The Glory 2 (Vinh Quang Trong Thù Hận 2) là bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang “gây bão” trên Netflix thời gian gần đây, nối tiếp thành công rực rỡ của phần 1. Phần 2 này tập trung vào màn trả thù kịch liệt của nhân vật chính Dong Eun (Song Hye Kyo) đối với những kẻ đã gây ra đau khổ cho cô trong quá khứ. Motif phim trả thù vốn không quá xa lạ với mọi nền giải trí. Từ Hollywood đến Hàn Quốc, Ấn Độ,... đều có những bộ phim đề tài trả thù rất ăn khách.
Vì sao phim báo thù hấp dẫn khán giả?
Một trong những yếu tố quan trọng lôi kéo khán giả xem phim là nội dung hấp dẫn, và điều này dòng phim báo thù luôn làm rất tốt. Loại phim này đưa chúng ta vào một “cuộc phiêu lưu” cảm xúc mãnh liệt: chúng ta bức xúc, đau khổ khi nhân vật phải chịu bất công hoặc bi kịch, sau đó cùng nhân vật khao khát được trả thù một cách đau đớn, xen lẫn hồi hộp rồi cuối cùng là thấy hả hê khi màn báo thù thành công.
Hãy quên đi sự tha thứ và chữa lành. The Glory hay những bộ phim tương tự chìm trong cơn thịnh nộ của những con người đã bị tổn thương cực độ, và họ vượt qua vết thương đó bằng cách gây ra tổn thương ngược lại cho những kẻ đã hại mình.
Tức giận và mong muốn trả thù là những diễn biến tâm lý thông thường của con người khi đối mặt với những bất công như bị người khác bạo lực thể chất lẫn tinh thần. Mặc dù chúng ta ghét phải thừa nhận điều này, nhưng trả thù là một trong những cảm xúc mãnh liệt xuất hiện trong mỗi con người, ngay cả khi chúng ta có thể biết rằng nó là cảm xúc đen tối và tiêu cực.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ muốn biết điều gì xảy ra trong não khi ai đó trả thù. Họ đã quét não của những người vừa bị đối xử tệ (hoặc ít nhất họ nghĩ vậy) trong phòng thí nghiệm. Sau đó, các chuyên gia đã cho người tham gia cơ hội để trừng phạt người kia, và trong suốt một phút khi nạn nhân lên kế hoạch trả thù, hoạt động trong não của họ được ghi lại.
Ngay lập tức, các nhà nghiên cứu nhận thấy có một loạt hoạt động thần kinh trong nhân đuôi - khu vực não bộ giải phóng dopamine hạnh phúc khi có cảm giác được tưởng thưởng. Nghiên cứu này cho thấy rằng việc trả thù, trong thời điểm người trả thù đang bị kích động khá hiệu quả về mặt tinh thần cho người đó.
Tuy nhiên, họ muốn biết một điều nữa: Liệu sự trả thù lâu dài có tiếp tục mang lại “phần thưởng” cho não bộ?
Mặc dù những khoảnh khắc đầu tiên khiến não bộ cảm thấy thỏa mãn, nhưng các nhà tâm lý học cho rằng sự trả thù sẽ kéo dài sự khó chịu và đẩy con người vào hố sâu cảm xúc tiêu cực.
Thay vì mang lại công lý, sự trả thù thường chỉ tạo ra một vòng lặp trả đũa
Việc giữ cảm xúc thù địch và hành động để trả thù sẽ mở lại và làm trầm trọng thêm vết thương tâm lý của bạn. Mặc dù bạn có thể muốn trừng phạt một điều sai trái, nhưng cuối cùng bạn lại tự trừng phạt chính mình vì bạn đang kéo dài cảm xúc tiêu cực của mình và không thể chữa lành vết thương
Phim ảnh có đang “cổ xúy” việc trả thù?
Trong rất nhiều bộ phim chúng ta đã xem, dù có phải nội dung báo thù hay không thì đến cuối, người xấu sẽ bị trừng trị thích đáng. Nhưng trong quá trình trừng trị người xấu đó, có phải đôi khi người tốt cũng đã biến thành người xấu?
Hàng loạt phim Hollywood ăn khách như John Wick, Taken, The Equalizer,... xoay quanh câu chuyện báo thù kẻ xấu một cách “điên cuồng”. Hiếm khi những bộ phim này vật lộn với những câu hỏi về đạo đức. Thế nên nhà triết học Anh Francis Bacon gọi sự trả thù là “công lý hoang dã”.
Những bộ phim này tạo ra một kịch bản mà khiến người xem cảm thấy nhiệm vụ của người anh hùng là chính đáng, bất chấp việc họ có bao gồm hành động bạo lực trong hành trình trả thù của mình. Các bộ phim trả thù nổi tiếng cho chúng ta thấy rằng chỉ một mình anh hùng, với loạt kỹ năng đặc biệt của mình, có thể giải quyết mọi việc đúng đắn. Trong John Wick chẳng hạn, dường như không có luật nào cả. John Wick thể hiện cơn thịnh nộ của mình trong một thế giới chỉ bao gồm những kẻ ám sát và những người ngoài cuộc ngu ngốc.
Không ít bộ phim đã giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực khi để nhân vật chính “hắc hóa”. Họ sử dụng những phương thức vi phạm pháp luật hoặc đạo đức để trả thù. Chúng ta thường tin rằng việc trả thù là một hình thức giải phóng cảm xúc và việc người hại mình bị trừng phạt sẽ giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn. Các bộ phim thường mô tả hành động trả thù như một cách để khép lại một sai lầm và khán giả thường không nhận ra hay không quan tâm bản thân việc báo thù đó có phải sai lầm hay không.
Nếu có một câu hỏi đạo đức nào được đặt ra cho John Wick hoặc Taken, thì đó thường là "Vòng lặp trả thù này sẽ kết thúc như thế nào?". Trong những bộ phim, chu kỳ thường kết thúc khi nhân vật chính đứng với khẩu súng bốc khói trước kẻ thù cuối cùng của mình.
Nguồn: Science of People, Equip, Collider