Từ trái qua: Phim Trại Hoa Đỏ, Hoa Hồng Giấy và Nữ Chủ
Việc Netflix phát hành Hoa Hồng Giấy và Trại Hoa Đỏ mở ra một cơ hội để phim truyền hình Việt có thể tiếp cận thêm nhiều khán giả trong và ngoài nước.
Phim truyền hình Việt bùng nổ số lượng, mở rộng phát hành
Tháng 10-2022, Hoa Hồng Giấy lên Netflix khu vực Việt Nam. Sau khi lọt vào top 10 chương trình được xem nhiều nhất ở Việt Nam, phim này được Netflix mở rộng phát hành tại Đông Nam Á từ tháng 12. Bộ phim truyền hình Việt khác là Trại Hoa Đỏ cũng được lên sóng hệ thống này sau khi phát trên K+...
Trong khi đó, trên nền tảng số trong nước, phim Việt vẫn là sự ưu tiên hàng đầu. Sau phim Giấc Mơ Của Mẹ, ngày 13-1 VieON tung ra Nữ Chủ - phim hành động, khai thác thế giới ngầm, sau đó là loạt phim truyền hình mới.
Để chiếu phim trên các kênh truyền hình truyền thống VTV, THVL, HTV hay trên SCTV, hiện nhiều đoàn phim đang hối hả trên phim trường để có sản phẩm mới. Chỉ riêng Hãng VFC hiện có đến năm phim đang quay: Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc, Cô Thợ Bánh, Nhà Có Ba Nàng Dâu, Bà Ngoại Lắm Chiêu và Đừng Làm Mẹ Cáu...
Diễn viên Thúy Ngân trong phim Nữ Chủ - Ảnh: ĐPCC
Còn ở miền Nam các phim Gieo Nhân, Chiếc Áo Tàng Hình, Người Thầm Lặng... đang tất bật ghi hình. Ngay trong đêm giao thừa đón Tết tây 1-1, ê kíp phim Chị Em Khác Mẹ của đạo diễn Nhâm Minh Hiền cũng vẫn miệt mài quay xuyên đêm từ năm cũ sang năm mới.
Khó khăn lớn nhất với phim truyền hình vẫn là kịch bản
Nói về phim Việt trong năm 2023, đạo diễn Nhâm Minh Hiền dự đoán có nhiều tín hiệu lạc quan như có nhiều phim với nhiều đề tài khác nhau, cách khai thác cũng đa dạng, chất lượng được nâng tầm. Đội ngũ diễn viên trẻ sẽ có đột phá bên cạnh diễn viên kỳ cựu.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng tình hình kinh tế đang gặp khó khăn, chi phí sản xuất phim không có gì thay đổi mà như vậy thì buộc đạo diễn và đoàn phim phải thắt lưng buộc bụng, tìm cách thích ứng mới hy vọng nâng cao được chất lượng.
Phim Vợ Quan được chuyển thể từ tiểu thuyết của Trung Quốc - Ảnh: ĐPCC
Và một cái khó đã tồn tại nhiều năm nay là kịch bản. Hoa Hồng Giấy là bộ phim Việt nhưng kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc. Vợ quan - bộ phim gây chú ý trên màn ảnh nhỏ 2022 - phát sóng đầu tiên trên SCTV14, sau đó là THVL và Galaxy play cũng lấy nội dung từ tiểu thuyết của Trung Quốc.
Mới đây nhất, trong lễ trao giải VTV Award 2022 tối 1-1, Thương Ngày Nắng Về - bộ phim được làm lại từ phim Hàn Quốc - đã vượt cả hai phim thuần Việt là 11 Tháng Năm Ngày và Đấu Trí để trở thành phim truyền hình ấn tượng.
Phim Thương Ngày Nắng Về vừa đoạt giải VTV Award 2022 - Ảnh: ĐPCC
Một biên kịch không nêu tên chia sẻ đôi khi chị cảm thấy buồn khi những bộ phim được yêu thích hay có giải thưởng phần lớn là phim "remake" - làm lại từ kịch bản nước ngoài.
"Tôi nghĩ khán giả đánh giá là chính xác và họ cần xem những bộ phim hay chứ không quan tâm đến kịch bản ngoại hay thuần Việt". Biên kịch này cũng cho rằng vấn đề kịch bản Việt Nam cốt lõi là bị yếu nên nó cứ rơi vòng luẩn quẩn của phim Việt, như con gà và quả trứng.
Trong vai trò nhà sản xuất, bà Bích Liên, giám đốc Mega GS, bày tỏ: "Tôi nghĩ hiện tại những phim Việt trên Netflix đang phục vụ cho khán giả Việt với mục đích giúp Netflix đến gần hơn với người Việt, nói chung là thị trường Việt Nam.
Còn phim Việt thu hút khán giả quốc tế thì chưa đủ sức. Làm sao phim Việt có thể cạnh tranh với Trung Quốc thể loại hành động, kiếm hiệp hay thể loại tình cảm lãng mạn với Hàn Quốc được. Diễn viên của Việt Nam thì đẹp đó nhưng diễn xuất chưa thật sự tốt".
Ăn mắm quen, ăn thịt có được?
Bà Bích Liên - giám đốc Mega GS - ví von: "Phim Việt hiện giống như trước đây quen ăn mắm rồi bây giờ ăn thịt không được".
Bà nêu giải pháp: "Phim Việt nên tập trung về văn hóa, đời sống Việt, có thể đời sống xưa và nay. Khán giả nước ngoài khi xem phim Việt khám phá ra được điều mới lạ mà họ không thể hóa thân vào thì mới có khả năng thu hút.
Nhưng điều này hơi khó. Hy vọng phải ít nhất 10 năm nữa, khi một lớp trẻ mới năng động được học hành bài bản tham gia mới có thể đẩy mạnh được sự phát triển phim ảnh Việt".
Ăn mắm quen, ăn thịt có được?
Bà Bích Liên - giám đốc Mega GS - ví von: "Phim Việt hiện giống như trước đây quen ăn mắm rồi bây giờ ăn thịt không được".
Bà nêu giải pháp: "Phim Việt nên tập trung về văn hóa, đời sống Việt, có thể đời sống xưa và nay. Khán giả nước ngoài khi xem phim Việt khám phá ra được điều mới lạ mà họ không thể hóa thân vào thì mới có khả năng thu hút.
Nhưng điều này hơi khó. Hy vọng phải ít nhất 10 năm nữa, khi một lớp trẻ mới năng động được học hành bài bản tham gia mới có thể đẩy mạnh được sự phát triển phim ảnh Việt".