Tào Tháo được coi là "gian hùng thời loạn" nhưng vẫn thua người này: Đó là ai?

"Gian hùng thời loạn" như Tào Tháo hóa ra vẫn còn thua người này trong Tam Quốc. Đó là ai?

Trong những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Tào Tháo nổi lên là một trong những thế lực mạnh nhất. Là người túc trí đa mưu, đồng thời biết chớp lấy thời cơ, Tào Tháo dùng chiêu bài "phò tá thiên tử hiệu lệnh chư hầu" lần lượt đánh bại các chư hầu, củng cố quyền lực của bản thân nhằm thực hiện tham vọng thống nhất thiên hạ.

Có thể nói rằng, Tào Tháo là một chính trị gia gây nhiều tranh cãi cả trong chính sử và dã sử. "Trị thế năng thần, loạn thế gian hùng" (đại ý là bề tôi giỏi thời trị và kẻ gian hùng thời loạn) không ai khác chính là Tào Tháo. Đây là nhận định của nhiều người.

Tuy nhiên, những ai đã đọc Tam Quốc chí và Tam Quốc diễn nghĩa thì có lẽ còn phát hiện ra có một người còn gian hùng hơn cả Tào Tháo.

Đó là Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý sinh ra trong gia tộc Tư Mã nổi tiếng vào thời Đông Hán khi có nhiều đời làm quan. Gia cảnh của Tào Tháo ban đầu thấp hơn nhiều và không mấy tiếng tăm so với Tư Mã Ý. Tào Tung (cha của Tào Tháo) là con nuôi của Tào Đằng, một trong những hoạn quan có thế lực nhất trong triều đình Đông Hán.

Năm 20 tuổi, sau khi thi đỗ Hiếu Liêm, Tào Tháo được quan Kinh Triệu Doãn là Tư Mã Phòng, cha của Tư Mã Ý, tiến cử giữ chức Bắc Bộ Úy ở kinh thành Lạc Dương. Do đó, Tào Tháo đương nhiên rất cảm kích gia tộc Tư Mã.

Tư Mã Phòng có 8 người con trai, mỗi người đều có biểu tự kết thúc bằng chữ Đạt, vì vậy được gọi chung là Tư Mã Bát Đạt. Trong số 8 người con trai của Tư Mã Phòng, Tư Mã Ý (người con thứ hai) là nổi bật nhất.

Tư Mã Ý không chỉ uyên bác, tài giỏi mà còn giỏi thao lược, thời trẻ đã sớm nổi tiếng khắp thiên hạ.

Tào Tháo được coi là gian hùng thời loạn nhưng vẫn thua người này: Đó là ai? - Ảnh 1.

Tư Mã Ý được coi là nhân tài hiếm có trong Tam Quốc.

Tào Tháo tuy nhẫn tâm với kẻ thù nhưng lại là người trọng dụng nhân tài. Nhận thấy tài năng của Tư Mã Ý, Tào Tháo đã có lời mời chiêu mộ. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nên Tư Mã Ý ban đầu không dung thứ cho hành vi khống chế triều đình, dùng thiên tử để lệnh chư hầu của Tào Tháo.

Để từ chối Tào Tháo, Tư Mã Ý bịa ra một lời nói dối viện cớ rằng mình đang bị bệnh. Tào Tháo lúc bấy giờ đang dồn toàn lực để đánh Viên Thiệu, chuẩn bị cho trận chiến quyết định, nên tạm thời không gây sức ép với Tư Mã Ý.

Đến năm 208, sau khi đánh bại lực lượng của Viên Thiệu, đồng thời làm chủ phương Bắc rộng lớn, Tào Tháo trở thành Thừa tướng nên đã ra lệnh cho Tư Mã Ý đến tham chính và nói rằng nếu lẩn tránh thì hãy bắt giữ.

Do lo sợ có điều không hay xảy ra nên Tư Mã Ý cuối cùng cũng chấp nhận phục vụ dưới trướng của Tào Tháo.

Tào Tháo luôn cảnh giác đề phòng Tư Mã Ý

Tào Tháo được coi là gian hùng thời loạn nhưng vẫn thua người này: Đó là ai? - Ảnh 2.

Tào Tháo luôn đề phòng Tư Mã Ý.

Tuy đã bổ nhiệm Tư Mã Ý vào vị trí tương ứng nhưng Tào Tháo lại không hoàn toàn tin tưởng. Tào Tháo nổi tiếng đa nghi nên luôn cảnh giác đề phòng Tư Mã Ý.

