Cụ thể lý do xảy ra sự việc trên là trong tập san thứ 89 mới được phát hành vào 4/6. Tại miếng bìa của quyển truyện, Eiichiro Oda đã viết ông thường đặt tên cho miếng gà chiên còn sót cuối cùng trên dĩa là “Trung Sĩ Yokoi” và nói rằng “Trung sĩ Yokoi vẫn còn đó! Ai đó hãy kết thúc trận chiến này đi!”. Và chính bởi nội dung nhạy cảm này, tác giả đang bị nhiều người lên án vì “vô đạo đức với câu chuyện của người quá cố”.
Vậy trung sĩ Yokoi mà tác giả nhắc đến là ai? Tại sao lại gây nên sự chỉ trích lớn đến vậy?
Trung sĩ Yokoi Shoichi sinh năm 1915 tại Aichi, nhập ngũ năm 1941 tại Sư đoàn 29 và được đưa sang Trung Quốc. Năm 1943 ông được điều về Trung đoàn 38 tại Guam. Đến tháng 7 năm 1944 quân đội Mĩ đổ bộ chiếm đóng Guam, quân Nhật tử thủ gần như bị giết sạch, Shoichi may mắn trốn thoát cùng 2 người khác vào trong rừng. Binh sĩ trong quân đội Nhật đều được tôi luyện để có một tinh thần thép, chiến đấu đến cùng chứ không bao giờ được đầu hàng. Với họ, sống sót trong trại tù binh bị coi là nỗi nhục và phản bội Tổ quốc, vì vậy ông cùng 2 người đồng đội quyết tâm bám trụ chờ lệnh phản công. Họ sống vô cùng khó khăn khi phải bắt lươn, cóc chuột để sống qua ngày.
Đến năm 1964, 2 người bạn đã lần lượt bỏ ông ra đi vì bệnh suy dinh dưỡng và thiên tai, còn lại một mình ông đã tự đào cho mình một căn hầm dưới lòng đất để trú ẩn,với nghề may ông có thể dệt quần áo từ vỏ cây để mặc tạm. Yokoi tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng sống sót của mình bằng cách săn bắn, chủ yếu là vào ban đêm, không những thế ông còn đi “trinh sát” cả sân bay Nimitz, những chiếc B52 cất cách từ sân bay này trong cuộc chiến tranh Việt Nam càng khiến ông lầm tưởng rằng thế chiến 2 vẫn còn đang tiếp diễn ở một nới nào đó và quân đội Nhật bản vẫn chưa bị đánh bại, ý chí của ông tăng lên đặc biệt trong 8 năm cuối cùng sống một mình trên đảo khiến người ta không khỏi khâm phục. Và đều gì đã đến cũng phải đến, tháng 1 năm 1972 ông bắt gặp 2 người dân trong 1 lần đi câu, do lo sợ bị bắt trở lại ông đã tấn công họ và bị họ quật ngã.
Hai tuần sau ông được đưa trở về Nhật và được chào đón như một người hùng. Hàng ngàn người Nhật đứng dọc theo xa lộ vẫy cờ Nhật Bản chào đón ông trở về nhà, ông đứng khóc trước ngôi mộ mà gia đình đã lập khi nghĩ rằng ông đã bỏ mạng trên đảo Guam năm 1944. Yokoi Shoichi thường nói về các kỹ năng sống và đưa các bài giảng cho học sinh, sinh viên các trường đại học trên cả nước về cách sống tiết kiệm. Ông chính là minh chứng sinh động cho các giá trị trước chiến tranh của người Nhật: trung thành với đất nước và vượt qua số phận để thành công.
Vậy nên việc Eiichiro Oda so sánh miếng gà cuối cùng với “Trung sĩ Yokoi” khiến độc giả vô cùng phẫn nộ. Vào ngày 10/6, trang web chính thức của Shonen Jump đã gửi lời xin lỗi đến mọi người.