Sau gần 20 năm trong nghề, Quang Tuấn vẫn đang là một diễn viên "đắt hàng" bậc nhất Việt Nam với tần suất đóng phim một cách đáng nể. Những năm gần đây, anh xuất hiện trong hàng loạt bộ phim điện ảnh như Tro Tàn Rực Rỡ, Nghề Siêu Dễ, Bóng Đè, Biệt Đội Rất Ổn… Bên cạnh đó, diễn viên gốc Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đoạt nhiều giải thưởng như Cánh diều vàng, LHP Việt Nam và góp mặt trong những tác phẩm chiến thắng tại các cuộc thi quốc tế.
Mới đây nhất, Quang Tuấn tiếp tục để lại dấu ấn với vai chính trong series ăn khách Tết Ở Làng Địa Ngục - đứng đầu lượt xem trên nền tảng trực tuyến Netflix. Nhân dịp này, diễn viên đã có nhiều chia sẻ về quá trình làm phim cũng như quan điểm về đời tư, sự nghiệp.
Khi nhận 1 dự án, điều quan trọng nhất với tôi là kịch bản
Cảm xúc của anh như thế nào khi Tết Ở Làng Địa Ngục dẫn đầu lượt xem trên nền tảng trực tuyến?
Khi phim được phát sóng, tâm trạng cả ekip rất lo lắng khi đây là lần đầu một series kinh dị của Việt Nam được làm theo phong cách cổ trang, chưa biết khán giả có đón nhận hay không. Sau khi dự án đứng đầu về lượt xem, tôi và mọi người rất vui vì công sức của tất cả đã được đón nhận.
Để có những cảnh quay ấn tượng và chân thực, ekip đã phải ghi hình tại một ngôi làng thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang trong suốt thời gian dài. Anh có thể chia sẻ một chút về quá trình thực hiện dự án lần này được không?
Khi đoàn bước đến Hà Giang, tôi chỉ nghĩ sẽ quay ở đồng bằng thôi. Tôi cũng xin đi trước các diễn viên khác 2 tuần để làm quen bối cảnh, quen với những con đường vì nhân vật ông Thập trong phim phải đi lại rất nhiều. Lúc đầu, tôi phải đi bằng xe máy vì đường nhỏ, ôtô không lên được. Lên trên làng thì khung cảnh rất đẹp, nên thơ. Việc sắp đặt máy quay ở đó rất khó khăn nên đội quay phim thực sự vất vả, phải bê thiết bị rất nặng.
Thực ra, khi xác định đi quay phim này đã biết là mệt và khó khăn. Tuy nhiên, lên đến ngôi làng, nhiều thứ phát sinh mà tôi không lường trước được. Vì quen ở vùng đồng bằng, tuần đầu tiên trên núi ngày nào tôi cũng bị chảy máu cam. Từ tuần thứ 2 mới quen dần. Tôi cố gắng đi bộ lên xuống núi để thích nghi.
Một vấn đề lớn khác là nguồn nước. Trên đó, người dân chủ yếu lấy nước sinh hoạt từ những nguồn trong núi chảy ra. Khi có thêm đoàn phim gần 200 người lên đó, mỗi lần mang nước từ dưới lên rất khó khăn. Anh em trong ekip tắm chỉ được một xô nước thôi. Diễn viên được ưu ái hơn thì có hai xô, để tẩy hóa trang, máu me. Bữa nào bí quá thì chỉ có 1 xô rưỡi.
Điều khó nhất với Quang Tuấn khi tham gia Tết Ở Làng Địa Ngục là gì? Anh đã phải chuẩn bị cho nhân vật này như thế nào?
Thực ra, đối với phim này, tôi thấy có nhiều điều khó khăn lắm. Các bạn đọc truyện cũng biết ông Thập là một trưởng làng, là người kết nối tất cả dân cư trong làng. Thế nhưng, tất cả những câu chuyện trong phim không xảy ra trực tiếp với ông ấy mà là những người xung quanh. Đây là người được chọn nhưng lại khá mờ nhạt. Cái khó là làm sao truyền tải được thần thái của nhân vật.
