(Bài viết có tiết lộ nội dung phim, xin độc giả cân nhắc)
Về cơ bản, đạo diễn Yoon Sung Hyun đã có thành công nhất định khi kể lại một vụ trộm lớn dưới sự hoạt động của một băng đảng trẻ thiếu kinh nghiệm. Time to Hunt (Giờ Săn Đã Điểm) là một tác phẩm kinh dị mở ra tương lai thế giới của thợ săn và con mồi. Nếu là fan của Money Heist, ngại gì mà không xem?
1. Bối cảnh Hàn Quốc bị tàn phá do khủng hoảng tài chính châu Á, nghèo đói và bạo động khắp nơi
Năm 1997, một cuộc khủng hoảng tài chính quét qua châu Á, khiến Hàn Quốc trở nên đặc biệt khó khăn. Nền kinh tế Hàn Quốc từ mạnh mẽ và sôi động một thời đã phải chấp nhận một khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Gói cứu trợ này đã yêu cầu thay đổi hoàn toàn các chính sách quan trọng, làm suy yếu luật lao động và áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Nhiều người Hàn Quốc nhận thấy rằng IMF đã làm cho nền kinh tế của họ trở nên tồi tệ hơn. Time to Hunt mô tả những tổn thương do IMF gây ra trong đó các khoản vay của IMF khiến một nhóm người Hàn Quốc không may rơi vào cảnh nghèo đói.
Đạo diễn Yoon Sung Hyun đã đặt Hàn Quốc trong một bối cảnh trước đây chưa từng có, người dân biểu tình chống lại IMF và phải đối mặt với những cảnh sát chống bạo động. Trái ngược với Seoul trong thế giới hiện đại và hào nhoáng, thủ đô trong Time to Hunt của Hàn Quốc đã bị tàn phá nghiêm trọng, các cửa hàng và xe hơi bị bỏ hoang, hình vẽ bậy bao phủ các tòa nhà trống rỗng.
2. Thời thế tạo “anh hùng”, băng đảng trộm cướp Money Heist phiên bản “idol” Hàn Quốc được sinh ra
Trong bối cảnh hỗn loạn này, chúng ta lại gặp những kẻ bị cho là “khố rách áo ôm” gồm những chàng trai trẻ đầy táo bạo. Jun Seok (Lee Je Hoon) dẫn những người bạn thân là Jang Ho (Ahn Jae Hong) và Ki Hoon (Choi Woo Sik), chiêu mộ thêm Sang Soo (Park Jung Min) tham gia vào một vụ trộm tại một sòng bạc ngầm được điều hành bởi một băng đảng tội phạm mờ ám.
Băng đảng trộm cướp nghiệp dư được thành lập
Tuy nhiên đây là một băng cướp còn quá “măng non”, họ giật mình nhận ra băng đảng tội phạm kia có nguồn lực vô cùng lớn. Họ đã phái một người đàn ông tên là Han (Park Hae Soo) (hay được hiểu là kẻ “Hunter”) để truy tìm phi hành đoàn xe máy của Jun Seok. Phần lớn thời gian kéo dài hơn hai giờ của bộ phim là dành riêng cho việc theo đuổi của Han với Jun Seok, và nỗ lực của nhóm trộm để thoát chết.
Kẻ truy đuổi Han (Park Hae Soo)
Nhóm bốn người trẻ chưa thể hiện được sự liên kết và hợp sức như bộ phim mong muốn. Họ tỏ ra lúng túng và ích kỷ, trông giống một nhóm nhạc nam hơn là một băng đảng tội phạm. Nhân vật được cho thú vị nhất phim lại chính là Han, kẻ truy đuổi dai dẳng, người sống trong một căn hộ với bộ sưu tập tai người trên tường, có lẽ bị cắt đứt từ những nạn nhân trong quá khứ.
3. Không phản ánh được sự phân hóa giàu nghèo khắc nghiệt như Parasite, đã phần nhìn nhưng nội dung nhạt toẹt!
Time to Hunt phản ánh xã hội tư bản hiện đại của Hàn Quốc. Nơi đây vẫn sống trong bóng tối của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong khi người Hàn Quốc sống trong một nền kinh tế sôi động ngày nay, nhiều lao động trẻ phải đối mặt với mức lương thấp và điều kiện làm việc khắc nghiệt bên cạnh giá bất động sản tăng và bất bình đẳng thu nhập tràn lan. Giống như các nhân vật chính trong bộ phim Parasite của Bong Joon Ho, Jun Seok cùng những người bạn nhận thấy mình không thể thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ nên đã dùng đến các biện pháp sai trái để cố gắng cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, nội dung của Time to Hunt bị cho là “đầu voi đuôi chuột”. Những khung cảnh đầu của bộ phim đã xây dựng nên bối cảnh Hàn Quốc bị tàn phá vô cùng ấn tượng và cho nhóm người nghèo một lý do để làm chuyện sai trái tạm coi là hợp lý. Khán giả hy vọng rằng tác phẩm sẽ đào sâu vào sự phân cấp giàu nghèo của xã hội Hàn Quốc như tiền bối Parasite, ngược lại Time to Hunt lại giống như một bộ phim thuần về hành động. Suốt hai giờ của bộ phim là những cảnh truy đuổi của kẻ đi săn Han và bốn con mồi non nớt khác. Điều này đã khiến người xem cảm thấy bị hẫng, bởi lẽ những chất liệu xã hội Hàn Quốc ấn tượng ban đầu cùng sự nghèo khó của lớp người thấp kém đã bị cho vào quên lãng.
