Shonen Jump đang càng ngày càng "thiên vị" cho các bộ truyện tranh có chủ đều siêu nhiên. Trong những năm qua, nhiều bộ truyện được xuất bản trên tạp chí này xoay quanh chủ đề siêu nhiên, chiến đấu với ma quỷ, yêu quái,... Số lượng manga mới về đề tài này bỗng gia tăng đột biến, điều này có thể liên quan tới sự thành công của Jujutsu Kaisen.
Bản thân Jujutsu Kaisen đã là một bộ manga xuất sắc. Nó có cốt truyện chỉn chu, gay cấn, nhân vật xây dựng tốt và nhiều tình huống cao trào, bất ngờ. Hơn hết là hệ thống sức mạnh trong Jujutsu Kaisen cũng rất độc đáo, đa dạng. Đáng tiếc, không phải manga ăn theo nào cũng đạt được những tiêu chuẩn mà Jujutsu Kaisen đã vạch ra. Bất chấp điều đó, Shonen Jump tiếp tục phát hành hết bộ manga này tới manga khác về chủ đề tâm linh, siêu nhiên.
Ngay cả những tác giả "lão làng" của Shonen Jump cũng có xu hướng sáng tác manga siêu nhiên nhiều hơn: Từ Fujimoto với Chainsaw Man, Kentarō Yabuki với Ayakashi Triangle, nhóm manga đứng sau loạt truyện Food Wars! cũng mang đến oneshot mới Yugen All-Ghouls Homeroom (dù chưa chắc nó có thành series dài được hay không).
Cũng không thể không kể đến nhóm tác giả của The Promised Neverland đã mang đến bộ truyện đậm chất tâm linh Spirit Photographer Saburo Kono. Tite Kubo cũng quay lại với thể loại này bằng Burn the Witch. Không thể chỉ là sự ngẫu nhiên mà bỗng dưng các mangaka dày dạn kinh nghiệm này mang đến các dự án truyện tranh lớn đều về đề tài siêu nhiên, tâm linh hay ma quỷ.
Trên thực tế, Shonen Jump cũng đã mang đến rất nhiều manga siêu nhiên trước cả khi Jujutsu Kaisen ra đời. Có thể kể đến Demon Slayer (2016), Bleach (2001), Shaman King (1998), Yū Yū Hakushō (1990). Ngoài ra còn có Blue Exorcist (2009) và Twin Star Exorcists (2013). Những series này thường xoay quanh các nhân vật chống lại thế lực ma quỷ đang đe dọa cuộc sống của mình.
Thế nhưng, sự xuất hiện của các manga này khá rời rạc, và chỉ đến khoảng 2018 mới trở thành xu hướng thực sự. Cũng phải nói trong số các manga siêu nhiên ra đời trước 2018, có rất ít bộ thành công. Manga duy nhất đáng kể đến trong khoảng thời gian này là Chainsaw Man và Demon Slayer, nhưng yếu tố siêu nhiên trong các series này vẫn bị pha trộn với các thể loại khác.
Có lẽ sau một thời gian "thử nghiệm", nhiều mangaka đã rút ra kết luận rằng manga tâm linh/siêu nhiên đang là trend và muốn thử sức trong cuộc đua này. Nhiều tác giả nhỏ hơn cũng đã cố gắng ăn theo thành công của Jujutsu Kaisen nhưng luôn gặp vấn đề trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Các manga như Phantom Seer và Hell Warden Higuma hầu như không qua nổi 18 chương. Nhiều manga còn bị kết thúc đột ngột như Our Blood Oath.
Một manga khác, Bone Collection, cũng không đi xa được và kết thúc sau 15 chương. Vài bộ may mắn hơn như Yui Kamio Lets Loose hay Mitama Security: Spirit Busters cũng chỉ kéo dài được 30 chương trước khi bị hủy bỏ. Những bộ truyện tranh này đều có tiềm năng lớn, nhưng có vẻ như Shonen Jump đã không cho chúng đủ thời gian cần thiết để phát triển đúng cách.
Dẫu thất bại nhưng nhiều tác giả vẫn muốn theo đuổi thể loại này. Điển hình là sự ra đời của Ayashimon và Doron Dororon. Còn quá sớm để nói các bộ truyện này có "nên cơm cháo" hay không, nhưng rõ ràng Shonen Jump vẫn tin tưởng vào "công thức thành công" ở các bộ truyện siêu nhiên.
Mặc dù truyện siêu nhiên đang là trend, nhưng vẫn có nhiều manga đi theo thể loại khác giành được thành công. Ví dụ nổi tiếng là My Hero Academia, Mashle: Magic and Muscles, Dr. Stone, Sakamoto Days và Elusive Samurai. Tất cả các bộ truyện này đều có bối cảnh, thể loại, đề tài khác nhau, và không xoay quanh thế lực hắc ám, siêu nhiên.