Tây du ký 1986 được coi là phiên bản kinh điển và thành công nhất của điện ảnh Trung Quốc. Theo Sohu thống kê, tính tới năm 2015, bộ phim đã chiếu đi chiếu lại hơn 3.000 lần dù kĩ xảo "giả trân".
Trong phim, dù là bốn thầy trò Đường Tăng hay yêu ma quỷ quái, thần tiên, tiên nữ,... đều có tạo hình vô cùng hoàn hảo và tuyệt mĩ, thỏa mãn trí tưởng tượng của khán giả khi đọc tiểu thuyết.
Bộ phim Tây du ký do nữ đạo diễn Dương Khiết thực hiện được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Những câu chuyện hậu trường xoay quanh bộ phim này cũng là điều khiến người xem tò mò suốt nhiều năm qua.
Để các diễn viên khoe được vẻ đẹp của mình, đạo diễn Dương Khiết đã đặc biệt mời Vương Hi Trung - một nghệ sĩ trang điểm nổi tiếng nhất lúc bấy giờ cùng lên ý tưởng tạo hình cho mỗi một nhân vật trong Tây du ký, đặc biệt là diễn viên nữ.
Cố đạo diễn Dương Khiết.
Khi quay Tây du ký, đạo diễn họ Dương đề cao tính thẩm mỹ trong từng cảnh quay. Do đó, ngay từ khâu casting diễn viên nữ, dù là vai phụ không có thoại hay chỉ xuất hiện chỉ vài giây, đạo diễn Dương Khiết không hề chiếu lệ chọn qua loa mà phải tìm diễn viên hợp ý bà.
Bên cạnh việc casting diễn viên, trang phục của các nhân vật trong phim cũng là yếu tố quan trọng không kém và cũng là vấn đề khiến cố đạo diễn Dương Khiết "đau đầu" nhất.
Tây du ký được thực hiện trong vòng 6 năm, bắt đầu từ năm 1982 và kéo dài tới năm 1988 mới hoàn thành. Năm 1986, đài CCTV công chiếu 11 tập đầu tiên đồng thời lấy năm phát sóng đầu làm năm phát hành gốc do đó bộ phim có tên gọi Tây du ký 1986.
Theo Sina, vào đầu thập niên những năm 1980, suy nghĩ của mọi người thường khá bảo thủ, phần lớn các diễn viên nữ không quen với trang phục mỏng của đoàn làm phim. Mặc dù phục trang của Tây du ký không hề hở hang nhưng các diễn viên vẫn không muốn mặc vì chúng khá mỏng.
Điều này đã gây áp lực cho đạo diễn Dương Khiết lúc bấy giờ. Để việc quay phim được suôn sẻ, Dương Khiết phải làm công tác tư tưởng cho các diễn viên nữ nhưng không thành công.
Cảnh sư phụ lọt vào Động Bàn Tơ của 7 chị em yêu tinh nhện.
Đáng chú ý là tập 21 phim Tây du ký có cảnh sư phụ lọt vào Động Bàn Tơ của 7 chị em yêu tinh nhện. Được biết, đội ngũ sản xuất bộ phim đã mất nhiều công sức mới có thể đem lại hiệu ứng kỳ ảo cho khán giả khi theo dõi tập phim này.
Trong nguyên tác Tây du ký, nhện tinh được miêu tả có nhan sắc giống như Hằng Nga giáng trần, chẳng khác nào tiên nữ hạ phàm với "thân thể ngọc ngà trắng như tuyết, da mềm mại như bông, khuỷu tay, bờ vai thơm tựa cánh hồng".
Theo đoàn làm phim cho biết, hơn 30 năm trước tư tưởng của các diễn viên còn truyền thống nên những bộ trang phục "hở bạo" lộ da thịt là điều không tưởng.
Bảy diễn viên đóng nhện tinh trong Tây du ký tuổi đời còn rất trẻ, người nhỏ nhất chỉ mới 15 tuổi.
Trong quá trình thử đồ, các diễn viên nhìn thấy những bộ quần áo mỏng, hở vai, bụng nên đã từ chối mặc. Cho dù đạo diễn Dương Khiết có khuyên bảo, động viên, các diễn viên nữ vẫn nhất quyết không chịu mặc. Vậy nên, cảnh 7 yêu tinh nhện phun tơ vào động để bắt giữ Đường Tăng được thực hiện cũng không đơn giản.
Đoàn phim đã phải để hai diễn viên nam gầy gò là Diệp Nhất Manh, Từ Đình Lôi thay thế các diễn viên nữ trong phân đoạn quay cận cảnh bụng. Và Đạo diễn Dương Khiết đã chú ý đến Hạng Hán - nam diễn viên đóng vai Hắc Hùng Tinh (hay còn gọi là yêu quái Gấu đen).
Nam diễn viên Hạng Hán - người đóng vai Hắc Hùng Tinh được chỉ định đóng thế một cảnh hở rốn cho các diễn viên nữ.
Dương Khiết đã kéo Hạng Hán đi để thực hiện cảnh quay trên thay cho các diễn viên nữ. Và dĩ nhiên, chiếc rốn xinh xắn đáng yêu trên màn ảnh mà khán giả thấy trong Tây du ký không phải của các nàng nhện tinh mà thực chất là của Hắc Hùng Tinh.
Thực chất các nữ diễn viên mặc trang phục màu da, không hề hở hang.
Chưa dừng lại ở đó, các chuyên gia trang điểm phải thiết kế những miếng lót trông như da thật, bó sát vào người để các diễn viên nữ mặc.
Sau đó, đạo diễn Dương Khiết quyết định đính sợi tơ vào người diễn viên và có người ở phía đối diện rung tay. Hậu kỳ sẽ chịu trách nhiệm nhả khói để thêm phần kỳ ảo để "lừa mắt" khán giả.
Việc thay thế diễn viên nam hóa yêu tinh nhện còn được áp dụng ở cảnh tắm dưới nước trong tập phim này. Theo đó, đoàn làm phim để các nghệ sĩ nam quay cảnh tắm từ xa và tạo khói giả để che giấu.
Trư Bát Giới trêu đùa yêu tinh nhện trong Tây du ký.
Cảnh cá vờn quanh chân diễn viên cũng được thay thế bằng chân của diễn viên nam có tên là Hạng Hán - người phụ trách chỉ đạo võ thuật cho đoàn phim.
Đáng chú ý, trong cảnh quay Trư Bát Giới biến thành cá để đùa giỡn yêu tinh nhện được vị đạo diễn tài ba nghĩ ra cách hay "lừa mắt" khán giả suốt nhiều năm qua.
Cụ thể, đạo diễn Dương Khiết chia sẻ việc bà lấy một con cá từ bếp ăn, buộc dây cước quanh mình và giật dây để cá chuyển động. Sau khi hoàn thành cảnh quay, bà trả lại cá cho nhà bếp. Biết sự thật này nên các diễn viên có mặt không dám ăn canh cá vào bữa đó.
Tây du ký của đạo diễn Dương Khiết tới nay vẫn là bộ phim kinh điển nhất của Trung Quốc đồng thời cũng là tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả.
Thời điểm làm phim dù thiếu thốn đủ đường, không có kinh phí, không hiệu ứng đặc biệt, thiết bị thô sơ, công nghệ lạc hậu nhưng bằng sự tâm huyết, cố đạo diễn Dương Khiết vẫn làm ra một tác phẩm để đời trong sự nghiệp của mình.