Vai trò của Thành Lộc
Việc diễn viên bị cắt bớt vai kể ra cũng là bình thường trong công việc làm phim. Nhưng vì sao Thành Lộc lại giận đến mức không chấp nhận lời xin lỗi của nhà sản xuất và giống như muốn kết thúc luôn mối quan hệ này?
Ông chia sẻ trên trang cá nhân: "Không tiếc công sức, chỉ tiếc khoảng thời gian đã mất vô ích. Vậy nên không dành thời gian để nghe và nhận những lời xin lỗi. Muộn. Chi bằng dành thời gian đó cho những mối quan hệ tốt hơn".
Cả Thành Lộc và Cẩm Ly không xuất hiện trong buổi ra mắt của đoàn làm phim, Cẩm Ly chọn cách im lặng. Chắc rằng cả hai nghệ sĩ đều thất vọng không chỉ về cách xử sự của đoàn làm phim, mà còn vì cách thức lạm dụng hình ảnh và công sức của họ trong quá trình làm phim.
Nếu chỉ xem phim thì thấy vai của Cẩm Ly và Thành Lộc đều bị làm cho mờ nhạt. Cẩm Ly xuất hiện trong phim một cách đường đột. Khán giả chỉ đành phải tự suy ra đây là một người bạn của nữ chính.
Vai Lài của Cẩm Ly xuất hiện sơ sài đến nỗi người xem chẳng hiểu vì sao chị phải tham gia phim này. Vì không có chị cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến câu chuyện.
Vai thầy pháp Lương của Thành Lộc quan trọng hơn. Đây là nhân vật hiếm hoi có hiểu biết tâm linh, biết cách tương tác với con ma da kia. Nhưng cuối cùng ông cũng bị nó “kéo giò” một cách lãng nhách. Điều này có vẻ không hợp lý cho lắm vì một thầy pháp tất phải có cách phòng ngự, ít ra cũng phải có tí chống cự gọi là.
Một trong những điểm trừ của kịch bản Ma da là đã bỏ qua một nhân vật hay thế lực dù có thể chưa khắc chế được ma da nhưng cũng phải có công lực ngang ngửa. Việc để ma da tự tung tự tác mãi làm giảm độ hấp dẫn, khiến phim chỉ là sự nối tiếp của những màn hù dọa lê thê và gượng ép. |
Có hẳn phân đoạn giới thiệu ông Lương như một thầy pháp đủ sức trục vong khỏi khách hàng. Nhưng tạo hình có vẻ không được tương xứng, trông chẳng khác gì ông nông dân.
Nói chung vai Lương cũng có chức năng làm nền để khẳng định sức mạnh vô địch của con ma. Nếu ông kết nối được ông Dân (Trung Dân) thì có lẽ kết thúc phim đã khác.
Hệ thống nhân vật trong phim khá rời rạc và thiếu bối cảnh làm nền. Chẳng hạn ông Dân cũng chả hiểu là công tác ở bệnh viện hay ở đâu khác. Phim muốn vẽ nên vẻ nguy hiểm của công việc vớt xác đối địch với ma da. Nhưng kỳ thực người làm nghề này đâu có cướp con mồi nào của ma da. Ma da thích dìm chết người chứ không ăn thịt người.
Việt Hương thiếu đất diễn
Kịch bản có chút gợn ở chỗ dì Lệ hoàn toàn không lo lắng khi thầy pháp nằm ngất ra đấy sau khi giúp cô tiếp xúc với ma da. Cô không có vẻ gì muốn cứu giúp ông Lương.
Cũng có thể đây là một cách cho thấy sự lạnh lùng của nhân vật Lệ. Chị ta sẵn sàng bỏ bê con cái để chạy theo nghề vớt xác mà chị ta khăng khăng cho đó là nghiệp và nó đã chọn mình.
Việt Hương thể hiện vẻ nam tính bằng cách đốt thuốc rê liên tục trong phim.
Đỉnh điểm của sự hờ hững trong tình cảm của Lệ với Nhung - đứa con gái duy nhất - ở chỗ thay vì nằm ôm đứa con đang bị ám ảnh vì ma da, Lệ lại ngủ vạ vật trên bàn tạo điều kiện cho ma bế con đi mất.
Trước đó, Lệ đã vài lần nghe con kể về những lần bị ma dọa nhưng hoàn toàn không để tâm. Hai mẹ con không cho thấy sự kết nối về tình cảm. Vì thế người xem khó đồng cảm được với nỗi đau của Lệ khi mất con…
Có vẻ Ma da cũng là một cuộc chơi lớn của Việt Hương. Chị muốn chứng tỏ khả năng hóa thân đa dạng, từ hài chuyển sang bi dễ dàng. Quả thực Việt Hương đã bước đầu khắc họa được hình ảnh một người lao động vất vả với nét nam tính, cứng cỏi. Nhưng chỉ ngồi bó gối và đốt thuốc liên tục e chưa đủ.
Công việc vớt xác đã đủ độ hấp dẫn, gây tò mò để phim đi sâu vào khai thác. Phim có một số phân đoạn mô tả khá kỹ quy trình tác nghiệp của Lệ. Nhưng dù gì đây cũng là một công việc nặng nhọc và đầy rẫy nguy cơ, nhưng chỉ toàn thấy Lệ đêm hôm một thân một mình đi mò xác với các công cụ vô cùng thô sơ. Người quen biết một mực khuyên Lệ bỏ nghề, chứng tỏ họ cũng chẳng thấy công việc Lệ đang làm là cần thiết ở vùng sông nước này.
Vai trò làm mẹ của dì Lệ khá mờ nhạt trong phim.
Nghề vớt xác cũng chẳng đem lại lợi ích vật chất gì. Hai mẹ con sống trong căn nhà nổi rách nát, chả có đồ đạc gì giá trị. Bé Nhung phải nhặt cả con búp bê nhem nhuốc nơi sình lầy về chơi, chỉ để phim có thêm chiêu bài ma búp bê, về sau còn ứng dụng cả kiểu “quỷ nhập tràng”. Điều này làm cho chủ đề ma da càng thêm nhạt nhòa.
Như vậy kịch bản đã không cung cấp đủ tình tiết và chiều sâu để Việt Hương khắc họa Lệ và công việc đặc biệt này. Càng về cuối diễn biến phim càng dậm chân tại chỗ, sa đà vào những màn hù dọa liên miên.