Năm 2011, DC/Warner Bros. cho ra mắt bộ phim siêu anh hùng Green Lantern với kinh phí thực hiện là 200 triệu USD. Phim thất bại thảm hại khi chỉ mang về 116 triệu USD và bị chê bai tơi tả về mặt nội dung.
Nhưng sau 6 năm, rất nhiều gương mặt của Green Lantern "siêu flop" năm xưa đã trở thành những tên tuổi lớn. Ryan Reynolds thành danh với Deadpool và nên duyên cùng mỹ nữ Blake Lively - người đóng cùng anh trong phim. Còn Taika Waititi, người đóng vai Tom Kalmaku siêu phụ lúc đó, nay lại trở thành đạo diễn cho siêu phẩm Thor: Ragnarok trị giá 180 triệu USD của "đối thủ" Marvel.
Được đề cử Oscar ngay từ phim ngắn đầu tay
Taika David Waititi sinh 16/8/1975 tại Wellington, New Zealand. Bản thân người đàn ông này chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành đạo diễn. Anh thích hội họa và từng học để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất.
Khi còn là sinh viên tại khoa Kịch nghệ của trường Victoria University of Wellington, Taika đã cùng thành lập một nhóm hài kịch gồm 5 người để lưu diễn khắp New Zealand và Australia. Nhóm tấu hài của Taika và Jemaine Clement với tên gọi The Humourbeasts đã từng nhận giải thưởng cao nhất của New Zealand dành cho các nghệ sĩ hài, giải Billy T Award vào năm 1999.
"Tôi chưa bao giờ muốn trở thành một nhà làm phim. Đôi lúc, tôi vẫn nghĩ, mình đang bị chệch hướng. Mục tiêu chính của tôi là hội họa, và tôi vẫn rất muốn thực hiện nó".
Nhưng bộ phim ngắn Two Cars, One Night mà Taika thực hiện vào năm 2004 đã làm thay đổi tất cả. Phim dài 11 phút, với nội dung xoay quanh mối quan hệ giữa hai chàng trai với một cô gái tại bãi đỗ xe của một quán rượu ở Te Kaha, New Zealand đã giành được 1 đề cử Oscar ở hạng mục Phim ngắn xuất sắc nhất năm 2005.
Danh tiếng từ Oscar đã giúp Taika Waititi được Ủy ban phim New Zealand tài trợ tiền để thực hiện bộ phim dài đầu tay - Eagle vs Shark vào năm 2007. Năm 2010, Taika quyết định mở rộng bộ phim ngắn Two Cars, One Night của mình thành một phiên bản dài hơi hơn với tên gọi Boy. Phim xoay quanh một cậu bé Maori cuồng Michael Jackson, sinh ra và lớn lên ở vùng East Cape của New Zealand.
Bản thân Taika dường như rất thích chủ đề về những cậu bé có tính cách nghịch ngợm, sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh phức tạp và nếm trải những chặng đường trưởng thành gian nan. Hunt for the Wilderpeople với nhân vật chính là cậu nhóc Ricky mồ côi béo múp, rủ rê một ông già chạy trốn vào rừng mà Taika thực hiện năm 2016 là một phiên bản khác, thành công hơn. Phim đã thu về 12 triệu đô NZ, được tạp chí Empire chọn là phim số 1 của năm 2016.
Bộ phim mới nhất của Taika, Thor: Ragnarok cũng mang chủ đề tương tự. Nhưng lần này, nhân vật chính lại là một vị thần. Thor là siêu anh hùng có cá tính nóng nảy, trẻ con và liên tục vướng vào những rắc rối liên quan tới gia đình. Phim là tác phẩm bom tấn trị giá triệu đô đầu tiên của Taika Waititi - người trước giờ vẫn được biết đến nhờ các phim kinh phí thấp.
Taika Waititi trở thành đạo diễn mà chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo chính quy nào. Anh cho biết mình học cách làm phim từ việc xem phim và xem người khác làm phim trên các phim trường. Như việc mà anh từng làm trên phim trường Green Lantern năm xưa.
