Thất bại của X-Men: Apocalypse (2016): Mạch truyện chính của loạt X-Men kể từ First Class (2011) thực tế đã gặp rắc rối tại phòng vé từ cách đây ba năm. Tập phim X-Men: Apocalypse (2016) chỉ nhận 47% bài đánh giá tích cực, và bị coi là bước lùi lớn của thương hiệu sau đỉnh cao Days of Future Past (2014). Nếu như tập phim năm 2014 thu tới 747,9 triệu USD, thì tác phẩm xoay quanh gã dị nhân từ thời thiên cổ chỉ còn mang về 543,9 triệu USD. Việc Dark Phoenix không có cải tiến về mặt chất lượng nội dung khiến đà doanh thu thương hiệu đi xuống là điều tương đối dễ hiểu.
Nhiều lần dời lịch chiếu: Khi một dự án bom tấn bị đổi ngày ra mắt tới hai lần, công chúng sẽ lập tức cảm thấy “có mùi”. Trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn, đạo diễn Simon Kinberg đã nói rằng toàn bộ ê-kíp đều hiểu rằng bộ phim không thể kịp ra mắt từ 14/2, tức lần dời lịch đầu tiên. Dù sự thật là thế nào, dấu hiệu Dark Phoenix “có vấn đề” vẫn tồn tại suốt bấy lâu. Đáng buồn hơn, Bohemian Rhapsody thế lịch của bộ phim hồi tháng 11/2018 giúp Fox thu tới hơn 900 triệu USD, còn Alita: Battle Angel cũng vượt kỳ vọng với 405 triệu USD hồi tháng 2.
Kể lại một câu chuyện cũ: Nhiều fan của nguyên tác truyện tranh Dark Phoenix Sagakhông hài lòng với X-Men: The Last Stand khi nội dung Phượng hoàng Bóng tối chỉ đóng vai trò thứ yếu và bị thay đổi rất nhiều. Dẫu vậy, số đông công chúng vẫn bỏ tiền ra rạp và giúp bộ phim năm 2006 thu 459 triệu USD. Chưa cần biết chất lượng cuối cùng, chọn kể lại một câu chuyện cũ có thể gây hào hứng cho fan nguyên tác, nhưng số đông thì chưa chắc. Họ đã một lần bỏ tiền ra theo dõi The Last Stand và không nhận thấy nhiều điều mới mẻ từ các trailer, trích đoạn của Dark Phoenix.
Sự ghẻ lạnh từ giới phê bình: Theo thống kê của Rotten Tomatoes, chỉ 22% số bài bình luận của báo chí về Dark Phoenix là tích cực. Đây là mức thấp kỷ lục của thương hiệu X-Men khi còn kém hơn cả X-Men Origins: Wolverine (2009) với 37%. Điều đáng buồn là mới hồi 2017, Logan đạt mức 93% cùng điểm trung bình lên tới 7,9/10. Nhắc đến điểm trung bình trên Rotten Tomatoes, Dark Phoenix chỉ đạt 4,56/10, tức cũng thấp hơn X-Men Origins: Wolverine (5,13/10), X-Men: Apocalypse (5,64/10) hay X-Men: The Last Stand (5,93/10).
Gần như không có yếu tố ngôi sao: Từ X-Men: First Class, thương hiệu phim dị nhân quy tụ rất nhiều tài năng trẻ và tới nay đã khẳng định được thực lực như James McAvoy, Michael Fassbender và Jennifer Lawrence. Song, bộ ba xem ra không thu hút khán giả bằng dàn sao cũ. First Class được giới phê bình đánh giá cao là vậy, nhưng thực tế chỉ thu 353 triệu USD. Chỉ khi kết hợp với Hugh Jackman, Ian McKellen và Patrick Stewart, dàn sao trẻ mới được nâng tầm tại phòng vé qua Days of Future Past với 747,9 triệu USD. Tuy nhiên, họ như “trở về mặt đất” khi Apocalypse bị giảm doanh thu tới 200 triệu USD. Và Dark Phoenix thêm một lần nữa đặt ra dấu hỏi về khả năng thu hút khán giả tới rạp của dàn diễn viên tài năng.
Thiếu Hugh Jackman: Một lý do khiến X-Men: The Last Stand dù bị báo chí chê bai vẫn hút khách chính là nhân vật Wolverine của Hugh Jackman. Các nội dung liên quan tới “người chồn” trong phim vốn thuộc về Cyclops ở nguyên tác. Suốt gần 20 năm, Wolverine là linh hồn và biểu tượng của X-Men, dù ở trung tâm loạt phim vẫn là cuộc so kè giữa Charles Xavier với Magneto. Dark Phoenix thực tế là phim dị nhân đầu tiên còn không hề nhắc tới Wolverine, và đó xem ra là một quyết định sai lầm của nhà sản xuất. Cũng thật khó để mời tài tử người Australia tham gia dự án, bởi anh đã quyết định chia tay thương hiệu sau Logan (2017).
Không có cải tiến về mặt nội dung: Về cơ bản, Dark Phoenix gần như không đem tới điều gì mới mẻ về mặt nội dung khi so sánh với các tập phim cũ. Khán giả vẫn phải theo dõi mâu thuẫn lý tưởng giữa Charles Xavier với Magneto đẩy họ về hai phe chiến tuyến, để rồi một kẻ thù lớn hơn xuất hiện buộc họ phải hợp tác. Câu chuyện ban đầu hấp dẫn, nhưng nay đã trở nên nhàm chán đối với số đông công chúng.
Cuộc thâu tóm Fox của Disney: Dark Phoenix là phần kết của loạt phim X-Men do Fox sản xuất có lẽ chỉ bởi hãng phim mới bị Disney thâu tóm. Kết quả của thương vụ chính là việc các dị nhân tới đây có thể đường hoàng xuất hiện trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel - thương hiệu điện ảnh hàng đầu lịch sử. MCU sẽ giống như “hổ mọc thêm cánh” khi tiếp nhận X-Men, Bộ tứ Siêu đẳng, cũng như hàng loạt phản diện đáng gờm mà Fox sở hữu bản quyền điện ảnh bấy lâu. Công chúng giờ mong ngóng điều đó xảy ra, chứ không còn mấy quan tâm đến việc loạt phim hiện tại sẽ kết thúc ra sao.
X-Men không còn đặc biệt nữa: Sự nở rộ của dòng phim siêu anh hùng khiến các dị nhân không còn là lựa chọn hàng đầu của khán giả. Bản thân ê-kíp thừa nhận rằng họ phải chỉnh sửa Dark Phoenix để bộ phim không quá giống Captain America: Civil War (2016) hay thậm chí là Captain Marvel (2019) của Marvel Studios. Ngay cả bầu không khí đen tối, thực tế bao trùm loạt X-Men cũng không còn là đặc sản từ riêng thương hiệu. Khi không thể đem tới điều gì đột phá, việc thương hiệu bị quay lưng là điều đương nhiên. Ngay cả khi Dark Phoenix không phải là lần cuối Fox làm phim X-Men, họ cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn nếu muốn kéo dài loạt phim.