The Flash: Bộ phim "bỏ thì thương, vương thì tội" của DC

The Flash hài hước và cảm động, nhưng xem xong khán giả vẫn chưa thể biết Vũ trụ Điện ảnh DC sẽ đi về đâu.

The Flash giống một dự án bỏ thì thương, vương thì tội của nhà DC. Hãng phim muốn xóa bỏ những tàn tích do Zack Snyder xây dựng suốt gần 1 thập kỷ qua và giao trách nhiệm xây dựng vũ trụ điện ảnh mới cho James Gunn. Nhiều dự án đã bị xóa sổ ngay sau quyết định táo bạo này. Lúc đó, The Flash đã hoàn thành phần ghi hình và trong giai đoạn hậu kỳ. Hãng DC và Gunn sau đó thống nhất hoàn thành tác phẩm để phát hành. Sau đó không lâu, đến lượt nam chính Ezra Miller vướng loạt rắc rối đời tư khi bị bắt vì các tội đánh người, gây rối trật tự công cộng.

The Flash: Bộ phim bỏ thì thương, vương thì tội của DC - Ảnh 1.

Gấp đôi The Flash, gấp đôi sự hài hước

The Flash là bom tấn đầu tiên của nhà DC sau khi James Gunn nắm quyền tiếp quản vũ trụ điện ảnh này. Dù không trực tiếp chỉ đạo sản xuất, đạo diễn The Suicide Squad kiên quyết thuyết phục hãng phim giữ lại dự án, mặc cho những lùm xùm đời tư của nam chính Ezra Miller. Bộ phim có nhiều điểm tương đồng với phong cách làm phim của Gunn, hài hước, tếu táo, màu sắc rực rỡ và đặc biệt đem cho người xem nhiều cảm xúc bất ngờ.

Siêu anh hùng The Flash đưa khán giả quay ngược thời gian và khiến toàn bộ Vũ trụ Điện ảnh DC đảo lộn trong bộ phim riêng của mình. Dù đã được Batman (Ben Affleck đóng) cảnh báo, anh vẫn quyết tâm dùng siêu tốc độ để trở về quá khứ thử cứu mẹ. Tại đây, nhân vật chính của chúng ta chạm mặt một Barry Allen khác, người chưa nhận được năng lực đặc biệt từ sấm sét.

The Flash: Bộ phim bỏ thì thương, vương thì tội của DC - Ảnh 2.
The Flash: Bộ phim bỏ thì thương, vương thì tội của DC - Ảnh 3.

Thành công cứu gia đình khỏi tai họa, The Flash vướng vào rắc rối khi sức mạnh của anh vô tình bị truyền sang cho phiên bản Barry ở quá khứ này - vốn đang là cậu sinh viên ngổ ngáo, nghịch ngợm. Anh không thể dùng siêu tốc độ để trở về dòng thời gian của mình. Cùng lúc đó, tướng Zod cùng bình đoàn đổ bộ xuống Trái Đất để truy tìm Kal-El (Superman). The Flash giờ mới nhận ra vũ trụ nơi anh đến không có sự bảo hộ của biệt đội Justice League. Không có sức mạnh, anh đi tìm Batman (phiên bản của Michael Keaton đóng) để nhờ giúp đỡ.

Ezra Miller thể hiện khả năng diễn xuất đa dạng khi hóa thân cùng lúc hai phiên bản trưởng thành và “trẻ trâu” của Barry Allen. Hai nhân vật là người tạo nên những phân đoạn hài hước suốt - điểm sáng lớn nhất của bộ phim. Ở hiện tại, Barry là chàng trai hướng nội, luôn rụt rè sau biến cố mất mẹ, cha đi tù. Trong khi đó, phiên bản trẻ lại là cậu nhóc lớn lên trong vòng tay phụ huynh, có phần hư hỏng vì được nuông chiều quá mức. Hai tính cách đối lập gặp nhau và tạo nên một cặp thú vị trên màn ảnh, giống mô-típ “buddy film” quen thuộc được Hollywood sử dụng nhiều trong các bộ phim hài - hành động.

Mảng hài được làm dày thêm với màn tái xuất của tài tử gạo cội Michael Keaton trong vai Batman. Ở vũ trụ này, Bruce Wayne không phải chàng tỷ phú hào hoa và luôn biết cách giải quyết mọi việc bằng trí tuệ siêu việt cùng gia tài khổng lồ của mình. Ông là một siêu anh hùng hết thời, đã bỏ công việc cứu thế và sống như một gã chán đời tại lâu đài bỏ hoang của mình.

Ngập tràn chi tiết chiều fan, nhiều khoảnh khắc cảm xúc

Một điều The Flash làm thành công là những chi tiết để chiêu đãi người hâm mộ trong phim. Mượn câu chuyện dòng thời gian bị thay đổi, hãng DC đưa khán giả trở lại với những nhân vật, phân đoạn từ thời DCEU của Zack Snyder. Hàng loạt siêu anh hùng từ đội Justice League như Batman (Ben Affleck), Wonder Woman (Gal Gadot) có mặt trong phim. Những vai diễn khách mời này chắc chắn tạo được sự thích thú cho cộng đồng người hâm mộ truyện tranh DC.