4. “Tiết kiệm” đạn, cảnh hành động giật gân chủ yếu nhờ kỹ xảo điện ảnh và âm thanh kịch tính
Time to Hunt không phải là một bộ phim hành động thường thấy mặc dù có một vài vụ xả súng, phần lớn sự hồi hộp trong cốt truyện của Time to Hunt đến từ kỹ xảo điện ảnh và chỉnh sửa âm thanh, tạo ra bầu không khí căng thẳng và hồi hộp. Trong một cảnh đặc biệt kịch tính, nhóm trộm của Jun Seok đang cố gắng trốn tránh Han trong một bãi đậu xe, một báo động ô tô tắt với âm lượng ngày càng tăng, tiếng trống dồn thường xuyên hơn từ nhạc nền làm tăng độ nguy hiểm của Han. Từ góc độ điện ảnh, Time to Hunt sử dụng rộng rãi các cảnh quay và góc nghiêng để nâng cao cảm giác căng thẳng.
Một số vụ xả súng trong Time to Hunt bị cho là khá “tiết kiệm” so với các đồng nghiệp ở Hollywood. Bộ phim tham khảo từ sự kiện thực tế đàn ông Hàn Quốc phải hoàn thành hai năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc, điều này khiến nhóm trộm của Jun-seok sử dụng vũ khí thực tế hơn so với những cú đánh của Hollywood khi nhân vật bắn mãi không hết đạn. Một vài cảnh đấu súng tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chiến thuật và chuyển động cơ thể thay vì chỉ đơn giản là để một loạt đạn bay lên, chính điều này đã làm tăng thêm phần căng thẳng. Tuy nhiên với những khán giả đã vốn quen thuộc với những cảnh xả đạn đã mắt trong Hollywood thì Time to Hunt sẽ mang lại cảm giác giống một bộ phim kinh dị hơn là hành động trực quan.
Thêm nữa, Time to Hunt còn chưa hoàn hảo ở những chi tiết gỡ rối cho những nhân vật chính quá dễ dàng. Phi đoàn của Jun Seok còn khá nghiệp dư so với sự chuyên nghiệp của băng đảng mà họ đang ăn cắp. Nhưng có chi tiết khá khó hiểu khi Jun Seok đang hoàn toàn đang nằm dưới họng súng của Han thì thay vì bóp cò, anh đã cho đối thủ của mình dẫn trước năm phút. Tuy nhiên nếu khán giả đã bị cuốn vào bầu không khí kịch tính của bộ phim thì không khó để bỏ qua những cuộc thoát thân dễ như ăn bánh của các nhân vật chính.
5. Có dàn sao hạng A của Hàn Quốc, nhân vật nổi bật nhất lại chính là kẻ sát nhân “Hunter” do Park Hae Soo thủ vai
Kẻ truy đuổi Han được thủ vai bởi Park Hae Soo, anh được mô tả là một kẻ giết người thuê, đi hăm dọa con mồi và không hề có cảm xúc. Han khác người bình thường, anh có thể đến được địa điểm trước khi con mồi đến và sau đó vui đùa với họ. Nam diễn viên Park Hae Soo đã thể hiện tốt những thái cực lạnh như băng của kẻ truy sát.
Park Hae Soo
Sở hữu dàn cast thuộc hàng top của Hàn Quốc, đặc biệt có sự xuất hiện của nam chính Parasite là Choi Woo Sik, những nam diễn viên trẻ trong nhóm trộm nghiệp dư cũng có màn thể hiện khá tốt. Họ thể hiện được sự hoảng loạn, thở hổn hển và đổ mồ hôi liên tục khi sự sống chỉ trong gang tấc. Tuy nhiên, do kịch bản lỏng lẻo nên “spotlight” của Time to Hunt đã nhường nhiều hơn cho Park Hae Soo. Trong khi đó băng đảng của Choi Woo Sik lại được ví với nhóm nhạc nam của Hàn Quốc nhờ ngoại hình thu hút.
Bốn nam diễn viên chính của băng cướp có ngoại hình thu hút như những thành viên của một nhóm nhạc nam.
Tóm lại, Time to Hunt là một bộ phim hành động khá kịch tính, khán giả hoàn toàn bị cuốn theo nhịp phim giật gân trên từng cung đường truy đuổi của kẻ đi săn Han và băng cướp "măng non". Tuy có những tình tiết nhóm cướp của nam chính Parasite thoát thân khá dễ dàng nhưng điều này cũng có thể được cho là điểm thú vị của Time to Hunt, bởi lẽ nếu kẻ sát nhân bắt được nhóm người này quá nhanh chóng thì còn gì thú vị nữa. Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim hành động kinh dị hồi hộp, choáng ngợp bởi các yếu tố điện ảnh và không yêu cầu cao về các mưu đồ hay phê phán xã hội sâu sắc thì Time to Hunt là một sự lựa chọn phù hợp.
Time to Hunt (Giờ Săn Đã Điểm) hiện đang được chiếu trên Netflix.