Năm 2019, phòng vé quốc tế tăng vọt lên mức kỷ lục 31,1 tỉ đô la (gần 750 nghìn tỉ đồng), đóng góp vào doanh thu toàn cầu là 42,5 tỷ đô (gần 1000 nghìn tỉ đồng), tương đương mức cao nhất mọi thời đại. Nhưng sự lo lắng vì đại dịch toàn cầu COVID-19 đã khiến công chúng trên toàn thế giới tránh xa các rạp chiếu phim trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Một số nhà phân tích tin rằng COVID-19 có thể gây thiệt hại ít nhất 5 tỉ đô la (116 nghìn tỉ đồng) từ doanh thu phòng vé giảm và sản xuất bị ảnh hưởng.
Phòng vé đóng băng, nhiều cụm rạp đóng cửa
Ở Trung Quốc - thị trường phim lớn thứ 2 thế giới - khoảng 70.000 rạp chiếu phim vẫn đóng cửa giữa lúc dịch bệnh bùng phát và lệnh cấm phát hành liên tục đã cắt giảm doanh thu của cả hãng phim Hollywood và nội địa. Doanh thu bán vé trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 24 tháng 1 đến ngày 23 tháng 2 năm nay, là 4,2 triệu đô la (9,7 nghìn tỉ đồng), quá ít so với 1,76 tỉ đô la (41 nghìn tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2019 (số liệu từ Artisan Gateway). Các nhà phân tích ước tính rằng khoản lỗ ở Trung Quốc đến cuối tháng 2 có thể lên tới 2 tỉ đô.
Hai nhân viên đeo khẩu trang tại quầy quảng bá vắng bóng người của Mulan tại Bắc Kinh
Cuối tuần qua, doanh thu phòng vé tại Hàn Quốc, thị trường lớn thứ năm trên thế giới, đã giảm 80% so với năm trước. Vào tháng Hai, doanh thu ở Hàn Quốc đã giảm gần 70%. Theo KOBIS, dịch vụ phòng vé của quốc gia này, doanh thu bán vé tháng trước đạt tổng cộng 62 tỉ won (hơn 1 nghìn tỉ đồng) từ 7,3 triệu lượt vé, so với 189 tỉ won (hơn 3,6 nghìn tỉ đồng) từ 22,3 triệu lượt vé so với cùng kỳ năm ngoái.
Người đàn ông đi bộ trong khu trung tâm thương mại không một bóng người
CGV - chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất của Hàn Quốc, đã đóng cửa tất cả 9 chi nhánh ở thành phố phía nam của Daegu - "ổ dịch" corona. Đối với các rạp chiếu phim bên ngoài Daegu, CGV đã cắt giảm một nửa số buổi chiếu. Lotte Cinema và Megabox, cũng đang cắt giảm các buổi chiếu và giảm nhân sự để giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người. CGV cũng cho biết họ đang kiểm tra nhiệt độ của tất cả nhân viên tại chỗ mỗi sáng. "Một bầu không khí sợ hãi có thể sờ thấy được" - một lãnh đạo CGV cho biết. "Tình hình tương tự như cúm lợn năm 2009, khi có 80.000 trường hợp mắc bệnh ở Hàn Quốc".
Ở Ý, khoảng một nửa số rạp chiếu phim của đất nước được cho là đã đóng cửa - tất cả ở khu vực phía bắc - nơi chính phủ áp đặt các hạn chế chặt chẽ để ngăn ngừa sự lây lan của virus sau khi 1.694 ca dương tính được xác nhận và 34 trường hợp tử vong.
Khu phố du lịch Navigl ở Ý không một bóng người
Doanh thu đã giảm 44% trong cuối tuần đầu tiên sau khi đóng cửa. Tổng doanh thu cuối tuần qua đã giảm 76% so với một năm trước. Ông Francesco Rutelli, chủ tịch của ANICA, Hiệp hội Điện ảnh, Công nghiệp nghe nhìn và Đa phương tiện của Ý, khẳng định trước khi khủng hoảng bùng nổ, nền điện ảnh nước này đang phát triển rất tốt. Phòng vé tháng 1 của Ý đã tăng 22%.
Nhật Bản vẫn chưa đóng cửa các phòng chiếu, nhưng các hãng phim, nhà phân phối và nhà điều hành rạp chiếu phim đã hủy bỏ rất nhiều sự kiện quảng bá, họp báo. Hai ngôi sao Hollywood đình đám vừa được đề cử Oscar là Renee Zellweger và Saoirse Ronan đã hủy bỏ sự kiện họp mặt fan tại đây.
Hàng loạt "bom tấn" bị ảnh hưởng
Bên cạnh việc các rạp chiếu đóng cửa hoặc giảm chiếu, nhiều phim nội địa đã dời lịch chiếu hoặc trì hoãn vô thời hạn. Phiên bản đen trắng của bộ phim đoạt giải Oscar Parasite (Ký Sinh Trùng) bị hoãn phát hành cho đến khi cuộc khủng hoảng coronavirus tạm lắng. Các phim ra mắt vào tháng 3 như Mulan (Hoa Mộc Lan), Onward (Truy Tìm Phép Thuật) lùi lịch phát hành. No Time to Die (Không Phải Lúc Chết) đã hủy buổi công chiếu tại Trung Quốc, trong khi các fan James Bond vừa viết tâm thư yêu cầu nhà sản xuất lùi luôn lịch ra mắt đến mùa hè.
Người đàn ông đeo khẩu trang dạo phố tại Tokyo
Mission: Impossible 7 (Điệp Vụ Bất Khả Thi 7) của Tom Cruise và Red Notice (Báo Động Đỏ) - bom tấn của Dwayne Johnson phải chọn địa điểm quay khác bên ngoài Italy. Một vấn đề đang khiến các rạp chiếu phim tại Trung Quốc đau đầu là khi mở cửa trở lại, họ phải sắp xếp lịch chiếu ra sao cho hàng chục phim đang chờ ra mắt.
Các liên hoan phim lớn cũng phải lao đao
Liên hoan phim Cannes 2020 dự kiến diễn ra từ 12- 23/5 đang xem xét chặt chẽ tình hình mới nhất của dịch COVD-19 sau khi có trường hợp đầu tiên dương tính với dịch bệnh ở LHP. Ban tổ chức cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra thông báo mới nhất về sự kiện vốn đã được lên kế hoạch từ cách đây hai tháng. Sự kiện MipTV thuộc lĩnh vực truyền hình dự kiến tổ chức từ 30/3 đến 2/4 tại Cannes cũng sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, dù không còn có sự tham gia của các đại diện đến từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Red Sea Film Festival khai mạc ở Ả Rập Saudi ngày 12/3 đã tạm hoãn. DC không tham dự Comic Con vào tháng 3, Disney+ hủy bỏ buổi ra mắt tại Châu Âu. May mắn là các hãng phim lớn, cùng với các ngôi sao đình đám vẫn sẽ tham dự CinemaCon tại Las Vegas vào cuối tháng 3. Có vẻ như dịch cúm chưa ảnh hưởng nhiều đến khu vực Bắc Mỹ.