Trong thời buổi bệnh dịch hoành hành, khán giả đang trở nên dễ tính và mong chờ những bộ phim giải trí hơn bao giờ hết - nhất là khi các bom tấn đều đang rủ nhau đi lánh nạn và để lại những tác phẩm thừa thãi cho không ai lấy, thấy không ai nhặt, bán không ai mua. Một trong số đó chính là Project Power (tựa Việt: Dự Án Siêu Năng Lực) vừa được Netflix phát hành vì có vẻ hệ thống truyền hình trực tuyến này không kịp làm phim khác hay hơn để ra mắt vào năm nay.
Nhìn qua, Project Power sở hữu ý tưởng kịch bản rất thú vị và có tiềm năng. Bộ phim theo chân một cô nhóc buôn thuốc lậu, một cựu chiến binh và một sĩ quan cảnh sát trong hành trình truy lùng và ngăn chặn một tổ chức bí ẩn đang tuồn ra ngoài những viên thuốc đặc biệt có thể mang lại siêu năng lực cho người uống trong vòng 5 phút. Bộ phim có sự tham gia của hai ngôi sao Jamie Foxx và Joseph Gordon-Levitt cùng gương mặt mới Dominique Fishback. Với phần hình ảnh trong trailer hào nhoáng, ngầu lòi cùng kinh phí làm phim lên tới 85,1 triệu đô, khán giả Netflix cứ ngỡ mình đã “bắt được vàng” khi bộ phim được phát hành ngày 14/8 vừa rồi. Đáng tiếc rằng họ đã lầm.
Trailer của Project Power
1. Ý tưởng hay ho đấy nhưng sao mọi thứ cứ mập mờ
Dường như Project Power đang cố xúc phạm trí tuệ của người xem với kịch bản của mình. Mặc dù sở hữu một ý tưởng sáng giá, nội dung của phim lại rất gượng ép và không thể phối hợp nhịp nhàng các yếu tố làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Thật khó để có thể chỉ ra chỗ nào đúng, chỗ nào không đúng khi xem Project Power vì toàn bộ tác phẩm mang lại cảm giác vội vã, thiếu mượt mà và có vẻ đạo diễn - biên kịch đang quá tham vọng trong việc tạo dựng một bộ phim vừa ngầu vừa “so deep”.
Cụ thể, tuyến nhân vật phản diện của Project Power không được xây dựng một cách dứt khoát. Đáng lẽ ra, kẻ phản diện đứng sau bộ phim phải là một gương mặt sở hữu quyền năng, sức mạnh hay trí tuệ đủ để làm khó dễ tuyến nhân vật chính diện. Thế nhưng “trùm cuối” của phim xuất hiện vội vã, đầy bất ngờ và ra đi cũng chóng vánh. Thậm chí người xem còn chưa kịp nhận ra đây là nhân vật phản diện cuối cùng. Chính điều này khiến bộ phim thiếu đi phần cao trào, kịch tính khi hai bên thiện - ác đối đầu.
Việc bộ phim dành quá nhiều thời gian cho các cuộc hội thoại dài lê thê cũng là một điểm trừ, nhất là khi đằng nào thì những phân đoạn ấy cũng không phối hợp nhịp nhàng được với phim. Mặc dù được gắn mác là phim hành động - giật gân, Project Power gần như là một khúc ru đưa người xem vào giấc ngủ suốt nửa đầu phim. Mặc dù nỗ lực khiến bộ phim “thoát xác” thành một tác phẩm sâu sắc của biên kịch được ghi nhận, nhưng nó không có ích mà thay vào đó chỉ khiến Project Power trở thành một mớ hỗn độn dài dòng.
Siêu năng lực duy nhất đáng kể chính là khả năng bắn rap siêu vần của nữ chính. Tuy nhiên chi tiết này lạc quẻ đến mức bộ phim nên cắt bớt ra khỏi phim và gửi sang Rap Việt hay King Of Rap của Việt Nam nhờ phát sóng hộ còn hơn.