Tuấn rất là vui khi mà những gì bản thân đau đáu nghĩ về vai được hiện ra trong ánh mắt của mình và thể hiện cho khán giả xem. Nếu khán giả cảm nhận được tôi là người kết nối được tất cả trong làng thì có nghĩa tôi đã hoàn thành khá tốt. Tất nhiên, tôi không làm một mình được.
Nhà sản xuất đã chọn tôi vào một vai mà mọi người đọc kịch bản cảm thấy rất dễ. Nhưng với tôi thì ngược lại. Để mà tạo ra ông Thập, tôi biết ơn đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng như các diễn viên khác đã hỗ trợ rất nhiều.
Tết Ở Làng Địa Ngục lấy cảm hứng từ nhiều yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam. Anh nghĩ sao về hướng đi đó của ekip?
Tôi cảm thấy đây là một hướng đi khá tốt. Văn hóa dân gian của chúng ta có nhiều câu truyện hay nên được khai thác thành phim. Khán giả quốc tế rất yêu thích những tác phẩm đó. Đó là một hướng đi hay mà chúng ta nên khám phá.
Khi Tro Tàn Rực Rỡ của tôi dự thi tại LHP Ba Châu Lục ở Pháp, khán giả xem rất say mê, chiêm nghiệm. Tôi phát hiện một điều là họ muốn khám phá những phong tục, cảnh đẹp của Việt Nam. Vì vậy, tại sao chúng ta không đưa những yếu tố văn hóa dân gian lên màn ảnh để truyền bá cho thế giới. Khán giả có nói với tôi là: ''Có thể, chúng ta khác ngôn ngữ, văn hóa và cả môi trường sống. Nhưng nhờ cách quay và cảm xúc của các nhân vật, các bạn đã chinh phục được chúng tôi''.
Ekip Trần Hữu Tấn & Hoàng Quân có những thành công nhất định trong thể loại kinh dị nhưng cũng từng tạo ra không ít tranh cãi về chất lượng với phim Chuyện Ma Gần Nhà, anh có lo lắng về điều đó trước khi tham gia Tết Ở Làng Địa Ngục?
Thật ra, khi nhận 1 dự án, điều quan trọng nhất với tôi là kịch bản. Tôi muốn xem tác phẩm này có điều gì hấp dẫn với khán giả. Bây giờ, việc quay đẹp là tiêu chí cơ bản. Bạn quay phim lên chắc chắn phải đẹp. Rồi diễn viên cũng phải tốt. Đó là những điều mà không có thì khán giả sẽ không bao giờ xem. Đặt tiêu chuẩn như vậy, thì điều cốt lõi để một dự án thành công đó là ý tưởng và câu chuyện. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất khi mà mình nhận vai diễn này.
Trước Tết Ở Làng Địa Ngục, Quang Tuấn từng nhiều lần trở thành sự lựa chọn của các đạo diễn phim kinh dị ở Việt Nam. Đâu là thách thức lớn nhất khi đóng thể loại phim đặc biệt này?
Tôi nghĩ thách thức là chính bản thân mình thôi. Khi bước vào một lĩnh vực nào đó, tôi muốn bản thân luôn phải là sự lựa chọn đầu tiên, nghĩ tới kinh dị là nghĩ tới Quang Tuấn. Cho nên tôi luôn luôn trau dồi, luôn luôn cải thiện. Tôi thường nhờ khán giả, đồng nghiệp xem phim và góp ý cái gì đã làm được và cái gì chưa làm được. Tôi luôn cố gắng tìm cách làm cho nhân vật có chiều sâu hơn. Lên màn ảnh, mọi người phải thấy đó là ông Thập đang sống trong ngôi làng đó chứ không phải là Quang Tuấn sống trong ngôi làng đó.
Cho nên tôi nghĩ nó là cái khó khăn mà bản thân phải vượt qua bản thân, vượt qua giới hạn của mình. Mỗi bộ phim tham gia, tôi đều coi đó là một sự trải nghiệm. Thật ra, diễn viên may mắn hơn người thường là họ được trải nghiệm nhiều cuộc đời khác nhau của từng nhân vật. Cho nên, tôi luôn trân trọng và trân quý những lần trải nghiệm đó.
