Tại sao 'Tây Du Ký' được làm lại nhiều lần nhất?

So với ba tác phẩm trong tứ đại danh tác, "Tây du ký" có số lượng và tần suất chuyển thể cao hơn nhiều. Sau thành công của bản phim năm 1986, "Tây du ký" có hàng chục phiên bản, khai thác đa dạng các nhân vật từ thầy trò Đường Tăng đến yêu quái.

Sau thành công vang dội của Tây du ký 1986, có hàng chục phiên bản được mắt suốt ba thập kỷ qua như Tây du ký: Mối tình ngoại truyện, Đại náo thiên cung, Tây du ký: Nữ nhi quốc… Tờ Sohu nhận xét tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân như trái cam khổng lồ, mọi người đều muốn uống, vắt kiệt.

Tại sao 'Tây Du Ký' được làm lại nhiều lần nhất? - Ảnh 1.

Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân nằm trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.

So với ba tác phẩm còn lại trong tứ đại danh tác, Tây du ký vượt trội về mức độ phổ biến. Theo Sina , bản Tây du ký 1986 của đạo diễn Dương Khiết đã chiếu hơn 3.000 lần từ năm 2020 dù kỹ xảo thô sơ, con số này dự đoán tiếp tục tăng mạnh.

Hồng Lâu Mộng được đánh giá là “tuyệt thế kỳ thư”, miêu tả thân phận bi thương giữa bối cảnh suy tàn, Tam Quốc Diễn Nghĩa phản ánh quyền mưu chính trị, thường thu hút khán giả nam. Ở Thủy hử là bản sắc anh hùng trung nghĩa song toàn. Trong khi đó, mạch truyện Tây du ký đơn giản, thậm chí có thể tóm tắt bằng câu: “Bốn thầy trò Đường Tăng trải qua 81 kiếp nạn để sang Tây Trúc thỉnh kinh Phật”. Tuy nhiên, số lượng và tần suất chuyển thể cao hơn nhiều so với ba tác phẩm nổi tiếng còn lại.

Đầu tiên tác phẩm có nhiều nhân vật và tính cách phong phú. Đường Tăng, người từ bi, hết lòng vì sự nghiệp cầu kinh, phổ độ chúng sinh, Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, ngạo nghễ ngang tàn, Trư Bát Giới lười biếng, tham ăn, thương người đến mức quá đáng, Sa Tăng siêng năng, cần mẫn và có phần trầm lắng so với hai sư huynh.

Ngô Thừa Ân đã sử dụng trí tưởng tượng và lối hành văn phong phú tạo ra bốn nhân vật chủ chốt, tác phẩm còn có nhiều yêu ma quỷ quái, đều có tính khí khác nhau, người sáng tạo về sau có thể lựa chọn và kết hợp chúng.

Thứ hai, tác phẩm đặt trong bối cảnh lịch sử cổ đại Trung Quốc, không gian tương đối trừu tượng. Bằng cách này, các nhà biên kịch và đạo diễn có thể thoát khỏi những ràng buộc của bối cảnh lịch sử. Từ đó, các tác phẩm chuyển thể của họ có thể cởi mở và toàn diện hơn, tăng đáng kể không gian sáng tạo.

Thứ ba, tác phẩm đã có lượng khán giả đông đảo ở mọi lứa tuổi, thế hệ, điều này giúp bản phim của Tây du ký tiết kiệm chi phí quảng bá, có thể mở rộng thị trường ở nhiều quốc gia châu Á.

“Nó giống như sản phẩm được chế biến trong siêu thị. Các nhà làm phim chỉ cần thêm một chút gia vị và công đoạn là có thể phục vụ khách hàng. Nếu được bổ sung chút yếu tố đổi mới, nó sẽ phổ biến hơn nữa. Chưa kể Tây du ký có lịch sử lâu đời đến mức có thể quay phim mà không cần mua bản quyền, ai lại không đổ xô đi làm như vậy” - tờ Sohu đánh giá.