Kể từ tác phẩm đóng cặp với con trai Will Smith là Karate Kid năm 2010, Thành Long gần như không có một bộ phim chất lượng nào xem được để bỏ túi. Lời công bố nghỉ đóng phim hành động trước đó của nam diễn viên 60 tuổi lại càng làm cho mọi chuyện trở nên tệ hơn với ông. Khán giả cho Thành Long là người tiền hậu bất nhất mà cũng dần chán phong cách hành động của ông.
Trong năm nay, Thành Long đứng ra làm nhà sản xuất cho một dự án Hollywood có tựa đề là The Foreigner (Tựa việt: Kẻ Ngoại Tộc) và ấn định ngày phát hành vào dịp lễ quốc khánh Trung Quốc. Và thật may mắn cho nam tài tử, sự hợp tác với cựu đạo diễn 007 Martin Campell lần này đã cứu lại cho ông danh dự đang mất dần.
The Foreigner kể về cuộc đời của một người nhập cư Trung Quốc 60 tuổi sinh sống ở London. Ngọc Minh Quan sống độc thân, ông là chủ sở hữu một nhà hàng món Tàu khiêm tốn. Dựa vào sự ân cần của Quan dành cho con gái, khán giả biết rằng cô con gái là tất cả hy vọng còn lại của cuộc đời ông. Tuy nhiên, biến cố ập đến khi con gái Quan thiệt mạng trong một vụ nổ bom khủng bố. Mất mát quá lớn khiến Quan quyết định tự đứng lên truy lùng danh tính kẻ khủng bố mà không trông chờ vào cơ quan điều tra.
Thành Long và Pierce Brosnan
Nhìn chung, The Foreigner có thể coi là một bộ phim thuộc dòng báo thù và một bộ phim thuộc dòng này phải làm tốt hai yếu tố. Một là nhân vật chính phải có động cơ thật thuyết phục để kéo khán giả vào trong khát vọng báo thù của anh ta. Hai là cách thức anh ta làm trên con đường báo thù đó. The Foreigner về cơ bản đã làm tốt hai yếu tố đó.
Quan có một tuổi trẻ khắc khổ và dữ dội. Sau khi giải ngũ, ông quyết định đưa vợ con vượt biển đến Anh lập nghiệp. Nhưng trên đường gia đình ông bị bọn cướp biển tập kích. Hai con gái đầu của ông bị bọn chúng hãm hiếp rồi giết hại. Quan và vợ sống sót, tuy nhiên vợ ông sau đó cũng qua đời khi sinh hạ người con thứ 3.
Thời gian trôi qua, cô con gái út trưởng thành và nỗi buồn cũng cứ thế vơi đi. Nhẽ ra Quan có thể sống bình tâm nốt quãng đời còn lại nếu vụ khủng bố đó không xuất hiện như tảng băng trôi bất ngờ phá tan con tàu hạnh phúc tuổi già của ông. Với tất cả nỗi đau của mình, Quan quyết định sử những dụng kỹ năng trong quân ngũ và sức khoẻ còn lại để nhuộm đỏ cuộc đời bằng ý chí báo thù. Điều đáng chú ý là ông dùng chính phương thức khủng bố để truy tìm kẻ khủng bố.
Thành Long vốn được nhớ đến nhiều với những vai diễn hóm hỉnh, hài hước nhưng chính khuôn mặt hiền lành và phúc hậu đã giúp ông thể hiện được thần thái của một ông bố thương con hết mực. Ngoài ra, dáng đi vòng kiềng bẩm sinh của Thành Long cũng ăn khớp với hình ảnh ông bố khắc khổ, điêu đứng vì mất con.
Có những lúc, khán giả thực sự hiểu và cảm nhận được nỗi buồn trong đôi mắt sụp xuống vì thất vọng của Quan. Phong cách chiến đấu của Thành Long cũng thay đổi sao cho đơn giản hơn. Không phải là những màn phô diễn kỹ thuật nữa mà trở nên thực tế hơn, có thêm những màn đấu súng, cận chiến hoặc tấn công du kích.
