Trở lại 11 năm trước, khi tập đầu tiên phát sóng, The Hunger Game lập tức trở thành hiện tượng phòng vé với doanh thu gần 700 triệu USD toàn cầu, đồng thời trở thành bậc thang giúp Jennifer Lawrence trở thành siêu sao tại Hollywood. Sau bốn tập phim, thương hiệu tưởng như đã kết thúc sau khi kể trọn vẹn câu chuyện về đấu trường sinh tồn đẫm máu và thấm đẫm nhiều triết lý nhân sinh.
Năm 2020, tiểu thuyết gia Suzanne Collins tiếp tục cho ra đời cuốn sách The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes, kể tiếp những câu chuyện về vùng đất Panem và giải thích rõ hơn nguồn gốc ra đời của đấu trường sinh tử. Các nhà làm phim Hollywood cũng không bỏ qua cơ hội để làm tiếp phần tiền truyện của The Hunger Games chính thức ra rạp từ ngày 17/11.
Thương hiệu The Hunger Games trở lại với tiền truyện về quá khứ của tổng thống Snow
Quá khứ bi thương của kẻ phản diện độc ác bậc nhất vũ trụ The Hunger Games
Kịch bản lần này xoay quanh nhân vật chính Coriolanus Snow (Tom Blyth đóng), người sau này trở thành Tổng thống Snow - nhân vật phản diện chính của thương hiệu phim. Bối cảnh là thời kỳ đen tối của Panem sau chiến tranh và những người điều hành thủ đô tìm cách để trừng phạt các quận lân cận qua trò chơi đấu trường sinh tử.
Khán giả được giới thiệu về quá khứ của Coriolanus, cậu con trai duy nhất trong một gia đình quyền lực của vùng đất thủ đô. Tuy nhiên, sau khi cha anh qua đời, cả nhà rơi vào tình trạng túng quẫn đến mức không đủ ăn trong khi vẫn cố gắng thuê một dinh thự sang trọng để giữ danh dự. Quyết tâm vực lại vị thế gia đình, Coriolanus học hành chăm chỉ với hy vọng nhận học bổng từ chính quyền để đổi đời.
Khi đã tự tin mình là ứng viên sáng giá nhất, kế hoạch của Coriolanus đổ bể vì hiệu trưởng Casca Highbottom (Peter Dinklage thủ vai) - người vốn có mối thâm thù với cha anh - thay đổi chính sách, tìm kiếm chủ nhân của học bổng bằng việc thử thách các học viên trong vai trò cố vấn của những thí sinh tham gia đấu trường năm đó. Vốn là người không có quan hệ, Coriolanus bị chỉ định hướng dẫn Lucy Gray Baird (Rachel Zegler đóng), một cô gái chân yếu tay mềm đến từ quận 12.
Rachel Zegler trong vai nữ chính Lucy Gray Baird
Trong hành trình hướng dẫn “gà cưng”, Coriolanus nảy sinh tình cảm với Lucy. Từ đó, anh dần tìm cách vừa kiếm học bổng vừa bảo vệ nàng thơ của mình. Tuy nhiên, quyết định đó phần nào đẩy cuộc đời chàng thanh niên nhiều tham vọng vào một ngã rẽ không ngờ tới.
Đối với những người hâm mộ của The Hunger Games, câu chuyện về quá khứ của kẻ phản diện độc ác bậc nhất của thương hiệu chắc chắn sẽ mang đến nhiều điều thú vị. Với phần thể hiện xuất thần và nhiều cảm xúc của Tom Blyth, nhân vật này hiện lên đầy sống động và đa dạng màu sắc. Khán giả vừa thấy cảm thông với khát khao vươn lên của anh trong một xã hội đầy rẫy bất công và nhiễu nhương. Đồng thời, đôi khi, họ cũng thấy rợn người khi thấy chính tham vọng đó biến anh thành một kẻ mưu mô, nham hiểm và sẵn sàng lợi dụng những người yêu yêu thương mình nhất chỉ để đạt mục đích.
Thời lượng quá dài nhưng càng về cuối càng hấp dẫn
Với thời lượng 2 tiếng 45 phút, The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes là tác phẩm dài nhất của thương hiệu tính đến nay. Bộ phim được chia làm 3 chương rõ ràng, được kể một cách liền mạch theo thứ tự thời gian tuyến tính. Hai chương đầu xoay quanh xuất thân của Coriolanus Snow và quá trình anh hướng dẫn Lucy Gray Baird tìm cách sinh tồn trong đấu trường sinh tử.
Trong khi đó, chương cuối cùng xoay quanh mối quan hệ của anh với cô nàng phóng khoáng, yêu tự do đến từ quận 12. Từ đó, nhà làm phim cũng đem đến câu trả lời vì sao chàng trai trẻ lương thiện năm nào lại có thể trở thành một tên độc tài máu lạnh sẵn sàng dùng mạng người như những quân cờ chính trị trong tay mình.
