nhi cầm kiếm đâm, Ngô Lỗi vẫn mặt không đổi sắc tiến về phía cô. Người xem nhận xét kỹ xảo dựa hoàn toàn vào cử động tay của nam chính. Có thể thấy rõ, Ngô Lỗi “trượt” theo đường kiếm và bước lên ôm chầm lấy nữ chính.
Hai chú chó không thể nào giả hơn trong “Ngự Tiền Tứ Bảo”. Nhiều người thắc mắc vì sao đoàn phim lại có kỹ xảo “ba xu” không thể tin nổi thế này. Dân mạng bàn tán rôm rả: “Đây là chú chó trong hoạt hình Tom và Jerry đúng không?”, “Cảnh mấy chú chó chiến đấu nhìn cay mắt vô cùng”, “Hoàn toàn không hiểu nổi”...
Là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Kim Dung, nhiều người đặt kỳ vọng cao với “Ỷ Thiên Đồ Long Ký 2022”. Tuy nhiên, sau khi ra mắt, phim bị chê thậm tệ vì phần hậu kỳ cẩu thả, đặc biệt là phân cảnh võ thuật của nam chính Trương Vô Kỵ với hiệu ứng kỹ xảo lỗi thời. Có lúc, Trương Vô Kỵ được ví như chiếc cối xay gió, có lúc lại biến thành người có 6 tay như Na Tra.
Khi ngã xuống vực vẫn có thể tập Thái Cực Quyền là tài năng chỉ có Lưu Khải Uy mới thực hiện được trong “Phi đao lại gặp phi đao”.