Người đem đến "làn gió hài hước" mới cho Marvel
Taika Waititi là vị đạo diễn gốc Maori hiếm hoi tạo được tiếng vang ở Hollywood. Chẳng trách vì thế mà năm 2017, New Zealand đã chẳng ngần ngại trao cho người đàn ông 42 tuổi này danh hiệu Người New Zealand của năm. Trước khi được Marvel "chọn mặt gửi vàng", tên tuổi của Taika được biết đến qua hai bộ phim độc lập vô cùng duyên dáng và hài hước: phim giả tài liệu What we do in the shadow (2014) kể về nhóm ma cà rồng quái dị sống ở thời hiện đại cùng Hunt for the Wilderpeople - một phiên bản live-action của Up.
"Chủ đề lớn trong nhiều bộ phim của tôi là gia đình, nói về những điều thân thuộc ở xung quanh bạn". Một đề tài mà Marvel đã ứng dụng thành công trong Guardians of the Galaxy và Taika nghĩ rằng, nhờ yếu tố đó mà anh đã được hãng phim siêu anh hùng đình đám này tuyển dụng.
Thế nhưng, Brad Winderbaum – nhà sản xuất của Thor 3 cũng như Marvel lại nghĩ khác: "Chúng tôi đã gặp Taika vài lần và anh ấy có góc nhìn tuyệt vời về nhân vật. Kevin Feige nhận ra anh chàng này có thể đem tới những điều đặc biệt dành cho Thor. Anh ấy thực sự muốn biến Chris Hemsworth thành một diễn viên hài".
Cá tính và sự hài hước của Taika đã được thể hiện rõ qua những bộ phim mà anh thực hiện. Và Taika cũng nghĩ rằng, Thor chính là nhân vật duy nhất trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel thật sự phù hợp với sự "điên rồ" diễn ra trong tâm trí anh.
"Tôi nghĩ Thor là thương hiệu duy nhất có tiềm năng trở nên khác biệt. Tôi rất thích Chris Hemsworth và bản thân anh ấy cũng muốn thoát khỏi hình tượng cũ. Và hai năm sau sự kiện Thor: The Dark World cũng như Age of Ultron cho chúng tôi đủ thời gian để thay đổi cá tính nhân vật một chút, làm anh ta trở nên thú vị hơn".
Cả Taika và Marvel đều biết họ không thể để anh làm những trò kiểu như "in cái vòi xanh của Hulk vào não" trong loạt phim Captain America. Nhưng Marvel biết, người đàn ông này sẽ làm cho loạt phim Thor bị chê bai nhạt nhẽo của họ trở thành một "cuộc cách mạng mới".
"Tên anh ấy ở trong danh sách rút gọn của Marvel và tôi đã gọi điện thoại cho anh ấy bảo rằng: "Tụi mình hãy giả vờ không biết nhau và khiến Marvel nghĩ anh là người phù hợp nhất cho việc này nhé."" – Chris Hemsworth nhớ lại.
Song song với công thức làm phim siêu anh hùng vô cùng thành công, Marvel cũng liên tục nhận phải chỉ trích vì sự độc đoán, kiểm soát tới mức bóp chết sức sáng tạo của cá nhân. David Fincher đã gọi cách làm phim của Marvel là một khuôn khổ sáo mòn.
Trước đó, Kenneth Branagh - đạo diễn Thor 1 đã từ chối trở lại với Thor 2. Patty Jenkins (người làm nên Wonder Woman rất thành công vào năm 2017) cũng từng được mời vào ghế chỉ đạo Thor 2 nhưng sau đó đã bị sa thải. Cao trào nhất, chính là việc Edgar Wright từ bỏ dự án Ant-Man tâm huyết khi tông màu mà anh muốn thực hiện cho phim không nhận được sự đồng ý của Marvel.