Đối mặt với sự nghi ngờ của Tào Tháo, Tư Mã Ý vẫn luôn tỏ ra một mực trung thành, án binh bất động, cẩn trọng và ẩn nhẫn chờ thời cơ đến, vì tương lai của gia tộc Tư Mã.

Tào Tháo rất biết nhìn người, dù biết Tư Mã Ý có tài nhưng ông đã nhiều lần nhắc nhở con trai là Tào Phi nên cẩn thận hơn với Tư Mã Ý.

Sau khi Tào Tháo qua đời vào năm 220, Tào Phi kế vị và trở thành Ngụy Vương, sau là Ngụy Văn Đế. Tư Mã Ý sớm trở thành trợ thủ đắc lực của Tào Phi khi là một trong những người giúp Tào Phi lên kế vị.

Nhờ sự khôn khéo và lấy được lòng tin của Tào Phi, Tư Mã Ý nhanh chóng thăng tiến, có thời điểm quyền lực và trách nhiệm thực tế như Thừa tướng.

Trước khi qua đời vào năm 226, Tào Phi đã giao phó người kế vị là Tào Duệ cho Tư Mã Ý, Tào Chân và Trần Quần. Do đó, khi Tào Duệ lên ngôi, ông rất tin tưởng Tư Mã Ý, thậm chí còn phong cho chức Phiêu kỵ Địa tướng quân, nắm quyền kiểm soát quân đội tại Dự Châu và Kinh Châu.

Sau đó, Tư Mã Ý cũng tham gia vào cuộc chiến chống lại Thục Hán trong một thời gian dài.

Chịu đựng và ẩn nhẫn suốt 3 đời Tào gia, đến khi Tào Phương lên ngôi, Tư Mã Ý mới thực sự bộc lộ dã tâm muốn tranh quyền đoạt vị cho gia tộc Tư Mã.

Tư Mã Ý bộc lộ dã tâm thâu tóm quyền lực

Đỉnh điểm vào năm 249, khi Ngụy đế Tào Phương và Tào Sảng (một quyền thần dưới thời Ngụy đế Tào Phương) ở bên ngoài Lạc Dương để tới thăm lăng Cao Bình của Tào Duệ, với sự trợ giúp của một số vị quan chống Tào Sảng cùng mệnh lệnh từ Quách Thái hậu, Tư Mã Ý ra lệnh đóng tất cả các cổng thành Lạc Dương, đồng thời gửi thông báo tới Tào Phương, buộc tội Tào Sảng gây lũng đoạn triều đình...

Tào Tháo được coi là gian hùng thời loạn nhưng vẫn thua người này: Đó là ai? - Ảnh 3.

Tư Mã Ý tiến hành cuộc đảo chính ngoạn mục vào năm 249.

Sau cùng, Tào Sảng chọn đầu hàng Tư Mã Ý vì cho rằng sẽ được giữ lại mọi chức danh. Tuy nhiên, sau đó Tư Mã Ý đã ra lệnh hành quyết Tào Sảng cũng phe cánh, họ hàng của họ.

Sự biến lăng Cao Bình là một cuộc lật độ ngoạn mục của Tư Mã Ý khiến hoàng đế nhà Ngụy chỉ còn tồn tại trên lý thuyết. Cuộc lật độ này đã giúp Tư Mã Ý có được vị trí quyền lực bậc nhất trong triều đình, tạo nền tảng quan trọng cho cháu nội là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, lập ra nhà Tấn, thống nhất thiên hạ và chấm dứt thời Tam Quốc nhiều biến động.

Người đời sau đánh giá Tào Tháo là "gian hùng", nhưng so với Tư Mã Ý có lẽ còn thua xa. Tư Mã Ý quá cận trọng, giấu mình, ẩn nhẫn và dần lấy được lòng tin từ những nghi ngờ, sau đó dần nắm lấy quyền lực từng chút một. Ai có thể ngờ rằng, cả đời chịu đựng 4 đời Tào gia nhưng đến tuổi 70, Tư Mã Ý mới tiến hành một cuộc đảo chính ngoạn mục. Sự biến lăng Cao Bình là thời cơ mà Tư Mã Ý cả đời chờ đợi và cuối cùng đã thành công để tạo tiền đề cho giấc mộng xưng đế của gia tộc Tư Mã.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu, Sogou

https://soha.vn/tao-thao-duoc-coi-la-gian-hung-thoi-loan-nhung-van-thua-nguoi-nay-do-la-ai-20220504074758698.htm