Nguyên nhân đằng sau xu thế 12 tập phim mỗi mùa anime của các studio và nhà sản xuất anime Nhật Bản. Một sự thay đổi nhằm phù hợp thời đại so với trước đây.
Tại sao, ngày nay, các series anime có 12 tập rất phổ biến. Hầu hết mọi anime trong mỗi mùa chỉ từ 12 đến 14 tập. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là các bộ anime shounen như: Naruto, Black Clover,… Hoặc bất kỳ bộ nào có những thành công nhất định với một lượng lớn khán giả lớn ủng hộ nó. Như vậy đâu là lý do cho quy chuẩn 12 tập mỗi mùa?
1. Không phải những anime chủ lực
Hầu hết anime đều là ví dụ điển hình cho điều này. Như đã nói ở trên, nếu không phải là các bộ shounen (thường là shounen) như: My Hero Academia, Black Clover, One Piece, Naruto, Boruto,… Đó là các series chính thống thu hút được hầu hết sự chú ý của toàn ngành, vì vậy đương nhiên là chúng có rất nhiều tập và chiến dịch quảng cáo để hỗ trợ. Một anime nằm ngoài danh mục shounen thường không thể làm điều tương tự. Nên trường hợp của một series bình thường, 12 tập là một bước đi khôn ngoan hơn mà các hãng phim luôn lựa chọn.
2. Hạn chế rủi ro
Lấy ví dụ về Ascendance Of A Bookworm. Năm 2019 bộ anime chuyển thể đã được chiếu mùa đầu tiên với 12 tập. Đó là một Isekai. Khán giả tiếp nhận bộ anime với tín hiệu tốt, vì vậy nhà sản xuất tiếp tục làm mùa thứ hai vào năm 2020. Đương nhiên ở Nhật Bản, ắt hẳn nó phải chạy nhiều chiến dịch quảng cáo nhằm sinh đủ lợi nhuận hoặc mang lại cho các hãng phim, nhà tài trợ kết quả khả quan để họ cảm thấy xứng đáng chi tiền cho mùa thứ hai. Cuối cùng bộ anime đã xây dựng được một lượng khán giả và vì vậy series sẽ tiếp tục được chuyển thể trong vài năm tới.
Điều tương tự cũng xảy ra với các anime khác nhưng vẫn có một số ít ngoại lệ. Lấy ví dụ như Re: Zero hay Mushoku Tensei. Các isekai đang là xu hướng trong thập niên gần đây và chúng thường có sẵn một lượng fan trung thành từ nguyên tác light novel hoặc manga. Điều đó phần nào củng cố cho doanh thu khi được chuyển thể anime, tạo niềm tin cho các nhà làm phim tiếp tục sản xuất mùa 2, 3, 4,…
Nhưng vì thế mà một câu hỏi được đặt ra: điều gì sẽ xảy ra nếu các hãng phim sản xuất 24 hoặc thậm chí hơn 50 tập phim ngay lần đầu lên sóng? Khả năng cao là nó không thành công, hoặc tạo đủ sự quan tâm để giữ chân người xem. Bên cạnh đó, cũng không đồng nghĩa với việc cứ 12 tập là sẽ thành công.
Nhưng 12 tập một mùa anime sẽ đem lại nhiều lợi ích như: Ít tốn kém hơn, ít rủi ro hơn, bớt áp lực cho studio, bớt lo lắng về doanh thu. Trong trường hợp xấu nhất, họ có thể hủy series, hoặc ít nhất là lợi dụng để kiếm một số tiền từ hàng hóa nhượng quyền; hoặc để “tăng cường” sự nổi tiếng của light novel/manga.
Nếu đó là một bộ truyện nguyên bản không có tiểu thuyết hoặc manga, thì càng có nhiều lý do hơn để quản lý rủi ro bằng cách chạy mùa đầu tiên với 12 tập, thậm chí chỉ chạy một mùa duy nhất với 12 tập. Bằng cách đó, họ có thể đo lường thành công mà không phải lo đội ngân sách. Nhưng không nhiều hãng phim có đủ khả năng (hoặc ngân sách) để thực hiện một mạch liên tục như chuyển thể shounen, hoặc một loạt phim 24 tập chia làm hai mùa. Rốt cuộc, để làm anime tốn rất nhiều tiền và đó là một loại hình kinh doanh đầu tư dài hạn. Sai lầm hoặc đánh giá quá cao có thể phải trả giá đắt.
3. Ngân sách
Như tôi vừa nói, để làm một bộ anime phải tốn rất nhiều tiền. Ngay cả một series ngắn. Không chắc về giá vào năm 2020 nhưng một vài năm trở lại đây, 2 triệu USD dường như là chi phí trung bình của một bộ anime. Không phải xưởng làm anime nào cũng là Toei Animation hay Madhouse, vì vậy “2 triệu USD” cần được quản lý một cách khôn ngoan. Đó sẽ là số tiền lớn bị “vứt đi” nếu một bộ anime không tạo dựng được lượng khán giả đủ lớn, hoặc tăng doanh thu của manga/light novel gốc (nếu có).