Nhưng Taika Waititi lại là một ví dụ sống động cho khả năng cân bằng giữa cái tôi cá nhân với hướng đi chung của tập thể. Thor: Ragnarok mang đậm dấu ấn riêng của Taika Waititi với những trò đùa duyên dáng, nhưng câu thoại giễu nhại thâm sâu, những khuôn hình rực rỡ vui mắt nhưng vẫn "tuân thủ" đúng tinh thần Marvel.
"Khi xem phim, tôi vẫn cảm nhận được đây là bộ phim của tôi. Nhưng đồng thời, tôi cũng nhận ra những điều phù hợp cho vũ trụ phim ảnh chung. Có đôi khi tôi nghĩ đến những trò quái lạ, thì họ ở đó và nói rằng: ‘Không, chúng tôi muốn nó mà’".
Không rõ Marvel đã bị Taika Waititi chinh phục hay ngược lại. Nhưng khi được hỏi trải nghiệm làm phim bom tấn ra sao, Taika đã nói rằng anh cảm thấy mình "bị lười đi khá nhiều". Đơn giản là vì, khi làm phim độc lập, anh phải làm hết mọi thứ vì hạn chế ngân sách. Còn trong phim bom tấn trị giá 180 triệu USD, mọi công việc dù bé xíu cũng có sẵn đội ngũ nhân viên cùng san sẻ.
Người đàn ông biến mọi thứ trở thành tiếng cười
Không chỉ gây cười cho khán giả trên phim, Taika còn là đem đến năng lượng tích cực cho cuộc sống xung quanh mình. Anh thường xuyên sử dụng Instagram để chia sẻ, bày tỏ cảm xúc cá nhân. Và hầu hết trong số chúng đều thể hiện óc hài hước thông minh, thú vị của tác giả.
Khác với Josh Trank, một đạo diễn phim độc lập cũng chuyển sang làm phim bom tấn nhưng gặp thất bại với Fantastic Four (2015) và tạo ra xung đột gay gắt với nam chính Miles Teller, Taika Waititi lại khiến cho các ngôi sao trên phim trường Thor: Ragnarok trở thành một gia đình vui nhộn và gần gũi.
Taika cho biết, Marvel đã cắt bớt khoảng 10 phút những cảnh quay mà anh thực hiện cho nhân vật Grandmaster do Jeff Goldblum thủ vai vì nó "hài quá trớn". Hai người trở nên hợp cạ và ăn ý trên phim trường lẫn ngoài đời. Đoạn credit thứ hai của phim nảy sinh từ chính ý tưởng của Jeff và Taika. Sau mid-credit truyền thống, họ muốn làm nên điều gì đó cho riêng mình.
Đặc biệt là Chris Hemsworth – nam chính của phim và cũng là người bị Taika "chọc ghẹo" nhiều nhất.
Taika cũng tự mình tham gia một vai nhỏ trong phim. Anh chàng người đá Korg và gã phản diện Sutur đều do Taika đảm nhận thực hiện mo-cap. Taika là người thường xuyên đóng một vai nào đó trong phim của mình. Vì anh nghĩ "làm đạo diễn là không đủ với tôi".
Chia sẻ về nhân vật Korg trong phim, Taika đã sử dụng chính giọng New Zealand của mình để lồng tiếng. Anh cho biết, nhân vật có bề ngoài thô ráp nhưng tâm hồn mong manh này là tiếng cười mà anh muốn đem đến trong phim. Một nhân vật nhỏ, đủ tạo ra điểm nhấn nhưng không làm ảnh hưởng tới mạch phim chung.
Từ một đạo diễn phim độc lập tiềm năng, gia nhập "đại gia đình" Marvel đã đưa tên tuổi Taika Waititi lên một tầm cao mới. Như cách mà anh "cứu vãn" loạt phim Thor bị xem là kém hấp dẫn nhất trong vũ trụ siêu anh hùng này trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Nhưng với những trò quậy tưng, óc sáng tạo và khiếu hài hước đã thể hiện trong Thor: Ragnarok, Taika Waititi đã chứng minh được bản thân anh chính là một "phong cách riêng" mà Hollywood đang rất thèm muốn.