"Thương ai nhớ ai" dài 34 tập, phát sóng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần từ ngày 4/11. Sau ba tập đầu, phim nhận nhiều ý kiến phản hồi tích cực của khán giả về nội dung, cách xây dựng bối cảnh, diễn xuất... Tuy nhiên, nhiều người tranh cãi về việc các diễn viên nữ không mặc nội y, để lộ hình dáng khuôn ngực sau lớp yếm mỏng.
Trong một phân cảnh, nhân vật Hơn - con dâu nhà địa chủ mặc yếm, để lộ toàn bộ phần lưng. Bà cán bộ xã ghen ghét với vẻ trẻ trung của cô. Bà yêu cầu Hơn ăn mặc kín đáo vì làng có ông xã đội đến thăm, không được để "cái ngực thây nẩy như đi trêu tức người ta". Ở cảnh khác, một cô gái sỗ sàng cởi áo tứ thân bên ngoài, chỉ mặc yếm mỏng trong bữa cơm để ve vãn Vạn - một cựu chiến binh lực lưỡng.
Trên fanpage của phim, trang phục của diễn viên nữ tạo ra tranh luận sôi nổi. Có khán giả cho rằng nhận xét phong cách ăn mặc của dàn diễn viên nữ lộ liễu, phản cảm. Khán giả Thu Hiền cho rằng tạo hình nhân vật hở hang không phù hợp với bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn. Tuy nhiên, Nhiều người khác lại nhận xét người Việt xưa ăn vận đúng như vậy, không phản cảm. Một số ý kiến ủng hộ tạo hình chân thực của nhân vật.
Diễn viên Ngọc Anh (đóng vai Nhân) từng chia sẻ đạo diễn Lưu Trọng Ninh là người yêu cầu cao. Ban đầu, cô khá áp lực khi không được mặc áo lót trong quá trình quay phim. Tuy nhiên, khi vượt qua sự ngại ngùng để tập trung vào công việc, cô cảm thấy yêu cầu này hoàn toàn bình thường và chính đáng. Diễn viên Thanh Hương (đóng vai Nương) cho rằng nếu các diễn viên mặc áo ngực, nhiều khán giả sẽ phản đối vì điều này phi thực tế.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh giải thích phim lấy bối cảnh những năm 1960. "Thời đó, phụ nữ ở nông thôn Bắc Bộ không mặc áo lót. Tôi yêu cầu như vậy vì muốn tạo nên tính chân thực cho bộ phim. Việc này đã được thông qua người phụ trách trang phục và các diễn viên", Lưu Trọng Ninh nói. Anh không bận tâm đến những luồng dư luận trái chiều.
Thương nhớ ở ai được chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Phim khắc họa số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến ở làng Đông - một vùng quê Bắc bộ điển hình. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ khao khát được yêu thương nhưng không thể vượt qua định kiến của xã hội.