4. Quỹ thời gian của người xem hiện đại
Việc xem một bộ anime có 12 tập sẽ tiện hơn. Có nghĩa là nhà làm phim biết “chỉ có 12 tập” nên việc xử lý dễ dàng hơn. Khi một bộ anime dài, nó sẽ đè nặng lên ngân sách của họ. Đó là lý do tại sao rất khó để một người mới tiếp cận với cả ngàn tập của One Piece hay Naruto. Hầu hết những người xem anime hiện nay đều thích một câu chuyện ngắn gọn nhưng truyền đạt đầy đủ tinh thần của nó. Với 12 tập, đó là một quỹ thời gian đủ để người xem bỏ ra. Điều đó đáng khích lệ. Mọi người đều có thời gian cho 12 tập (khoảng 4-5 tiếng). Như vậy đủ để quyết định bạn có thích nó hay không.
Tôi cho rằng các hãng phim đã nắm bắt được điều này và nó cũng mang lại lợi ích cho họ, vì vậy mọi người đều có lợi. Công nghệ, cuộc sống và thế kỷ 21 quá tức thời và “thời gian” trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Trừ khi anime có rất nhiều tài liệu gốc và hãng phim quyết định tạo ra một series anime dài tập hoặc bản thân nó quá thành công về mặt thương mại; đó sẽ là một bước đi thông minh về phía họ.
5. Đẩy doanh thu của các tài liệu nguồn
No Game No Life là một ví dụ hoàn hảo. Anime này đã phát sóng từ năm 2014 và đến nay vẫn chưa có mùa thứ hai (vì nhiều lý do khác nhau). Dù bằng cách nào series chỉ chạy trong 12 tập và đôi khi, đó là tất cả những gì một studio muốn. Họ có thể sử dụng anime 12 tập làm quảng cáo thúc đẩy doanh số bán cho bản gốc light novel hoặc manga hoặc bất kỳ tài liệu nào mà anime được chuyển thể từ đó. Tiền từ quảng cáo đủ để làm vừa lòng cả studio và nhà sản xuất. No Game No Life đã ra mắt thành công nên điều này là đúng.
Điều tương tự cũng xảy ra với The Devil Is A Part Timer. Bộ isekai này chỉ phát sóng được 13 tập từ năm 2013 và trở thành một trong những bộ anime nổi tiếng nhất trong thể loại của nó. Light novel vẫn đang được tiếp tục cho đến ngày nay. Bởi vì sự nổi tiếng đã phục vụ cho mục đích của studio White Fox và giúp light novel bán được nhiều hơn. Thật là khó chịu với tư cách là một người hâm mộ khi nhìn thấy doanh số khiến các xưởng phim thỏa mãn và không có ý định làm tiếp.
Tuy nhiên có một vài trường hợp lại là ngoại lệ. Có thể kể đến Attack on Titan. Mùa đầu tiên được lên sóng từ năm 2013. Tại thời điểm đó, dường như số phận của series cũng sẽ như No Game No Life hoặc The Devil Is A Part Timer khi đem về doanh thu khổng lồ cho cả xưởng phim và nhà sản xuất. Điều này trực tiếp khiến doanh số của manga tăng một cách chóng mặt và họ không mấy mặn mà với việc chuyển thể tiếp mà chuyển sang tập trung thu lợi nhuận từ thành công của anime và manga trước. Đó là lí do cho khoảng cách giữa hai mùa 1 và 2 là bốn năm. Chỉ sau khi nhận thấy sự nổi tiếng của cái tên Attack on Titan đã vượt ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản một cách mạnh mẽ, mùa 2 mới được triển khai.
Gần đây, chúng ta cũng có Kimetsu no Yaiba. Bộ mặt của anime đã đẩy doanh số manga gốc lên con số hàng trăm triệu bản bán ra chỉ trong vòng 2 năm. Thành công của bản TV series hồi năm 2019 và thành công của bản điện ảnh năm 2020 đã được chứng minh.Về cơ bản cách series bùng nổ còn lớn hơn Attack on Titan trước kia và điều đó khiến những người hâm mộ anime lo ngại về một sự trì hoãn cho mùa thứ hai.
Đó là tất cả những lí do mà một mùa anime thường có 12 tập phim. Bạn nghĩ sao về chúng, hãy cho Game4V biết ở phần bình luận bên dưới!
Kimetsu no Yaiba movie được đề cử tại Giải thưởng Viện hàn lâm Nhật Bản