Ekip cũng đưa thêm vào phim nhiều phiên bản khác biệt của họ, đặc biệt có Kara Zor-El - người trở thành Supergirl sau này. Sự tái xuất của Michael Keaton trong vai Batman là một trong những điều không thể không nhắc đến với các fan DC. Nam diễn viên 71 tuổi vẫn vô cùng duyên dáng và phong độ khi khoác lên bộ giáp của Người Dơi. Những chi tiết giàu hoài niệm này giống như những món quà nhà sản xuất dành cho những khán giả trung thành đã ủng hộ nhiều năm qua.

Dù tràn ngập các cảnh cameo và fan service, The Flash vẫn hoàn thành tốt khâu phát triển câu chuyện chính của phim. Barry Allen bị thôi thúc với khát khao trở lại quá khứ cứu mẹ và có một tuổi thơ trọn vẹn hơn. Anh chàng chấp nhận mạo hiểm đánh cược sinh mệnh cả vũ trụ để làm điều đó vì vốn cuộc sống cô độc hiện tại không có nhiều điều khiến anh vương vấn.

Câu chuyện về gia đình Barry Allen trong phim khơi gợi nhiều cảm xúc cho người xem. Đây cũng là điểm mấu chốt để giải quyết mọi nút thắt trong kịch bản. Ở The Flash, hành động Barry thay đổi vị trí của hộp sốt cà chua cùng cái ôm đầy cảm thông với mẹ anh là những điều giúp cứu cả vũ trụ, chứ không phải những siêu anh hùng như Batman hay Supergirl.

Cốt lõi kịch bản The Flash là một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, truyền đi thông điệp con người đừng nên sống trong những nỗi đau quá khứ mà hãy coi đó là hành trang, bài học để hướng tới tương lai. Một chủ đề có thể coi là khá phù hợp với bối cảnh DC trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thời kỳ của Zack Snyder và James Gunn.

Dài dòng và kỹ xảo thiếu thuyết phục

Việc xuất hiện nhiều cameo mang đến cả lợi ích và tác hại cho tổng thể bộ phim. Quá nhiều nhân vật xuất hiện khiến thời lượng bị kéo dài đến 144 phút cùng rất nhiều cảnh thừa thãi. Rất may mắn,The Flash là một trong những tác phẩm hiếm hoi của Vũ trụ Điện ảnh DC có mạch phim nhanh cùng nhiều tình tiết giải trí, hài hước. Nếu không, những người không phải fan hâm mộ của hãng có thể ngủ gật vì sự dài dòng này.

Một điểm trừ khác của The Flash là khâu kỹ xảo, thứ được sử dụng ở gần như 90% các cảnh phim. Trong thể loại siêu anh hùng, những nhân vật có tốc độ nhanh như Barry Allen luôn là "mỏ vàng" để các nhà làm phim khai thác để tạo nên những cảnh CGI ấn tượng. Tuy nhiên, các phân cảnh khoe sức mạnh của anh ở trong phim phần nào khiến khán giả nhớ đến những trò chơi điện tử từ hàng chục năm trước. Chúng càng trở nên lạc quẻ khi được đặt cạnh những cảnh người đóng được ghi hình bằng máy quay công nghệ hiện đại.

Phần hành động trong phim cũng không đặc sắc. Các màn phối hợp giữa hai Flash hoặc Batman, Supergirl không tạo cảm giác nhuần nhuyễn, đẹp mắt. Những cảnh rượt đuổi, tẩu thoát khỏi nguy hiểm của nhóm siêu anh hùng cũng được xây dựng rất thiếu cảm xúc, cao trào. Trận đại chiến ở hồi cuối cũng không có nhiều cảnh ấn tượng về mặt thị giác để người xem thực sự trầm trồ.

Chấm điểm: 3,5/5

The Flash có thể xem là một bộ phim riêng chất lượng tốt. Tuy nhiên, khi đặt nó vào Vũ trụ Điện ảnh DC, nó phần nào chưa thể thỏa mãn sự mong đợi của khán giả về một dự án đột phá, thay đổi vận mệnh của thương hiệu này. Sau những bê bối đời tư của Barry Allen, liệu nam diễn viên có tiếp tục được đồng hành cùng siêu anh hùng có vận tốc ánh sáng? Ai sẽ là người giữ vai Superman, Batman một cách lâu dài trong phim? Tương lai của The Flash và DC vẫn rất mịt mù. Tất cả vẫn chỉ là những bỏ ngỏ chưa có lời giải đáp. Dù sao, The Flash có thể xem đã thành công trong việc tạo ra một cái cớ để thay mặt, đổi tên các siêu anh hùng trong phim của DC tương lai.

Bộ phim của Ezra Miller vẫn tạo cảm giác như tác phẩm tàn dư từ đế chế của Zack Snyder để lại hơn là một sự khởi đầu cho vũ trụ điện ảnh hoàn toàn mới. Dù sao, đây cũng là lúc hợp lý để người hâm mộ DC cùng ngồi xuống và gặp lại những siêu anh hùng ưa thích của họ trong suốt 10 năm qua, trước khi chào đón những gương mặt mới đến với thương hiệu. Những điều được bật mí trong phim là Aquaman sẽ vẫn tiếp tục do Jason Momoa thủ vai và sẽ có một tài tử khác nhận trọng trách khoác lên bộ giáp Batman, không phải Ben Affleck hay Michael Keaton.

The Flash: Bộ phim bỏ thì thương, vương thì tội của DC - Ảnh 8.

Ảnh: DC