Tôi vui khi ai đó gọi mình là ''ông hoàng kinh dị''
Một số khán giả nhận xét Quang Tuấn quá lạm dụng việc trợn mắt khi diễn xuất. Anh nghĩ thế nào về ý kiến đó?
Tuấn nghĩ cái đó là đúng. Khi coi lại phim mình đóng, tôi thấy bản thân cũng hơi lạm dụng. Khán giả góp ý thì Tuấn luôn luôn lắng nghe và hoàn thiện mình. Những dự án gần đây, tôi đã cố gắng hạn chế trợn mắt, chỉ dùng ở những phân đoạn nào cần thiết. Vì khi bạn sợ, có nhiều cách để thể hiện nỗi sợ đó. Và Tuấn rất là cảm ơn những người đã đóng góp cho Tuấn.
Quang Tuấn là một trong những diễn viên đắt show nhất Việt Nam trong vài năm qua. Bí quyết của anh là gì?
Ngay từ đầu, Tuấn xác định vào con đường nghệ thuật cơ bản mình ăn cơm tổ nên luôn cần biết phấn đấu. Nói đi cũng phải nói lại, tôi là người may mắn khi gặp nhiều tiền bối luôn yêu thương và chỉ bảo cho mình rất nhiều. Có nhiều anh chị lớn nói thấy ở tôi cái tuổi trẻ làm nghề của họ, khen tôi đang đi đúng hướng và diễn tốt, chân thật. Các anh chị luôn kỳ vọng vào mình. Cho nên tôi không muốn làm cho họ thất vọng, luôn luôn cố gắng. Cái đó vừa là áp lực, vô hình chung là điều tích cực cho bản thân phấn đấu trong nghề.
Điều thứ 2 thôi thúc tôi là tình yêu của khán giả. Từ khi diễn kịch, mỗi khi ho trên sân khấu là tôi biết sẽ có người để dưới xe miếng tắc hay là đồ ăn gì đó thay cho sự quan tâm. Họ cũng viết thư, gửi nhiều thứ quà. Tôi làm nghề được quá nhiều thứ, thế nên mình không muốn làm cho khán giả thất vọng. Tôi không nghĩ là cứ làm đi rồi mọi chuyện sẽ có trời an bài. Mỗi khi làm việc, tôi luôn nghĩ cái vai diễn đó như đây là lần đầu và cũng như lần cuối mình được làm. Tôi nỗ lực từng ngày và có lẽ nhờ những điều đó mà được các nhà nhà sản xuất, đạo diễn và những bạn đồng nghiệp ghi nhận.
Ví dụ, mọi người cứ nghĩ là sau khi tôi đóng kinh dị thì sẽ không được mời đóng phim bình thường nữa. Thế nhưng, tôi vẫn có cơ hội tham gia các dự án nghệ thuật và nhận phản hồi khá tốt. Khi sang Nhật giới thiệu Tro Tàn Rực Rỡ, nhiều người bên đó cũng rất thích và xin thông tin để nếu có dự án phù hợp sẽ liên hệ để hợp tác.
Thường xuyên đóng các vai nặng đô như bị ma nhập, giết người, Quang Tuấn có bao giờ bị chính những vai diễn đó ám ảnh hay không? Anh thường làm gì để thoát khỏi những nhân vật đó?
Tôi chưa gặp tình huống đó. Khi nhập vai, với người khác thì không rõ, tôi trải nghiệm và thực hành. Mọi người thường nói sau khi đóng phim sẽ mất một thời gian để thoát vai nhưng tôi không như vậy. Khi nhận một bộ phim, tôi toàn tâm toàn ý để hoàn thành tốt. Khi nhập vai rồi, tôi luôn phải tỉnh táo và ý thức rằng đâu là phim, đâu là thật. Ví dụ, trong phim có những cảnh giết người, nếu bị vai diễn lấn át quá thì có thể làm ảnh hưởng đến bạn diễn. Chúng ta phải rạch ròi hai điều đó.
