Riot Games được biết đến là công ty phát hành nhiều tựa game đình đám như: Valorant, Legends of Runeterra, Wild Rift… và đặc biệt là League of legends (Liên Minh Huyền Thoại). Bên cạnh đó, nhà phát hành game nổi tiếng này còn khiến khán giả trầm trồ khi cho ra mắt nhiều MV, phim hoạt hình, tác phẩm cinematic… để quảng bá cho sự kiện trong game hay giải đấu Esports.
Riot Games sở hữu hàng loạt game đình đám trên thế giới
Chính bởi sự thành công từ “nghề tay trái” này khiến cộng đồng game thủ gọi họ với nhiều biệt danh khác nhau như: Công ty âm nhạc, Riot Entertainment, Riot games Music… Trong đó, câu nói “nhà phát hành làm phim và nhạc hay hơn game” được game thủ lấy ra bàn luận mỗi lần Riot Games ra mắt dự án liên quan đến âm nhạc hay điện ảnh. Vậy tại sao trong mắt game thủ, nhà phát hành game nổi tiếng này lại trở thành “Riot Entertainment”.
Khả năng tạo hit không thua kém bất cứ siêu sao nổi tiếng nào
Có thể nói, Riot Games là nhà phát hành game tiên phong và thành công nhất trong việc sử dụng âm nhạc để quảng bá trò chơi. Tính tới thời điểm hiện tại, Riot Games đã sở hữu nhiều MV âm nhạc có lượt xem khủng trên YouTube như: Pop/Stars (538 triệu), Enemy (287 triệu) Giants (192 triệu).... Bên cạnh đó, việc ca khúc Enemy đạt 1 tỷ lượt nghe trên nền tảng Spotify cách đây không lâu cũng chứng tỏ khả năng tạo hit của Riot Games đỉnh đến mức nào.
MV Pop/Star nhằm quảng bá cho sự kiện ra mắt dòng trang phục K/DA
Ngoài các MV phát hành cho game, ca khúc chủ đề trong các kỳ chung kết thế giới LMHT như: Rise, Phoenix, Warrior, Burn It All Down…cũng được khán giả đặc biệt yêu thích. Tại lễ khai mạc CKTG 2017, hình ảnh Rồng Ngàn Tuổi xuất hiện trực tiếp dưới nền nhạc Legends Never Die hào hùng là một trong khoảnh khắc đáng nhớ nhất mà một sự kiện Esports mang lại.
Siêu phẩm Arcane và hơn thế nữa
Thành công với nhiều dự án âm nhạc là thế nhưng phải đến khi Arcane ra đời, cộng đồng quốc tế mới hoàn toàn nể phục tài năng của đội ngũ sáng tạo Riot Games. Arcane là series hoạt hình dài tập đầu tiên của Riot được lấy bối cảnh từ tựa game Liên Minh Huyền Thoại. Bộ phim ngay khi ra mắt đã chiếm lĩnh top 1 Netflix của 38 quốc gia và nhận về 9 đề cử tại lễ trao giải Annie Awards (Giải thưởng danh giá nhất dành cho phim hoạt hình). Gần đây, bộ phim còn thắng giải thưởng phim Chuyển thể xuất sắc nhất từ The Game Awards 2022.
Arcane được lấy cảm hứng từ câu chuyện của hai vị tướng Vi và Jinx trong tựa game Liên Minh Huyền Thoại
Thành tích của Arcane có lẽ không quá bất ngờ với fan của tựa game Liên Minh Huyền thoại khi mà trước đó, Riot Games cũng cho ra mắt rất nhiều phim ngắn, loạt cinematic về các vị tướng trong trò chơi. Các bộ phim của họ không chỉ nhằm quảng bá mà còn đề cập đến nhiều vấn đề xã hội như: chính trị, bạo lực, nữ quyền…. Ngoài ra, Riot Games còn rất biết cách xây dựng cốt truyện vượt ra khuôn khổ trò chơi, nhờ đó khán giả có thể xem và cảm nhận dù cho không chơi game.
Làm phim hay là thế nhưng về cân bằng game thì…
Hiện tại, Riot Games đang sở hữu hàng loạt tựa game đình đám với hàng trăm triệu người chơi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhà phát hành này nhiều lần bị cộng đồng phản ứng gay gắt vì khả năng cân bằng trò chơi không thật sự tốt. Trong tựa game Liên Minh Huyền Thoại, vấn nạn về việc các vị tướng làm lại mạnh khó tin hay trở nên yếu tệ hại diễn ra qua nhiều mùa giải. Sau nhiều lần chỉnh sửa, tình trạng này không được thuyên giảm mà thậm chí còn trở nên lộn xộn hơn.
Lỗi bug sức mạnh đã không còn xa lạ với game thủ LMHT
Các tựa game như Valorant, Wild Rift hay Legends of Runeterra cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khiến người chơi ngán ngẩm. Chính bởi những lý do trên, Riot Games thường xuyên bị cộng đồng game thủ mỉa mai về một công ty game mà "làm MV ca nhạc còn hay hơn làm game".
Tựu trung, chúng ta không thể phủ nhận tài năng của đội ngũ biên kịch hình ảnh, đồ họa của Riot Games khi họ biết khai thác hình ảnh và nội dung có sẵn để tạo nên những siêu phẩm đúng nghĩa. Nhìn xa hơn nữa, điều này sẽ giúp nhiều tựa game vốn tồn tại đến hơn thập kỷ của họ trở nên mới mẻ và thu hút thêm lượng tiếp cận lớn. Tuy nhiên, Riot Games cũng cần làm tốt hơn trong công tác vận hành và phát triển để game thủ có trải nghiệm tốt nhất.