Sau hơn 7 năm kể từ Rogue One: A Star Wars Story (2016), đạo diễn Gareth Edwards trở lại với một tác phẩm khoa học - viễn tưởng kịch bản gốc có nhan đề The Creator (Kẻ Kiến Tạo). Câu chuyện lần này lấy bối cảnh tương lai khoảng cuối thế kỷ 21, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển vượt bậc và vượt xa khỏi tầm kiểm soát của con người. Một ngày, máy móc nổi dậy và thả một quả bom nguyên tử xuống Los Angeles như một lời tuyên chiến. Nước Mỹ ra lệnh cấm sử dụng AI và phát triển một thứ vũ khí công nghệ có tên NOMAD nhằm quét sạch những kẻ nổi loạn này.
Trong khi đó, một kỹ sư có biệt danh Nirmata (Kẻ Kiến Tạo) quyết tâm bảo vệ thế lực ảo này bằng cách trốn sang châu Á và lên kế hoạch phát triển một thứ vũ có thể tiêu diệt NOMAD. Cũng từ đó, vùng đất này được đặt tên gọi New Asia (châu Á mới) khi con người và máy móc sống hòa thuận bên nhau. Đồng thời, Mỹ phát động cuộc chiến nhằm tiêu diệt hoàn toàn các mầm mống của AI.
Nhân vật chính của phim là Joshua Taylor (John David Washington thủ vai), một đặc vụ được chính phủ Mỹ cử sang châu Á nằm vùng để tìm tung tích Nirmata. Tại đây, anh tiếp cận và chinh phục được trái tim của Maya Fey (Gemma Chan đóng) - người bị tình nghi là con gái của gã kỹ sư đang ẩn trốn. Tuy nhiên, chính Joshua cũng phải lòng cô gái và rất hạnh phúc khi sắp có với nhau một người con.
Một ngày, NOMAD đánh bom trú ẩn của Maya, khiến cô bị chết khi đang mang thai. Quá đau buồn, Joshua trở về Mỹ và xin giải ngũ. Tuy nhiên, 5 năm sau, chính phủ Mỹ lại tìm đến anh khi biết phe New Asia đã tạo ra một thứ vũ khí có thể lật ngược thế cờ, đồng thời phát hiện ra rằng Maya hiện vẫn còn sống.
John David Washington trong vai đặc vụ Joshua Taylor.
Bộ phim khoa học - viễn tưởng hấp dẫn lấy bối cảnh châu Á
Nội dung chính của phim theo chân Joshua Taylor trên hành trình trở lại New Asia để tìm lại người vợ tưởng như đã qua đời từ lâu. Quyết định tái xuất đưa anh vào một cuộc phiêu lưu lành ít dữ nhiều tại châu Á, nơi hiện đã là đại bản doanh của đội quân AI hùng hậu. Cũng vì vậy, cuộc chiến trong Kẻ Kiến Tạo tạo cảm giác gợi nhớ những bộ phim của Hollywood về chiến tranh Việt Nam thời trước, chỉ thay con người bằng robot.
Bối cảnh châu Á trong phim The Creator.
Đạo diễn Gareth Edwards cho biết nảy sinh ý tưởng làm phim sau các chuyến du lịch tại Thái Lan và Việt Nam. Các chất liệu của vùng Đông Nam Á xuất hiện dày đặc trong phim. Đó là những cánh đồng lúa nước, nhà sàn hay bối cảnh núi rừng ẩn chứa đầy nguy hiểm. Bên cạnh đó, tiếng Việt cũng xuất hiện khá nhiều trong phim. Ngô Thanh Vân - giữa một vai phụ trong phim - cho biết là người chủ động xin đạo diễn cho thêm những câu thoại tiếng mẹ đẻ vào bom tấn Hollywood này.
Bối cảnh châu Á trở thành điểm cốt yếu tạo nên sự khác biệt của Kẻ Kiến Tạo với những bom tấn khoa học - viễn tưởng của Hollywood. Thiên nhiên nơi đây trở thành một tấm vải nền để đạo diễn Gareth Edwards vẽ nên những khung hình hết sức sống động, đẹp mắt và cực kỳ phù hợp với bối cảnh hậu tận thế của kịch bản. Sự xuất hiện của dàn sao gốc Á như Gemma Chan, Ngô Thanh Vân cũng làm giàu thêm tính đa dạng sắc tộc của bộ phim.
"Đả nữ" Ngô Thanh Vân xuất hiện với một vai phụ trong phim.
Kịch bản tròn trịa, giàu ý nghĩa nhưng còn khá an toàn
Một điểm giúp Kẻ Kiến Tạo chinh phục được khán giả và giới phê bình là câu chuyện trong phim được xây dựng tốt cùng một cách kể hợp lý. Kịch bản phim chịu ảnh hưởng từ những bom tấn của dòng khoa học - viễn tưởng như Kẻ Hủy Diệt, Ma Trận hay Blade Runner 2049. Hướng đi này giúp dự án vừa có một câu chuyện khá tròn trịa, được phát triển hợp lý nhưng phần nào tạo cảm giác quen thuộc, trùng lặp.