Đối lập với sự miệt mài và sắt đá của Minh Quan là nhân vật Liam Hennessy do tài tử U70 Pierce Brosnan thủ vai. Lần này, cựu James Bond thủ vai một chính khách Scotland thâm trầm và điềm đạm có quá khứ khuất tất liên quan đến một tổ chức cực đoan.
Liam không phải là một nhân vật để Brosnan thể hiện được khả năng hành động của mình nhưng nó cũng giúp ông gây ấn tượng bằng vẻ ngoài lạnh lùng, bình tĩnh của một chính trị gia giàu kinh nghiệm. Liam vốn là một kẻ máu lạnh với biệt danh "đồ tể" nhưng ông đã rời khỏi tổ chức và chuyển sang con đường ôn hoà hơn, phục vụ cho xứ mệnh bảo vệ nước Scotland thống nhất.
Liam đã có thể tự lần theo con đường vụn bánh mì mà mình đã rắc ra để tìm về yên bình cho đến khi ông giẫm phải đuôi con rồng và làm nó thức giấc. Liam vừa phải chịu sự khủng bố tinh thần mạnh mẽ của Quan, vừa chịu sức ép từ tổ chức đầu não khủng bố lẫn chính phủ Anh.
Hồi 2 của bộ phim đi sâu vào nhân vật của Brosnan, mô tả sự giằng xé và nỗi bất lực của ông, chuyển hướng cảm thông và đồng cảm của khán giả vào Liam nhiều hơn. Liam từ chối bạo lực nhưng quá khứ lại liên tục gõ cửa, không để cho ông yên. Ông không phải chịu mất mát lớn lao nào, nhưng cũng lại vô cùng bế tắc trong cuộc chơi chính trị mà mình đã lỡ tham gia.
The Foreigner cũng tạo điểm nhấn bởi đề cập đến những đề tài chính trị rất nóng hiện nay. Làn sóng ly khai và cuộc khủng hoảng người nhập cư đã tạo ra chia rẽ sâu sắc trong lòng Châu Âu và reo vào mảnh đất này mầm mống của sự khủng bố. Tinh thần đại đồng, đoàn kết không biên giới bị lung lay mạnh mẽ. Trong một cuộc xung đột lớn về tư tưởng đó, những người trong cuộc nghĩ gì và đối mặt thế nào với những biến cố mà nó gây ra? Martin Campell có sở trường là miêu tả hành trình theo chân nhân vật được bao bọc bởi tình thế vĩ mô và bối cảnh lớn.
Ông lấy điểm xuất phát ở từng cá thể, cho họ đối mặt với mất mát và lấy đó làm động lực để thay đổi số phận chung, lớn lao hơn và vượt ra ngoài nỗi đau cá nhân. Với The Mask of Zorro, nhân vật chính trừng phạt kẻ phản diện với tư tưởng công lý, nhưng đồng thời cũng là hành trình báo thù kẻ giết anh trai mình. Trong Edge of Darkness, thanh tra Craven đối đầu với tổ chức tội phạm, vừa là kẻ thù của ông trong tư cách một người cảnh sát, vừa là kẻ thù của ông trong tư cách người cha có con bị giết hại.
Với The Foreigner, lại một lần nữa, nỗi đau mất người thân là động lực để nhân vật chính đứng lên đòi lại công lý. Có lẽ với The Foreigner lần này, thông điệp Martin muốn nói là: Tội ác thường đi ngang qua đầu chúng ta những lúc không ngờ nhất. Và như cánh chim đại bàng trong truyện cổ, khi bay đi bao giờ chúng cũng quắp theo thứ gì đó. Hành chính của Quan chính là tìm ra cái ác và bắt nó phải trả giá.