Thành Long giả vờ làm người tốt và sự thật về "ông vua từ thiện" của làng giải trí Hoa ngữ

Người tốt vốn không phải thánh nhân. Bất cứ ai cũng cần rèn luyện để trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Vì thế việc làm người tốt đôi khi có thể bắt đầu từ việc giả vờ mà thôi.

Ông hoàng từ thiện

Cuộc đời của Thành Long không chỉ nổi danh với hàng trăm phim hành động mà còn có những phấn đấu và đóng góp không mệt mỏi cho các hoạt động từ thiện.

Năm 1988, ông đã sáng lập quỹ Jackie Chan Charitable Foundation (Quỹ từ thiện Thành Long) nhằm hỗ trợ cho các bạn trẻ tại Hồng Kông vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Sau nhiều năm hoạt động, quỹ bắt đầu mở rộng phạm vi sang nhiều lĩnh vực khác nhau như: chăm sóc y tế, giúp đỡ nạn nhân trong các thảm họa…

Đối tượng được hưởng các quyền lợi này chủ yếu là các tổ chức hoặc cá nhân tại Hồng Kông. Sau này, quỹ từ thiện của Thành Long tiếp tục mở ra 9 chương trình khác nhau.

Ông cũng được Liên hợp quốc bầu làm Đại sứ thiện chí và có những đóng góp không nhỏ trong các hoạt động xã hội như bảo tồn thiên nhiên, giúp đỡ nạn nhân sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004, động đất ở Tứ Xuyên năm 2008…

Tháng 6/2006, Thành Long thông báo sẽ hiến tặng một nửa số tài sản của mình cho các quỹ từ thiện sau khi qua đời.

Thành Long giả vờ làm người tốt và sự thật về ông vua từ thiện của làng giải trí Hoa ngữ - Ảnh 1.
Thành Long giả vờ làm người tốt và sự thật về ông vua từ thiện của làng giải trí Hoa ngữ - Ảnh 2.

Thành Long trong các hoạt động từ thiện.

Có không ít người đánh giá việc minh tinh đi làm từ thiện chẳng qua chỉ để làm hình ảnh trước công chúng.

Từng có phóng viên hỏi Thành Long phải chăng việc ông làm từ thiện chỉ là giả vờ làm người tốt. Nam diễn viên lập tức trả lời: "Đúng vậy, ban đầu tôi cũng chỉ là giả vờ". Câu trả lời của ông khiến tất cả quan khách có mặt bị sốc.

Giả vờ làm người tốt

Những khán giả mến mộ ông vua phim võ thuật đều biết Thành Long xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Khi mới vào nghề, ông chỉ là một diễn viên đóng thế. Công việc vất vả, đầy hiểm nguy nhưng đồng lương còm cõi.

Sự nổi tiếng đến với Thành Long rất bất ngờ. Tiền cát-xê của ông đã tăng từ 3000 NDT lên tới 4,8 triệu NDT chỉ trong một năm ngắn ngủi. Thành công, nổi tiếng với Thành Long tựa như một cơn mơ. Ở tuổi ngoài 20, Thành Long ngập trong tiền bạc và nhưng lời xưng tụng.

Một đứa trẻ nghèo khó cả đời bỗng dưng giàu sụ như Thành Long không hề biết phải tiêu tiền sao cho đúng. Thời thập niên 70 và 80, Thành Long nổi tiếng với thói tiêu xài hoang phí và cuộc sống ăn chơi trác táng.

Thành Long giả vờ làm người tốt và sự thật về ông vua từ thiện của làng giải trí Hoa ngữ - Ảnh 3.

Thành Long thích tiêu xài cho bản thân thay vì quan tâm đến người khác.

Trong cuốn tự truyện của mình, Thành Long từng tự gọi bản thân là một tên khốn nạn. Thành Long cho biết ông từng là một thanh niên nghiện cờ bạc, rượu bia và gái mại dâm. Ở giai đoạn tuổi trẻ bồng bột và ưa mới lạ, sao phim Túy quyền từng tiêu xài một cách hoang phí mà không cần biết đến ngày mai.

