Cùng điểm lại 3 phiên bản Tây Du Ký thường được đặt lên bàn cân so sánh ở dưới đây nhé!
Tây Du Ký (1986)
Tây Du Ký (1986) là phiên bản lâu đời và cũng là nổi tiếng nhất với thế hệ 8x, 9x, thậm chí cả 2k do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Cục Đường sắt Trung Quốc phối hợp sản xuất. Phim được thực hiện trong 6 năm bắt đầu từ năm 1982 và kết thúc vào năm 1988. Năm 1986, CCTV đã chính thức công chiếu 11 tập đầu tiên được quay từ trước và lấy năm phát sóng đầu làm năm phát hành gốc, vì thế phiên bản này thường có tên là Tây Du Ký 1986.
Sau đó một phần phim tiếp theo của bộ phim gồm 16 tập đã được sản xuất vào năm 1998 và phát hành vào năm 1999. Phần này lấy bối cảnh sau khi thỉnh chân kinh, 4 thầy trò gặp lại Vua Đường và kể lại câu chuyện trên chuyến hành trình.
Theo nhiều người đánh giá thì đây là bản hay nhất, nhiều khung cảnh đi vào huyền thoại nhất, dù kỹ xảo bây giờ xem sẽ thấy cũ kỹ nhưng chưa bao giờ kém sức hút với người xem. Đồng thời dàn diễn viên cũng đi vào huyền thoại, thành những bức tường diễn xuất mà chưa có diễn viên thế hệ sau nào có thể vượt qua.
Đây cũng là phiên bản gần như trọn vẹn nhất 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng. Các phiên bản sau có các kiếp nạn nhỏ đều được lượt bớt. (81 kiếp nạn tính từ khi phải đầu thai là nạn đầu tiên nha, chứ không phải bắt đầu đi thỉnh kinh mới tính kiếp nạn nhé!).
Tây Du Ký (2010)
Bản này do đài truyền hình Chiết Giang, Trung Quốc sản xuất, gồm 52 tập. Đây cũng là bản mà nhiều người đánh giá là sai khác so với nguyên tác quá nhiều, đồng thời có nhiều phân đoạn dài lê thê không có trọng tâm lắm.
Phim chủ yếu đề cập đến các nạn quan trọng như Hắc Hùng Tinh, các Bồ Tát thử lòng thầy trò Đường Tăng, Bạch Cốt Tinh, Kim Ngân Ngưu Giác, Hồng Hài Nhi, Xa Trì quốc, Thông Thiên Hà, Tây Lương nữ quốc, Tôn Ngộ Không thật giả, Hỏa Diệm Sơn, Hoàng Mi yêu vương, Nhện tinh, Thanh sư - Bạch tượng - Đại bàng, Bạch Thử tinh, Ngọc thố tinh có dàn dựng. Phim bỏ qua nhiều nạn quan trọng khác như Ăn trộm nhân sâm, Ô Kê quốc, Cửu Đầu Trùng, Châu Tử quốc, Tì Khâu quốc, Ngọc Hoa châu... Nạn Hoàng Bào quái được thay thế bằng nạn Bạch Cốt Tinh kéo dài, nạn Nhện tinh nhân vật Đa Mục quái được thay thế bằng Kim Quang đạo trưởng. Nạn Hạnh Tiên có dựng nhưng khi lên phim bỏ.
Bản này bị đánh giá là chán, từ việc nhiều kiếp nạn sai nguyên tác, Đường Tăng hơi lãng mạn quá khi che ô giấy ngồi lưng ngựa, tạo hình Bồ Tát Quan Âm kém tinh tế, những cảnh nhạy cảm không hợp với trẻ em như trong tập Yêu Tinh Nhện, Hằng Nga xinh nhưng tạo hình màu mè nhìn như yêu tinh, các hình ảnh Phật Giáo đều sai quá nhiều...
Tuy nhiên, có những triết lý trong Phật Giáo được khắc họa trên phim rất rõ nét, mạch lạc, có cơ sở rõ ràng. Nhưng vô hình chung, phim thành một bộ phim triết lý nhiều hơn là hình ảnh Tây Du Ký vốn đã thành huyền thoại trong lòng khán giả.
Tây Du Ký (2011)
Tây Du Ký phiên bản do Trương Kỷ Trung đạo diễn gồm 66 tập. Phim sử dụng lại ca khúc Cảm Vấn Lộ Tại Hà Phương sử dụng trong phim Tây Du Ký năm 1986. Nhiều nội dung phim làm rất sát nguyên tác, nhưng khá nhiều chi tiết lại không giống. Một số ít nạn bỏ không dựng.
