Sau khi "Tây du ký" bản 1986 được công chiếu, bộ phim đã nhanh chóng gây tiếng vang và trở thành một trong những tác phẩm kinh điển nhất mọi thời đại. Mặc dù kỹ xảo còn thô sơ nhưng đạo diễn Dương Khiết đã tìm đủ mọi cách để các cảnh quay được chân thật nhất.
Bí mật cảnh quay mãng xà tinh kinh điển
Thời điểm quay phim, ê-kíp gặp nhiều khó khăn khi phải đi quay ngoại cảnh ở nhiều vùng xa xôi. Dù công nghệ và kĩ xảo không tân tiến như hiện tại nhưng đoàn phim "Tây du ký" vẫn tạo nên những cảnh quay kinh điển. Một trong những tập phim ấn tượng nhất là cảnh Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới đại chiến với mãng xà tinh trong tập 11 có tên "Tuyệt vực biến thông đồ". Tập phim này là phần 2 của "Tây du ký" được phát sóng năm 2000.
Trong phim, mãng xà tinh được miêu tả là yêu tinh có vẻ đẹp tuyệt mỹ, làm rung động lòng người. Đảm nhận vai diễn này là nữ nghệ sĩ Bác Hoằng. Để duy trì nhan sắc, mãng xà tinh thường bắt cóc trai tráng trong thôn khỏe mạnh, lấy máu họ uống. Khi nguồn cung cấp máu bị cạn kiệt, yêu tinh này sẽ lộ nguyên hình là một lão bà.
Rất nhiều người cho rằng mãng xà tinh trong phim chỉ là sản phẩm của photoshop hoặc một đạo cụ của đoàn phim. Tuy nhiên, trang tin Sina tiết lộ rằng đạo diễn Dương Khiết đã sử dụng một con trăn thật còn sống để cảnh quay đạt được hiệu quả tốt nhất. Con vật này được nữ đạo diễn mượn từ một người quen.
Đạo diễn Dương Khiết đã sử dụng con trăn thật để cảnh quay chân thực hơn.
Theo đó, con trăn mà Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới giữ đầu nắm đuôi trong hậu trường là con trăn thật chứ không phải đạo cụ như nhiều người nghĩ. Không may là con trăn này đã trốn thoát ra bên ngoài khu rừng nhân lúc đoàn phim đang bận rộn chuẩn bị cảnh quay. Khi thông tin này được tiết lộ, hầu hết cả ê-kíp đều tỏ ra vô cùng hoang mang.
Theo Sina, các diễn viên và nhân viên hậu kỳ đã can đảm lấy mạng sống ra đánh đổi cho những thước phim quý giá nhất. Khi kết thúc cảnh quay, con trăn đã được nhân viên tìm thấy và trả lại cho đạo diễn Dương Khiết.
Video: Cảnh Tôn Ngộ Không đại chiến với mãng xà tinh trong "Tây du ký" phiên bản 1986.
Hình ảnh mãng xà tinh lên hình chỉ trong thời lượng vài phút nhưng để đạt được hiệu ứng tốt nhất, đạo diễn và đoàn phim vẫn quyết định sử dụng con trăn thật. Điều này khiến nhiều khán giả ngưỡng mộ và đánh giá cao sự nghiêm túc, tận tâm với công việc của ê-kíp phim "Tây du ký" 1986.
Chi phí thiếu thốn, kỹ xảo thô sơ
Tây du ký 1986 dù không phải bản phim đầu tiên được chuyển thể nhưng lại là tác phẩm nhận được sự yêu mến và ủng hộ nhiều nhất của khán giả. Sự thành công của bộ phim không chỉ nhờ diễn xuất và kịch bản mà còn bởi sự sáng tạo của ê-kíp khi sáng tạo các cảnh quay kinh điển. Theo đó, vì thiếu kinh phí và công nghệ còn lạc hậu nên nhiều phân đoạn được dàn dựng cực thô sơ, nhưng khi lên hình vẫn "đánh lừa" được người xem.
Một diễn viên đóng nhiều vai trong phim để giảm thiểu chi phí.