Sau khi về nhà, tôi thường chỉ mất đôi ba ngày để thoát vai rồi. Tất nhiên, tôi thỉnh thoảng vẫn bị cái ánh mắt của nhân vật nó ám mình. Vợ con có lần nói là thấy tôi nhìn họ cứ ghê ghê. Nhưng đó có lẽ chỉ vì bản thân vẫn còn suy nghĩ về bộ phim nhiều quá. Khi làm điều gì đó trong quá trình lâu dài thì sẽ thành thói quen. Nếu cứ giữ thói quen thì nó có trở thành bản chất. Thế nên, cứ về nhà là tôi sẽ cố gắng xả vai bằng hết thì thôi.
Anh nghĩ sao khi được một số khán giả đặt cho biệt danh "ông hoàng kinh dị"?
Thật ra, cảm xúc đầu tiên cũng có một cái gì đó lo lắng. Tôi tự hỏi liệu bản thân có bị đóng khung không vào một thể loại không? Nhưng nghĩ lại, khi mà bắt đầu đóng phim kinh dị, bản thân cố gắng phấn đấu để hướng đến mục đích đó. Bây giờ, đạt được thì mình phải vui chứ. Cho nên, tôi cảm thấy rất là vui khi mà ai đó gọi Tuấn là ông hoàng phim kinh dị. Đó là một sự ghi nhận nho nhỏ của khán giả, của bạn bè đồng nghiệp để cho mình có thêm động lực phấn đấu.
Có bao giờ anh sợ bị khán giả đóng khung vào một kiểu nhân vật hay không?
Sợ chứ! Làm diễn viên, nếu không chuyển được từ dạng vai này qua dạng vai khác, đó là thất bại. Khi nhận vai, người diễn viên phải để cái nhân vật đó sống trong câu truyện. Quang Tuấn không thể bê một thầy Huỳnh (trong Thất Sơn Tâm Linh) từ phim này qua phim khác.
Nhưng sau này, tôi cũng dần thay đổi suy nghĩ đó khi được các đạo diễn lớn, nhiều anh chị lớn chỉ bảo. Tôi thấy là trên thế giới này có mấy tỷ người. Mỗi người đều có một đời sống, tính cách khác nhau. Bản thân chúng ta sinh ra đã là một phiên bản duy nhất, không có trùng lặp với ai hết. Những vai diễn gần đây, tôi đặt mình vào suy nghĩ đó. Con người sinh ra và lớn lên thì đều có ước mơ, hoài bão. Những thứ đó được quy định ngay từ việc họ sinh ra ở đâu, sống trong môi trường có lành mạnh hay không, tuổi thơ như thế nào, có bị chấn thương tâm lý gì không. Tính cách cũng dần được hình thành từ đó.
Khi nhận dự án, tôi lúc nào cũng hỏi đạo diễn về background của nhân vật trước. Khi đã hiểu về vai, xác định một tính cách rõ ràng, tôi có thể thể hiện không bị trùng lặp, sẽ biết là ánh mắt của mình lúc đó cần phải như thế nào. Cho nên sau này, tôi không sợ bị đóng khung nữa khi đã nghiên cứu, tập trung và tìm tòi cho nhân vật của mình.
Tất cả đều là nhờ vợ tôi hết
Sau gần 20 năm hoạt động nghệ thuật, anh nhìn nhận thế nào về sự nghiệp diễn viên của mình?
Nói chung, tôi khá hài lòng. Có lẽ, tôi là một người may mắn khi mà được gia đình ủng hộ. Là con một, gia đình không muốn tôi theo đuổi con đường nghệ thuật. Hồi xưa, tôi học Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại. Gia đình định hướng sau này làm một cái nghề ổn định. Nhưng khi thi vào trường sân khấu, tôi vẫn được ba mẹ ủng hộ. Hiểu được tâm tư nguyện vọng của con cái, nên họ không cấm cản.
