Thành Long từ chối món tiền tỷ và bài học làm thay đổi cả đời người

Tôi chỉ muốn dùng kinh nghiệm bản thân để nhắc nhở các bạn trẻ rằng, tiền tuy có thể mua được rất nhiều thứ nhưng làm người thì chữ tín còn quan trọng hơn tiền. Một lời nói ra nặng tựa ngàn vàng".

Thành Long tên thật là Phòng Sĩ Long, sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Hong Kong. Từ nhỏ Thành Long đã bị bố mẹ bán vào lò đào tạo kinh kịch của sư phụ Vu Chiêm Nguyên với giá 500 đô la Hong Kong.

Theo thỏa thuận với họ Vu, mọi việc sống chết của Thành Long trong quá trình huấn luyện từ đây do sư phụ định đoạt. Có thể nói gia đình Thành Long đã bán mạng con trai vì hoàn cảnh quá khó khăn.

Thành Long từ chối món tiền tỷ và bài học làm thay đổi cả đời người - Ảnh 1.

Thành Long thời nhỏ.

Thành Long từ chối món tiền tỷ và bài học làm thay đổi cả đời người - Ảnh 2.

Tờ hợp đồng sinh tử mà cha Thành Long kí với lò đào tạo.

Cuộc sống trong lò đào tạo của vũ sư họ Vu nổi tiếng là khắc nghiệt. Hàng ngày Thành Long dậy lúc 5h và tập luyện cho tới 12h đêm. Đó là quy luật không được phép làm trái.

Thành Long đã phải chịu không biết bao nhiêu trận đòn roi. Có lần, cậu bé Thành Long đã lén trốn về nhà vì quá khổ cực. Lúc này cha của ông đã nổi trận lôi đình và nhất quyết đuổi ông đi.

Cha Thành Long dặn: "Làm người quan trọng nhất là giữ lời hứa. Gia đình và sư phụ đã có cam kết, tuyệt đối không thể hủy bỏ giữa chừng. Chúng ta tuy nghèo nhưng chí khí không thể kém cỏi". Thành Long nghe vậy đành quay lại lò đào tạo và trải qua quá trình huấn luyện suốt hơn 10 năm.

Thành Long từ chối món tiền tỷ và bài học làm thay đổi cả đời người - Ảnh 3.

Thành Long và thầy Vu Chiêm Nguyên.

Khi Thành Long thành tài thì cũng là lúc bộ môn kinh kịch mất chỗ đứng tại Hong Kong. Cùng lúc đó, ngành điện ảnh lại phát triển vượt bậc. Thành Long quyết định chuyển hướng sang luyện tập võ biểu diễn và bắt đầu xin đóng vai quần chúng, đóng thế cho các bộ phim võ thuật.

Ban đầu công việc vô cùng vất vả. Ngoại hình không điển trai lại càng là khó khăn cản bước Thành Long.

Làm nghề như Thành Long rất vất vả, nguy hiểm nhưng địa vị lại thấp kém. Để được để mắt tới, Thành Long luôn lăn xả, liều lĩnh trước những pha hành động. Trong phim Tinh Võ Môn (Lý Tiểu Long đóng chính), Thành Long vào vai một samurai Nhật Bản, bị Lý Tiểu Long đánh tơi bời.

Lúc này, chàng trai chỉ xuất hiện loáng thoáng trong số hàng chục diễn viên đóng thế khác. Ở cuối Tinh Võ Môn, Thành Long đóng thế diễn viên chính trong cảnh ông này bị Trần Chân (Lý Tiểu Long) đá bay xuyên qua tường. Trong phim Long tranh hổ đấu, Thành Long lại vào vai bị Lý Tiểu Long đả thương nặng.

Thành Long từ chối món tiền tỷ và bài học làm thay đổi cả đời người - Ảnh 4.
Thành Long từ chối món tiền tỷ và bài học làm thay đổi cả đời người - Ảnh 5.

Cảnh Thành Long đóng vai xuất hiện chớp nhoáng, bị Lý Tiểu Long đánh bầm dập trong phim Long tranh hổ đấu.

Năm 1975, Thành Long ký hợp đồng với công ty điện ảnh, bắt đầu được đóng chính. Những phim đầu của anh thất bại về doanh thu phòng vé.

Một ngày cuối thập niên 70, một biên kịch họ Hà rất ưng ý với Thành Long và ngỏ ý mời anh làm vai chính trong bộ phim mới do ông vừa viết kịch bản. Ông Hà đã mang theo 1 triệu NDT (khoảng hơn 3 tỷ đồng) tới gặp Thành Long và nói: "Ngoài chuyện tiền cát xê, tôi sẽ đặt cọc chỗ cậu số tiền này để làm tin". Nói xong ông Hà vội vã bỏ về.

Đây là lần đầu tiên Thành Long cầm trên tay một tấm chi phiếu có giá trị lớn tới vậy. Nếu cầm số tiền này và bỏ đi cũng đủ sống sung túc một thời gian. Từ nhỏ Thành Long đã chịu nghèo khó và khổ cực, tâm lý nảy lòng tham chắc chắn không thể tránh khỏi.

Thế nhưng chỉ cần nhớ lại lời dặn của cha, Thành Long lại kìm lòng. Ngay sáng hôm sau, ông quay lại tìm biên kịch họ Hà để trả tấm chi phiếu và nói: "Tôi cũng rất thích tiền nhưng sẽ không vì số tiền này mất chữ tín. Ông cứ cầm lại, đại trượng phu một lời nặng tựa ngàn vàng".

Biên kịch Hà rất ấn tượng với chàng trai trẻ này và đem câu chuyện kể lại với công ty sản xuất. Công ty thậm chí còn tin tưởng giao phó cho Thành Long tự làm đạo diễn phim sau khi gặp gỡ và nhận ra tài năng của ông. Bộ phim Tiếu quyền quái chiêu ra mắt năm 1979 đã trở thành cú hit phòng vé. Tên tuổi Thành Long cũng gắn bó với thể loại võ thuật hài từ đây.

Thành Long từ chối món tiền tỷ và bài học làm thay đổi cả đời người - Ảnh 6.

Thành Long trong phim Tiếu quyền quái chiêu.

Sau này, Thành Long nhớ lại câu chuyện và tâm sự trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi ở thời điểm hiện tại đã có được rất nhiều thứ. Nhưng nếu năm xưa tôi bỏ trốn khỏi lò đào tạo thì đã không có được kỹ thuật biểu diễn như bây giờ. Hoặc nếu tôi cầm 1 triệu NDT đó bỏ đi, có lẽ số phận đã rất khác.

Tôi chỉ muốn dùng kinh nghiệm bản thân để nhắc nhở các bạn trẻ rằng, tiền tuy có thể mua được rất nhiều thứ nhưng làm người thì chữ tín còn quan trọng hơn tiền. Một lời nói ra nặng tựa ngàn vàng".