Phiên bản này đối với nhiều người thì tạo hình gây tranh cãi nhiều nhất. Nhìn Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, yêu quái hơi giống trong thế giới động vật, Đường Tăng hơi giống Lỗ Trí Thâm trong Thủy Hử. Bù lại về nội dung giải thích ý nghĩa các câu chuyện rất rõ ràng, thuyết phục, giáo lý Phật Giáo được đề cao. Nội dung câu chuyện dễ hiểu, dễ xem, dễ thương cho trẻ em thưởng thức.
Đất diễn của các nhân vật trong câu chuyện cũng được cân đối khá nhiều, điển hình như Bạch Long Mã đẹp trai nhất mà cũng có đất diễn khá nhiều.
Kỹ xảo phim được đầu tư, có sự liên kết văn hóa các vùng miền khác nhau, có đan xen yếu tố Đạo Giáo của Trung Quốc, Phật Giáo của Ấn Độ nên sẽ có vài tạo hình gây tranh cãi (điển hình như màn hóa Phật của 4 thầy trò Đường Tăng cuối phim).
Và bây giờ, cùng xem loạt ảnh so sánh tạo hình 1 số nhân vật trong 3 phiên bản Tây Du Ký này nhé!
Không ai qua được Tôn Ngộ Không 1986 cả về tạo hình và diễn xuất
Quan Âm 1986 đúng chất của một Bồ Tát, 2010 tạo hình kém trang nhã, 2011 của Lưu Đào xinh đẹp nhưng thiên về tiên khí hơn nét đẹp của Phật.
Hằng Nga 1986 vẫn luôn là huyền thoại, 2010 của Lưu Oánh đẹp nhưng tạo hình trang phục sai quá sai, 2011 thiếu nét dịu dàng.
3 phiên bản Bạch Cốt Tinh đều đẹp và chất.
Thái Bạch Kim Tinh 1986 đúng chất lão đạo, 2010 trông bình thường, 2011 trông hiền lành giống Thổ Địa hơn.
Thái Thượng Lão Quân 1986 có khí chất hơn hai bác còn lại.
Natra
Nội dung của bài viết trên được bạn Hứa Thanh Tùng chia sẻ trong group Maybe You Never Watched This Movie. Sau khi đăng tải, bài viết đã nhận được sự quan tâm của nhiều cư dân mạng. Cái tên được cho là huyền thoại khó có thể vượt qua tất nhiên là phiên bản Tây Du Ký năm 1986, tuy nhiên một phiên bản khác không được đề cập trong bài viết cũng được fan "gọi hồn" rất đông. Đó chính là bộ phim Tây Du Ký của TVB ra mắt năm 1996.
Cùng điểm qua những bình luận của cư dân mạng về Tây Du Ký 1996 của TVB nhé!
- Để mà so được với TDK 1986 thì chỉ có TDK 1996 của TVB thôi, mấy bản này tuổi gì. 1986 là đỉnh của đỉnh, còn 1996 thì hài vô đối nhưng Đường Tăng trong đó đúng nghĩa là phổ độ chúng sinh luôn.
- Nếu ai thích coi hài hài thì xem 1996 TVB nha mọi người. Cười xỉu!!!
- Với mình thì sánh ngang với bản 1986 có bản 1996 của TVB. Xem hài nhưng không phản cảm, nhân vật phản diện vẫn có 1 câu chuyện phía sau, kiếp nạn nào xem cũng xúc động hết. Quan trọng là Đường Tăng bản này đúng là thánh tăng thật sự. Nhiều người cứ thấy bộ này hài là suy ra nó nhảm nhưng nếu ngồi xem hết rồi suy ngẫm thì thấy thật sự không phí thời gian đâu ý.
- Tuy là không thể bằng với độ hay của bản 1986 và có cải biên nguyên tác hơi nhiều nhưng ver của TVB có char dev tốt cho cả 4 thầy trò. Đường Tăng không chỉ là xuất hiện để bị bắt chờ được cứu mà cũng có vai trò nhất định Bạch Mã cũng có góp công trong arc Bạch Cốt Tinh. Mạch phim từ tốn hài hước nên coi thấy thoải mái hơn.
Cuối cùng, ý kiến của bạn về các phiên bản Tây Du Ký như thế nào? Hãy chia sẻ nhé!
Cre: Hứa Thanh Tùng/Maybe You Never Watched This Movie