Sau khi cưới vợ và sinh con, tôi may mắn khi có bạn đời luôn là người đồng hành, ủng hộ mình đi theo con đường nghệ thuật. Nhìn lại quá trình làm việc, tôi được các anh chị lớn thương, rồi được các thầy cô thương. Thực sự bây giờ, nhà tôi không có gì ngoài giải thưởng diễn xuất. Đó là sự ghi nhận của các anh em đồng nghiệp, của các vị tiền bối đã trao lại cho tôi trong quá trình cố gắng. Nhưng tôi vẫn đang đau đáu tìm cho mình một cái vai diễn để thỏa mãn bản thân, chẳng hạn như một nhân vật tâm thần phân liệt chẳng hạn.
Anh có lời khuyên gì cho các diễn viên trẻ để tạo được một chỗ đứng vững chắc trong nghề?
Nói vậy chứ tôi còn khá là trẻ. Cái nghề này là một cái duyên. Tôi may mắn khi mà các cuộc thi tham gia đều đoạt giải hết, từ kịch đến phim. Còn về lời khuyên thì tôi không dám. Nhưng tôi có thể gợi ý cho các bạn trẻ là nếu như sau này muốn vào con đường nghệ thuật, làm diễn viên, điều đầu tiên phải có là đam mê. Không có thì dễ bỏ cuộc giữa chừng lắm.
Thứ hai, khi bạn xác định đây là nghề thì các bạn phải có nghề. Bạn muốn nghề này phải nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình, nuôi sống con cái của mình. Các bạn phải luôn luôn trau dồi, luôn luôn học tập và phấn đấu. Quan điểm của tôi về cái nghề này là sự bắt chước, bắt chước cuộc sống hiện tại xung quanh ta rồi biến thành của mình. Ai bắt chước tốt nhất thì sẽ thành công.
Qua đó, các bạn nên tìm hiểu, đọc sách báo nhiều. Thầy cô cũng từng dạy tôi phải đi ra đường, phải đọc sách. Lúc đọc không vô, tôi lên YouTube tìm kiếm những mảnh đời, nhân vật hay. Khi thấy buồn ngủ quá, thì tôi nghe sách nói, để vô đầu mình dần dần. Khi là diễn viên trẻ, ta đâu có vốn sống nhiều đâu, phải vay mượn của những người anh chị khác.
Ngoài nghề diễn viên, liệu sắp tới khán giả có thể thấy Quang Tuấn ở trong những vai trò khác như đạo diễn, nhà sản xuất hay không?
Trở thành đạo diễn thì các bạn sau này có thể sẽ thấy. Nhưng hiện tại, tôi thấy làm diễn viên khá là tốt. Thực sự, tôi có dự định là sau này sẽ học đạo diễn, làm phim. Tôi cũng chủ động tự học từng ngày, từng li từng tí. Những lúc rảnh rỗi trên, tôi ngồi coi lại phim xem tại sao đạo diễn lại sử dụng ánh sáng này, sao lại chuyển qua cảnh này. Hy vọng sau một thời gian nữa, các bạn sẽ thấy Quang Tuấn với tư cách đạo diễn.
Không chỉ được biết đến là một diễn viên đa dạng, Quang Tuấn cũng được nhiều người mến mộ nhờ có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Anh làm thế nào để cân bằng hai yếu tố gia đình - sự nghiệp?
Tôi nghĩ nói điều này mọi người sẽ nghĩ Quang Tuấn nịnh vợ nhưng không. Tất cả đều là nhờ vợ tôi hết. Cô ấy lui về hậu phương để lo cho chồng mình phát triển sự nghiệp. Vợ tôi đã hy sinh rất nhiều. Từ chuyện gia đình cho đến sắp xếp công việc, cô ấy lo hết từ A-Z.
Nhiệm vụ của tôi là cố gắng làm tốt nhất vai trò diễn viên của mình. Vợ thường nói với tôi là: "Ba không cần lo nghĩ về việc xếp lịch như thế nào, cát-xê ra sao. Ba chỉ cần lo đọc cái kịch bản, thể hiện tốt nhất nhân vật của mình. Ba cứ làm tốt nhất công việc của mình. Còn ở nhà thì cả thế giới cứ để mẹ lo".
Mới đây, Quang Tuấn và vợ Linh Phi mới kỷ niệm 10 năm quen nhau. Bí quyết để giữ lửa hôn nhân và tình yêu của anh chị là gì?