Hai chương đầu tiên của phim khiến người xem gợi nhớ tới tập đầu tiên của The Hunger Games với câu chuyện cô gái thiện lành bị đẩy vào một cuộc chơi đẫm máu. Tuy nhiên, ekip The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes khó có thể tái hiện những cảm xúc choáng ngợp cho khán giả khi lần đầu tiên được bước vào một thế giới giả tưởng nhưng thấm đẫm màu sắc phê phán xã hội thực tế này.
Điểm sáng của phim chính ở chương cuối, khi câu chuyện thoát khỏi mô-típ The Hunger Games quen thuộc để mở rộng ra thế giới của những quận bên ngoài thủ đô. Chuyện tình giữa Coriolanus và Lucy đầy chất thơ, gợi nhớ những áng văn cực kỳ cảm xúc về dân tộc Gypsy mà người ta chỉ thường được nghe đến qua những con chữ trên sách vở.
Cũng giống các tác phẩm trước, điểm mạnh của The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes đến từ chính sức nặng của tiểu thuyết gốc. Nhà văn Suzanne Collins tiếp tục tạo nên một câu chuyện đầy tính thuyết phục về quá khứ của tổng thống Snow. Các nhà làm phim đã truyền tải những điều đó lên màn ảnh một cách trọn vẹn nhất trong gần 3 tiếng đồng hồ. Hướng tiếp cận này có thể chinh phục những người hâm mộ nhiệt thành của thương hiệu The Hunger Games thế nhưng phần nào khiến những khán giả khác cảm thấy quá dài dòng, đặc biệt khi phần hay nhất của phim bị đẩy xuống cuối tác phẩm.
Diễn xuất tròn trịa nhưng vẫn có điểm trừ
Một điểm sáng khác của The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes đến từ màn hóa thân xuất thần của dàn diễn viên. Tom Blyth có vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp với vai chính Coriolanus Snow. Anh thể hiện thành công quá trình biến chất của một chàng trai bản chất lương thiện nhưng những sóng gió cuộc đời đã biến anh thành một kẻ có dã tâm thâm độc và cực kỳ tàn nhẫn. Quá trình biến đổi tâm lý nhân vật diễn ra cực kỳ hợp lý, với những phân cảnh đối lập thể hiện sự tha hóa của nhân vật này.
Những diễn viên thực lực như Peter Dinklage và Viola Davis cũng có màn thể hiện ấn tượng trong phim. “Vua lùn” của Game of Thrones có một vai diễn như đo ni đóng giày cho anh. Vào vai hiệu trưởng Casca Highbottom, anh hoàn thành xuất sắc một nhân vật cực kỳ thông minh, giỏi ăn nói nhưng luôn hành động dựa trên cảm xúc của mình. Tuy nhiên, người này luôn biết những thiếu sót và lỗi lầm của bản thân, dẫn đến việc cuộc đời của hắn ta cho dù vô cùng lừng lẫy nhưng cũng không thiếu những bứt rứt, xót xa.
Trong khi đó, ngôi sao từng đoạt giải Oscar Viola Davis hóa thân tiến sĩ Volumnia Gaul, người khởi xướng trò chơi sinh tử. Nhân vật là kẻ cực kỳ tàn nhẫn, không bị cảm xúc chi phối nhưng cực kỳ trung thành với lý tưởng sống của bản thân. Chính bà cũng là người liên tục đặt ra những thử thách cho Coriolanus với hy vọng đây sẽ là người kế vị của mình, tiếp tục theo đuổi lý tưởng về một trò chơi đẫm máu có thể đem lại tôn ti, trật tự cho vùng đất Panem.
The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes có dàn diễn viên phụ dạn dày kinh nghiệm
Người gây thất vọng trong The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes đáng tiếc lại là nữ chính Rachel Zegler, một trong những ngôi sao tiềm năng nhất của Hollywood hiện nay. Dù nhận một vai diễn cực kỳ phù hợp với khả năng, hội tụ đủ cả diễn xuất và ca hát, nàng Bạch Tuyết mới của Disney lại gây thất vọng với phần thể hiện có phần lố lăng, kệch cỡm. Những phân đoạn khoe giọng của cô trong phim bị nhuốm màu sân khấu kịch quá nặng, không thoát khỏi vai diễn trước đó trong West Side Story. Cách thể hiện này của Zegler phần nào lệch tông với một bộ phim có kịch bản mang nặng triết lý và đậm màu phê phán xã hội như The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes.
Chấm điểm: 3,5/5
Nhìn chung, The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes phần nào sẽ không khiến những người hâm mộ của thương hiệu thất vọng. Với một kịch bản chặt chẽ cùng diễn xuất tròn vai của phần lớn dàn diễn viên, bộ phim tái hiện được những nét hấp dẫn nhất của vũ trụ điện ảnh xoay quanh đấu trường sinh tử với khán giả. Tuy nhiên, nếu là một người xem vãng lai, bạn sẽ cần khá nhiều sự kiên nhẫn để chịu khó ngồi trong rạp thưởng thức đến cuối cùng, cũng là phần hay nhất của bộ phim.