Tam quốc diễn nghĩa: Mối liên hệ ít biết giữa Quan Vũ và hoàng đế Càn Long

Quan Vũ là một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Hình tượng của ông đã được nhà văn La Quán Trung đưa vào tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Tam quốc diễn nghĩa là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được nhà văn La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 với 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.

Tam quốc diễn nghĩa: Mối liên hệ ít biết giữa Quan Vũ và hoàng đế Càn Long - Ảnh 1.

Tạo hình Quan Vũ trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Hình tượng của Quan Vũ hay Quan Vân Trường đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh...

Quan Vũ được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người. Ngoài ra Quan Vũ còn nổi tiếng với tính coi khinh tiền tài.

Ngày nay, có lẽ sẽ rất nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết ở Trung Quốc, Quan Vũ lại được thờ như một vị thần tài. Các quán ăn, thương điếm… hầu như đều có bàn thờ Quan Vũ với bức tượng cầm đao, cưỡi ngựa rất oai phong. Điều này lại có xuất xứ rõ ràng từ việc thời của các triều đại phong kiến sau và đặc biệt là nhà Thanh.

Tam quốc diễn nghĩa: Mối liên hệ ít biết giữa Quan Vũ và hoàng đế Càn Long - Ảnh 2.

Xoay quanh cuộc đời của Quan Vũ có rất nhiều truyền thuyết và giai thoại.


Tương truyền, hoàng đế Càn Long hồi mới lên ngôi mỗi lần đi lại đều nghe phía sau mình có tiếng lẹp kẹp như ai đó mang dép đi theo, nhưng ngoảnh lại thì không thấy ai cả. Một lần quay đầu lại như vậy, vua cất tiếng hỏi: "Ai vẫn hay theo sau hộ giá trẫm thế?". Lập tức có tiếng trả lời: "Là nhị đệ Quan Vân Trường". Sau đó, ông vua triều Thanh bèn xuống chiếu phong cho Quan Vũ là tài thần. Trên cửa miếu thờ danh tướng nhà Thục Hán này từ đó người ta thường đề 10 chữ thếp vàng: "Hán vi Văn võ đế, Thanh phong Phúc lộc thần".

Cũng trong đời Càn Long, có lời đồn rằng chính Quan Vũ hiển linh giúp quân Thanh thắng giặc, khiến binh lính nhà Thanh treo ảnh ông trong doanh trại, và đeo tượng của ông như thứ bùa hộ mệnh. Đời sau, vua Hàm Phong đã tôn ông lên ngang hàng với Khổng Tử, gọi là Quan Phu Tử. Sau họ Khổng, ông là người duy nhất được tôn xưng là Phu Tử.

Theo các nhà nghiên cứu, việc phong Quan Vũ làm tài thần là một nước cờ chính trị của Càn Long, và câu chuyện Quan Vũ hiển linh hộ giá nhà vua có lẽ do chính vua hư cấu. Mặc dù Càn Long đã là đời vua thứ tư của nhà Thanh thống trị Trung Quốc nhưng làn sóng phản Thanh phục Minh vẫn còn mạnh, dân chúng vẫn không quên Mãn Thanh là ngoại tộc, là kẻ xâm lăng. Để góp phần vỗ yên dân chúng, Càn Long đã lợi dụng Quan Vũ, người được bao nhiêu đời dân Hán tôn sùng, kính bái.

Tam quốc diễn nghĩa: Mối liên hệ ít biết giữa Quan Vũ và hoàng đế Càn Long - Ảnh 3.

Tín ngưỡng thờ phụng Quan Vũ đã vượt qua ranh giới giai cấp, giới tính, tuổi tác...

Cho dù có phản đối nhiều chính sách của nhà Thanh nhưng người dân lại phấn khởi khi một vị anh hùng người Hán được chính vua Thanh kính trọng, phong thần. Dân Hán lại rất coi trọng thần tài, vì thế thay vì thấy sự tréo ngoe trong chuyện gán Quan Vũ với việc buôn bán, họ chẳng nghĩ ngợi gì nhiều mà hết lòng thờ phụng để mong có nhiều tài lộc.

Ngày nay, sự tôn thờ Quan Vũ đã vượt qua ranh giới giai cấp, giới tính, tuổi tác… và thậm chí vượt qua cả quốc tịch và biên giới quốc gia mà ngay cả những lãnh đạo nổi tiếng như Lưu Bị hay Tào Tháo cũng không làm được.

Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Ông là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á. Quan Vũ là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Quan Vũ cả đời phò tá huynh trưởng, vì Thục Hán mà lập nên không ít công lao. Cũng bởi tài năng và sự trung nghĩa này, ông được người đời sau tôn làm "Võ thánh", sánh ngang với "Văn thánh" Khổng Tử.