Để giảm thiểu chi phí, mỗi người trong đoàn phim phải kiêm nhiệm nhiều vai trò. Ngoài vai Trư Bát Giới, nghệ sĩ Mã Đức Hoa còn đóng Độc Giác Quỷ Vương, người dân nhà Đường... Nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ một mình đảm nhận vai Sa Tăng, Ngưu Ma Vương, Thái Thượng Lão Quân, Thiên Lý Nhãn... Vương Sùng Thu - chồng của đạo diễn Dương Khiết, ngoài quay phim còn chế tác kỹ xảo và chỉ đạo võ thuật. Phó chủ nhiệm sản xuất Lý Hồng Xương vừa huy động vốn đầu tư vừa đóng bảy vai phụ.
Để tạo nên cảnh sương mờ huyền ảo như trên thiên đình, đoàn phim đã phải sử dụng băng khô tạo khói. Điều này khiến không ít diễn viên từng tím tái chân tay vì lạnh. Vì muốn tạo điều kiện cho Lục Tiểu Linh Đồng làm tròn vai nhất, ê-kíp đã chuẩn bị riêng cho ông một tấm ván trượt để vừa đỡ bị lạnh chân, vừa có thể di chuyển nhanh "thoăn thoắt" như ý muốn. Trong một số phân đoạn như khi Thái Bạch Kim Tinh đưa Ngộ Không đi tiêu diệt yêu quái, nhiều khán giả cũng đã tinh mắt nhìn ra đạo cụ đặc biệt lấp ló trong làn khói trên thiên đình.
Cảnh quay di chuyển trên thiên đình của Tôn Ngộ Không.
Thời bấy giờ, do không có hiệu ứng đặc biệt của máy tính nên không thể dàn dựng hậu kỳ, các nhà làm phim đã rất khó khăn để có thể quay được cảnh hổ tinh hãm hại thầy trò Đường Tăng ở tập 8 của bộ phim. Cuối cùng, đạo diễn Dương Khiết đã nghĩ ra cách cho một nghệ nhân mặc bộ đồ da hổ để diễn.
Bộ trang phục này được tạo hình rất dễ thương, không hề dữ tợn. Khi đi trong rừng, trông "con hổ" chẳng khác gì đang chơi trốn tìm. Lúc biến hình thì khá ngây ngô, vụng về. Ê-kíp thừa nhận nhiều hiệu ứng đặc biệt trong phim chưa thực sự tốt, sau này xem lại khán giả mới phát hiện nhiều "sạn". Mặc dù vai hổ tinh này chỉ có thể qua mắt được trẻ con nhưng nó cho thấy sự sáng tạo của các nghệ sĩ thời bấy giờ. Do đó, giá trị tinh thần mà bộ phim mang đến cho công chúng vẫn không hề thay đổi.
Cảnh quay dễ thương nhất "Tây du ký", giả trân tới nỗi không lừa nổi khán giả
Trong hành trình đi Tây thiên lấy kinh, thầy trò Đường Tăng đã gặp phải không ít yêu quái lợi hại, trong đó có Bạch Cốt Tinh. Với khả năng biến hoá khôn lường, Bạch Cốt Tinh có thể trở thành một cô gái trẻ nhưng cũng chỉ trong chớp mắt hoá thành người mẹ đi tìm con hay ông bố ở nhà một mình. Ả ta đã khiến Tôn Ngộ Không phải chật vật, đánh 3 lần mới tiêu diệt được.
Sau mỗi lần bị đánh bại, hồn của ả sẽ thoát ra, lơ lửng trên không trung một lúc rồi biến mất. Trên phim, cảnh này trông mờ ảo, ma mị nhưng thực tế, để dựng phân đoạn này, ê-kíp đã sử dụng một "bảo bối" cực đơn giản mà không ai ngờ tới. Đoàn phim đã tự mình cắt giấy làm hình nộm bay lơ lửng trước ống kính máy quay. Dù đơn giản nhưng sau khi sản xuất, chỉnh sửa, cảnh quay lại vô cùng đạt, khiến khán giả khó lòng nhận ra những linh hồn trên phim thực chất chỉ là giấy.