2. Tham vọng về những thông điệp vĩ mô nhưng cách thể hiện đầy trẻ con
Cũng chính vì sự lê thê của những cuộc hội thoại dài như bất tận, ắt hẳn người xem sẽ nghĩ Project Power đang cố gửi gắm một vài thông điệp nhân sinh quan đầy thâm sâu. Nhưng không, chẳng có thông điệp gì được gửi gắm thành công qua tác phẩm này hết.
Thực chất, có một vài chi tiết trong phim nhắc tới sự phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát Mỹ - một vấn nạn đang bị lên án mạnh mẽ bởi cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, chỉ nhắc tới là chưa đủ. Vấn nạn này sẽ để lại hệ lụy gì? Bộ phim có cách nhìn như thế nào về nó và hướng giải quyết là gì? Với 2/3 nhân vật chính là người da màu, bộ phim có cơ hội tuyệt vời để làm nổi bật những thông điệp riêng liên quan tới chủ đề trên. Đáng tiếc, Project Power lại không làm vậy. Thay vào đó, bộ phim đơn thuần bỏ ngỏ, không tiếp tục xử lý những vấn nạn trên và chỉ dừng lại ở mức đề cập đến chúng qua loa. Các chi tiết này hoàn toàn không có tác động đáng kể tới mạch truyện chính. Như vậy thì cũng đâu có gì đáng gọi là thông điệp?
3. Đã thế kỹ xảo còn quá là sến!
Với kinh phí thuộc dạng khủng ngang ngửa những bom tấn như Shazam!, Harley Quinn hay The Hunger Games, không hiểu Project Power đã chi tiêu kiểu gì để nhận lại kỹ xảo trẻ con như vậy. Các phân cảnh hành động vốn đã ngắn còn bị quay theo kiểu úp mở với máy quay mải chạy theo tiền cảnh, hậu cảnh, các vật dụng ngẫu nhiên trong bối cảnh để trí tưởng tượng của người xem tự lấp đầy chỗ trống. Những chi tiết yêu cầu CGI cũng mang lại cảm giác chất lượng không xứng tầm với con số kinh phí đầu tư, trông như xem một bộ phim truyền hình - nghiệp dư và rẻ tiền.
Nếu đây là năm 2010 thì sự thể hiện này còn có thể chấp nhận được, nhưng thời điểm bộ phim ra mắt lại đang là 2020. Chính vì vậy, chất lượng kĩ xảo ba xu này khiến bộ phim xứng đáng làm một tác phẩm được chiếu miễn phí trên YouTube thì hơn.
Chấm điểm: 2/5
Tổng kết lại, Project Power là một bộ phim không xứng tầm với chính danh xưng và ý tưởng của nó. Được hậu thuẫn bởi cốt chuyện thú vị có thể được phát triển thành bom tấn điện ảnh, Project Power lại chết chìm trong một kịch bản quá tham vọng nhưng lại không chặt chẽ, cách làm phim quá cố gắng để tỏ ra khác biệt để rồi không ai có thể đồng cảm được. Cũng chính vì vẻ ngoài và trailer hào nhoáng, bộ phim nhanh chóng leo lên top 1 thịnh hành của Netflix tại nhiều nước (trong đó có Việt Nam) sau khi ra mắt nhưng rồi cũng chỉ nhận lại trái đắng với số điểm Rotten Tomatoes ở mức 54% do khán giả đánh giá.
2020 không chỉ là một năm buồn cho các nhà phát hành phim ngoài rạp mà có vẻ là đối với cả Netflix khi mọi nỗ lực của gã khổng lồ này từ đầu năm như Da 5 Bloods, The Old Guard, Eurovision và giờ là Project Power đều không được khán giả coi là xuất sắc.
Nguồn ảnh: Netflix