Ông cũng kể lại rằng mình thường đeo những sợi dây chuyền kệch cỡm và sống buông thả với rất nhiều gái làng chơi.

Nhưng tới khi danh tiếng Thành Long đạt đến mức nhất định, một số tổ chức từ thiện bắt đầu tiếp cận ông mời tham gia vào hoạt động thiện nguyện. Ban đầu, Thành Long từ chối thẳng thừng. Ban ngày đóng phim, đêm đến lại lê la các hộp đêm, Thành Long thực sự không có thời gian cho nhưng việc mà ông coi là vô ích.

Có một lần, công ty quản lý đã bố trí cho Thành Long tham gia một chuyến từ thiện bắt buộc. "Việc làm từ thiện sẽ tốt cho hình ảnh của anh", người quản lý dặn dò Thành Long.

Chuyến từ thiện hôm đó là tới thăm một trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật. Dù rất khó chịu trong lòng nhưng Thành Long vẫn buộc phải có mặt theo sự sắp xếp của công ty. Vừa thấy ngôi sao võ thuật, đám trẻ liền reo lên vui mừng.

Để bao biện cho thái độ thờ ơ của ngôi sao, trợ lý của Thành Long nói với đám trẻ: "Anh Thành Long gần đây rất bận bịu nhưng ngày nào cũng nhớ đến các em. Đêm qua anh Thành Long đi quay phim về rất muộn, rất mệt mỏi nhưng hôm nay vẫn dành thời gian đến thăm các em đấy".

Lúc này Thành Long chỉ muốn chuyến thăm mau chóng quá đi. Đêm trước ông đã thực sự không ngủ, nhưng không phải vì quay phim mà vì đi vũ trường tới khuya.

"Anh Thành Long còn đem quà đến cho các em nữa", người trợ lý nói tiếp. Đám trẻ bắt đầu vây kín lấy Thành Long. Ông vô thức đưa ra những món quà được người ta chuẩn bị sẵn. Chính ông cũng chẳng rõ đằng sau lớp giấy gói kia là món đồ gì.

Từng đứa trẻ được nhận quà đều rất ngoan ngoãn cảm ơn Thành Long bằng ánh mắt đầy cảm kích. Nhưng nụ cười ngây thơ ấy bất chợt khiến Thành Long xúc động. Rõ ràng là ông đang lừa dối chúng nhưng lũ trẻ này lại đáp lại bằng tất cả những gì chân thành nhất.

Thành Long muốn rơi nước mắt nhưng ông không thể để lộ tâm tư của mình. Ông đành phải diễn tiếp vai diễn một người tốt nhưng dường như ông ngày càng "nhập vai" hơn. Sâu thẳm bên trong, Thành Long chỉ biết tự trách mình.

Chuyến thăm kết thúc, một đứa trẻ níu tay Thành Long hỏi nhỏ nhẹ: "Anh Thành Long ơi, năm sau anh còn đến thăm bọn em không?". Khi này, Thành Long đã tự tin trả lời, anh chắc chắn sẽ tới.

Năm sau, ông vua võ thuật không lỡ hẹn. Lần này những món quà tặng đều do anh đích thân lựa chọn như sự chuộc tội cho thái độ vô cảm của mình trong quá khứ. Thành Long đã bị cảm hóa như vậy.

Thành Long giả vờ làm người tốt và sự thật về ông vua từ thiện của làng giải trí Hoa ngữ - Ảnh 4.

Thời tuổi trẻ trôi qua, Thành Long dần trở thành một minh tinh chín chắn. Những hoạt động từ thiện cứ thế theo ông suốt cuộc đời. Một cuộc viếng thăm miễn cưỡng tưởng như chỉ làm cho xong lại thay đổi thái độ sống của Thành Long.

Câu chuyện này nếu không do chính Thành Long chia sẻ thì chắc hẳn cũng không ai hay biết. "Trong quá trình làm từ thiện, có những người đã dạy cho tôi cách sống tử tế", Thành Long tâm sự.

Người tốt vốn không phải thánh nhân. Bất cứ ai cũng cần rèn luyện để trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Vì thế việc làm người tốt đôi khi có thế bắt đầu từ việc giả vờ mà thôi.