Bí quyết thực ra cũng không có gì đâu! Quan trọng là cả hai phải luôn luôn cùng nhìn về một hướng. Vợ chồng phải lắng nghe nhau, ngay cả những lúc bình thường. Chúng ta phải bình tĩnh, không để tuột ra những lời nói làm tổn thương người kia. Bởi vì kể cả khi làm lành, người ta vẫn sẽ có những rạn nứt vì lời nói đó. Tôi luôn cố gắng, khi giận nhau, sẽ đi chỗ khác, chỉ nói chuyện khi bình tĩnh. Cả hai vợ chồng vì thế tôn trọng nhau và sẽ gắn bó hơn.
Điều thứ hai là phải cảm thông, đặt mình vào vị trí của người ta. Thật sự, việc làm vợ, làm mẹ rất vất vả. Khi vợ đi vắng, chỉ chăm con một ngày thôi cũng khiến tôi xây xẩm mặt mày. Tôi nghĩ đó là tình mẫu tử thiêng liêng. Nên khi giận nhau, dù bản thân có lỗi hay không, tôi luôn là người xuống nước trước. Mọi người cứ tin tôi đi, nên như vậy thì sẽ ấm êm, hạnh phúc.
Sau khi có con, cuộc sống vợ chồng cũng như sự nghiệp của hai người có bị xáo trộn nhiều không?
Xáo trộn nhiều chứ! Khi chưa lấy vợ, tôi sống sao cũng được. Khi có vợ rồi thì không được như vậy nữa. Tôi phải về nhà, nói chuyện và chia sẻ với gia đình nhiều hơn.
Khi có con, mọi chuyện đảo lộn hơn nữa, phải thức đêm hôm nhiều hơn. Trong những tháng đầu, em bé hay tỉnh và khóc lúc 3h sáng. Mình thường phải thức dậy chăm để cho vợ nghỉ ngơi. Bác sĩ bảo như vậy mới có nhiều sữa cho con. Nhiều buổi sáng đi quay mà tôi cứ lờ đờ. Nhưng sau quen rồi, tôi thấy cũng bình thường.
Tôi nghĩ ba mẹ ngày xưa dạy mình đơn giản hơn nhiều. Trẻ con bây giờ tiếp cận nhiều thứ. Vợ tôi rất nghiêm khắc, chỉ cho con coi TV khoảng 10-15 phút thôi. Cha mẹ bây giờ có nhiều thứ phải lo, phải trăn trở hơn khi nuôi dạy trẻ em.
Anh có định hướng cho con mình theo nghệ thuật hay không?
Không! Việc này tôi đã trao đổi với vợ rồi. Chúng tôi sẽ không định hướng con theo nghề nghiệp nào hết. Khi đến tuổi, nếu bé có năng khiếu và đam mê âm nhạc, hội họa hay một môn nghệ thuật nào đó thì chúng tôi sẽ ủng hộ. Như đã nói, khi làm một điều gì đó, chúng ta phải có đam mê thì mới theo đuổi và thành công được. Ai cũng có một cuộc đời để sống. Nên con chỉ cần sống vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc nhất có thể là ba mẹ vui rồi.
Quang Tuấn có thể tiết lộ với khán giả về một số dự án tiếp theo sau thành công của Tết Ở Làng Địa Ngục?
Sắp tới, tôi có một dự án phim điện ảnh dự kiến chiếu vào tháng 12, có tên Quỷ Cẩu. Đây cũng là một dự án kinh dị lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, dựa trên câu chuyện về chó đội nón mê. Theo cảm nhận của tôi, bộ phim này khá hay, nhân văn, có thông điệp rõ ràng. Trong cuộc sống xô bồ như hiện nay, có những chuyện xấu xảy ra nhưng không liên quan đến mình nên mình không quan tâm. Nhưng thực sự không ít thì nhiều chúng sẽ ảnh hưởng, liên đới. Nếu phớt lờ những cái xấu, sau này, người thân của chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân.
Tôi còn một bộ phim nghệ thuật sẽ bắt đầu bấm máy vào đầu năm sau. Đây là một dự án khá lớn nhưng hiện chưa thể tiết lộ được vì lý do bảo mật.