Trên hành trình tìm vợ, Joshua bị cuốn vào một hành trình mới khi phát hiện thứ vũ khí mà phe AI phát triển là Alphie - một đứa trẻ nửa người nửa máy móc sở hữu siêu năng lực điều khiển công nghệ qua suy nghĩ. Tình tiết này vốn không lạ lẫm gì với những tín đồ của thể loại phim này. Cũng vì vậy, những khán giả tinh ý có thể dễ dàng sớm đoán biết được câu chuyện Kẻ Kiến Tạo sẽ đi về đâu, được phát triển như thế nào.
Tuy nhiên, đạo diễn Gareth Edwards khéo léo lồng ghép nhiều tình tiết mang tính triết lý để nâng tầm kịch bản, giúp câu chuyện phim không bị nông cạn hoặc dừng lại ở mức hành động, giải trí đơn thuần. Xét về tổng thể, Kẻ Kiến Tạo đưa người xem đi tìm lời giải cho câu hỏi về mối quan hệ giữa con người và công nghệ. Nếu máy móc cũng có suy nghĩ và cảm xúc, nhân loại phải chăng cũng cần đối xử với chúng với sự tôn trọng, lòng trắc ẩn chứ không chỉ đơn thuần là một công cụ, đầy tớ. Liệu việc đàn áp, bạo hành với máy móc có bị xem là hành động phi nhân đạo?
Những thông điệp đó được thể hiện rõ ràng qua mối quan hệ giữa nam chính Joshua và robot Alphie. "Liệu cháu có được lên thiên đường không?", bé gái người máy hỏi khiến chàng điệp viên cũng phải bối rối mới nghĩ ra câu trả lời. Hay cách anh giải thích với Alphie khi giết các đồng loại của cô rằng đó chỉ là "tắt máy", chứ không phải "chết". Những chi tiết nhỏ đó phần nào giúp Kẻ Kiến Tạo trở thành một tác phẩm khoa học - viễn tưởng không chỉ giàu tính giải trí mà còn có chiều sâu, khơi gợi suy nghĩ của người xem. Tuy nhiên, việc lồng ghép các tư tưởng triết lý phần nào cũng khiến phần lời thoại trong phim đôi chỗ tạo cảm giác khá giả tạo, cliché.
Kỹ xảo ấn tượng, diễn xuất tròn trịa của dàn diễn viên
Ngay sau khi ra mắt, Kẻ Kiến Tạo đã nhận cơn mưa lời khen từ khán giả và giới phê bình về khâu hình ảnh trong phim. Sau hàng loạt dự án ra đời bị chê trách vì quá ẩu về kỹ xảo, Hollywood bây giờ mới giới thiệu thêm một dự án khoa học - viễn tưởng được thực hiện chỉn chu đến như vậy. Thậm chí, nhiều nhà phê bình quốc tế nhận xét đây là một trong những bộ phim có phần hình ảnh và kỹ xảo xuất sắc nhất từ đầu năm đến nay, là ứng viên nặng ký cho các hạng mục về kỹ thuật cho mùa Oscar tới.
Các robot trong phim xuất hiện rất chân thực, có biểu cảm và cử động rất hợp lý. Một điểm trừ nhỏ ở đây là ekip chưa thực sự sáng tạo trong khâu tạo hình, không giới thiệu được một cá thể người máy nào ghi lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Một điều ấn tượng là ekip Kẻ Kiến Tạo thực hiện được điều đó với ngân sách chỉ khoảng 80 triệu USD, rất khiêm tốn nếu đặt lên bàn cân so sánh với những bom tấn cùng thể loại.
Diễn xuất của dàn diễn viên chính cũng là một điểm sáng của Kẻ Kiến Tạo. Sau Tenet, John David Washington cho thấy bản thân rất hợp với những vai điệp viên mà cuộc sống luôn bị đặt ở ranh giới giữa sống và chết. Trong dự án lần này, anh phải thể hiện hành trình biến đổi suy nghĩ từ một kẻ chỉ coi máy móc là công cụ cho đến khi nhận ra đó là những thứ quý giá cuối cùng đối với mình. Diễn viên nhí Madeleine Yuna Voyle cũng có màn hóa thân ấn tượng khi vào vai đứa bé robot Alphie. Nhờ gương mặt thánh thiện và lối diễn hồn nhiên, nhân vật chiếm trọn spotlight trong những phân cảnh đẩy cảm xúc lên cao trào của phim.
Chấm điểm: 4/5
Kẻ Kiến Tạo là một dự án khoa học - viễn tưởng đáng xem bậc nhất của Hollywood trong những năm gần đây. Việc chọn châu Á làm bối cảnh chính phần nào giúp đem đến nhiều điểm mới mẻ cho bộ phim. Đạo diễn Gareth Edwards đã hoàn thành nhiệm vụ một cách khi đem đến một bom tấn chỉn chu về hình ảnh, tròn trịa về nội dung. Dù chưa đủ sức để vươn lên tầm kinh điển, tác phẩm như một làn gió mới trong thể loại dường như đã bị các nhà làm phim quốc tế vắt kiệt này.